Thăm lại Điện Biên

Leave a Comment

 Thăm lại Điện Biên

70 năm sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, sự kiện lịch sử vĩ đại này vẫn tiếp tục được bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng thế giới. Sự kiện này vẫn tiếp tục minh chứng cho tinh thần quật cường, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong một thế giới đầy biến động. Sự kiện này cũng khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mà còn là chiến thắng mang tầm vóc thời đại to lớn, có ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện chính trị thế giới thời điểm bấy giờ và cho đến tận ngày hôm nay.
Về ý nghĩa, giá trị và bài học của chiến thắng Điện Biên Phủ, sách báo và các phương tiện thông tin đã nói đến quá nhiều. Chúng tôi không muốn nhắc lại nữa. Với những người lính chúng tôi, dù thời gian đã lùi về dĩ vãng, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam, là nguồn động lực to lớn cho thế hệ chúng tôi và cho các thế hệ mai sau tiếp tục học tập, rèn luyện và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những ngày này có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 ngày chiến thắng, chúng tôi lại có dịp quay trở lại địa danh thiêng liêng Điện Biên Phủ, có dịp tìm hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi đây ở nhiều vai khác nhau: Người viết văn, viết thơ, người cựu chiến binh, người đi du lịch…
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng cực Tây Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 500 km. Với vị trí địa lý có tầm quan trọng, Điện Biên đã trở thành một vùng đất lịch sử, văn hóa và du lịch in đậm dấu ấn của cả nước.
Điện Biên có lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng là vùng đất phên giậu phía Tây của Tổ quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử, Điện Biên đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhưng đặc biệt biệt nhất, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã diễn ra ở nơi đây, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng miền Bắc, thống nhất đất nước.
70 mươi năm đã trôi qua, Điện Biên vẫn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa quý giá. Ngoài những di tích quen thuộc như đồi A1, đồi Him Lam, đồi Độc Lập, hầm Đờ Cát... đoàn chúng tôi lần này có dịp thăm kỹ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với diện tích trên 22.000m vuông bảo tàng là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại, có giá trị về lịch sử,văn hóa và kiến trúc.
Chúng tôi cùng nhau xem lại hàng trăm hiện vật mới. Đặc biệt chúng tôi cùng chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên, được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục theo hình tròn, dài 132m, cao 20,5m. Đây quả là một bức tranh sống động và đồ sộ, một nét mới, gây ấn tượng mới trong chuyến đi này. Có thể nói Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ thật xứng đáng với tầm vóc “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những người lính chúng tôi hiểu rất sâu sắc cái giá của những trận đánh trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chiến thắng lớn cái giá phải trả càng lớn. Hàng ngàn người con ưu tú đã nằm xuống trên mảnh đất này. Hàng chục ngàn người đã để lại một phần xương máu trên mảnh đất này. Và còn biết bao nhiêu người lính nữa vì nhiều lý do chưa được quy tập về đây.
Chúng tôi bồi hồi thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1. Nghĩa trang ban đầu được xây dựng vào năm 1958, có diện tích rộng 3,2ha, nằm cách chân Đồi A1 khoảng vài trăm mét về phía Nam. Đây là nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ trong số 4020 chiến sĩ anh dũng chiến đấu hy sinh trong chiến dịch. Sau 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng vào các năm 1994 và năm 2013, Nghĩa trang quốc gia A1 đã trở thành công trình văn hóa-lịch sử, hội tụ tính trang nghiêm, bền vững, thẩm mỹ, có kiến trúc và quy mô hợp lý, phù hợp với tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh lịch sử quan trọng nhất của quân đội Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Việc viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ cho chúng tôi cơ hội để tưởng nhớ và tri ân những người lính đã đánh đổi cuộc sống và hy sinh cả tuổi xuân để bảo vệ đất nước. Những hàng mộ trắng xóa trong sương khói mờ ảo trải dài, những biểu tượng và tượng đài người lính hy sinh khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng khâm phục và tôn trọng thế hệ cha anh. Chính sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước đã viết nên bản hùng ca bất diệt này! Chúng tôi cũng bồi hồi nhớ lại bao đồng đội đã ngã xuống trong những năm tháng chống Mỹ. Từng gương mặt một thời trai trẻ lại hiện về…
Chúng tôi, những người lính, lớp người đi sau đã sống, chiến đấu và làm việc xứng đáng với những người đã nằm xuống nơi đây. Thế hệ chúng tôi đã làm tròn bổn phận của mình. 70 năm đã trôi qua, kể từ những ngày đầu chiến dịch diễn ra đến khi kết thúc, nhưng những giá trị và thông điệp tại đây vẫn còn sống mãi trong lòng những người lính, những người dân Việt Nam. Điện Biên Phủ đã chứng minh sức mạnh của tinh thần quyết tâm và đoàn kết, và là biểu tượng mãi mãi cho sự tự hào và lòng yêu nước của dân tộc.
Chũng tôi cũng có dịp thăm di tích Mường Phăng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những di tích lịch sử này đã góp phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần yêu nước của nhân dân Điện Biên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Về với Điện Biên lần này chúng tôi cũng có dịp tìm hiểu thêm về các dân tộc anh em. Điện Biên là nơi sinh sống của 21 dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa, phong tục tập quán riêng. Văn hóa Điện Biên mang đậm bản sắc của vùng núi Tây Bắc, với những nét đặc trưng như: Nghệ thuật Xòe Thái, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Thái, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội đền Hoàng Công Chất, lễ hội lớn nhất của tỉnh Điện Biên, diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội Kin Pang Then, lễ hội cầu mùa của người Thái, được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm…
Điện Biên không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Nơi đây có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những dãy núi hùng vĩ, những dòng sông uốn lượn, những thác nước trắng xóa,... Chúng tôi đến thăm hồ Pá Khoang, một hồ nước ngọt mênh mông tự nhiên nằm ở huyện Điện Biên, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Núi Pu Sam San, ngọn núi cao nhất tỉnh Điện Biên, với độ cao 2.632m, có phong cảnh hùng vĩ, hoang sơ. Thác nước Nậm Mu, một thác nước đẹp nằm ở huyện Mường Chà, có độ cao 30m, với dòng nước mát, tung bọt trắng xóa…
Bên cạnh những thay đổi, chúng tôi cũng chứng kiến cuộc sống còn rất khó khăn của đồng bào dân tộc. Thật buồn khi biết Điên Biên còn hơn 25% hộ nghèo và hơn 36% hộ nghèo ở nông thôn rừng núi. Tính đến hết năm 2023 còn tới 7447 hộ nghèo, đông con (đa số là 5, 6, cá biệt tới 9, 10 con) đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng, cần được làm mới và sửa chữa. Buồn hơn, ra ngoài thành phố, chúng tôi bắt gặp những dải đồi núi trơ trọi chạy dài, trọc lốc; không một bóng cây, ngọn cỏ. Còn đâu một thời “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Hậu quả của việc mất rừng thật khủng khiếp. Chúng tôi bắt gặp nhiều con đường bị sạt lở, nước xói mòn lầy lội, cheo leo trên bờ vực thẳm. Và thấp thoáng đâu đó là những bản nghèo với những căn nhà lụp sụp, trống huếch…
Thăm một số trường học cấp 4, lớp học tạm bợ, bàn ghế xộc xệch. Một số trường không có điểm trường. Nơi có điểm trường thì không có điện, không có nước sạch (nước được lấy từ khe suối trên núi, không có mưa trường thường không có nước), nhiều trường học chưa có điều kiện để đào lấy một cái giếng khoan…
Tôi cho rằng một số huyện nghèo ở đây điện, đường, trường, trạm còn không bằng ở huyện Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái (năm 2022 tôi có dịp công tác ở Mù Cang Chải một thời gian). Tôi băn khoăn tự hỏi mình không biết việc thực hiện cải cách giáo dục, nhất là việc chuyển đổi số và giáo dục STEM ở những nơi này sẽ như thế nào? Có lẽ đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp, vẫn còn là một mục tiêu trong tương lai.
Đúng, Điện Biên là một tỉnh giàu giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên. Những giá trị này đã góp phần làm nên bản sắc riêng của Điện Biên, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc (hơn 82% là người dân tộc thiểu số). Nhưng chúng tôi nghĩ cần phải có sự đầu tư hơn nữa của Đảng và Nhà nước về cơ sở vật chất, nhất là về cơ sở vật chất “điện, đường, trường, trạm”. Cần có sự chung tay góp sức của cả nước, của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm… Hy vọng cùng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, 5 năm nữa, chúng tôi quay lại, Điện Biên sẽ là một tỉnh có thu nhập đạt mức trung bình của cả nước.
Read More

Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân

Leave a Comment

 Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân thôn Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội

Trong những năm gần đây, tôi có dịp ba lần hành hương về đất tổ. Trước khi thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng, cũng đến thăm Đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Thế nhưng cho đến tận ngày hôm nay, khi làm việc với Ban giám hiệu Trường TH Bình Minh, cách nhà tôi khoảng 6km, tôi mới biết ngôi đền Nội thôn Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội. Ngôi đền này mới là ngôi đền gốc thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Nói chuyện với ông Từ đền Nội (ngoài đền nội là đền ngoại, đền thờ Linh Lang Đại Vương) tôi được biết từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội, đều có đoàn thủ từ của đền Hùng, Phú Thọ về dâng hương Quốc Tổ Lạc Long Quân. Đoàn thủ từ nơi đất tổ xin rước chân nhang hương án đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc Tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch.
Vây mà cho đến bây giờ tôi mới được biết Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân tọa lạc tại thôn Bình Đà. Có thể nói Đền/Đình là một trong những địa điểm lịch sử và văn hóa quan trọng không chỉ riêng của Bình đà mà còn là địa điểm lịch sử và văn hoá dân tộc Việt. Đền được xây dựng để tưởng nhớ và thờ cúng Lạc Long Quân, vị vua hùng cường và là một trong những người cha của dân tộc Việt.
Đền/Đình Nội Bình Đà gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Sau khi chia tay, Lạc Long Quân đến đất Bảo Đà, nay là Bình Đà, cách biển không xa (thời đó biển tiến) , truyền cho các con dừng chân dựng trại. Thấy thế đất lục long chiêu hội, bốn phương màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, Lạc Long Quân bèn chọn nơi đây để xây dựng cơ nghiệp: Đánh đuổi thú dữ, làm nhà, dạy dân cày cấy, trồng dâu, nuôi tằm, lấn biển, khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi.
Khi Quốc Tổ về trời, ngài được các vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà. Để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội cùng bức đại tự Tổ Dân Bách Việt (Vi Bách Việt Tổ) để thờ cúng.
Thăm đình Nội, tôi được biết về bức phù điêu, tục truyền bức phù điêu Quốc Tổ Lạc Long Quân của đền Nội có nguồn gốc từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự "Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ”. Người cũng đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này. Năm 2015 Bức phù điêu này được Chính phủ công nhận là bảo vật văn hóa đặc biệt của Quốc gia.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1032, Vua Lý Thái Tông tổ chức lễ hội Tịch Điền đầu tiên tại cánh đồng làng Bình Đà: “Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động Giang cày ruộng tịch điền”. Vua cho dựng Đài Quan Canh để vua trực tiếp làm lễ tế Thần Nông. Sau đó, vua trực tiếp xuống ruộng cày ba đường. Nối tiếp sau vua, các hoàng thân quốc thích cũng cày mỗi người 16 đường.
Tháng 10/1959 Bình Đà còn vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Điều đặc biệt là Bác đã xuống tận ruộng thăm hỏi nông dân thu hoạch lúa mùa tại chính thửa ruộng được cho là nơi năm xưa vua Lý Thái Tông cày Tịch Điền. Bác xem kỹ khoảng cách giữa các khóm lúa và đếm số bông trong khóm lúa, số hạt ở một bông lúa và khen bà con thâm canh tốt…
Suốt 600 năm qua tại đền Nội, có 18 vị vua của các triều đại đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc Tổ. Các triều đại đã suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”: “Lý triều hiến sắc/ Thành tổ tiên vương/ Nhất bảo bách noãn/ Sinh hạ bách thần/ Hộ quốc cứu dân/ Vạn xuân an lạc”. Năm 2010, nhân dịp Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đền Nội được Nhà nước và thành phố Hà Nội đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, bề thế trong khuôn viên 10.000 m2, mang đậm bản sắc phương Đông.
Tôi được các cụ trong ban quản lý đền cho biết hội Bình Đà xưa thường bắt đầu từ ngày 24/2 Âm lịch và kết thúc vào ngày 7/3 Âm lịch. Có thể nói đây là một lễ hội rất dài ngày (độc giả nào muốn biết trong những ngày hội dân làng tiến hành những hoạt động gì có thể xem trong Từ điển Bách khoa mở Wikipedia hoặc Hương ước Bình Đà). Năm nay UBND huyện Thanh Oai đứng ra tổ chức lễ hội từ ngày 1/3 Âm Lịch đến ngày 7/3 Âm lịch.
Việc tổ chức tế lễ thì cũng tương tự như các lễ hội lớn. Nhưng tục làm bánh Thánh, rước và thả bánh là một nghi thức khá đặc biệt. Từ xa xưa công việc làm bánh Thánh phục vụ lễ hội chỉ được giao cho dòng họ Nguyễn Văn. Đây là dòng họ có chức sắc và được sự tín nhiệm của dân làng từ bao đời trước. Công việc làm bánh Thánh rất khắt khe và nghiêm ngặt. Công việc này chỉ được giao duy nhất cho một người trong họ. Từ bao đời nay, công việc chỉ được truyền tiếp cho người con trưởng trong gia đình dòng họ và đặc biệt không được truyền lại cho người ngoài. Trước và trong thời gian lễ hội người làm bánh phải giữ mình thật thanh tịnh.
Điều độc đáo là vật liệu dùng để đun bánh không phải là củi từ những cây gỗ khô hay bất cứ vật liệu nào mà phải là cây tre chết dóc, tức cây tre già chết khô trong bụi. Đây là một công việc hết sức khó khăn vì những cây tre già thường nằm giữa những bụi tre to mà không phải bụi tre nào cũng có. Những vị thuốc làm nhân bánh không ai được phép biết trong đó gồm những gì, nhưng đó là những vị thuốc Bắc bí truyền. Thả xuống giếng bao nhiêu cặp bánh thì ngay cả vợ con người làm bánh cũng không ai được biết. Tôi cố gặng hỏi một ông đã từng là chủ tế, ông từ chối: “Thiên cơ bất khả lộ ông à”.
Cá nhân tôi cho rằng, tục thả bánh Thánh này có liên quan đến tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Bánh dày tròn tượng trưng cho Dương. Thả xuống giếng Ngọc tượng trưng cho Âm. Bánh chìm xuống là sự biểu trưng cho Thiên và Địa giao hòa. Các lễ vật trong lễ hội thường tương ứng với 100 người con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ.
Ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch là ngày chính hội, giờ khắc thiêng điểm. Sau một hồi trống chiêng, bánh Thánh được rước ra giếng Ngọc. Bánh được để trong đài đậy kín và có tấm vải đỏ phủ kín đài bánh. Kiệu rước bánh có lọng, tàn, quạt che hầu hai bên. Nhạc trống chiêng cùng phường bát âm reo vui đưa đám rước bánh tới bên giếng. Tại giếng Ngọc đã quây sẵn một khung để thả bánh Thánh. Mọi việc đều diễn ra trong mật truyền. Không ai được trực tiếp nhìn thấy chiếc bánh có hình thù, màu sắc như thế nào. Họ chỉ cảm nhận qua lớp vải bọc chiếc bánh. Khi bánh Thánh được thả xuống giếng, ông chủ tế đều phải đọc một câu thần chú đặc biệt, để bánh chìm xuống ra được tới thủy cung. Bánh Thánh thả tại giếng Ngọc mang rất nhiều ý nghĩa. Thả bánh xuống giếng như là vật lễ thiêng tế 100 người con của Quốc Tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ theo cha mẹ khai phá những miền đất mới…
Lễ hội cổ truyền Bình Đà được tổ chức hàng năm thể hiện niềm tin, nhớ về nguồn cội dân tộc. Tất cả người dân Bình Đà và khách hành hương đều tin Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Đức Thành hoàng Linh Lang Đại Vương sẽ phù hộ cho dân làng, cầu cho con người bình yên, mạnh khỏe, sống lâu, lúa tốt, của nhiều…
Đến thăm Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và dự lễ hội, tôi được trải nghiệm không chỉ vẻ đẹp kiến trúc của đền đá cổ kính mà còn cảm nhận được sự thiêng liêng và tôn nghiêm của nơi này. Tôi được chiêm ngưỡng bức tượng Lạc Long Quân đang ngồi trên ngai vàng, với vẻ mặt trang nghiêm và truyền cảm. Tôi được thắp hương và cầu nguyện cho quốc thái dân an, gia đình yên bình… Trong không gian yên tĩnh và tâm linh, tôi cảm thấy một trường gì đó thật thánh thiện, thiêng liêng. Tôi cảm nhận được cả một chiều dài lịch lịch sử và tín ngưỡng hàng ngàn năm của dân tộc như được trải ra… Lễ hội Bình Đà đúng là một điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về cội nguồn lịch sử và văn hóa của dân tộc.
Read More

Đến Kim Liên, một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long

Leave a Comment

 Đền Kim Liên, một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long

Nói đến Thăng Long Tứ trấn, tôi đã đến thăm, tìm hiểu về ba ngôi đền thờ thần của 3 trấn; còn một trấn là Đền Kim Liên tôi chưa có dịp ghé qua. Sáng hôm nay, có công việc ở Trường Tô Hoàng. Hơn 9 giờ xong việc. Thời gian còn sớm, lần đầu tôi tới Đền/Đình Kim Liên, hay còn gọi là Đền Cao Sơn.
Đền tọa lạc tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa (Thăng Long Tứ trấn đã có từ thời vua Lý Thái Tổ. Các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành đều được các triều đại tôn các vị phúc thần bảo trợ, che chở. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ trấn phía Đông. Đền Voi Phục thờ thần Linh Lang Đại Vương trấn phía Tây. Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ trấn phía Bắc. Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn Đại Vương trấn phía Nam). Khi đặt chân đến Đền Kim Liên, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng của ngôi đền này.
Đền Kim Liên được xây dựng trên một khu đất cao, bao quanh bởi những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Cổng đình được xây dựng theo kiểu nghi môn, với hai trụ biểu sừng sững uy nghi. Bước qua cổng đình là một khoảng sân rộng dẫn đến tòa đại bái. Tòa đại bái cổ kính 5 gian quay về hướng nam với những mái ngói cong cong, uốn lượn. Kết cấu của đền theo hình chữ Đinh (T). Các chi tiết trang trí trên mái đình được chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật của thời Nguyễn.
Bên trong tòa đại bái là hậu cung nơi thờ thần Cao Sơn, vị thần trấn giữ phía nam kinh thành Thăng Long. Hai bên cạnh thần có hai nữ thần thờ phối. Tượng thần Cao Sơn được đặt trên một bệ cao, uy nghi. Hai bên gian thờ là những bức tranh miêu tả về cuộc đời và chiến công của vị thần.
Tương truyền Thần Cao Sơn là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sinh ngày 16/3 Âm lịch. Thần là 1 trong 50 mươi người con theo mẹ lên núi, sau trở thành bộ tướng của Sơn Tinh. Thần Cao Sơn được coi là Thần thượng đẳng tối linh đã phù trợ, giúp giữ yên nhà nước Văn Lang, đánh bại quân giặc Ân. Thần còn có công phù trợ Vua Lê Tương Dực dẹp yên nạn chuyên quyền ngoại thích…
Di sản quý báu của Đền Kim Liên còn tấm bia đá đồ sộ mang tên “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh”. Bia cao 2,43m, rộng 1,57m. Tấm bia ghi thần tích và ngợi ca Thần do Sử thần Lê Tung soạn năm canh ngọ, Hồng Thuận thứ 3 (1510) và được dựng lại vào năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772). Hiện tại Đền còn lưu giữ 39 đạo sắc phong của các triều đại về thần.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất khi đến thăm đình Kim Liên là không khí yên bình và tĩnh lặng thấm đẫm mùi hương trầm và hương của các loại hoa. Dường như mọi thứ ồn ào náo nhiệt của phố thị đều bị bỏ lại bên ngoài cổng đình. Có một trường “thần thánh” vô hình khiến người ta phút chốc vứt bỏ bao bụi bặm của trần thế. Khi bước vào trong, tôi cảm thấy như thời gian quay ngược trở về với nhịp sống chậm rãi của quá khứ, của một kinh thành Thăng Long xa xưa thủa nào…
Đến với Đền Kim Liên không chỉ là đến với một di tích lịch sử văn hóa quan trọng, mà còn là đến một địa điểm tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan và cầu nguyện. Đến đây, tôi không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính, được tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của kinh thành Thăng Long mà còn được thắp một nén hương tưởng nhớ một vị thần, được tận hưởng một khoảng thời gian yên tĩnh, được cảm nhận một trạng thái nhập tĩnh rất khó tả của bản thân mình.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.