Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Pek

Leave a Comment

 Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Pét (16/5/1974 - 16/5/2024) và Lễ đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đăk Pek

Đoàn cựu chiến binh chúng tôi tập trung tại Nghệ An để đi dự Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Pét và Lễ đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đăk Pek tại huyện Đăk Glei, Kon Tum. Dẫn đầu doàn là Đại tá Hồ Hữu Lạn, một trong hai trung đoàn trưởng chỉ huy trận đánh nổi tiếng vào Chi khu Quân sự quân lỵ Đăk Pek vào ngày 16/5/1974.
Lần này chúng tôi không đi đường A Lưới, theo con đường năm xưa hành quân cơ giới tiến về Đăk Pek mà đi từ Huế, vì còn dự tiệc giao lưu với đoàn đại biểu quốc hội Thừa Thiên-Huế.
Chủ trì lễ kỷ niệm là Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc huyện Đăk Glei. Tới dự buổi lễ có đông đảo đại biểu chính quyền, các ban ngành tỉnh Kon Tum, các huyện trong tỉnh và đông đảo nhân dân huyện Đăk Glei. Về dự còn có đông đảo cựu chiến binh tham gia trận đánh thuộc nhiều nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Với các cựu chiến binh, đây là dịp trở về gặp gỡ anh em đồng đội, gặp gỡ với quân và dân huyện Đăk Glei năm xưa tại huyện đội Đăk Glei để cùng chung niềm vui sau 50 mươi năm. Từng đoàn, từng đoàn cùng quân và dân huyện Đăk Gglei hân hoan tay bắt mặt mừng, cùng hàn huyên bao kỷ niệm cũ. Mọi người bước vào cổng nhà rông, đi giữa hai hàng cồng chiêng rộn rã đón chào trong tiếng nhạc truyền thống Tây Nguyên. Đúng là một ngày hội tưng bừng giàu cảm xúc!
Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đắk Pek diễn ra rất long trọng, hoành tráng, ấm áp tình quân dân, tình đồng đội. Diễn văn, phát biểu của chính quyền, đoàn thể đều ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân trong chiến thắng Đắk Pek; tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trước đó ban tổ chức còn tiến hành các cuộc gặp mặt riêng với cựu chiến binh tham gia trận đánh Đắk Pét, tiến hành lễ tri ân liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ Đăk Glei, gặp gỡ các bà mẹ anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; thăm bảo tàng Kon Tum. Ấn tượng nhất là hội trại của thanh niên tất cả các xã phường trong huyện Đăk Glei. Đêm đến, bên ánh lửa trại bập bùng trai gái các dân tộc đánh cồng chiêng, say mê nhảy múa… Một thời trai trẻ hào hùng sống động hiện về trên cao nguyên đầy nắng gió.
Lễ đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đắk Pét bắt đầu với việc đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Kong Tum đọc Quyết định công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đắk Pét; trao bảng di tích lịch sử cấp quốc gia Đắk Pét và cam kết bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử Đắk Pét của Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei, Doàn thanh niên huyện Đăk Glei.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đắk Pét là sự kiện trọng đại, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Lễ đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đăk Pek là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Glei nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung. Đây là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử. là địa chỉ đỏ du lịch cho hiện tại và tương lai.
Xin chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum đã tổ chức thành công sự kiện Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đắk Pét và Lễ đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đắk Pek! Đoàn cựu chiến binh Hà Nội chúng tôi đến chúc mừng Đại tá Hồ Hữu Lan Hồ Hữu Lạn, vị chỉ huy xuất sắc của Trung đoàn 3 Sư đoàn 324. người đã cùng tập thể cán bộ chiến sỹ góp xứng đáng trong trận đánh hợp đồng bình chủng vẻ vang này.
8h00 ngày 16/5/1974, quân ta đồng loạt tấn công. Sau 4 giờ chiến đấy anh dũng, kiên cường, cụm cứ điểm Đăk Pek hoàn toàn bị tiêu diệt. Trung đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh chiếm tất cả các mục tiêu theo kế hoạch của Ban chỉ huy mặt trận giao cho; được tặng thương Huân chương Chiến công hạng nhất, góp phần giải phóng 2 huyện, khai thông đường Đông Trường Sơn, mở ra tuyến vận chuyển chiến lược cho chiến trường miền Nam, góp phần giải phóng Tây nguyên vào tháng 3/1975.
Vị Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn năm xưa nay đã 86 tuổi, trong niền vui và tự hào ông vẫn nói với anh em đồng đội:
- Không có chiến thắng nào là dễ dàng cả. Ít người biết được chúng ta đã không thành công, hay thất bại 3 lần đánh vào Đăk Pek. Đó là vào năm 1968, năm 1970 và năm 1972. Đặc biệt trận đánh vào Đăk Pek năm 1972, 151 chiến sỹ đã hy sinh, hàng trăm chiến sỹ bị thương. Có những mũi tiến công chỉ còn một người sống sót… Kẻ địch đã tuyên truyền “chỉ khi nào dòng sông Pô Kô chảy ngược, gà trống đẻ trứng thì Đăk Pek mới bị thất thủ”... Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ, cân nhắc các phương án chiến đấu, lập sa bàn bàn giao đến từng tiểu đoàn, từng đại đội, trung đội hàng tháng trước trận đánh…
Tôi biết trước trận đánh, phân đội trinh sát và Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 8 Lê Xuân Huynh đã hy sinh anh dũng bên bờ suối Đăk Pek. Chính điều đó khiến Đại tá Hồ Hữu Lạn vẫn day dứt trong nhiều năm. Năm 2015 ông cùng anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 về thăm gia đình anh Huynh. Mẹ anh lúc đó 93 tuổi, bị mù lòa vì thương nhớ con. Mẹ chỉ có mong muốn được đưa con trở về quê nhà.
Trước chuyến đi này, Đại tá Hồ Hữu Lạn đã làm việc với chính quyền huyện Đăk Glei trả lại tện Trung đoàn 3, Sư 324 thay cho Đoàn Bạch Đằng, tên mật danh của trung đoàn khi vào mặt trận Tây Nguyên. Còn những liệt sỹ của Trung đoàn 3 ở nghĩa trang liệt sỹ Đăk Glei thì vẫn chưa có tên. Ông đã nhiều lần tìm về mảnh đất này với bao thỉnh nguyện với các cấp. Vậy mà đến giờ vẫn chưa được toại nguyện.
Tôi biết điều này đã làm Đại tá không có được niềm vui trọn vẹn. Ông nói với anh em đi trên xe khi trở về:
- Tôi sẽ còn quay trở lại đây. Tên của các anh vẫn còn trống ở nghĩa trang tôi vẫn chưa yên lòng. Tôi biết sẽ còn rất nhiều trở ngại. Nhưng tôi tin rằng sau lễ kỷ niệm này, tên của các anh sẽ được trả lại để tô thắm thêm lịch sử của trung đoàn.
Read More

Người Giẻ Triêng ở Kon Tum

Leave a Comment

 Người Giẻ Triêng ở Kon Tum

Đoàn chúng tôi được anh Phạm Bình Vương, chuyên viên Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Kon Tum mời đến một nhà hàng bên cạnh cầu Đăk Pek bắc qua con suối Đăk Pek. Tôi chắc không phải vô tình anh Vương mời chúng tôi đến địa điểm này, vì anh là người tiếp nhận các bài viết trong hội thảo về chiến dịch Đăk Pek diễn ra vào cuối tháng 8 năm 2023, trong đó có bài tham luận của Đại tá Hồ Hữu Lạn và bài viết của tôi. Con suối này đã gắn liền biết bao kỷ niệm về một chiến dịch, và đã đi vào tâm tưởng của hàng trăm cựu chiến binh Trung đoàn 3, Sư 324.
Đón tiếp chúng tôi còn có một số anh chị em người Giẻ Triêng, phóng viên đài truyền hình, báo và những người có liên quan đến đến việc quy tập 21 liệt sỹ Trung đoàn 3 đã hy sinh trong những ngày chiến dịch bắt đầu đến khi kết thúc. Chúng tôi hiểu bây giờ không còn là lúc truy tìm nguyên nhân tại sao các liệt sỹ Trung đoàn 3 lại trở thành liệt sỹ vô danh, mặc dầu vào năm 1974, đơn vị đã bàn giao cho địa phương rất đầy đủ vị trí hồ sơ của từng liệt sỹ.
Chuyện đã qua rồi đổ lỗi cho tập thể, cá nhân nào đó liệu còn có ích gì với thực tế. Tôi chủ động trình bày khái quát một số điểm căn bản về chiến dịch Đăk Pek, trả lời các câu hỏi của các phóng viên, trong đó có nhận xét về cuộc sống đổi thay của người dân tộc sau 50 năm trở lại. Thay mặt anh em tôi chia sẻ: “Ngày trước nơi ăn chốn ở, đời sống của người dân vô cùng cơ cực. Làm gì có đường, làm gì có trường học, làm gì có trạm y tế. Cuộc sống người dân tộc du canh du cư… Nằm mơ cũng không thể hình dung ra bây giờ có một thị trấn mang dáng dấp hiện đại đẹp như tranh dưới chân những ngọn núi thuộc thung lũng Đăk Glei.
Chúng tôi chuyển sang chủ đề cuộc sống của người dân tộc thiểu số, người Giẻ Triêng ở Kon Tum; nét đẹp văn hóa độc đáo và những khó khăn của người dân tộc cần được các cấp quan tâm. Anh em cựu chiến binh Hà Nội có sự quan tâm riêng, kết nghĩa với Trường Tiểu học Kim Đồng; tặng quà, sách vở, xe đạp hàng năm cho học sinh; giới thiệu về chuyển đổi số trong giáo dục…
Trong buổi giao lưu, tôi hỏi anh Thông, anh A Gô về những ngôi nhà rông, những ngôi nhà dài vài chục gia đinh, biểu tượng văn hóa của người Giẻ Triêng cùng với việc bảo tồn những ngôi nhà này như thế nào. Được biết nhà rông thì vẫn còn đó với các bản làng người dân tộc. Nhà rông vẫn là nơi diễn ra các nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng và thể hiện giá trị tinh thần của tộc người. Nhưng nhà dài thì bắt đầu mai một vì vào những năm 1990 chúng ta có chủ trương tách hộ, bỏ nếp sống cộng đồng trong những ngôi nhà dài quây quần quanh ngôi nhà rông. Tôi thật không hiểu tại sao lại có chủ trương phá bỏ nếp sống có từ hàng ngàn năm của người các dân tộc nơi đây. Còn gì là bản sắc tộc người nữa?
Tôi hỏi các anh về các lễ hội truyền thống xưa có còn phát huy và được bảo tồn không. Anh A Gô cho biết lễ hội thì vẫn phong phú và đa dạng, gắn liền với chu kỳ sản xuất nông nghiệp và tín ngưỡng, tiêu biểu như lễ cúng Giàng, lễ ăn cơm mới, lễ cúng nhà rông,... Trong các lễ hội, âm nhạc vẫn được sử dụng với nhiều loại nhạc cụ truyền thống như cồng, chiêng, kèn, những nhạc cụ tạo nên âm hưởng độc đáo, thể hiện niềm vui, nỗi buồn và tâm hồn người Giẻ Triêng. Còn về ăn mặc qua tiếp xúc thực tế, chúng tôi thấy đa số vẫn giữ trang phục truyền thống, nhất là ở lớp người có tuổi. Vải may được dệt thủ công, màu sắc sặc sỡ, hoa văn tinh tế, thể hiện bản sắc riêng tộc người. Nam để tóc ngắn, thân ở trần hoặc mặc tấm áo khoác ngoài chéo qua vai. Họ đóng khố và đeo vòng cổ. Phụ nữ để tóc dài, quấn sau gáy, mang vòng tay và vòng cổ. Họ không mặc áo mà mặc váy dài, cao sát nách. Đây là lối mặc vừa là váy, vừa là áo, một đặc điểm rất khác biệt của phụ nữ Gié Triêng… Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy, do ảnh hưởng của đời sống hiện đại, lớp trẻ bắt đầu thay đổi, bắt đầu Kinh hóa trang phục.
Nói đời sống của người dân tộc có sự thay đổi to lớn, nhưng nhìn chung điều kiện kinh tế người Giẻ Triêng còn khá hạn chế. Người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp như bao đời nay. Đời sống còn nhiều thiếu thốn. Về giáo dục, xã nào cũng có trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh được bao cấp, cấp gạo, tiền, sách giáo khoa, giấy bút nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học cao, mặt bằng trình độ dân trí thấp.
Tôi có buổi làm việc với cô Hà Phương, Hiệu trường Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú huyện Đăk Glei nên biết được nguyên nhân vì sao người dân tộc được đặc biệt ưu đãi về giáo dục nhưng học sinh vẫn bỏ học. Lý do thì nhiều. Tựu trung lại là do nhận thức, trình độ kinh tế, tập quán. Các em phải lao động từ khi còn nhỏ, còn phải lấy vợ, lấy chồng theo tập tục… Và còn một lý do nữa là trường sở quá xa nhà, đường xá đi lại rất vất vả…
Anh Vương cho đoàn chúng tôi biết tại Việt Nam người Giẻ Triêng là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Dân số khoảng trên 63.000 người theo điều tra dân số năm 2019, chủ yếu sống tại miền núi tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Rất tiếc chúng tôi không có thời gian theo lời mời đến thăm làng cổ Đăk Rơ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Giẻ Triêng; thăm nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo; thưởng thức những món ăn đặc trưng như cơm lam, gà nướng, rượu cần,...
Vì có thời gian sống với người dân tộc, tìm hiểu về một số dân tộc miền Trung-Tây Nguyên nên tôi hỏi han kỹ về người Giẻ Triêng, cũng là dịp để đoàn hiểu thêm về đặc điểm kinh tế của một tộc người mà hầu như anh em cựu chiến binh trong đoàn không biết. Người Giẻ Triêng ở Đăk Glei sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy. Ngoài ra họ còn săn bắn, đánh cá, hái lượm các loại rau rừng, hoa quả, nấm dùng làm thức ăn. Họ có nuôi trâu, bò, lợn, gà nhưng chủ yếu để dùng vào lễ tết, chứ không chăn nuôi sản xuất hàng hóa.
Người Giẻ Triêng đều có họ kèm theo tên. Họ của đàn ông khác với họ của đàn bà. Theo anh Vương, người Giẻ Triêng không hẳn theo chế độ phụ hệ, cũng không hẳn theo chế độ mẫu hệ, có thể nói ở tình trạng trung gian giữa mẫu hệ và phụ hệ. Theo tục lệ cũ, con trai khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà rông, khoảng 13-15 tuổi thì cà răng (cưa ngắn hàm răng) và sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân. Khi xây dựng gia đình việc lựa chọn ở nhà chồng hoặc nhà vợ được cha mẹ hai bên tôn trọng (có trường hợp họ luân phiên ở nhà chồng và nhà vợ, nhiều anh em đùa nếu được làm rể người Giẻ Triêng thì sẽ chọn lối sống này).
Chúng tôi được biết thêm trước khi lập gia đình, con trai phải biết đan lát, biết đánh cồng chiêng. Các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải. Các cô phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới. Không may khi người chồng chết, người vợ theo tục nối dây. Có thể chọn người trong gia đinh như anh em, chú bác người khuất làm chồng. Hoặc có thể chọn bất kỳ người con trai nào trong dòng tộc làm chồng. Hiện nay chính quyền, đoàn thể vận động bỏ tục này. Riêng tôi phản đối việc phá bỏ. Giữ lấy tục này, nếu người phụ nữ góa tìm được người yêu trong dòng tộc. Nếu “không chọn được chồng” trong dòng tộc thì khuyến khích chọn ở dòng tộc khác. Như vậy chẳng tốt cho người phụ nữ hơn sao?
Tóm lại, trong khoảng thời gian ngắn ngủi, đoàn cựu chiến binh chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ rất đáng nhớ. Chúng tôi biết được nguyên nhân vì sao các liệt sỹ Trung đoàn 3 và hầu hết các liệt sỹ ở nghĩa trang liệt sỹ Đăk Glei không có tên. Được gặp gỡ giao lưu với các phóng viên đài báo, đặc biệt là giao lưu với anh chị em người Giẻ Triêng, chúng tôi phần nào thấy được cuộc sống của người dân tộc ở đây còn nhiều khó khăn, tuy nhiên họ vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa độc đáo.
Cá nhân tôi cho rằng cần phải có sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng để giúp tộc người này phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Read More

Thành phố Vinh, nơi giao thoa giữa giá trị lịch sử văn hóa và du lịch

Leave a Comment

 Thành phố Vinh - Nơi giao thoa giữa giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch

Tôi đã đến Nghệ An nhiều lần: Nghỉ ở khu nghỉ mát Cửa Lò, thăm quê Bác, thăm chợ Vinh, nhà ga vinh, cầu Bến Thủy, nhà thờ Nguyễn Xí… Hiểu biết về Nghệ An còn hạn chế. Đến Nghệ An lần này, chúng tôi được vợ chồng Đại tá Hồ Hữu Lạn, vợ chồng bạn Nguyễn Thế Tài đưa đi khám phá và giới thiệu những đường phố chính của thành phố; thăm Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh, Công viên trung tâm, bãi biển cửa Lò, cửa Hội…
Cá nhân tôi bắt đầu có cái nhìn tổng quan về xứ Nghệ nói chung và về thành phố Vinh nói riêng. Thành phố Vinh, thủ phủ tỉnh Nghệ An, vốn mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch độc đáo, thu hút du khách thập phương. Nơi đây được ví như vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng đã góp phần làm rạng danh đất nước.
Về mặt lịch sử, Vinh là một trong những vùng đất có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử. Nơi đây ghi dấu những dấu ấn của các nền văn hóa Đại Việt, nhà Nguyễn và của cả thời kỳ Pháp thuộc.
Thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, nổi tiếng nhất là Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nghệ An và Vinh còn là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Nguyễn thị Minh Khai...
Về văn hóa, Vinh mang đậm bản sắc văn hóa của xứ Nghệ, với những làn điệu dân ca ví giặm ngọt ngào, những điệu hò sông Lam réo rắt, những lễ hội truyền thống đặc sắc như: lễ hội Cờ Đỏ, lễ hội Đền Cuông,... Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Thành cổ Vinh, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, nhà thờ họ Phan Đình Phùng,... Vinh cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, góp phần tạo nên nền giáo dục và khoa học phát triển của tỉnh Nghệ An.
Về du lịch, Vinh có nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như: biển Cửa Lò thơ mộng, Bãi Lữ huyền bí, đảo Hòn Ngư hoang sơ, khu di tích Kim Liên - nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,...
Chúng tôi đều đã biết đến những món ăn đặc sản như: bánh mướt, cháo canh, mực nhảy. Từng được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí như: tắm biển, lặn biển, leo núi, câu cá,... Nhưng đặc biệt lần này, bạn Nguyễn Thế tài đã đưa chúng tôi đi thăm tổng thể Cửa Lò. Là một thị xã thuộc thành phố Vinh, nổi tiếng với những bãi biển đẹp và hoang sơ. Nơi đây được mệnh danh là "thiên đường biển" của xứ Nghệ. Cửa Lò có nhiều bãi biển đẹp như: biển Cửa Lò, biển cửa Hội, Xuân Hải. Chúng tôi được ngắm nhìn dòng du khách tắm biển, lướt ván, chèo thuyền, khu phố VinWonder cửa Hội mang bản sắc văn hóa phương Tây, cầu cửa Hội; thăm những ngôi làng đông đúc, những cánh đồng trù phú dọc dòng sông Lam bình yên thơ mộng; thăm ngôi nhà và vườn cây tuyệt vời của vợ chồng anh Nguyễn Thế Tài và cả dinh thự đồ sộ của một vị quan chức vừa rời bỏ chính trường…
Về du lịch, tành phố Vinh và Cửa Lò là những điểm đến du lịch di sản hấp dẫn với những giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch độc đáo. Đến với Vinh và Cửa Lò chúng tôi đã có những trải nghiệm khó quên. Đặc biệt là cửa Hội, viên ngọc xanh của xứ Nghệ, là một điểm đến du lịch biển đầy hứa hẹn với những ai yêu thích sự hoang sơ, yên bình và thanh tĩnh. Nơi đây sở hữu bờ biển dài, cát trắng mịn, nước biển trong xanh cùng những hàng phi lao rì rào trong gió, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Chúng tôi thỏa sức tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ và hòa mình vào thiên nhiên.
Xin cảm vợ chồng Đại tá Hồ Hữu Lạn! xin cảm ơn vợ chồng bạn Nguyễn Thế Tài! Nghệ An và thành phố Vinh đẹp hơn rất nhiều vì sự thân thiện, hiếu khách, sự hiểu biết, nhiệt tình của những con người tuyệt vời.
Read More

Thăm phòng lưu niệm kỷ vật chiến tranh của Đại tá Hồ Hữu Lạn

Leave a Comment

 Thăm Phòng lưu niệm kỷ vật chiến tranh của Đại tá Hồ Hữu Lạn

Tôi đến nhà Đại tá Hồ Hữu Lạn trước vài ngày Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đăk Glei tổ chức kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Pek (16/5/1974 - 16/5/2024) và đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đăk Pek. Đại tá là một trong số hai trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy đánh trận Đăk Pek nổi tiếng, khai thông tuyến đường Trường Sơn tại cực bắc Tây Nguyên, và ngay sau đó là Chiến dịch Thượng Đức, tạo điều kiện tiền để để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.
Tôi đến chúc mừng Đại tá Hồ Hữu Lan tại thành phố Vinh, người đã 3 lần trực tiếp chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trong 3 chiến dịch và sau đó góp phần vào việc đề xuất, chuẩn bị hồ sơ để nhà nước công nhận 3 địa điểm, cụm địa điểm là di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia (còn một địa điểm 935-Cốc Bai đang được nhà nước xét duyệt). Nếu được xét duyệt tiếp thì Trung đoàn 3 Sư 324 đã đóng góp tới 4 di tích lịch sử cấp quốc gia. Nếu tôi không nhầm thì trong lịch sử các trung đoàn của quân đội nhân dân Việt Nam, chưa có trung đoàn nào vượt qua được thành tích và vinh dự trên. Thành tích và vinh dự này thuộc về quân và dân các địa phương, trong đó có vai trò của Trung đoàn 3 Sư 324 và cá nhân đại tá Hồ Hữu Lạn.
Đại tá Hồ Hữu Lạn là một cán bộ huy bản lĩnh, có năng lực, mưu trí và sáng tạo, từng tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch ác liệt của Sư đoàn 324 anh hùng. Với hơn 40 năm gắn bó với các đơn vị từ chiến sỹ đến sư đoàn trưởng, tham mưu phó Quân khu 4, ông đã có cơ hội chứng kiến và trải nghiệm trực tiếp sự anh dũng, kiên cường của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 và một số dơn vị khác. Sau chiến tranh, và đặc biệt trong những năm gần đây, ông dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật chiến tranh của đồng đội, đồng chí, của Trung đoàn 3 và Sư 324.
Thăm phòng lưu niệm của Đại tá Hồ Hữu Lạn tôi vô cùng xúc động. Ông dành một căn phòng để trưng bày những kỷ vật. Bước vào phòng lưu niệm, ngay trước mắt tôi là bàn thờ Tổ quốc và hình ảnh Bác Hồ kính yêu, vị Tổng tư lệnh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp.
Bên trái phòng lưu niệm là hình ảnh các cán bộ sư đoàn 324, hình ảnh các trung đoàn trưởng. hình ảnh các cán bộ chỉ huy trung đoàn. Bên phải là hình ảnh có liên quan đến cá nhân ông cùng với những bản đồ tác chiến các trận đánh của Trung đoàn 3. Ở chính giữa căn phòng là hàng trăm tập ảnh, hình ảnh, tư liệu, hiện vât, đặc biệt là có một số tác phẩm, tài liệu, sách báo chuyên luận về các chiến dịch, các trận đánh của chính phía kẻ thù. Trong số đó có tấm ảnh của Thiếu tướng, Tiến sỹ khoa học Benjamin L. Harrison, nguyên chỉ huy Lữ đoàn Dù 3, Sư Dù 101, Sư đoàn tinh nhuệ bậc nhất của Quân đội viễn chinh Mỹ hai lần đối đầu trực tiếp với Sư đoàn 324. Ông ta đã đề tặng tấm ảnh cho Thiếu tướng Chu Phương Đới, Tư lệnh Sư đoàn 324 với dòng chữ: Kính tặng Ngài Chu Phương Đới, một chiến binh lỗi lạc trong hai trận đánh A Bia và 935- Cốc Bai với tất cả lòng chiêm ngưỡng, kính trọng. Kẻ thù ca ngợi Tướng Chu Phương Đới hết mức, vậy mà đến giờ ông vẫn chưa được phong tặng danh hiệu anh hùng! Thật khó hiểu!
Bộ sưu tập kỷ vật của Đại tá Hồ Hữu Lạn vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm tư liệu về các chiến dịch, các trận đánh; hình ảnh vũ khí, trang bị: súng, bom, đạn, dao găm, ba lô, mũ, bình nước,... chụp ở chiến trường, hình ảnh chỉ huy các cấp, ảnh đồng đội, đồng chí, danh sách hơn 300 cán bộ chiến sỹ hy sinh trong hai chiến dịch Đăk Pek và Thượng Đức,... Tài liệu nhật ký chiến tranh, thư từ, bản đồ, báo cáo,... Vật dụng cá nhân: sổ tay, bút viết,...
Mỗi kỷ vật của ông đều mang đến cho đồng đội và cá nhân tôi một câu chuyện lịch sử riêng, gắn liền với những chiến công oanh liệt và sự hy sinh to lớn của tập thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 nói riêng và Sư đoàn 324 nói chung.
Đại tá Hồ Hữu Lạn đã tâm sự với anh em đồng đội, với cá nhân tôi, thông qua những kỷ vật này, ông muốn trân trọng, gìn giữ ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà ông và đồng đội đã tham gia từ giữa những năm 1960 đến 30/5/1975. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những ký ức về chiến tranh, về lịch sử trung đoàn, sư đoàn và về những đồng đội hy sinh sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong lòng vị Trung đoàn trường và những người lính. Bộ sưu tập kỷ vật còn là minh chứng cụ thể, sinh động cho những chiến công oanh liệt của Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 và là lời nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống "Đoàn kết, kỷ luật, dũng cảm, sáng tạo" của quân đội ta.
Bộ sưu tập kỷ vật của Đạ tá Hồ Hữu Lạn và của các cán bộ chiến sỹ thuộc Sư 324 còn là một tư liệu để chỉnh lý lại Lịch sử Trung đoàn 3, Lịch sử Sư đoàn 324. Vì những cuốn lịch sử viết trong giai đoạn trước chưa bao quát được đầy đủ những sự kiện, những con người đã từng làm nên lịch sử trung đoàn, sư đoàn. Việc bổ sung, chỉnh lý lịch sử là việc làm bình thường ngay cả đối với lịch sử của một dân tộc. Bộ sưu tập của ông cũng là nguồn tham khảo cho những nhà nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu, các học viện, trường sỹ quan và những người viết kịch bản, đạo diễn chiến tranh tham khảo…
Tôi đánh giá rất cao về ý nghĩa giáo dục của bộ sưu tập đối với con cháu và đối với thế hệ trẻ. Bộ sưu tập kỷ vật là nguồn tài liệu quý giá để giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, ý thức xây dựng bảo vệ đất nước cho con cháu và thế hệ mai sau.
Bộ sưu tập cũng là nguồn gắn kết tình đồng đội, là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm giữa các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Nhờ vậy, họ có cơ hội gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm và chia sẻ những câu chuyện về chiến tranh.
Bộ sưu tầm cá nhân của Đại tá Hồ Hữu Lạn còn là một phần quan trọng trong kho tàng lịch sử của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 anh hùng. Đây là nguồn tài liệu quý giá không chỉ để nghiên cứu về chiến tranh và giáo dục mà còn thể hiện sự trân trọng, gìn giữ ký ức về chiến tranh và tình cảm gắn bó giữa các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 Sư đoàn 324.
Thăm phòng lưu niệm của Đại tá Hồ Hữu Lạn tôi đã đề cập đến vấn đề bảo quản bộ sưu tập một cách cẩn thận để lưu giữ cho thế hệ mai sau. Tôi cũng chia sẻ với ông nên tổ chức các buổi trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập để giáo dục cho các trường học xung quanh khu phố và trong thành phố về lịch sử chiến tranh, về truyền thống anh hùng của quân đội. Nên khuyến khích các cựu chiến binh đóng góp thêm những hiện vật và chia sẻ những kỷ vật…
Tôi cho rằng bộ sưu tầm cá nhân của Đại tá Hồ Hữu Lạn và bộ sưu tập của nhiều cán bộ chiến sỹ trong quân đội là một phần trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đất nước. Xin cảm ơn Đại tá Hồ Hữu Lạn đã cho tôi một buổi chiều ấn tương, đầy ý nghĩa để tôi và các đồng đội sống lại một thời oanh liệt.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.