Gặp một cựu binh Mỹ trên máy bay

Leave a Comment
Mười một giờ bốn nhăm phút máy bay cất cánh đi Narita, Nhật Bản đúng như lịch trình dự kiến. Ngồi cạnh tôi là một người Mỹ áng chừng trên 60. Tên ông là David Donough. Chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau. Qua lời tự giới thiệu, chúng tôi biết nhau đã từng là những người lính ở hai chiến tuyến trên mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên cách đây gần bốn mươi năm. Hiện thời David Donough làm việc tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ có mạng lưới nhân viên thương mại ở khắp 100 thành phố của Hoa Kỳ và ở 150 quốc gia trên toàn thế giới. David giải thích cách cặn kẽ cơ quan Thương mại Hoa Kỳ của ông có nhiệm vụ giúp đỡ, tư vấn cho các nhà cung cấp của Hoa Kỳ tìm được những nhà nhập khẩu, phân phối đại lý hay đại diện của nước sở tại để từ đó đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ từ Hoa Kỳ đến các thị trường trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tôi không am hiểu lĩnh vực này nên hỏi:
-     Thế cụ thể ở Việt Nam thì các ông làm những gì?
-        Ở Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa kỳ đặt văn phòng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng này có đội ngũ nhân viên, trợ lý thương mại sẵn sàng hỗ trợ và làm việc cùng các công ty của Việt Nam về các vấn đề thương mại. Cụ thể, chúng tôi sẽ giúp cho các công ty của Việt Nam tìm ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và đối tác kinh doanh của Mỹ. Có thể nói chúng tôi là cái cầu nối cho các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ, các công ty hai nước hợp tác làm ăn. Qua đó chúng tôi thúc đẩy việc buôn bán giữa hai nước.
David ngừng lại, nhìn tôi chăm chú, rồi nói một cách lịch sự:
-       Tôi muốn ông hiểu một cách tường tận, nhưng không biết ông có hứng thú với đề tài này không? 
-       Tôi thực sự muốn nghe ông nói, tôi đáp lại.
-       Thế thì tôi sẽ tiếp tục. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ sau: Danh sách các công ty Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm đối tác; Danh mục trực tuyến các nhà cung cấp Hoa Kỳ đang cần tìm đối tác tại nước sở tại; Dịch vụ hỗ trợ tìm công ty Hoa Kỳ tham gia dự án; Tạp chí Tin tức Thương mại Hoa Kỳ; Dịch vụ hỗ trợ gặp gỡ, tìm hiểu các nhà cung cấp tại Hoa Kỳ; Chương trình Khách mua hàng quốc tế…Tôi lấy ví dụ để ông dễ hiểu. Trong phần dịch vụ cung cấp danh sách các công ty Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm đối tác, chúng tôi giới thiệu về Công ty multicom, Inc. Công ty thành lập năm 1982, là công ty sản xuất, phân phối tất cả các sản phẩm về giải pháp truyền thông tích hợp. Multicom có hơn 13.000 sản phẩm từ hơn 270 công ty lớn trên thế giới. Nói chính xác đây là một công ty xuyên quốc gia. Những sản của nó được sử dụng để thu, xử lý và phân phối tín hiệu truyền hình, dữ liệu, âm thanh… qua cáp quang, cáp đồng, cáp đồng trục. Multicom hướng tới thị trường truyền hình cáp, truyền hình số, vệ tinh, truyền thông dữ liệu và  điện thoại của Việt Nam. Multicom cần tìm kiếm các nhà phân phối sản phẩm của mình tại Việt Nam.
Ngừng lại một lát, David lại say sưa với đề tài của mình.
-       Tôi lấy một ví dụ khác để ông hiểu thêm về công việc của chúng tôi ở Việt Nam và Mỹ. Việt Nam đang rất cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường xá giao thông. Chúng tôi biết và thực tế đã chứng kiến máy móc và công nghệ trong lĩnh vực này của các ông vừa lạc hậu vừa thiếu. Nước chúng tôi đã từng làm gần 13 triệu con đường nội địa, nhiều con đường dài nhất thế giới từ trước đến nay với máy móc, công nghệ tiên tiến. Chúng tôi đã tư vấn cho Nhà Sản xuất máy móc, thiết bị Xây dựng Đường bộ (Road Construction Machinery Manufacture) của Hoa Kỳ tiếp cận với Bộ Xây dựng Việt Nam, tổ chức cho hai bên giới thiệu, tham quan chuỗi dây chuyền đồng bộ cho việc san đường, thiết bị tái chế nhựa đường, xe vận chuyển vật liệu, xe lát nhựa đường… Nhà sản xuất, cung ứng trong lĩnh vực trên có máy móc, công nghệ hiện đại với thương hiệu hàng đầu thế giới cần tìm một nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam. Và chúng tôi chắc chắn hai bên sẽ hợp tác được với nhau.
Nghe David tôi bắt đầu hiểu và hình dung ra một phần công việc của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy vậy vẫn có điểm tôi cảm thấy mù mờ, chẳng hạn như cái Chương trình Khách mua hàng quốc tế. Nội dung cụ thể của nó là cái gì? Nhân viên Văn phòng Thương mại phải làm gì với nội dung đó? Khi tôi hỏi, David nhoẻn miệng cười, đôi mắt sáng lấp lánh.
-       Chúng tôi tổ chức giới thiệu, hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự các triển lãm và hội chợ thương mại trên thế giới được tổ chức tại Hoa Kỳ. Trong mấy năm gần đây, chúng tôi đã giúp phía Việt Nam tham dự khoảng 30 triển lãm và hội chợ. Chúng tôi cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp gặp gỡ với các nhà sản xuất và đối tác nước ngoài tại triển lãm. Cũng như vậy chúng tôi giúp đỡ phía Việt Nam tham dự các triển lãm thương mại với sự tham gia của hàng ngàn công ty Hoa Kỳ. Dù các tổ chức hay cá nhân lần đầu tìm cơ hội nhập khẩu hàng hóa, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ chuyên môn nghiệp vụ để kết nối những cơ hội kinh doanh sinh lợi. Trong thời đại số hóa, thông qua dịch vụ kết nối thương mại, chúng tôi cũng giúp sắp xếp cho phía Việt Nam họp trực tuyến hoặc thông qua mạng video với các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ của Hoa Kỳ… Chúng tôi hoạt động như vậy trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam là vì lợi ích của Hoa Kỳ mà cũng vì lợi ích của Việt Nam. Như ông biết đấy, thương mại là chìa khóa của bất kỳ quốc gia nào từ trong quá khứ đến hiện tại để mở ra con đường đi đến thịnh vượng. Các nhà kinh tế từ lâu đã hiểu rằng thương mại làm gia tăng của cải. Trên thực tế, thương mại tạo ra của cải ngay trong các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Đó là vì thương mại khuyến khích địa phương và quốc gia đi chuyên sâu vào sản xuất hàng hóa có hiệu quả, những mặt hàng có lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh của quốc gia lại nằm trong lực lượng lao động, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và kiến thức của người dân quốc gia đó. Tất cả các nước đều có lợi thế so sánh trong một số sản phẩm nhất định. Những nước có nguồn nhân công dồi dào như Việt Nam có xu hướng tập trung vào những ngành nghề sử dụng nhiều nhân công như dệt may, dày dép, nông lâm nghiệp, chế biến… Những nước phát triển, giá nhân công cao lại có xu hướng tập trung vào các ngành sản xuất đòi hỏi đầu tư vào công nghệ cao cần nhiều vốn nhưng sử dụng ít nhân công. Khi các quốc gia tiến hành hoạt động thương mại, người ta có xu hướng mua từ nước ngoài những sản phẩm mà sản xuất trong nước khó hoặc chưa sản xuất được và bán ra những sản phẩm dễ sản xuất với giá thành rẻ. Thương mai hai chiều như vậy làm giảm giá thành, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập và phúc lợi cho cả hai quốc gia. Những năm đầu, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ chỉ đạt khoảng 800 triệu USD. Mười lăm năm sau là 20 tỷ USD. Năm nào Việt Nam cũng xuất siêu sang Hoa kỳ, có năm tới vài ba tỷ. Không thể nói ai lợi hơn ai. Người sản xuất hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng của cả hai nước đều hưởng lợi. Rõ ràng thương mại làm cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, khuyến khích đầu tư, thay đổi công nghệ, thúc đẩy giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nó không bao giờ chỉ đem lại lợi ích cho quốc gia này còn quốc gia kia bị thiệt. Tất nhiên có những ngoại lệ về thương mại không ổn giữa các quốc gia như giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Trung quốc và thế giới còn lại, thâm hụt thương mại giữa hai bên lên tới hàng trăm tỷ, hàng chục tỷ kéo dài hàng thập niên. Lợi ích bao giờ cũng nghiêng hẳn về phía Trung Quốc với ưu thế hàng giá rẻ, hàng nhái, thậm chí cả hàng độc hại kèm theo thủ đoạn đánh thấp giá trị đồng nội tệ của Bắc Kinh. Tôi nghĩ điều này chắc sẽ không ổn ngay cả đối với người Trung Quốc trong tương lai.
-       Tôi thừa nhận trao đổi thương mại Việt – Mỹ tiến rất nhanh, từ vài trăm triệu lên 20 tỷ, có năm tăng đến hơn 20%. Nhưng quan hệ đầu tư thì còn quá khiêm tốn, kết quả không như mong đợi, mặc dầu Hoa Kỳ được đánh giá là nhà đầu tư có tiềm năng lớn nhất.
-       Đúng vậy. Đến nay tổng vốn đăng ký đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam khoảng 13,24 tỷ USD với 621 dự án, chiếm 4,5% tổng số dự án và 3,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Mỹ đứng thứ 8 trong tổng số gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên số liệu này chưa phản ánh đầy đủ luồng vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Coca Cola, Procter & Gamble, Unocal, Conoco… đã đầu tư khá lớn vào Việt Nam. Nhưng do họ đầu tư thông qua các chi nhánh con của mình đăng ký tại một số nước khác nên những khoản đầu tư chưa thể hiện là đầu tư của Hoa Kỳ. Mặc dầu vậy, tôi vẫn đồng ý với ông rằng kết quả đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Tại sao? Tôi nghĩ vấn đề nằm ở cả hai phía. Ông có nhận ra vấn đề phía các ông là cái gì không? Nó có liên quan đến ngành của ông đấy.
-       Tôi có biết đôi chút. Mặc dầu môi trường đầu tư của chúng tôi đã liên tục được cải thiện, chẳng hạn Luật đầu tư ở Việt Nam đã được sửa đổi đến lần thứ 3 để tạo điều kiện thông thoáng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Trước hết chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ qua đào tạo mới khoảng 30%. Ngay cả 30% này vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi còn thiếu cán bộ có trình độ quản lý, thiếu các kỹ sư công nghệ cao, thiếu công nhân lành nghề. Thứ hai cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn yếu kém. Hệ thống đường xá giao thông, năng lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiếp đến đất đai ngày một đắt đỏ, chi phí để có mặt bằng sản xuất ngày một cao. Cuối cùng là  hệ thống pháp luật, chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính không rõ ràng, vừa chậm vừa rườm rà. Có nhiều biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
-       Các ông biết hết những hạn chế đấy, nhưng tại sao vẫn không sửa được?
-       Chúng tôi có thừa quyết tâm nhưng khi thực hiện còn vẫn rất vướng.
-       Tôi được biết hơn 6 tháng đầu năm 2013 Việt Nam mới thu hút được 8,3 tỷ USD bằng 66,9% so với cùng kỳ năm 2012. Sự suy giảm từ 19,9 tỷ năm 2010 xuống con số thất vọng của những tháng đầu năm 2013 trong lúc FDI toàn cầu tăng từ 1,2 ngàn tỷ đến 1,6 ngàn tỷ trong cùng thời gian cho thấy FDI tại Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng thế giới. Việt Nam đã bị tụt hạng đầu tư tại châu Á. Sở dĩ môi trường đầu tư của các ông bị mất điểm trong mắt giới đầu tư ngoài những nguyên nhân như ông nói thì còn những nguyên nhân khác. Chẳng hạn các dự án lên tới hàng tỷ USD sau khi đã hoàn thành các thủ tục vẫn phải đối mặt với công đoạn khó khăn nhất của quá trình đầu tư, đó là chuyện giải phóng mặt bằng, được quản lý bởi chính quyền địa phương nghèo vốn. Một ví dụ tiêu biểu nhất trong thời gian gần đây là dự án 5 tỷ USD nằm bất động trong 4 năm liền vì sự chậm chạp của tỉnh Hà Tĩnh trong việc giải phóng mặt bằng với lời giải thích không đủ ngân sách. Đây là lý do khiến phía Ấn Độ mất kiên nhẫn, đến nỗi Thủ tướng Manmohan Singh phải đề cập với Chủ tịch Trương Tấn Sang trong cuộc gặp mặt năm  2011 tại New Dehi. Kết quả Tập đoàn Tata của Ấn Độ phải trích một khoản 100 triệu USD để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, gấp hơn 3 lần so với 30 triệu qui ước ban đầu, nhằm thúc đẩy dự án. Các nhà đầu tư lớn của Mỹ không muốn làm ăn theo kiểu đó. Với họ thời gian còn quý hơn vàng. Thêm nữa, chúng tôi được biết, các tập đoàn của Mỹ và Tây Âu bình quân phải bỏ ra hàng chục ngàn USD để đào tạo lại cho một cán bộ quản lý, một kỹ sư, một cán bộ kỹ thuật của Việt Nam thì họ mới làm việc được. Thậm chí họ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đào lại tất cả nhân công đã tuyển. Đã vậy lại không có nhân lực qua đào tạo dù là thấp để tuyển dụng. Cụ thể năm 2011, Intel, hãng sản xuất chip điện tử hàng đầu của Mỹ đã gặp rất nhiều trở ngại khi không tuyển dụng được một phần nhỏ số lượng nhân công theo yêu cầu. Thực sự họ đã thất vọng. Với một đội ngũ lao động kém cỏi bắt nguồn từ sự bất cập trong nền giáo dục hàn lâm, thuần thúy lý thuyết, xa dời thực tế, thiếu chuyên môn hóa, các nhà đầu tư Mỹ chắc chắn sẽ phải đắn đo. Trong những năm trước, khi giá lao động Trung Quốc tăng nhanh, tôi đã cho rằng Việt Nam sẽ là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư muốn hướng về châu Á, nhưng tôi đã nhầm. Cho tới nay, giá lao động tối thiểu của Trung Quốc cao hơn Việt Nam rất nhiều, Trung Quốc vẫn là điểm dừng chân hàng đầu cho các tập đoàn công nghệ khổng lồ của thế giới như Samsung, Apple nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng lao động. Người Trung Quốc đã đào tạo được đội ngũ lao động cao cấp làm nòng cốt cho nền kinh tế trong lúc vẫn đảm bảo giá cả, chất lượng và năng xuất sản xuất ở mức cạnh tranh so với thị trường lao động quốc tế từ rất sớm. Nếu giáo dục, đào tạo Việt Nam cứ  bảo thủ, trì trệ, không mau thay đổi, không đào tạo được nguồn lao động chất lượng cao tôi e rằng Việt Nam sẽ không đón nhận được làn sóng FDI khổng lồ sau cơn suy thoái của nền kinh tế thế giới.
-        Ngoài những nguyên nhân trên, theo ông còn có những trở ngại nào đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ?
-       Doanh nghiệp nhà nước bị coi là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của khu vực tư nhân, là lá chắn nguồn FDI từ bên ngoài vào. Tôi hiểu Chủ nghĩa xã hội lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nó được coi là thành phần kinh tế nòng cốt, là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, lại đòi hỏi sự hỗ trợ khổng lồ để tiếp tục tồn tại, điển hình như Tập đoàn Điện lực, Vinashin, Vinalines… Các doanh nghiệp này đã tạo ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường, bị các nhà đầu tư lên án là với số vốn lớn mạnh đã ra sức thao túng vị trí đầu tầu của ngành, chiếm thế độc quyền bằng cách mở rộng đa ngành, tạo ra sự khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của các tập đoàn đầu tư nước ngoài. Chẳng nhà đầu tư nước ngoài nào muốn dính vào họ, bởi vì dính vào họ sẽ rất phiền toái. Nếu Chính phủ Việt Nam không nhanh chóng cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị đang cản trở sự phát triển của Việt Nam, không tìm cách tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ độc quyền và có định hướng đúng đắn cho doanh nghiệp nhà nước thì giới đầu tư Hoa Kỳ vẫn còn nghi ngại.
-        Theo tôi, Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đã có rất nhiều nỗ lực để tái khẳng định tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Nỗ lực rõ rệt nhất là việc tái ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tín dụng, tái cơ cấu ngân hàng cũng như các doanh nghiệp nhà nước. Trong định hướng xúc tiến đầu tư, phía chúng tôi đã nhận định Hoa Kỳ là nơi hội tụ của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia, có thế mạnh về tài chính và công nghệ hiện đại, có mạng lưới thị trường quốc tế và kỹ năng kinh doanh vượt trội. Việt Nam chủ trương hướng mạnh vào việc tiếp cận và thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia Hoa Kỳ theo nhiều hướng: Thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu, tạo điều kiện để một số công ty xuyên quốc gia xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
-       Tôi biết và đánh giá cao quyết tâm, cố gắng của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ việc làm của Chính phủ các ông vẫn chưa đủ. Tôi cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn Việt Nam – Hoa Kỳ. Tôi hy vọng với cơ chế này, nơi mà bên cạnh chức năng tư vấn còn là điểm đến để các nhà đầu tư Hoa Kỳ thảo luận với các đối tác Việt Nam các kế hoạch làm ăn bài bản, có hệ thống, sẽ thúc đẩy đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác và thị trường tiềm năng. Họ luôn mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng cá nhân tôi rất kỳ vọng vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương(TPP). Hiệp định này có thể coi là chất xúc tác để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên. Việc 21 công ty thành viên của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vừa có chuyến thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư là một minh chứng rõ nét. Cho đến bây giờ những tên tuổi lớn của Hoa Kỳ đều đã và đang có mặt tại Việt Nam . Nếu Việt Nam thực sự tôn trọng nền kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, đào thải những doanh nghiệp yếu kém, kể cả đó là các doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu và nếu môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, chắc chắn rằng không lâu Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư đứng ở vị trí số 1 như tôi bấy lâu nay hằng mong muốn.
Trong  khoảng một tiếng đồng hồ, tôi đã biết tương đối tường tận công việc của David. Về phía David, ông cũng muốn biết chi tiết công việc của tôi, một người làm công tác quản lý giáo dục gần 40 năm ở một nhà trường trung học. Tôi giải thích cho ông nghe về hệ thống nhà trường Việt Nam, nhiệm vụ và công việc của người hiệu trưởng. Đại loại là việc xây dựng và tổ chức bộ máy nhà trường, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động năm học, quản lý giáo viên, nhân viên, quản lý chuyên môn, phân công công tác, quản lý học sinh và hoạt động của học sinh ở trường… David chăm chú nghe, thỉnh thoảng lại yêu cầu tôi nói rõ hơn, cụ thể hơn. Ví dụ quản lý việc dạy học của giáo viên thì người cán bộ quản lý làm cái gì? Quản lý nội dung, chương trình dạy học như thế nào? Liệu có hạn chế tự do cá nhân của giáo viên trên lớp không?
Sau khi giới thiệu, chào hỏi xã giao và tìm hiểu nghề nghiệp, công việc của nhau, chúng tôi bắt đầu nói chuyện về quá khứ, cái quá khứ vẫn cứ theo đuổi trong tâm trí mỗi người lính thuộc hai chiến tuyến từ bao năm nay. David chủ động khơi gợi trước:
-       Giữa năm 1967 tôi học xong Trung học phổ thông. Vừa kịp nhận tấm bằng thì tôi đã có lệnh nhập ngũ. Tôi được biên chế vào Lực  lượng Thủy quân Lục chiến của Hoa Kỳ, đến Việt Nam vào tháng 1 năm 1968. Đơn vị tôi đóng quân tại Khe Sanh, ông biết đấy, ở phía Tây Quảng Trị giáp biên giới Lào. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ đóng chốt trên một cao điểm gọi tên bằng con số là 861 hay 881 gì đó, lâu rồi tôi không còn nhớ rõ. Chúng tôi được người ta tuyên truyền rằng Khe Sanh là một tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm. Nó có nhiệm vụ bảo vệ Hàng rào Điện tử Mc Namara và chặn đứng sự chi viện về người, vũ khí đạn dược của Bắc Việt từ Bắc vào Nam qua Hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Chỉ huy Căn cứ Khe Sanh lúc đó là Đại tá Lownds. Ông ta có một tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến, một tiểu đoàn Biệt động quân Việt Nam Cộng hòa mà các ông gọi là Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng số chúng tôi có hàng chục ngàn quân vừa trực tiếp vừa gián tiếp chiến đấu tại mặt trận này. Có ngày pháo binh của chúng tôi bắn tới 15.000 quả đạn, kết hợp với  hàng trăm lượt xuất kích của không lực, kể cả máy bay B52 ném bom rải thảm. Cuối cùng chúng tôi vẫn buộc phải rút chạy…
 Tôi nhận ra khi David nói về quá khứ của mình, phong thái David hoàn toàn khác. Vẻ sôi nổi, nhiệt tình của ông không còn nữa. Khuôn mặt, ánh mắt ông cũng không còn rạng lên lúc cười. Giọng ông trở nên trầm lắng, buồn buồn:
-       Thật là khủng khiếp. Nó không hề giống một cuộc chiến tranh như chúng tôi từng tưởng tượng. Suốt thời gian ở Khe Sanh tôi chưa trông thấy rõ hình hài một người lính Bắc Việt bên các ông. Đúng là một cuộc chiến vô hình. Tôi chỉ thấy xung quanh là đồi núi hoang vắng. Suốt ngày máy bay của chúng tôi gầm rú. Mặt đất luôn rung chuyển trong tiếng bom đạn. Pháo binh hai bên thi nhau xé toạc bầu không khí, cầy nát khu vực trú quân. Bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau tiếng nổ đinh tai chát chúa. Khói súng, khói đạn, khói bom mù mịt, khét lẹt xộc vào lồng ngực đến nghẹt thở. Mấy tháng liền chúng tôi bị vây ép, nhưng cứ mỗi lần nống ra giải tỏa, vượt khỏi công sự là chúng tôi lại bị tập kích, chịu nhiều tổn thất nặng nề. Những loạt đạn ngắn các kích cỡ bên các ông đan chen chiu chíu vèo quanh người. Đồng đội tôi gục ngã, kêu la. Chúng tôi phải kéo nhiều thi thể và dìu những người bị thương về căn cứ. Chưa đầy năm tháng, đại đội tôi đã mất hơn hai chục người và hơn bốn chục người bị thương, phải bổ sung quân số đến ba lần. Mỗi lần chứng kiến những chiếc trực thăng chuyên chở binh lính bị loại khỏi vòng chiến đấu bay đi và những chiếc trực thăng chở binh lính mới đến, tôi lại cảm thấy rất gần cái chết. Tôi thực sự sợ hãi và hoảng loạn… Đó là trải nghiệm khủng khiếp đầu tiên trong đời quân ngũ.
-       Thế còn những lần trải nghiệm tiếp, tôi tò mò hỏi David.
-       Vào quãng thời gian tháng 3 năm 1969, phía chúng tôi mở cuộc hành quân Mari Cay, một cuộc hành quân hỗn hợp gồm Sư đoàn Thủy quân Lục chiến và Sư đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa đổ bộ chiếm động Cô Ác, đánh ra vùng Tam Tanh, A Dơi gần biên giới Việt Lào. Mục đích của chúng tôi là đẩy quân Cộng sản bật sang đất Lào, bình định địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau hai tuần, gần như ngày nào chúng tôi cũng bị tập kích, dù luôn luôn đề phòng, lần nào cũng bị bất ngờ. Cuối cùng cuộc hành quân đã không thành công. Tôi nhớ sư đoàn tôi bị mất gần 150 người, 7 xe tăng bị bắn cháy. Trong đơn vị tôi bắt đầu có hiện tượng phản chiến, chống lại chỉ huy. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Khoảng hai tuần sau, đầu tháng 4 năm 1969 phía chúng tôi mở tiếp cuộc hành quân quy mô lớn mấy sư đoàn, có sự tham gia  của 2 sư đoàn Mỹ tại Phong Điền, Bình Điền, Hương Trà, A Sầu, A Lưới thuộc Tây Thừa Thiên. Mục đích của chúng tôi là đánh bật cơ quan chỉ huy đầu não và chủ lực Cộng sản sang bên kia biên giới Lào, thực hiện ngăn chặn từ xa, đề phòng một cuộc tấn công nổi dậy vào thành phố Huế như mùa xuân năm 1968. Cuộc hành quân của chúng tôi tưởng như sẽ thắng lợi. Bom phát quang, bom phá hầm ngầm công sự, bom sát thương, bom napalm cháy, đạn pháo bầy, cối bắn ngắn của chúng tôi ngày đêm cấp tập đào xới đất đá một vùng đỏ loét. Tất cả binh lực đổ về từ các hướng: Không quân từ Thái Lan, từ Lào, hải quân từ biển, các trận địa pháo từ đồng bằng, trên đồi núi, bộ binh thường trực xung quanh A Sầu, A Lưới. Chúng tôi đánh chiếm một loạt cứ điểm trên đồi núi dọc đường 12, 14 lên sát biên giới Lào, thiết lập được nhiều căn cứ hỏa lực, chuẩn bị cho cuộc tiến quân mang tên Tuyết rơi trên đỉnh núi A Pache, đánh chiếm động A Bia, một vị trí rừng núi hiểm trở chiến lược. Cuối cùng sau hơn mười ngày, qua mấy chục trận đánh lớn nhỏ, ý đồ diệt gọn Cộng quân bị đảo ngược thành cái tên “Máu chảy trên đỉnh A Pache”, đồi A Bia đã trở thành “Đồi Thịt Băm” đối với  người Mỹ. Sư đoàn tôi đã mất sức chiến đấu, bị chia cắt, bị đánh tả tơi trước sau, không thể ứng cứu cho nhau được. Bản thân đại đội tôi bị tập kích phải dồn xuống những hố bom của chính chúng tôi ném trước đó. Tôi nằm dán mặt vào thành hố bom, mùi khét trộn với mùi máu thịt tanh tưởi đến ghê rợn. Khoảng nửa giờ hỏa lực liên tục hỗ trợ trôi đi, khi viên chỉ huy đại đội thúc dồn lên tấn công, chúng tôi hò nhau theo đội hình tiếp tục phản kích thì chỉ kịp thấy lóe sáng. Cả một dàn mìn định hướng bắn vào, có thể nói gần như cả trung đội tôi bị xóa sổ. Tôi bị ngất đi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy thấy mình nằm ở bệnh viện dã chiến Phú Bài. Cả một bệnh viện đến hàng trăm binh lính Mỹ . Ơn Chúa, may mà tôi còn sống sót. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao người Mỹ không trụ được ở Khe Sanh, không hiểu nổi tại sao người Mỹ không chiếm được A Bia. Một chiến dịch thì giữ không được, một chiến dịch thì chiếm không xong. Trong khi so sánh tương quan lực lượng người Mỹ hơn hẳn về phương tiện chiến tranh, về nhân lực.
-       Nếu tôi nhớ không nhầm thì Sư đoàn Thủy quân Lục chiến của các ông chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ chiến dịch, tức là đánh ở bên ngoài, còn Sư đoàn dù 101 Mỹ mới trực tiếp đánh A Bia.
-       Chính xác như vậy.
-       Về trận A Bia tôi biết tương đối tường tận, có thể nói với ông nhiều giờ, vì tôi đã ở Sư 324, lại ở Trung đoàn 3, tiểu đoàn 8, đại đội 5, đơn vị trực tiếp đối đầu với Sư dù 101 ở đồi A Bia. Về thời gian, chiến dịch chính thức bắt đầu từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5 năm 1969. Phía Mỹ huy động 2.000 quân do Tướng Melvin Zais chỉ huy, 10 tiểu đoàn pháo, 272 phi vụ oanh tạc, 450 tấn bom phá, 69 tấn bom napalm. Về phía chúng tôi có 3 tiểu đoàn do Trung tá Ma Vĩnh Lan chỉ huy, quân số ước chừng 800 người và thực tế trên đồi A Bia chỉ có tiểu đoàn 8 chốt giữ, vũ khí tối tân nhất là cối 82mm. Kết quả gần 1.000 binh sĩ Mỹ chết và bị thương,  phải rút quân khỏi A Bia. Phía chúng tôi gần 300 người chết và bị thương. Ông nói không hiểu tại sao với binh lực vượt trội như vậy lại thất bại? Ông đã xem cuốn Hamburger Hill (Đồi thịt băm) của Samuel Zafiri và cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây của Keith W. Nolan chưa? Người Mỹ cũng đã dựng thành những bộ phim, nhưng phim thì tôi chưa xem.
-        Tôi có một trong hai cuốn sách ông nói và tôi cũng có biết một trong hai tác giả. Keith đã sang Việt Nam nhiều lần. Ông ấy đã gặp gỡ phỏng vấn một số sĩ quan cao cấp, sĩ quan chỉ huy trực tiếp đánh các trận ở A Sầu, A Lưới. Tôi biết trong số những người được phỏng vấn có Tướng Chu Phương Đới, Sư đoàn trưởng Sư 324, người từng tham gia đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, người chỉ huy một sư đoàn chủ lực địa phương thách thức ba sư đoàn chuyên nghiệp Mỹ tại chiến trường Trị Thiên: Sư đoàn Kị binh bay, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến và Sư đoàn dù. Ông Đới cũng là người trực tiếp duyệt phương án, chỉ đạo Trung đoàn 3 của Ma Vĩnh Lan chôn vùi người Mỹ ở A Bia. Đồi A Bia hay Đồi thịt băm đã đi vào lịch sử quân đội Mỹ như một nỗi khổ nhục. Các tướng lĩnh Mỹ, Thượng, Hạ viện Mỹ tranh cãi gay gắt, chia rẽ gay gắt về việc đánh chiếm A Bia. Nó được coi là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Sau thất bại A Bia người Mỹ buộc phải xem xét lại chiến lược ở Nam Việt Nam. Tướng Abram chỉ huy quân đội Mỹ tại chiến trường phải hủy bỏ chính sách gây áp lực tối đa chống lại quân đội Bắc Việt. Tổng thống Richard Nicxon phải thúc đẩy nhanh Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chiến lược mà  phía các ông lên án là chiến lược thay đổi màu da xác chết. Tôi đã xem kỹ cả hai cuốn sách, nhưng vẫn chưa thấy thỏa đáng, vẫn chưa thấy hết khúc mắc.
-       Tôi không cùng quan điểm với các tác giả của hai cuốn sách, có nhiều sự kiện miêu tả hoàn toàn không đúng sự thật, nhưng đó là cuốn sách đáng để xem. Còn để trả lời câu hỏi tại sao để David thấy thỏa đáng thì thật khó. Nói như Tướng Macnamara thì người Mỹ đã không hiểu gì về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Hoàn toàn đúng, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chúng tôi thắng vì có chính nghĩa, vì chiến đấu để bảo vệ mảnh đất thân yêu của chính mình. Chúng tôi hoàn toàn chủ động đánh theo cách đánh của mình. Chúng tôi buộc người Mỹ phải đánh theo cách đánh của chúng tôi. Ví dụ ở A Bia, mục đích cụ thể của các tướng tá Mỹ là chiếm được quả đồi và tiêu diệt hết sinh lực của chúng tôi. Vì vậy công thức của các tướng tá Mỹ là dùng hỏa lực bom đạn đào xới cho đến lúc có cảm giác không còn sinh vật nào, thậm chí đến cỏ cây cũng không còn dấu vết gì, sau đó mới cho trực thăng đổ bộ binh xuống tấn công chiếm chốt. Trong khi đó, Phương án tác chiến của Ma Vĩnh Lan và cũng là của tất cả cán bộ chiến sĩ là vận động tiến công kết hợp giữ chốt, có nghĩa là lấy cơ động tấn công để giữ quả đồi; giữ chốt trên quả đồi để tấn công, không ở cố định nơi nào. Chúng tôi lấy đại đội, trung đội xuất kích, tập kích vào từng cụm quân, lấy tiêu diệt sinh lực đối phương là mục đích. Vì vậy lúc bom đạn đổ xuống ngọn đồi, đội hình chủ yếu của chúng tôi có ở đó ở đâu. Lúc bộ binh Mỹ từ các hướng và trực thăng trên trời đổ quân xuống để tấn công chiếm đồi thì từ các vị trí bí mật chúng tôi mới bất ngờ vận động tấn công vào đội hình, tiêu diệt, chia cắt, kết hợp với một ma trận chốt trên đồi được nối với nhau bằng hệ thống hầm hào, có lựu đạn, mìn định hướng được bố trí sẵn chờ đợi đối phương lọt vào trận địa. Sau đó chúng tôi lại cơ động rút đi, chỉ còn một vài tổ ba người giữ chốt.
-       Tôi hiểu rồi. Chúng tôi thua về phương án tác chiến, hoàn toàn bị động, không thấy rõ đối phương, lại không thông thuộc địa hình.
-       Đúng vậy. còn một yếu tố nữa, đó là con người. Khi cần chúng tôi phân tán lực lượng, để tránh thương vong, nhưng đòi hỏi người chiến sĩ phải quả cảm, phải mưu trí lấy ít địch nhiều. Tôi lấy ví dụ vào hồi 16 giờ ngày 16 tháng 5, Sư dù thay một đại đội mới, gọi pháo yểm trợ tối đa, tưởng như trận địa đối phương bị hủy diệt. Binh sĩ Mỹ dồn lên tấn công một chốt có ba người. Chiến sĩ Nguyễn Trọng Phôn dùng súng AK hạ gục hai binh sĩ Mỹ. Mấy chục lính Mỹ đổ xô lại, xả súng bắn như mưa đạn về phía trước, Phôn bấm phát nổ hai quả mìn ĐH 10, gần một trung đội Mỹ bị tiêu diệt. Chiến sĩ thứ hai Hoàng Văn Đợi tiếp tục dùng AK xả bắn vào đội hình. Chiến sĩ thứ ba bắn bồi một quả B41. Như vậy chỉ có ba người thôi, chúng tôi vẫn giữ vững trận địa. Đặc biệt ở mũi chốt phía nam động A Bia, một chiến sĩ hy sinh, một bị thương, còn lại một mình chiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu vẫn không rời bỏ trận địa, đảm nhiệm một hướng, linh hoạt sử dụng ba loại vũ khí: Mìn, lựu đạn, hai loại súng AK và trung liên bẻ gãy năm đợt tấn công, hạ gục 31 lính Mỹ trong ngày. Số còn lại lầm tưởng còn nhiều đối phương nên thoái thủ không dám tấn công nữa. Tôi hỏi David những người lính Mỹ có làm được những việc tương tự như vậy không?
-       Tôi bắt đầu hiểu tại sao người Mỹ thua. Theo ông còn lý do nào nữa?
-        Còn nữa nhưng tôi không phải là chuyên gia quân sự.
-       Thế lúc đó ông ở đâu?
-       Lúc đó tôi vẫn ngồi trên ghế nhà trường, tôi trả lời, đến đầu năm 1972 đơn vị tôi mới vào chiến trường Quảng Trị. Tôi được bổ sung vào Đại đội 5 Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3 Sư 324, đúng đại đội tiểu đoàn trung đoàn được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng, đơn vị nổi tiếng đánh trên đồi A Bia ba năm trước. David mới chỉ trải qua và chứng kiến sự ác liệt, sự tổn thất ở một, hai cao điểm của một đại đội, một tiểu đoàn, còn chúng tôi đã trải qua và chứng kiến sự ác liệt, sự tổn thất ở cửa ngõ một mặt trận của hàng trung đoàn, hàng sư đoàn. Không phải chứng kiến vài ba chục người chết, bốn năm chục người bị thương mà là hàng nghìn người chết, mấy nghìn người bị thương. Ở Mặt trận Khe Sanh, Không lực Mỹ ném xuống trên 114.000 tấn bom, còn ở Mặt trận Quảng Trị sử dụng tới 328.000 tấn, tương đương với sức công phá 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima. Chắc David hình dung được mức độ ác liệt và sự tổn thất như thế nào?
-       Tôi có thể hình dung được phần nào. Nhưng với chúng tôi, những người tham gia Lực lượng Thủy quân Lục chiến và Sư Dù thì Khe Sanh, A Bia mãi mãi đi vào ký ức như là những nơi phải trả giá đắt nhất bằng xương máu của lính Mỹ. Khi trở về Mỹ, tôi cùng các bạn bè đã hòa trong dòng người xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh. Có thể nói chúng tôi đại diện cho một thế hệ nước mắt, sự chia rẽ và nỗi hổ thẹn của dân tộc. Vào những năm 1970, người dân Mỹ đã biết được quân đội Mỹ ở Việt Nam tiến hành hàng trăm vụ thảm sát. Trên một trăm vụ được các cơ quan điều tra của quân đội xác minh là có chứng cứ cụ thể. Sốc nhất với chúng tôi là vụ thảm sát ở Mỹ Lai. Hơn 500 thường dân từ một tuổi đến tám hai tuổi, đa số là phụ nữ, người già, trẻ em bị giết hại. Chính xác là 182 phụ nữ và trong đó có 17 người đang mang thai, 173 trẻ em và trong số đó có 56 trẻ em sơ sinh, 60 cụ già và 89 trung niên. Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và buồn chán vì không một người lính nào trong Đại đội Charlie, đơn vị trực tiếp sát hại dã man dân Mỹ Lai, cũng như những chỉ huy cấp trên trực tiếp ra lệnh thảm sát dân làng bị xét xử thỏa đáng. Chính quyền và tòa án Mỹ cố tình bưng bít, bao che tội ác man rợ, nhục nhã này. Thật xấu hổ thay cho quân đội Mỹ. Thật xấu hổ cho người dân Mỹ. Tôi chỉ còn cách phô tô phân phát cho mọi người hàng ngàn bản về đoạn tin mà Hãng BBC News đã mô tả. Tôi vẫn còn nhớ như in. Tôi đọc cho ông nghe “ Lính Mỹ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, vào đàn bà, cả trẻ em sơ sinh. Những gia đình tụm lại ẩn nấp trong các căn lều hoặc hầm tạm bị giết không thương tiếc. Những người giơ cao hai tay đầu hàng cũng bị giết… Những nơi khác trong làng, sự bạo tàn của lính Mỹ mỗi lúc một chồng chất. Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt. Những người quỳ lạy xin tha bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng báng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số bị cắt xẻo với dấu C Company trên ngực…”
David David nghẹn ngào. Nước mắt đầm đìa khuôn mặt. Ông lấy khăn lau, rồi nấc lên:
-       Suốt thời gian đó, đêm đêm tôi cứ nằm mơ thấy những đứa trẻ. Nó bé giống như những đứa con tôi, David mếu máo.
Tôi vội nắm lấy tay ông và cũng không cầm được nước mắt. Đúng là quá khứ đã qua đi, nhưng vẫn còn đó bao nhiêu điều đau xót. Những người đã chết, những người còn sống, những người đang sống; quá khứ, hiện tại, tương lai, những người ở cuối bên kia dốc cuộc đời thuộc lứa chúng tôi vẫn rất cần phải chiêm nghiệm về lẽ sống,về cái tốt xấu, cái chân thiện mỹ .Thực tế cả tôi và David đều không biết phải an ủi nhau như thế nào. Chẳng lẽ bảo nhau tại chiến tranh nên quên đi tất cả ư?
Kể từ lúc đó cho đến sáng, David không nói chuyện gì. Ông lấy ra một chai rượu nhỏ trong chiếc cặp để máy tính, ra hiệu với tôi uống cùng, tôi lắc đầu. Thỉnh thoảng ông lại làm một ngụm. Còn tôi, tôi nhớ đến bao kỷ niệm về những người bạn thuở thiếu thời còn nằm lại trên khắp các chiến trường miền Nam. Họ là những người cùng xóm, cùng làng, cùng chơi bi đánh đáo, cùng nô đùa dưới ánh trăng khuya, cùng bắt cua bắt ốc, cùng trộm khoai trộm vải, cùng tung tăng ngày ngày cắp sách đến trường, cùng học nhóm học tổ, cùng nhau ước mơ, cùng yêu… Giờ thì những người ấy đã đi đâu? Bạn Phạm Ngọc Bình, Giang Nguyên Dân, Vũ Văn Qúy, Nguyễn Huy Hải, Nguyễn Minh Hồ, Triệu Văn Hùng, Nguyễn Hữu Tâm, Nguyễn Duy Tấn, Nguyễn Huy Thọ, Nguyễn Văn Vinh... Tất cả đã trở về với cát bụi ở độ tuổi 20.
Tôi nhắm mắt cố ngủ, nhưng trong tâm trí vẫn hiện lên những hình ảnh về Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, sau được lên chỉ huy Sư 324, người con tuyệt vời ở chợ Rã- Bắc Cạn, anh hùng mặt trân B5, người chỉ huy xuất sắc nhất trong chiến dịch đánh Mỹ vây hãm đồi A Bia, vây hãm Động Tranh. Ông đã sáng tạo ra cách bố trí hầm chốt mới để chiến sĩ ít bị thương vong nhất. Ông đã cụ thể hóa cực kì sáng tạo phương án vận động tấn công kết hợp chốt, kiên cường bám chốt để vận động tấn công. Ông chỉ đạo cách ém quân, cách đánh gần, cách đánh xen kẽ tránh phi pháo và hỏa lực địch. Tôi nhớ lần gặp ông cuối cùng ở Nghệ An, một ông già hiền lành đôn hậu đọc hàng chục bài thơ cho chúng tôi nghe, những bài thơ về chiến trường chan chứa tình đồng đội. Tứ thơ của ông thật mộc mạc, độc đáo. Ông đã chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ hi sinh nên thơ của ông là máu và nước mắt, là nỗi nhớ khắc khoải những người đồng chí đồng đội, những lời tâm sự đời thường thật tha thiết, thật trong sáng thủy chung. Hôm đó ông còn nói với tôi “mình già rồi, chắc không còn cơ hội gặp được anh em đồng chí đồng đội nhiều nữa. Em còn trẻ, đơn vị có dịp mời cố gắng mà đi. Cố gắng cùng anh em giữ vững truyền thống đơn vị”. Tôi rất ân hận vì khi ông mất ở Thái Nguyên vì lí do gì đó tôi không đến tiễn biệt ông được.
Tôi nhớ Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn, quê ở Nghệ An, từ một người lính công binh quả cảm, mưu trí, sáng tạo, trải qua hàng trăm trận đánh kiên cường, trở thành người chỉ huy xuất sắc từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến chỉ huy trung đoàn. Ông trực tiếp dẫn Trung đoàn 3 vào Tây nguyên đánh phối thuộc ở Đắc Pét, rồi tham gia đánh địch trong chiến dịch Thượng Đức. Ông cùng chiến sĩ bao lần bò vào tận trận địa địch để trinh sát nắm tình hình theo phương châm đã nhận nhiệm vụ là hoàn thành, đã đánh là thắng. Ông góp phần không nhỏ trong thắng lợi Chiến dịch Thượng Đức, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Khi về đời thường, ông tự học trở thành một lương y mẫu mực chữa bệnh cho mọi người.
Tôi cũng lại nhớ tới Tướng Chu Phương Đới, người con ưu tú của dân tôc Tày, người anh hùng của rừng núi Trị Thiên, người bạn của các dân tộc Lào, quê xã Hưng Đạo, Hòa an, Cao Bằng. Ông chỉ  huy Sư đoàn 324 đánh Mỹ-Ngụy ở Quảng Trị, Thừa thiên từ những năm 1960. Sư đoàn ra quân đánh Mỹ đầu tiên đã tiêu diệt căn cứ Đầu Mầu, đánh bại cuộc hành quân hắc tinh tinh của Mỹ. Sư đoàn chiếm cứ Cù Đinh, Ba De mở ra một thời kỳ mới thu hút chủ lực Mỹ - Ngụy ra Mặt trận đường 9 để tiêu diệt vào năm 1966-1967. Ông còn gắn bó mãi với Sư đoàn đến năm 1987 sau khi nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Năm 2006 khi Tướng Chu Đới nằm ở Bệnh viện Y học Dân tộc Quân đội tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, tôi đã cùng đoàn cán bộ chiến sĩ cựu chiến binh Hà Nội thuộc sư 324 đến thăm hỏi bệnh tình ông. Lúc đó ông vẫn còn khỏe, còn kể lại cho chúng tôi nghe thời hoạt đông cách mạng, thời trai trẻ đánh Pháp ở Việt Bắc, ở Điện Biên Phủ như thế nào. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe thời kì học ở Nga, ông chọn một đề tài giả định gây sốc cho toàn học viện. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động mà ông là một chỉ huy quân đoàn phụ trách bảo vệ vùng biên cương hai tỉnh Cao bằng và Lạng Sơn. Ông buồn rầu nói “Thế mà sau đó có chiến tranh thật”. Tôi rất tò mò về đề tài này. Tại sao ông lại giả định về cuộc chiến tranh Trung - Việt? Hỏi ông, ông cười “mình cũng chỉ nhân đọc về cuộc chiến Trung – Ấn và cuộc chiến Trung – Xô mà chợt nghĩ ra thôi.
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên và đã nảy ra ý định viết một cuốn sách về Chu Phương Đới. Tôi đã dự định dành thời gian đến Viện Y học để khai thác tài liệu sống từ con người ông. Thật đáng buồn, vì mải bận bát cơm manh áo mà tôi không thực hiên được điều đó. Tôi rất ấn tượng với phong cách điềm đạm, cởi mở, quần chúng của vị tướng này. Hôm đó ông vẫn còn hát theo anh em chúng tôi bài hát Vang mãi khúc quân hành: Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến đấu, ta ca vang, triền miên qua tháng ngày… Chúng tôi hát, hát say sưa để ngợi ca, tưởng nhớ những người lính và cũng để tôn vinh cuộc đời binh nghiệp sáng ngời của ông.
Năm 2007 tôi cùng anh em lính tráng cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 3 ở Hà Nội lên Cao Bằng thăm ông. Lúc đến nhà ông, trời về chiều, chỉ còn vài tia nắng nhạt nhòa. Chúng tôi đều ngỡ ngàng, ngậm ngùi. Ba gian nhà ngói nhỏ bé ông ở cùng gia đình hòa lẫn với tất cả những ngôi nhà xung quanh bản người Tày. Trước ngôi nhà còn có một khoảng sân lát gạch nung cũ kỹ. Cách sân vài mét là hàng rào cây gốc tần, ô rô. Trong cái khoảng trống tạm gọi là khu vườn, các đồng đội của ông đã trồng vài khóm thanh long, một số loại hoa đặc trưng của các vùng miền khi về thăm ông.
Bước vào nhà, tất cả đều rất đơn sơ, giản dị. Từ nền gạch hoa bằng xi măng xa xưa cái thời bao cấp đến mọi đồ vật bày biện trong nhà đều không có dấu hiệu gì là nhà của một ông tướng. Cái tủ ba ngăn kê sát vách giữa nhà đồng thời là giường thờ, bên trên có bát hương thờ ảnh Bác Hồ. Phía trước tủ là một bộ bàn ghế tràng kỷ như của bao gia đình nông thôn Việt Nam. Ông ngồi trên giường, người trông gầy sọp hẳn đi. Bên cạnh ông, Tướng Nguyễn Nam Long, người đồng đội đã bỏ nhà cửa ở Thành Phố Hồ Chí Minh lên Cao Bằng chăm sóc ông như người em ruột, phải quàng tay ôm đỡ lấy ông. Ông bắt tay từng người. Đến lượt tôi, tôi chúc ông nhanh chóng khỏe mạnh, để lần sau cùng chúng tôi lên thăm hang Pác Pó. Ông dường như không muốn rời tay tôi. Đôi mắt ông nhìn tôi rất lạ, giống như ánh mắt níu kéo của cụ tôi, bà tôi nhìn người thân trước lúc đi xa. Linh cảm mách tôi chuyện chẳng lành. Đúng như vậy, khoảng nửa đêm hôm đó, chúng tôi nhận được tin ông mất.
Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa và có thể là nhiều ngày hôm sau nữa, người thân, làng xóm, bạn bè, anh em đồng chí ở trong và ngoài nước, khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đổ về đưa tiễn Tướng Chu Phương Đới tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi biết còn có nhiều người không có điều kiện về Cao Bằng vĩnh biệt người chỉ huy, vị tướng của các vị tướng, người đồng chí, đồng đội trong suốt hai cuộc kháng chiến chống hai đế quốc. Họ sẽ đưa tiễn ông theo cách riêng của mình. Tôi biết ông không phải là vị tướng có cấp bậc cao, không phải là vị tướng thật xuất chúng, nhưng biết bao tướng tá thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn dù Mỹ sau này khi nói về ông phải kính trọng, kinh ngạc trước ý chí và tài thao lược của ông. Sự ra đi của ông khiến nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt. Cả một đời binh nghiệp, qua hai cuộc kháng chiến, trải qua hàng trăm trận đánh với đội quân viễn chinh nhà nghề thực dân Pháp và đội quân nhà nghề khét tiếng của đế quốc Mỹ, công lao với quân đội với dân tộc là không nhỏ, nhưng ông về hưu sống thuần với đồng lương hưu, sống một cuộc sống thanh bạch, tĩnh lặng ở một làng dân tộc hẻo lánh. Đặc biệt ông vẫn ấp ủ một mơ ước cho tới trước lúc qua đời, đó là có đủ tư liệu để viết một cuốn sách về người Âu Việt mà có thể hậu duệ sau này là người Tày. Ước mơ đẹp đẽ đó đã theo ông về bên kia thế giới.

Tôi biết đơn vị chính sách quân đội đã xây dựng cho Tướng Chu Phương Đới một căn nhà dưỡng già. Thế nhưng ông lại đem tặng ngôi nhà đó để làm trường mầm non cho các cháu tại quê hương. Tôi cứ tự hỏi mình tại sao nhiều người lính già lại rơi lệ, thậm chí òa khóc nức nở như đứa trẻ trong đám tang ông. Nước mắt những người lính này đã khô cạn trong mấy chục năm chinh chiến rồi. Họ đâu có dư nước mắt. Vả lại, có người từng giữ cương vị trong bộ máy của  Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chết đi họ có chút mảy may động tâm đâu? Thậm chí có người đang sống còn bị họ chỉ trích, ca thán vì họ nghi ngờ tham nhũng, lợi dụng thành quả xương máu của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên đất nước này. Như vậy ngay cả cái chết của Tướng Chu Phương Đới cũng để lại một bài học làm người thật thấm thía...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.