Triển lãm cây cảnh nghệ thuật chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô
Việc tổ chức trưng bày triển lãm cây cảnh nghệ thuật trong Festival Sinh Vật Cảnh Hà Nội lần thứ nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội, 65 năm ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây là một sự kiện có rất nhiều ý nghĩa. Đây không chỉ là sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mà còn là dịp để người yêu cây cảnh cả nước và công chúng cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng của thủ đô và đất nước.
Tôi được Câu lạc bộ Cây cảnh Triều khúc và các nghệ nhân, các tác giả có tác phẩm tham gia triển lãm mời dự nhiều sự kiện có liên quan. Có thể nói việc chọn lọc, huy động 1014 cây cảnh tiêu biểu của các nghệ nhân, các tác giả, các nhà vườn ở thủ đô và của hơn 50 tỉnh thành là sự thành công, sự nỗ lực lớn của ban tổ chức trong hoàn cảnh con bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía bắc, trong đó có Hà Nội. Đây là sự kết hợp giữa nghệ thuật với lịch sử. Con số 1014 cây cảnh khiến cho người ta nhớ đến cách đây 1014 năm, Vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Đại La, lấy tên là Thăng Long; khởi đầu cho một chương mới trong quá trình xây dựng và phát triển hơn một ngàn năm của Hà Nội.
Việc lựa chọn 70 tác phẩm tiêu biểu nhất để tượng trưng cho 70 năm giải phóng Thủ đô là một cách làm sáng tạo, giúp người tham gia hồi tưởng, cảm nhận được khí thế hào hùng và sôi nổi của đoàn quân giải phóng từ chiến khu trở về giải phóng thủ đô: “Năm cửa ô tiến về Hà Nội vang tiếng quân ca”. Mỗi tác phẩm cây cảnh tiêu biểu là một bối cảnh, một chủ đề, một câu chuyện riêng, một dấu ấn riêng biệt của các tác giả, nhưng tất cả đều nằm trong bối cảnh thay đổi và phát triển vượt bậc của Hà Nội và của đất nước qua bao năm tháng.
Triển lãm không chỉ giới thiệu những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp mà còn thể hiện tài năng, sự sáng tạo của các nghệ nhân thủ đô và đất nước. Đây không chỉ là cơ hội thu hút đông đảo người yêu cây cảnh cả nước mà còn là dịp để gắn kết cộng đồng. Thông qua hoạt động văn hóa này, công chúng thủ đô và khắp cả nước có dịp thưởng thức những tác phẩm với tiêu chuẩn của cái đẹp: “Cổ, kỳ, mỹ, văn”; đồng thời tìm hiểu về một nét văn hóa truyền thống của Hà Nôi và của cả dân tộc.
Sự kiện này góp phần tôn vinh nghệ thuật cây cảnh, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của cây xanh, của việc bảo vệ môi trường và cùng xây dựng một nền kinh té sinh thái xanh, sạch, đẹp. Đồng thời cũng là dịp để các nghệ nhân, các tác giả giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau chia sẻ niềm đam mê. Chính sự quy tụ hàng ngàn tác phẩm từ khắp mọi miền cho thấy sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật cây cảnh Việt Nam. Những tác phẩm của hơn 50 tỉnh thành đã mang đến nhiều phong cách, kỹ thuật khác nhau, tạo nên một không gian giao thoa văn hóa, nghệ thuật. Có người cho đây là một bức tranh thu nhỏ về cây cảnh nghệ thuật Việt Nam, thể hiện tình yêu thiên nhiên, lòng tự hào về lịch sử và văn hóa của các vùng miền.
Triển lãm cây cảnh cũng là một sân chơi lớn cho các nghệ nhân, giúp họ quảng bá và thương mại hóa sản phẩm của mình. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sinh vật cảnh Việt Nam, góp phần triển khai định hướng chiến lược, nhằm đưa sinh vật cảnh là một trong 7 ngành kinh tế trụ cột của nông nghiệp, nông thôn. Và mục tiêu cuối cùng là phát triển sinh vật cảnh trở thành nền kinh tế sinh thái có giá trị cao (riêng Hà Nội phấn đấu trong những năm tới đạt tổng giá trị 20 ngàn tỉ đồng). Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp cân bằng hệ sinh thái…
Tôi đã dành 4 buổi cùng anh em, bạn bè thưởng lãm các tác phẩm mà vẫn chưa ngắm nhìn hết các tác phẩm. Thật mãn nhãn! Rất vui vì trong Festival toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2006, Triều Khúc tham gia có 2 tác phẩm, thì cả hai tác phẩm đều đạt giải. Một giải vàng (giải nhất) của nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền, một giải đồng (giải ba) của nghệ nhân Vũ Minh Châu trong tổng số 3 giải cao duy nhất của cả nước. Trong triển lãm này, Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc tham dự 8 tác phẩm (rất tiếc còn hàng chục tác phẩm rất đẹp, những tác phẩm nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh toàn quốc vì nhiều lý do không tham gia được). Tuy nhiên câu lạc bộ vẫn được ban giám khảo xét công nhận 5 giải. Một giải vàng cho tác phẩm “Độc thụ lưu quang” của nghệ nhân Vũ Minh Châu. Hai giải bạc cho hai tác phẩm “Giao long đẳng vân” của nghệ nhân Cao Xuân Đô và tác phẩm “Hành vân lưu thủy” của nghệ nhân Nguyễn Gia Lâm (nghệ nhân mới được phong tặng trong Đại hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội). Hai giải đồng cho tác phẩm “Trường khang tam thế” của tác giả Bùi Văn Hiếu và tác phẩm “Cửu phẩm liên hoa” của tác giả Giang Nguyên Long.
Vui hơn, vì gần một chục tác phẩm đạt giải vàng, bạc, đồng khác trong triển lãm đều có nguồn gốc xuất xứ từ làng Triều Khúc (nguyên là tác phẩm của cụ Cai Loan, cụ Cai Bồng, cụ Đại Lượng, anh Cao Xuân Đô, Nguyễn Huy Đào…) Có tác phẩm mà tác giả lấy tên cây là “Cổ thụ làng Triều”, không biết là cây có nguồn gốc của ai. Có những tác phẩm hỏi tác giả thì được cho biết đã mua từ một gia đình hình như là địa chủ ngày trước ở làng Triều Khúc, vì vậy tôi cũng không biết là của người nào. Và qua triển lãm này, dù khiêm tốn, tôi vẫn có thể đi đến kết luận, làng nghề Triều Khúc là một trong những cái nôi có nhiều cây cảnh đẹp nổi tiếng nhất toàn quốc. Nhiều tác phẩm đã từng được trưng bày vào những năm 1960 khi khánh thành Công viên Thống nhất ở Hà Nội, được trưng bày ở Phủ Chủ tịch, Quốc Tử Giám và hàng chục cuộc triển lãm quy mô toàn quốc, quy mô cấp tỉnh thành…
Triển lãm cây cảnh nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội là một sự kiện đầy cảm xúc và đáng ghi nhớ. Tôi hy vọng rằng, những hoạt động như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn nữa, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của thủ đô và đất nước. Sự kiện này còn là một minh chứng rõ ràng cho tình yêu và sự đam mê của người Việt Nam với nghệ thuật cây cảnh. Nó không chỉ là một triển lãm nghệ thuật mà còn là một lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét