Lão tướng Võ Chót

Leave a Comment

 Lão tướng Võ Văn Chót

Chục năm trở lại đây, mỗi lần Hội cựu chiến binh Sư đoàn 324 gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập sư đoàn, tôi chưa thấy lần nào Thiếu tướng Võ Chót vắng mặt (trừ hai năm Covid không tổ chức). Khi vào chương trình nghị sự giới thiệu đại biểu và phát biểu tôi nhận thấy các tướng lĩnh, kể cả Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng thường dùng cụm từ “ Kính thưa lão tướng Võ Chót”. Có hai lý do nhiều người gọi như vậy. Thứ nhất ông là người cao tuổi nhất trong số các tướng lĩnh xuất thân từ sư đoàn. Thứ hai ông là người có thời gian gắn bó lâu dài nhất với Sư đoàn 324, từ trước ngày thành lập, từ vị trí nuôi quân đến sư đoàn trưởng.
Tôi được biết qua nhiều nguồn, Thiếu tướng Võ Văn Chót sinh ra và lớn lên ở làng Hồ Mạ, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1946 khi quân Pháp tiến hành càn quét ở quê hương, kẻ địch bắt và xử bắn anh trai ông ngay tại làng. Mới 14 tuổi Võ Văn Chót đã tham gia cách mạng. Anh làm liên lạc cho Đại đội 252 ở thành phố Nha Trang. Năm 17 tuổi anh chính thức tham gia quân đội.
Cuối tháng 7/1955, Võ Văn Chót cùng đoàn quân miền Nam tập kết ra Bắc trong đội hình Sư đoàn 324. Được tổ chức phân công trọ tại một gia đình ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với dáng người cao ráo, cách sống giản dị, khéo dân vận, hay lam hay làm, chàng thanh niên Võ Chót được cả gia đình, đặc biệt là cô bé Phan Thị Nguyên mới học lớp 7 rất quý mến.
Ban đầu Võ Văn Chót là chiến sĩ nuôi quân. Hàng ngày anh đạp xe đi các chợ mua thực phẩm về cho đơn vị. Vào một buổi sáng mùa đông, Võ Chót đang chia cơm cho bộ đội thì có cô bé Nguyên 13 tuổi cõng em trai đi qua. Anh lấy một tảng cháy, kẹp một miếng thịt lợn đưa cho cô và nói: Em cầm lấy, ăn mau lớn. Sau này lấy anh làm vợ. Không ngờ câu nói đùa vu vơ đó lại được cô bé Nguyên để bụng…
Năm 1962, Võ Văn Chót tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân. Chàng Thiếu úy Võ Chót trở về thăm gia đình mình từng ở trọ. Lúc đó, cô Phan Thị Nguyên đã là sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định xinh đẹp, thông minh, lém lỉnh khiến trái tim chàng sĩ quan trẻ xao động. Hai người “tình trong” như đã thầm trao gửi lời ước hẹn. Và rồi tình yêu ngày một thắm thiết. Cuối tháng 12/1965, anh chị chính thức tổ chức đám cưới. Một ngày sau hôn lễ, anh Võ Chót trở về Trường Quân sự Quân khu 4, hoàn thành công việc để chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu.
Năm 1966 là năm bắt đầu những thử thách ác liệt trên chiến trường, nơi đối đầu một mất một còn giữa “2 phe”. Võ Chót được giao nhiệm vụ chỉ huy những đơn vị cấp phân đội, trung đội, đại đội thực hiện nhiều nhiệm vụ bí mật ở miền tây Quảng trị. Anh có khả năng nhanh chóng nắm bắt địa hình vùng rừng núi, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy chỉ sau gần hai năm ở chiến trường, đến cuối tháng 10/1967 anh đã được cấp trên điều làm Tham mưu phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1.
Mới chân ướt chân ráo về tiểu đoàn, anh Võ Chót đã xung phong chỉ huy một Phân đội Trinh sát, bí mật cắt và luồn qua hàng chục lớp rào kẽm gai, gỡ hàng trăm quả mìn vào trong cứ điểm Cồn Tiên. Anh cùng Phân đội Trinh sát thực hiện nhiệm vụ đột kích vào hang ổ bắt tù binh Mỹ để khai thác tài liệu phục vụ cho chiến dịch. Vào lúc chiều tối hôm đó, kẻ địch phát hiện được những dấu hiệu khác thường. Chúng co cụm lực lượng trong các căn cứ nửa chìm nửa nổi, dùng pháo binh bắn phá dữ dội. Anh Chót nhanh chóng chỉ huy bộ đội linh hoạt rút ra ngoài theo phương án “bị lộ”. Tuy không bắt được tù binh, nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đánh giá cao năng lực của một cán bộ chỉ huy gan dạ, xông xáo, biết trước biết sau.
Sau hơn một năm thực chiến tại Mặt trận Đường 9- Bắc Quảng trị, anh Chót đã thể hiện được tố chất của một cán bộ chỉ huy. Anh được cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 2 tin yêu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968, Trung đoàn 1 làm nhiệm vụ thọc sâu từ Vĩnh Linh, dọc theo vùng đồng bằng ven biển đến bờ bắc sông Hương để thu hút địch, chia lửa với các đơn vị bạn đánh vào nội thành Huế và chặn đường tiếp tế bằng đường sông của chúng cho mặt trận Huế. Đó là một nhiệm vụ táo bạo, vừa tiến quân vừa đánh địch. Có nhiều trận đánh rất ác liệt.
Sau Tết Mậu Thân, trên cương vị chỉ huy Tiểu đoàn 1, anh Võ chót đã chỉ huy hàng chục trận đánh quyết liệt ở vùng đồng bằng Thừa Thiên. Hơn hai tháng tiểu đoàn của anh cùng trung đoàn ban ngày thì chống càn quét, ban đêm thì hành quân di chuyển địa điểm và tập kích kẻ địch ở các địa điểm thuộc các huyện huyện Phong Điền, Quảng Điền. Đói ăn, đói ngủ, lực lượng thương vong hao hụt dần, nhưng tiểu đoàn của anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ, làm thất bại âm mưu “Tìm diệt”, “Bủa lưới phóng lao” của Mỹ ngụy.
Có lẽ trận đánh gay go quyết liệt nhất là trận anh chỉ huy Tiểu đoàn 1 và một số đơn vị Tiểu đoàn 3 phản công giải vây cho Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 90. Kẻ địch có tới 7 tiểu đoàn đã bao vây chặt Tiểu đoàn 8. Ngày đêm chúng dội bão lửa bom đạn vào vị trí của tiểu đoàn. Thương xót anh em vô cùng. Anh chọn một đơn vị cảm tử, tranh thủ màn đêm đột phá đánh chiếm được một đoạn bờ bắc sông Bồ, nhưng không thể bắt liên lạc được với cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8 trong vòng vây. Anh dẫn đơn vị rút ra trước khi trời sáng. Cả ngày hôm sau không thể chợp mắt, anh suy nghĩ các phương án để đến đêm lại cùng đơn vị vượt sông. Với sự yểm trợ của trung đoàn, lực lượng bộ địa phương và du kích, đêm hôm sau đơn vị anh đã giúp Tiểu đoàn 8 mở đường máu rút ra ngoài, đón được 56 cán bộ chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn 8 (hơn 400 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8 đã hy sinh ở Phước Yên, Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế)...
Cuối năm 1968 anh Võ Chót được cấp trên bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 1. Tháng 7/1970 anh cùng Trung đoàn 1 vây lấn đánh bại lữ đoàn dù số 3. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, một lữ đoàn Mỹ phải tháo chạy khỏi điểm cao 935 để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Tháng 3/1971, anh vừa là Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 vửa trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 2 đánh vào hướng nam cứ điểm 550. Được xe tăng yểm trợ, anh chỉ huy Tiểu đoàn 2 đánh chiếm được mục tiêu theo kế hoạch. Không dừng lại, anh quyết định cho tiểu đoàn phát triển, tấn công lên phía bắc để ngày 23/3/1971 cùng với trung đoàn1 và Trung đoàn 3 hoàn toàn làm chủ trận địa, xóa sổ Lữ đoàn dù 147 ngụy.
Ngày 24/5/1972 anh Võ Chót được cấp trên bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 trực tiếp tham gia Chiến dịch Động Tranh- Đường 12. Anh là một trong những người hùng ở Động Tranh và Đường 12. Từ đó tên tuổi của anh không chỉ gắn liền với một trung đoàn cụ thể nào mà gắn liền với cả Sư đoàn 324. Tháng 8/1973 anh được đề bạt là Tham mưu trưởng Sư đoàn 324…
Kể về cuộc đời chiến trận của Thiếu tướng Võ Chót thì phải dành cả một cuốn sách. Rất tiếc ông không viết hồi ký, mặc dù nhiều anh em đồng đội đã động viên. Anh em nói nhiều, có lần ông trả lời: “Đến viết thư cho vợ tôi cũng còn ngại. Bởi có viết thì điều kiện chiến tranh cũng ít có khả năng nhận được. Thương nhớ tôi để ở trong lòng. Chiến trận cũng như vậy, biết viết thế nào”.
Tôi may mắn bốn lần ở cùng khách sạn với ông khi Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới mời dự hội thảo, mời dự chuẩn bị và dự kỷ niệm 50 năm chiến thắng A Bia và đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia A Bia. Nhiều tối anh em chúng tôi ngồi uống nước ôn lại những kỷ niệm xưa, chuyện trò về đồng đội, chuyện trò về chiến trường đến khuya mới về phòng ngủ. Có lần tôi hỏi ông: “Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, trận đánh nào, chiến dịch nào để lại cho Thủ trưởng nhiều ấn tượng nhất”. Ông trả lời ngay “Tết Mậu Thân 1968 ở Thừa Thiên- Huế”.
Theo ông có hai lý do. Thứ nhất đó là chiến dịch gay go quyết liệt nhất, kéo dài nhất, tổn thất hy sinh nhiều nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Cho đến bây giờ hình ảnh các cán bộ chiến sĩ năm xưa vẫn thỉnh thoảng lại hiện về trong giấc ngủ. Đặc biệt là trận đánh giải vây ở Phước Yên, Quảng Thọ. Ông vẫn ân hận, “giá như ngày đó mình chỉ huy tốt hơn, giá như có thể chọc thủng vòng vây sớm một hai hôm thì có thể không chỉ đón được 56 cán bộ chiến sĩ. Giá như…” Lý do thứ hai, sau Tết kẻ địch liên tục càn quét, phong tỏa mọi đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, cán bộ chiến hy sinh hàng ngày hàng giờ. Đã thế còn phải ăn cháo rau, rau rừng, ăn măng, sắn ròng rã bao ngày. Có thể nói trong năm 1969 chúng ta thiếu thốn đến tột cùng. Nhưng thiếu thốn khủng khiếp nhất là muối, rất nhiều chiến sĩ của ta đã bị phù thũng do thiếu muối. Ông bồi hồi nhớ lại: “Một hôm tôi lên Sở chỉ huy Quân khu họp tác chiến. Tan họp, anh Lê Khả Phiêu gọi tôi vào lán, mở hòm đưa cho tôi một nửa lon sữa bò muối. Nhìn thấy nửa lon muối, tôi như bắt được vàng. Anh Phiêu căn dặn: Chú nhớ mang về chia cho bộ đội, mỗi người một vài hạt, bỏ vào lòng bàn tay liếm cho đỡ thèm”.
Anh Phiêu còn mách, ông tâm sự với tôi, ở rừng chỗ chúng tôi đóng quân có nhiều bứa. Cho bộ đội đi hái quả bứa còn xanh về thái mỏng phơi khô dùng thay muối. Chất chua trong quả bứa có thể thay thế vị mặn của muối. Bộ bộ đội ăn được cơm sẽ khỏe hơn. “Tôi về cho bộ đội dùng bứa xanh nấu canh, đúng là có hiệu quả, những cơn khát muối không còn hành hạ nữa”. Cho đến bây giờ, Thiếu tướng Võ Chót vẫn chưa quên được nửa lon sữa bò muối. Đó là kỷ niệm ông ít khi chia sẻ với người khác.
Nói về sự gian khổ, ác liệt và sự hy sinh của bộ đội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Thừa Thiên- Huế nói riêng và ở mặt trận Trị Thiên nói chung, theo Thiếu tướng Võ Chót thì không thể kể hết được. Ông luôn nhắc nhở các đơn vị quy tập liệt sĩ của Quân khu 4 phải tích cực, trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm các liệt sĩ ở rừng về. Ông cũng nhắc nhở anh em cựu chiến binh chúng tôi, có điều kiện thì hãy về chiến trường xưa tìm anh em đồng đội. Đêm hôm đó ông còn hỏi tôi: “Chú từng học lịch sử. Chú có cho rằng chúng ta nên xây dựng một tượng đài về 25 ngày đêm ở Huế”. Tôi quá bất ngờ về câu hỏi này. Ông còn đưa cho tôi xem bản vẽ tượng đài A Bia và mô hình tượng đài chiến thắng A Bia. Ông nói với tôi: “Tôi đã gửi cho quân khu 4 hai phương án mấy năm trước. Ngày mai tôi cũng sẽ gửi cho Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới hai phương án. Sắp tới họ làm được như ý anh em chúng ta thì tốt. Chưa làm được thì để sau. Tôi còn sống ngày nào thì còn có trách nhiệm với người đã mất”.
Thì ra bao năm nay Thiếu tướng Võ Chót vẫn đau đáu với anh em đồng đội, đồng chí đã nằm xuống mảnh đất này. Mong muốn anh em được trở về nghĩa trang hay về với quê hương. Là người trong cuộc, ông biết công việc này là cực kỳ khó khăn, nhưng với ông khó khăn đến mấy cũng phải làm. Hơn nữa, ông vẫn theo đuổi việc xây dựng tượng đài, trong đó có tượng đài về A Bia để tôn vinh những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Đến hôm nay tôi mới hiểu thêm về con người ông, và hiểu rõ hơn vì sao các tướng lĩnh lại gọi ông là “lão tướng”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.