Bàn về vấn đề dạy thêm và học thêm

Leave a Comment

 Bàn về vấn đề dạy thêm và học thêm

Dạy thêm, học thêm là một vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Những ngày gần đây, bắt đầu từ Báo Lao động, sau đến nhiều tờ báo khác liên tục đề cập về vấn đề “quốc nạn” đang gây xôn xao dư luận. Là một nhà quản lý giáo dục đã nghỉ hưu nhiều năm, tôi xin bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Thứ nhất, dạy thêm, học thêm là một nhu cầu khách quan của xã hội.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, dù sắp hoàn thành Chương trình cải cách giáo dục mới nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng hết nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh đó, áp lực thi cử và cạnh tranh trong xã hội ngày càng cao vào trường công lập (ngay ở thủ đô Hà Nội cũng chưa đáp ứng được 70 % học trung THCS vào THPT), vào trường đại học (vào đại học năm học 2022 mới chỉ đạt 48%) khiến nhiều học sinh có nhu cầu học thêm nâng cao kiến thức, kỹ năng để đạt được nguyện vọng của bản thân và gia đình.
Thứ hai, dạy thêm, học thêm có thể mang lại một số lợi ích nhất định.
Việc học thêm có thể giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng, bổ sung kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng giải bài tập, nâng cao khả năng tư duy, có khả năng vượt qua các kỳ thi để tiến xa hơn trên bước đường học tập. Ngoài ra, học thêm cũng có thể giúp học sinh phát huy năng khiếu, sở trường của bản thân.
Thứ ba, dạy thêm, học thêm có thể gây ra một số tác hại.
Việc học thêm quá nhiều có thể khiến học sinh bị căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Học sinh không có thời gian để tự học và sáng tạo, có thể trở thành một người “thừa hành” trong cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, dạy thêm cũng có thể gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các trung tâm và ngoại vi, giữa các vùng miền, ganh đua tiêu cực giữa học sinh, dẫn đến những hành vi ảnh hưởng đến nhân cách của cả thầy và trò.
Dựa trên Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về việc dạy thêm học thêm, Quyết định 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025 và phản ứng của phụ huynh, báo chí về việc dạy thêm, dạy liên kết trong nhà trường, tôi cho rằng cần phải có những giải pháp để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả, đảm bảo lợi ích của cả học sinh, giáo viên và xã hội.
Thông tư 17 ra đời từ năm 2012 để chỉ đạo việc dạy thêm và học thêm khi chưa cải cách giáo dục. Tới nay thông tư này không còn phù hợp nữa. Cần phải sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế, đảm bảo với định hướng giáo dục theo năng lực học sinh; không thể dạy thêm học thêm đại trà, tràn lan như hiện tại.
Cần phải tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về tác hại của dạy thêm, học thêm quá nhiều (nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm bắt nguồn từ chính tham vọng của phụ huynh học sinh).
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giáo dục, nâng cao ý thức tự học, nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, chấm dứt bệnh thành tích, đáp ứng nhu cầu học tập và nguyện vọng của học sinh.
Để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm ở Việt Nam, cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Hy vọng rằng, với những giải pháp trên, hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ được quản lý một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh.
Riêng về việc dạy thêm học thêm ngoại ngữ:
Dạy thêm học thêm ngoại ngữ là một nhu cầu chính đáng của học sinh trong thời đại hội nhập, thời đại công nghệ số. Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt trình độ ngoại ngữ chuyên ngành toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật (nhóm ngành STEM) chính là chìa khóa để mở cánh cửa đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không học thêm (hiện tại chương trình cải cách giáo dục chưa đáp ứng được) thì không thể đáp ứng được yêu cầu hoc sinh, sinh viên tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục mở của nhân loại. Cụ thể là việc tiếp cận, học trực tuyến ở các nguồn tài nguyên giáo dục mở, miễn phí đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa dạy thêm và học thêm tràn lan. Dạy thêm ngoại ngữ cần được tổ chức dưới hình thức cả ở trong trường học và ở ngoài trường học; có chương trình đạt chuẩn quốc tế, có giáo trình và giáo viên đạt chuẩn.
Về dạy thêm theo hình thức liên kết giữa nhà trường và các tổ chức, trung tâm bên ngoài nhà trường:
Dạy thêm theo hình thức liên kết là một hình thức mới xuất hiện trong thời gian gần chục năm trở lại đây. Hình thức này phát huy được mọi nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục. Đây là hình thức kết hợp công - tư ở các nước có nền giáo dục tiên tiến vẫn áp dụng. Chỉ có điều là hình thức liên kết để học sinh học thêm này là do nhà nước, các tổ chức, các nhà hảo tâm trả tiển chứ không phải phụ huynh phải trả tiền. Ví dụ ở Hoa Kỳ Tập đoàn công nghệ IBM tài trợ dạy thêm trong thời gian hè đối với tất cả các học sinh nằm trong top10 của các nhà trường tiểu học Mỹ nếu có nguyện vọng học STEM. Các công ty công nghệ như Facebook, google, Microsoft... đầu tư hàng chục triệu USD cho các nguồn tài nguyên giáo dục mở cho việc dạy học của các nhà trường. Hình thức này ở Việt Nam có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho học sinh. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng giảng dạy, tránh tình trạng dạy thêm mang tính thương mại, lợi dụng học sinh trục lợi.
Về phản ứng của báo chí và phụ huynh học sinh:
Phản ứng của phụ huynh và báo chí về việc dạy thêm, học thêm là phản ứng tự nhiên của xã hội trước một vấn đề đã, đang và sẽ còn gây bức xúc trong xã hội. Điều này cho thấy, xã hội đang quan tâm và mong muốn giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả. Theo cá nhân tôi, nhà trường cần phải bảo đảm thực hiện hết định mức giờ dạy của giáo viên hiện có để tổ chức dạy học các môn học, các hoạt động giáo dục bắt buộc, các hoạt động tăng cường, củng cố để giúp học sinh nắm vững kiến thức theo quy định của ngành giáo dục.
Khi đã thực hiện đủ, nhà trường có thể căn cứ vào nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện (theo đúng nghĩa của từ này) để tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học theo các quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm của các cấp có thẩm quyền như học tiếng Anh qua bộ môn toán, khoa học, học tiếng Anh với người nước ngoài, hoạt động trải nghiệm STEM... Khi nhà trường tiến hành liên kết, nhà trường và bên liên kết phải đảm bảo thời khóa biểu cho các hoạt động này được sắp xếp một cách khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh, hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học.
Hy vọng trong thời gian tới, đất nước ta có điều kiện đáp ứng 100% học sinh có nguyện vọng vào trường công lập, hoặc tư thục; đáp ứng 100% học sinh vào học cao đẳng và đại học giống như Mỹ và phương Tây thì việc dạy thêm học thêm như ở Việt Nam hiện nay tự nhiên sẽ triệt tiêu, chỉ còn là chuyện của quá khứ một thời. Vấn đề hiện tại là quản lý việc dạy thêm học thêm như thế nào, học những môn gì, học như thế nào để đảm bảo nhân cách của thầy và của trò nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực trong thời đại công nghiệp 4.0.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.