Buổi giao lưu tác giả tác phẩm: Những nẻo đường thời gian, những vị tướng tôi từng được biết

Leave a Comment

 Buổi giao lưu tác giả, tác phẩm: Những nẻo đường thời gian, những vị tướng tôi từng được biết

Buổi giao lưu tác giả, tác phẩm tại Thư viện Quân đội 83 Lý Nam Đế đã khơi gợi trong tôi những cảm xúc sâu sắc về tình đồng đội, về những năm tháng chống Mỹ vô cùng gian nan và hào hùng của dân tộc. Tôi rất xúc động trước tấm lòng của Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu khi dành tặng hàng ngàn cuốn sách cho Thư viện Quân đội phân phối tới thư viện quân đội trong toàn quốc. Tôi rất xúc động khi tác giả dành tặng hàng trăm cuốn sách cho bạn bè, dồng chí, đồng đội và người thân. Tôi cũng rất xúc động về những chia sẻ chân thực về tác giả, tác phẩm của GS Nguyễn Đình Chú, Ts Lê Doãn Hợp, Ts nhà văn Lê Thành nghị, PGS Ts Nhà văn Nguyễn Thế Kỳ cùng nhiều học giả, tướng lĩnh, nhà văn trong ngoài quân đội.

Phần đông khách mời là các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các văn nghệ sĩ, các tướng lĩnh, đồng đội cựu chiến binh và những người thân trên nhiều phương diện. Riêng đại diện anh em cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên chúng tôi hẹn nhau đến sớm một chút để gặp gỡ, trao đổi và thăm thú thư viện được xem là là thư viên hàng đầu của quân đội.

Thật vui mừng khi gặp lại Thủ trưởng, Thiếu tướng Lê Huy Mai, tác giả cuốn Hồi ký Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương xứ Huế. Thật vui mừng gặp lại Lão Tướng Võ Chót, người được các sĩ quan cao cấp nhất và mọi người trong hội trường rất kính trọng, người chỉ còn vài tháng nữa là bước sang tuổi 90, người cũng sắp ra mắt cuốn Hồi ức Những nẻo đường chiến trận. Cũng rất vui gặp anh em đồng đội sau nhiều năm xa cách!

Chúng tôi đều thật sự ngưỡng mộ năng lực của Trung tướng, Nhà văn nguyễn Mạnh Đẩu. Từ một người lính (Ông tham gia quân đội năm 16 tuổi, viết di chúc cho gia đình năm 20 tuổi) dũng cảm trên các chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa thiên, chiến trường Tây Nam và Chiến tranh biên giới phía Bắc, ông đã trở thành một vị tướng và trở thành một nhà văn đích thực với 12 tác phẩm ở cái tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy”, để lại nhiều tác phẩm có giá trị.

Với tôi, trừ tác phẩm Những vị tướng tôi từng được biết mà hôm nay mới cầm trên tay thì hầu hết các tác phẩm của ông tôi đã đọc vào mùa hè năm ngoái, khi ông đến nhà và tặng tôi 2 cuốn Thẳm sâu miền ký ức và Nguyễn Mạnh Đẩu- Tác phẩm do Nhà xuất bản Quân đội và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. Tôi cũng đã đọc nhiều bài viết của ông không đưa vào sách trên Facebook. Tôi rất ấn tượng với nội dung, đề tài, văn phong của ông và đã viết một tiểu luận “Đọc tác phẩm Thẳm sâu miền ký ức của Trung tướng Nguyễn Mạnh đẩu” trong trang Facebook này.
Chúng tôi trân trọng cơ hội được gặp gỡ và giao lưu với nhiều nhân vật một thời là những người lính. Buổi giao lưu là một món quà tinh thần vô giá. Không khí ấm áp, thân tình bạn bè, đồng đội làm sống dậy bao kỷ niệm, sự có mặt của đông đảo các vị khách quý và người thân đã tạo nên một không gian tràn đầy tình cảm trong hội trường. Đặc biệt những câu chuyện mà Trung tướng chia sẻ về việc mặc quân phục hay không, việc mặc quân phục Trung tướng vẫn kính thưa các Thủ trưởng (vì ở phía dưới hội nghị có những người từng là Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng ngày trước trong chiến trường), những câu chuyện ông chia sẻ về cuộc đời mình, về tình đồng đội, đã khiến tôi thật xúc động.

Hai cuốn sách "Những nẻo đường thời gian" và "Những vị tướng tôi từng được biết" là những tác phẩm có giá trị hiện thực, giá trị lịch sử và văn học. Qua những trang sách của ông, chúng ta hiểu hơn về thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ hào hùng của dân tộc và về những con người anh hùng. Hai cuốn sách sẽ góp phần đem lại giá trị nhận thức và giá trị giáo dục về lòng yêu nước sâu sắc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu được và trả lời được câu hỏi vì sao chúng ta thắng đế quốc Mỹ. Đó là một cống hiến nữa của ông với tư cách là một Nhà Văn.

Một lần nữa xin cảm ơn Trung tướng, Nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu! Buổi giao lưu hôm nay với chúng tôi như một chuyến tàu thời gian trở về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Tôi đã được nghe những câu chuyện xúc động về cuộc đời một người lính, một nhà văn, một nhân cách. Với tôi tác giả không chỉ là một vị tướng, ông còn là một nhà văn, nhà thơ. Những tác phẩm của ông đã góp phần làm giàu thêm cho kho tàng văn học Việt Nam.
Read More

Triển lãm cây cảnh nghệ thuật chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô

Leave a Comment

 Triển lãm cây cảnh nghệ thuật chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô

Việc tổ chức trưng bày triển lãm cây cảnh nghệ thuật trong Festival Sinh Vật Cảnh Hà Nội lần thứ nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội, 65 năm ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây là một sự kiện có rất nhiều ý nghĩa. Đây không chỉ là sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mà còn là dịp để người yêu cây cảnh cả nước và công chúng cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng của thủ đô và đất nước.

Tôi được Câu lạc bộ Cây cảnh Triều khúc và các nghệ nhân, các tác giả có tác phẩm tham gia triển lãm mời dự nhiều sự kiện có liên quan. Có thể nói việc chọn lọc, huy động 1014 cây cảnh tiêu biểu của các nghệ nhân, các tác giả, các nhà vườn ở thủ đô và của hơn 50 tỉnh thành là sự thành công, sự nỗ lực lớn của ban tổ chức trong hoàn cảnh con bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía bắc, trong đó có Hà Nội. Đây là sự kết hợp giữa nghệ thuật với lịch sử. Con số 1014 cây cảnh khiến cho người ta nhớ đến cách đây 1014 năm, Vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Đại La, lấy tên là Thăng Long; khởi đầu cho một chương mới trong quá trình xây dựng và phát triển hơn một ngàn năm của Hà Nội.

Việc lựa chọn 70 tác phẩm tiêu biểu nhất để tượng trưng cho 70 năm giải phóng Thủ đô là một cách làm sáng tạo, giúp người tham gia hồi tưởng, cảm nhận được khí thế hào hùng và sôi nổi của đoàn quân giải phóng từ chiến khu trở về giải phóng thủ đô: “Năm cửa ô tiến về Hà Nội vang tiếng quân ca”. Mỗi tác phẩm cây cảnh tiêu biểu là một bối cảnh, một chủ đề, một câu chuyện riêng, một dấu ấn riêng biệt của các tác giả, nhưng tất cả đều nằm trong bối cảnh thay đổi và phát triển vượt bậc của Hà Nội và của đất nước qua bao năm tháng.
Triển lãm không chỉ giới thiệu những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp mà còn thể hiện tài năng, sự sáng tạo của các nghệ nhân thủ đô và đất nước. Đây không chỉ là cơ hội thu hút đông đảo người yêu cây cảnh cả nước mà còn là dịp để gắn kết cộng đồng. Thông qua hoạt động văn hóa này, công chúng thủ đô và khắp cả nước có dịp thưởng thức những tác phẩm với tiêu chuẩn của cái đẹp: “Cổ, kỳ, mỹ, văn”; đồng thời tìm hiểu về một nét văn hóa truyền thống của Hà Nôi và của cả dân tộc.

Sự kiện này góp phần tôn vinh nghệ thuật cây cảnh, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của cây xanh, của việc bảo vệ môi trường và cùng xây dựng một nền kinh té sinh thái xanh, sạch, đẹp. Đồng thời cũng là dịp để các nghệ nhân, các tác giả giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau chia sẻ niềm đam mê. Chính sự quy tụ hàng ngàn tác phẩm từ khắp mọi miền cho thấy sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật cây cảnh Việt Nam. Những tác phẩm của hơn 50 tỉnh thành đã mang đến nhiều phong cách, kỹ thuật khác nhau, tạo nên một không gian giao thoa văn hóa, nghệ thuật. Có người cho đây là một bức tranh thu nhỏ về cây cảnh nghệ thuật Việt Nam, thể hiện tình yêu thiên nhiên, lòng tự hào về lịch sử và văn hóa của các vùng miền.

Triển lãm cây cảnh cũng là một sân chơi lớn cho các nghệ nhân, giúp họ quảng bá và thương mại hóa sản phẩm của mình. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sinh vật cảnh Việt Nam, góp phần triển khai định hướng chiến lược, nhằm đưa sinh vật cảnh là một trong 7 ngành kinh tế trụ cột của nông nghiệp, nông thôn. Và mục tiêu cuối cùng là phát triển sinh vật cảnh trở thành nền kinh tế sinh thái có giá trị cao (riêng Hà Nội phấn đấu trong những năm tới đạt tổng giá trị 20 ngàn tỉ đồng). Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp cân bằng hệ sinh thái…

Tôi đã dành 4 buổi cùng anh em, bạn bè thưởng lãm các tác phẩm mà vẫn chưa ngắm nhìn hết các tác phẩm. Thật mãn nhãn! Rất vui vì trong Festival toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2006, Triều Khúc tham gia có 2 tác phẩm, thì cả hai tác phẩm đều đạt giải. Một giải vàng (giải nhất) của nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền, một giải đồng (giải ba) của nghệ nhân Vũ Minh Châu trong tổng số 3 giải cao duy nhất của cả nước. Trong triển lãm này, Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc tham dự 8 tác phẩm (rất tiếc còn hàng chục tác phẩm rất đẹp, những tác phẩm nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh toàn quốc vì nhiều lý do không tham gia được). Tuy nhiên câu lạc bộ vẫn được ban giám khảo xét công nhận 5 giải. Một giải vàng cho tác phẩm “Độc thụ lưu quang” của nghệ nhân Vũ Minh Châu. Hai giải bạc cho hai tác phẩm “Giao long đẳng vân” của nghệ nhân Cao Xuân Đô và tác phẩm “Hành vân lưu thủy” của nghệ nhân Nguyễn Gia Lâm (nghệ nhân mới được phong tặng trong Đại hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội). Hai giải đồng cho tác phẩm “Trường khang tam thế” của tác giả Bùi Văn Hiếu và tác phẩm “Cửu phẩm liên hoa” của tác giả Giang Nguyên Long.

Vui hơn, vì gần một chục tác phẩm đạt giải vàng, bạc, đồng khác trong triển lãm đều có nguồn gốc xuất xứ từ làng Triều Khúc (nguyên là tác phẩm của cụ Cai Loan, cụ Cai Bồng, cụ Đại Lượng, anh Cao Xuân Đô, Nguyễn Huy Đào…) Có tác phẩm mà tác giả lấy tên cây là “Cổ thụ làng Triều”, không biết là cây có nguồn gốc của ai. Có những tác phẩm hỏi tác giả thì được cho biết đã mua từ một gia đình hình như là địa chủ ngày trước ở làng Triều Khúc, vì vậy tôi cũng không biết là của người nào. Và qua triển lãm này, dù khiêm tốn, tôi vẫn có thể đi đến kết luận, làng nghề Triều Khúc là một trong những cái nôi có nhiều cây cảnh đẹp nổi tiếng nhất toàn quốc. Nhiều tác phẩm đã từng được trưng bày vào những năm 1960 khi khánh thành Công viên Thống nhất ở Hà Nội, được trưng bày ở Phủ Chủ tịch, Quốc Tử Giám và hàng chục cuộc triển lãm quy mô toàn quốc, quy mô cấp tỉnh thành…

Triển lãm cây cảnh nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội là một sự kiện đầy cảm xúc và đáng ghi nhớ. Tôi hy vọng rằng, những hoạt động như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn nữa, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của thủ đô và đất nước. Sự kiện này còn là một minh chứng rõ ràng cho tình yêu và sự đam mê của người Việt Nam với nghệ thuật cây cảnh. Nó không chỉ là một triển lãm nghệ thuật mà còn là một lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Tất cả cảm xúc:
Nguyen Thi Kieu Van, Thành Vũ và 40 người khác

Read More

Điều dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng số 2 Hà Nội

Leave a Comment

 Điều dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng số 2 thành phố Hà Nội

Đây là lần thứ hai tôi có cơ hội điều dưỡng tại một trung tâm phục hồi chức năng, Trung tâm Điều dưỡng số 2, Biên Giang, thành phố Hà Nội. Lần đầu vào năm 1973 tôi được điều dưỡng khoảng 3 tháng trước khi ra quân và chờ chuyển ngành ở An Dương, Đông Anh, Hà Nội. Từ đó đến nay, đặc biệt là những năm gần đây, theo tiêu chuẩn chế độ đối với thương bệnh binh, tôi thường xuyên có giấy mời, nhưng suốt nửa thế kỷ qua tôi đều khước từ vì bận công việc, không thu xếp đi được.
Cảm giác đến trung tâm điều dưỡng có gì đó vừa bồi hồi vừa khó tả. Khi bước vào một không gian xanh mát, rợp bóng cây nhãn, xoài, bằng lăng và đặc biệt là vườn cây hàng ngàn cây cảnh nghệ thuật, vườn hoa lan rực rỡ, đúng là một ốc đảo xanh trong thành phố, một không gian yên bình thư thái cùng với những nụ cười thân thiện của cán bộ công nhân viên, tất cả đã xua đi bao bề bộn của cuộc sống và những vân vướng trong lòng.

Tại đây, chúng tôi được đón tiếp trọng thị, thân tình như những người đi xa trở về nhà. Tôi thấy hơi tiếc vì mình đã bỏ qua hàng chục lần điều dưỡng. Nhớ lại những công việc bận bịu trong quá khứ, thực ra có vấn đề gì quan trọng lắm đâu khi dành một tuần đến mười ngày cho mình và cho những người từng là đồng đội, bạn bè vào sinh ra tử…

Những kỷ niệm chiến trường lại ùa về. Tôi nhớ bao đồng đội đã hy sinh, nhớ bao người bạn cùng trang lứa cùng xóm cùng quê, cùng lớp học từ thủa ấu thơ hôm nay còn ở đâu đó như anh Nguyễn Duy Tấn hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên, anh Nguyễn Huy Hải, Nguyễn Huy Thọ, Vũ Văn Quý, Giang Nguyên Dân, Nguyễn Hữu Tâm hy sinh ở chiến trường Trị Thiên. Tôi nhớ đến những ngày sốt rét, những tháng ngày gian khổ không một bát cơm, thèm một bát cháo, một củ khoai, một củ sắn… Giờ đây, tôi cảm thấy thật may mắn khi được sống trong hòa bình; được hưởng thụ đãi ngộ vượt xa sự mong đợi; thật biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chế độ chăm sóc tại đây rất chu đáo với các bữa ăn ngon miệng và rất đa dạng. Các hoạt động vui chơi, thăm nom khám bệnh được tổ chức thường xuyên, giúp chúng tôi cảm thấy phấn chấn và thoải mái. Tôi rất thích những buổi xông hơi, tắm sục và ngâm chân thuốc Bắc giúp cơ thể thư giãn sau những năm tháng miệt mài làm việc và học tập. Phương pháp trị liệu bằng xung hồng ngoại và tập phục hồi chức năng tại khu vật lý trị liệu thực sự đem lại hiệu quả.

Ngoài ra, chúng tôi còn có cơ hội khám phá văn hóa khi tham quan tìm hiểu chùa Trầm, chùa Trăm gian, và Bia Bà; tham quan địa danh lịch sử Bảo tàng đường Hồ Chí Minh. Những chuyến đi này không chỉ giúp chúng tôi mở rộng hiểu biết mà còn gợi nhớ về những ký ức hào hùng của một thời đã qua, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về con người, đất nước mình.

Tại trung tâm, chúng tôi còn được tham gia vào các hoạt động giải trí như đọc sách báo tại thư viện, chơi cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, tập với các dụng cụ chuyên dụng và bi-a. Những phút giây trò chuyện thư giãn bên đồng đội, bạn bè cũ, mới ở huyện Thanh Trì và Sóc Sơn khiến tôi cảm thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

Sau bữa sáng, tranh thủ thời gian rỗi, tôi đều tìm đến các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật triệu đô và tỷ đồng tiền Việt trong số hàng nghìn tác phẩm cây cảnh của nhiều nghệ nhân gửi ở những phân khu chức năng điều dưỡng. Cây cảnh đối với tôi không chỉ đơn thuần là một môn nghệ thuật trồng cây, mà nó còn mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh và triết lý sâu sắc. Nó là biểu tượng của sự kiên nhẫn, sức sống, sức mạnh và sự phục hồi. Nó nhắc nhở tôi phải biết trân trọng, quý báu thời gian, trân trọng sự tồn tại và sự thay đổi, đổi mới không ngừng của cuộc sống xung quanh mình.

Rất đáng tiếc chuyến điều dưỡng này gặp cơn bão Yagi làm gián đoạn. Chúng tôi phải ra về sớm hơn kế hoạch. Tuy nhiên, những trải nghiệm tại Trung tâm Điều dưỡng số 2 đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp. Đây thực sự là một nơi chăm sóc toàn diện cho người có công, các cựu chiến binh, thương binh như chúng tôi. Người ta thường nói, một đêm nằm một năm ở, vậy mà chúng tôi ở đây cả một kỳ nghỉ dưỡng; được chăm sóc tận tình, chu đáo, thân thiện. Với tư cách cá nhân, tôi xin chân thành cảm ơn tập thể cán bộ công nhân viên Trung tâm Điều dưỡng số 2 thành phố Hà Nội. Hy vọng lần sau tôi lại được trở về nơi đây!
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.