Những công việc chuẩn bị

Leave a Comment
 Tôi đã có sẵn hộ chiếu từ trước. Bước đầu tôi cảm thấy mọi việc đều suôn sẻ, không giống như lần đầu tôi đi Thái. Nào là phải xin phép cơ quan, xin phép phòng nội vụ, sở ngoại vụ. Hàng tháng trời chạy đi chạy lại chạy giấy tờ. Thật là phiền toái. Bây giờ về hưu đi làm “ngoài”, tôi chẳng cần phải xin phép ai cả. Nhưng tôi vẫn hơi lo lo. Bà chị vợ tôi và một số người khác, mặc dù có sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu hàng trăm m2 đất, có nhà cửa riêng, có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng nhà nước hàng tỉ đồng, vậy mà mấy lần đóng tiền xin visa vẫn không qua được vòng phỏng vấn. Trong khi đó, tôi chẳng có gì hết. Tiền tiết kiệm gửi ngân hàng không có. Giấy tờ sở hữu đất đai không có. Nghề nghiệp có thu nhập cao cũng không.
Hôm đến làm thủ tục, một nam nhân viên đứng trong quầy kính, hỏi tôi bằng tiếng Việt khá thành thạo:
-       Tôi được biết giáo viên ở Việt Nam có thu nhập rất thấp. Vậy vợ chồng ông vẫn có tiền để chu cấp cho hai con ăn học ở Mỹ. Hẳn hai vợ chồng ông phải dạy thêm rất nhiều hoặc có những thứ tiền nào đó?
-       Ông nhầm rồi, tôi trả lời không đắn đo suy nghĩ, một số cán bộ, giáo viên ở Việt Nam có tiền, thậm chí có rất nhiều tiền. Họ có đủ tiền mua đất đai, nhà cửa và cho con cái đi du học nước ngoài. Tôi không nằm trong số đó. Gia đình tôi cũng không nhận trợ cấp của ai. Đơn giản con tôi sang Mỹ học là chúng nhận được học bổng.
 Không biết tôi có suy diễn quá không, nhưng tôi cảm thấy trong câu hỏi của nhân viên đại sứ quán có một hàm ý gì đó. Tôi nghĩ chắc họ vừa đọc Báo cáo thường kì hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin. Báo cáo đã kết luận giáo dục Việt Nam là ngành tham nhũng thứ hai sau ngành hành pháp ở Việt Nam. Là nhà giáo, mới đầu tôi cảm thấy rất bất bình. Nhưng công tâm ngẫm kỹ, tôi thấy kết luận như vậy không hẳn là oan sai.
 Không ít cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên hàng ngày hàng giờ vẫn đang kinh doanh, kiếm tiền và làm giàu trong số 20 triệu học sinh, sinh viên ở Việt Nam. Họ tư túi từ tiền ngân sách, tiền dự án đến tiền học phí; đặt ra đủ các thứ tiền, từ tiền gửi xe đạp đến tiền vệ sinh trường lớp; xoay sở từ tiền xây dựng đến tiền học thêm, từ tiền quỹ hội phụ huynh đến tiền bán trú, từ tiền đồng phục đến tiền sách giáo khoa... Có khoảng hơn ba mươi thứ tiền lạm thu mà người ta đã thống kê ra. Đơn giản chỉ chạy cho con vào một trường học mầm non chất lượng cao trái tuyến cũng đã mất đến hàng nghìn đô, và cũng khoản tiền như vậy để chạy vào các trường chuyên lớp chọn. Thậm chí xin đổi chỗ ngồi cho con trong một lớp học thôi, có người cũng phải mất một vài tờ. Đó là chưa kể đến hàng trăm chuyện thường ngày khác xảy ra ở các nhà trường.
Cái ý nghĩ bị người ta móc máy mình khiến tôi rất khó chịu. Tuy nhiên tôi vẫn thận trọng trong từng câu chữ. Tôi không nói “chúng xin được học bổng”. Tôi nói “chúng nhận được học bổng”. Tôi hoàn toàn bằng lòng với câu trả lời của mình. Nó đúng với thực tế, vừa chứa đựng một ẩn ý, vừa không có vẻ nhờ vả, xin xỏ. Tuy vậy việc xin và nhận trong trường hợp của các con tôi có khác gì nhau nhiều lắm đâu. Lúc đó tôi ước rằng mình có nhiều tiền, trách mình đã không biết tận dụng cơ hội kiếm tiền như người ta. Tiền không phải để cho mình mà để cho con, để được nói với họ theo truyền thống của người phương Tây là “tôi trả tiền cho con tôi đi học”.
 Lúc đó sĩ diện nên tôi đã nghĩ như vậy. Hồi tâm lại thấy mình sai. Chẳng lẽ mình dạy con từ nhỏ phải sống cho ngay thẳng, phải sống trung thực, còn mình thì lại làm cái chuyện khuất tất, trái với lương tâm để được cái không phải là của mình, để rồi đời cha ăn mặn đời con khát nước. Theo thuyết của nhà Phật “nhân nào quả ấy”, sớm muộn người ta đều phải trả giá cho cái tham, sân, si của chính mình.
Kết thúc buổi phỏng vấn, người nhân viên cười vui vẻ chúc mừng. Tôi cám ơn, thở phào nhẹ nhõm. Xin được visa sang Mỹ có thể nói là xong mọi việc. Tôi chỉ còn việc mua vé là lên đường. Có nhiều hãng hàng không, trong đó có hàng không Việt Nam, nhưng tôi quyết định chọn chuyến bay của hãng hàng không Mỹ sau khi đã tham khảo kỹ giá cả ở trên mạng. Việc lấy vé đi máy bay bây giờ khác xưa rất nhiều. Không phải đi lại, chạy vạy, nhờ vả như khoảng chục năm về trước. Tôi chỉ lên mạng, đăng ký trực tuyến, trả tiền qua thẻ tài khoản của mình, tự in vé điện tử cùng lịch trình bay. Tất cả mọi cái đều thay đổi nhanh chóng. Cái thay đổi lớn nhất, theo tôi, là thay đổi theo hướng đơn giản hóa và minh bạch. Tôi chỉ việc đúng giờ ra sân bay và lên máy bay.
 Thì ra các hãng hàng không trên thế giới và các hãng hàng không trong nội địa đang cạnh tranh với nhau một cách khốc liệt. Họ hạn chế đến tối đa việc sử dụng nhân lực. Khách hàng đồng thời trở thành người bán vé, trở thành nhân viên thủ quỹ tự gửi tiền cho các hãng hàng không. Đổi lại, khách hàng đi máy bay của hãng với giá rẻ, tiện ích và chất lượng phục vụ tốt nhất. Nếu hãng nào không làm được như vậy thì sẽ không có khách và nếu không nhanh kịp điều chỉnh thì tất phá sản. Giờ thì phần nào tôi hiểu tại sao một số tập đoàn, tổng công ty độc quyền được nhà nước ưu đãi, trong đó có Vinalines lại làm ăn thua lỗ đến hàng ngàn tỉ đồng.
 Trước hôm lên đường, hai cô con gái ở bên Mỹ gọi, nhắc nhở tôi phải đến sân bay trước hai tiếng để đề phòng những trục trặc không đáng có. Bởi tính tôi dù đi đâu cũng tính đến sát giờ, không muốn phải đợi chờ. Cũng chính vì vậy, năm trước khi Thuý cho con về nước chơi, tôi tính toán đưa hai mẹ con đến sân bay Nội Bài để vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm bố mẹ chồng quá sát giờ, nên đến trễ một ít phút. Một ít phút thôi, Thúy và con cũng không được làm thủ tục vào cửa, phải mua vé đi chuyến sau.  Khi Thúy thắc mắc: “Ở Mỹ hành khách trễ đều được đổi chuyến không phải mất tiền”. Nhân viên quầy bán vé bổ sung sẵng giọng: “Đây là ở Việt Nam. Vì ưu tiên có con nhỏ nên chị mới được mua vé đi chuyến sau. Nếu là người khác thì hôm sau hay hôm sau nữa cũng chưa chắc mua được vé”. Tôi vội vã đưa hai triệu đồng cho cô gái xinh đẹp, mặc bộ áo dài tím thướt tha đang đứng trong quầy bán vé bổ sung, rồi cầm lấy chiếc vé để được đi chuyến sau hai tiếng nữa. Mặc kệ Thúy phàn nàn rằng chuyến hiện thời còn nửa tiếng nữa mới bay, rằng ở Mỹ chẳng ai để một bà mẹ có con nhỏ trong tình trạng chờ đợi như thế này.
 Tôi cứ áy náy vì cái tính không biết lo xa của tôi nên Thúy mới trễ chuyến bay. Vấn đề không phải là tiền nong mà là sức khỏe của cháu Lâm. Tôi biết Thúy xót con vì phải chờ đợi quá lâu nơi công cộng, đành nhận lỗi về phần mình: “Tại ba lề mề, nếu không giờ con đã ở trên máy bay rồi”. Biết tôi buồn Thúy nói chuyện để tôi khuây khỏa. Thúy kể về những chuyến đi từ Việt Nam qua Nhật sang Mỹ, kể về những chuyến bay nội địa ở Mỹ được các tiếp viên, được mọi người giúp đỡ như thế nào. Cuối cùng Thúy kết luận: “Ba đã đi nước ngoài dăm ba lần, chắc hẳn có cái cảm giác cứ đi hoặc đi về đến sân bay của mình là y như rằng có chuyện bức bối. Bác Thắng (bạn tôi định cư ở Phần Lan) đã có lần chẳng nói với ba là về nước thường bị gây khó khăn và thường bị vặt là gì”. Tôi chỉ cười xòa, không trả lời, vì thực ra tôi chẳng có gì để bức bối, và cũng chẳng bao giờ bị ai vặt cái gì trong những lần từ nước ngoài về. Tôi không muốn tranh luận với Thúy. Nếu ta cứ so sánh phong cách ứng xử của một xã hội hậu công nghiệp đi trước hàng trăm năm với một xã hội nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa thì thật khập khiễng.
 Khoảng 70 % dân số Việt Nam đang làm ruộng với tư duy nông nghiệp lúa nước. Phần lớn cán bộ, viên chức của nhà nước cũng mới chỉ vừa thoát thai từ cái xã hội nông nghiệp. Thậm chí nhiều người trong số họ, ngày đi làm việc công, chiều tối về vẫn tranh thủ ra đồng “chồng cày vợ cấy”, thế thì người ta làm sao tránh khỏi cái tâm lý tiểu nông: Tự tư, tự lợi. Tôi chợt nhớ đến anh Hùng, bạn học xưa có thời học tập ở Liên Xô vào đầu những năm 70. Khi anh về nước, nói chuyện với bạn bè, anh thường so sánh ở Nga với ở Việt Nam, phong cách làm việc giữa người Nga và người Việt, trường học Nga và trường học Việt. Chúng tôi thường châm chích anh là sính Tây. Lúc đầu anh còn phân bua, sau cũng chẳng chấp chúng tôi làm gì. Bây giờ đến lượt Thúy, lại so sánh giống như bạn tôi ngày trước.
 Có một chuyện tôi đồng cảm với Thúy. Chẳng là tháng trước, chồng Thúy ở bên Mỹ được cử sang Trung Quốc công tác, có ghé về thăm bố mẹ đẻ tại thành phố Hồ Chí Minh. Vé khứ hồi do bộ phận văn phòng của cơ quan bên Mỹ đặt mua. Từ Mỹ qua Nhật về đến Thành phố Hồ Chí Minh thì không có vấn đề gì. Nhưng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Thượng Hải thì chồng Thúy không đi được. Lý do là vì tên của chồng Thúy trong vé không đúng với tên trong visa. Chồng Thúy giải thích thế nào cũng không được qua cửa.
Trong tất cả các giấy tờ, kể cả vé đi máy bay, người Mỹ thường ghi tên người Việt nói riêng, người châu Á nói chung lên đầu, tên đệm và họ ở sau. Điều này thì hình như không đúng với visa thông lệ chung của riêng hai nước Việt - Trung, đặc biệt là quy định riêng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Thượng Hải. Cuối cùng sợ lỡ chuyến bay, bố chồng Thúy phải bỏ ra mấy chục triệu đồng mua vé mới  kịp chuyến bay cho con trai. Điều đó làm cả gia đình đằng chồng Thúy rất bức xúc. Nhưng điều lạ là sau đó, cũng vẫn chiếc vé ban đầu ấy, chồng Thúy từ Thượng Hải trở về Mỹ lại không gặp sự cố gì. Vậy thì trong chuyện này ai đúng ai sai?
 Điều Thúy không hiểu là vẫn còn rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong nước theo thói quen thời quan liêu bao cấp, thường bắt các cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải theo thông lệ của nước mình, thay cho việc mình phải theo thông lệ quốc tế. Ngay cả ở trường nơi tôi công tác vào đầu năm 2008, khi văn phòng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đăng kí họ tên học sinh và ngày tháng năm sinh cho một cuộc khảo sát quốc tế, theo phần mềm thông lệ quốc tế, lúc in ra giấy để giáo viên kiểm tra lại, việc máy tính đưa tên lên trước tên họ và tên đệm, đưa tháng lên trước và ngày sau đã bị gần như cả hội đồng xì xào, cười chê. Họ lập luận với tôi rằng: “Tưởng thế nào, thì ra máy tính lại có tháng 13 đến tháng 31. Máy tính đấy. Máy với chả móc. Tất cả đều thua con người hết”. Và trong con mắt họ, tôi trở thành kẻ kỹ trị lạc lõng bênh vực cho phương Tây. Nhưng điều đáng buồn hơn là cho đến tận ngày hôm nay, phần lớn các nhà trường phổ thông vẫn quản lý nhân sự, quản lí học sinh bằng các loại sổ sách truyền thống. Người ta vẫn tính điểm trung bình các môn học bằng cách tính toán như những năm 60 của thế kỉ trước.
 Thì ra vấn đề hội nhập của Việt Nam, ngay cả đối với các cán bộ và công chức trong nhà máy xí nghiệp, trong trường học, bệnh viện vẫn còn là một vấn đề rất nan giải. Nhưng thôi, đó là vấn đề của xã hội, không liên quan gì đến tôi. Vấn đề của tôi là phải cố gắng để hội nhập, nếu không, tôi sẽ không lên được máy bay của bất kì hãng hàng không quốc tế nào, chứ đừng nói đến việc sống và làm việc ở nước ngoài.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.