Bang California

Leave a Comment

 Bang California

Tôi có vài chục bài viết về Hoa Kỳ và gần một chục bài viết về bang California trong những lần đến Hoa Kỳ khoảng hơn một chục năm gần đây. Mỗi chuyến đi của tôi kéo dài khoảng một tháng (vì thời gian nghỉ phép chỉ có 21 ngày, cộng với xin phép thêm một tuần). Tuy thời gian không nhiều, nhưng vì đã theo đuổi môn Hoa Kỳ học và vì lý do gia đình nên có đôi chút hiểu biết về đất nước này. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu với anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí khái quát đôi nét ấn tượng về tiểu bang Cali.
Tôi rất ấn tượng về tiểu bang California bởi bang này là một bang được đánh giá có ảnh hưởng lớn nhất tới thế giới về mặt kinh tế, văn hóa và giáo dục. Đây là bang rộng thứ 3 của Hoa Kỳ. Địa hình bang đa dạng, núi non hiểm trở, trên bản đồ tựa như hình chữ nhật. Bang nằm bên bờ biển Thái Bình Dương và ở phía tây của Hoa Kỳ. Có nhiều cánh rừng bát ngát, những hồ lớn mênh mông, những hoang mạc chạy dài. Cali có diện tích trên 420.000 km vuông, rộng lớn hơn Việt Nam.
Là bang đông dân nhất Hoa Kỳ, khoảng 39 triệu người, có tổng sản phẩm quốc nội cao nhất Hoa Kỳ, trên 3000 tỉ đô la (số liệu thống kê của Mỹ năm 2020). Bình quân đầu người khoảng 76.000 đô. Cali nổi tiếng với nền công nghiệp nhẹ, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, giải trí và du lịch; hội tụ rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, các công ty công nghệ cao trên thế giới.
Tôi ấn tượng với bang Cali bởi bang có 35 hạt hay quận (county dịch là hạt hay quận, là đơn vị hành chính sau tiểu bang, đơn vị lớn hơn thành phố hay thị trấn và xã), với 215 thành phố (city). Bang có tới 600.000 người gốc Việt/trên tổng số 1,6 triệu người gốc Việt đang làm ăn sinh sống ở Mỹ, tập trung đông nhất ở quận Cam (phần lớn họ ra từ đi năm 1975 đến năm 1990). Nơi đây, những người thù địch với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (phần lớn là thuộc thế hệ cũ đã nhiều tuổi) vẫn được phép treo “cờ ba que”, kỷ niệm tuần cuối cùng trong tháng Tư (30/4) là tuần lễ Đen…
Cali có ngành công nghiệp điện ảnh và vương quốc giải trí khổng lồ như Hollywood, Walt Disney, các tập đoàn máy tính và công nghệ đỉnh cao của nhân loại ở Thung lũng Silicon, có đặc sản rượu vang nổi tiếng thế giới, có nhiều bãi biển xinh đẹp chan hòa nắng ấm quanh năm… Đặc biệt Cali còn có một điều khoản, theo tôi là đặc biệt nhất, hiến pháp bang đã quy định 40% tổng thu nhập của bang dành cho hệ thống giáo dục công cộng.
Tôi ấn tượng nhất với Cali chủ yếu bởi vì những nhà lập pháp bang Cali, cả thượng viện lẫn hạ viện đã thông qua một điều khoản ưu ái cho giáo dục bang đến nỗi khi viết những dòng này tôi vẫn còn ngờ vực, dù đã kiểm tra lại tư liệu. Chi tiêu cho giáo dục phổ thông của Mỹ cao nhất thế giới. Bình quân 11.000 đô cho mỗi học sinh tiểu học và 12.000 đô cho mỗi học sinh trung học trên một năm vào thời điểm 2018 (ở Việt Nam khoảng 4 triệu đồng). Ở Cali, tôi chắc số tiền chi cho giáo dục còn cao hơn nhiều so với con số 11 nghìn, 12 nghìn đô.
Hệ thống giáo dục đại học bang Cali có nhiều nét đặc biệt. Tuy số lượng các trường đại học không phải là nhiều so với số lượng dân số (300 trường đại học và cao đẳng) so với các bang khác, nhưng sự phân tầng trong hệ thống đại học và tiêu chí tuyển sinh rất rõ ràng, đơn giản; tạo điều kiện tối đa cho học sinh học hết phổ thông vào đại học và cao đẳng.
Cũng giống như 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, ở Cali học sinh không phải thi tốt nghiệp tiểu học, không phải thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Học sinh được công nhận học xong THPT cũng không phải thi vào đại học. Học sinh sau trung học phổ thông gần như được xét 100% vào hệ thống giáo dục đại học (mặc dầu vậy, tỷ lệ vào đại học trên độ tuổi học sinh trung học phổ thông của Mỹ vẫn thấp hơn ở các nước ở Bắc Âu, các nước Bắc Âu là 86%).
Có 3 hệ thống giáo dục đại học ở bang Cali. Thứ nhất là hệ thống các trường đại học nghiên cứu bang California (University of California, viết tắt là UC). Hệ thống UC có rất nhiều giáo sư, các nhà nghiên cứu đã nhận được giải thưởng Nobel và được coi là một trong những hệ thống trường đại học nghiên cứu công cộng hàng đầu của Hoa kỳ và của cả thế giới. Hệ thống UC bao gồm 10 trường đại học thành viên với 234.464 sinh viên. Các trường này nhận 10% học sinh có điểm trung bình cao nhất trong các trường THPT của bang cùng với một số tiêu chí khác (số liệu thống kê của Mỹ năm 2018).
Thứ hai là hệ thống trường đại học bang California (California State University, viết tắt là CSU). Hệ thống CSU cũng là hệ thống các trường đại học ưu việt của Hoa Kỳ và thế giới. Hệ thống CSU bao gồm 23 trường đại học thành viên với tổng số 440.000 sinh viên. Các trường này nhận một phần ba số học sinh THPT của bang có điểm cao nhất cùng với một số tiêu chí khác.
Riêng đối với học sinh theo học ngành y, bắt buộc thí sinh xin vào trường đại học y đều phải có một bằng đại học, bất kể là đại học ngành gì, chẳng hạn như nhóm ngành nhệ thuật, nhóm ngành kinh tế, nhóm ngành kỹ thuật, nhóm ngành STEM. Người Mỹ quan niệm, nếu sinh viên đã có bằng đại học học thể dục, thể thao mà theo học ngành y thì mới tạo ra những chuyên gia y tế hàng đầu trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Nếu sinh viên có bằng âm nhạc mà theo học ngành y mới tạo ra được những chuyên gia hàng đầu sử dụng âm nhạc chữa bênh. Nếu sinh viên có bằng tâm lý mà theo học ngành y thì mới tạo ra những chuyên gia hàng đầu về chữa bệnh tâm lý. Cũng như vậy, với sinh viên đã theo chuyên ngành lý, hóa, sinh thì mới tạo ra nhưng chuyên gia liên ngành hàng đầu trong lĩnh vực y tế. Ngay cả với những ngành kỹ thuật như kỹ thuật máy tính nếu học ngành y cũng tạo ra những chuyên gia sử sụng trí tuệ nhân tạo trong chữa bệnh, sử sụng robot và máy tính trong việc phẫu thuật...
Cuối cùng là hệ thống trường cao đẳng cộng đồng (California Community College). Hệ thống trường cao đẳng cộng đồng bao gồm 112 trường thành viên với 3 triệu sinh viên. Hệ thống này gần như thu nhận tất cả học sinh tốt nghiệp THPT trong bang. Hệ thống cao đẳng cộng đồng cung cấp các chương trình giáo dục mang tính tổng quát của bậc đại học (ở Việt Nam gọi là những môn chung) và những chương trình học nghề hết sức đa dạng, phong phú. Sinh viên học xong cao đẳng cộng đồng 2 năm có thể đi làm hay chuyển sang học ở các trường đại học nghiên cứu UC hoặc các trường đại học bang CSU học tiếp 2 năm để lấy bằng đại học 4 năm. Ngoài ra Califonia còn có hàng trăm trường cao đẳng và đại học tư thục. Tiêu biểu cho loại hình trường này là Đại học Stanford, Đại học Nam California, Viện Công nghệ California… Đó là những trường đại học tư thục nằm trong top đầu của Mỹ và thế giới.
Với tôi Cali còn rất nhiều điểu để khám phá. Mục tiêu của tôi đến Cali lần này là đến thăm một số trường tiểu học và trung học, một số cơ sở học tại nhà (homeschooling) lấy tư liệu để viết một vài chủ đề về giáo dục. Rất tiếc thời gian qua học sinh đã nghỉ hè, không đến được một vài nơi tôi cần đến nên theo cha mẹ các cháu rong chơi 5 điểm nổi tiếng của Cali. Thế là kết thúc một tháng trên đất người. Ngày mai tôt phải trở về với công việc của mình. Hẹn với Cali năm sau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.