Thăm Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Báo chí thuộc Đại học Missori

Leave a Comment
 Hôm nay Thúy đưa tôi đi thăm College of Education, ngôi trường mà hai chi em Thúy, Vân đã và đang học tập. College of Education là một trong gần chục college của MU: Đại học Nghệ thuật và Khoa học (College of Arts & Science), Đại học Kinh doanh (College of Business), Đại học Kĩ thuật (College of Engineering), Đại học Khoa học Môi trường Nhân văn (College of Human Environmental Sciences), Đại học Thú y (College of Veterinery Medicine)…
 College of Education thành lập năm 1868 theo quyết định của chính quyền bang với phương châm đào tạo giáo viên là chức năng quan trọng nhất của bất kì trường trường đại học nào trong bang. Đến nay  nhà trường vừa kỉ niệm 145 năm ngày sinh của mình. Nhà trường vẫn tiếp tục thực hiên theo phương châm đề ra từ buổi đầu và cụ thể hóa thêm những giá trị cốt lõi của mình: Đảm bảo chất lượng đào tạo hàng đầu, phát huy tính sáng tạo và đổi mới, lấy sinh viên làm trung tâm, phát triển sự đa dạng văn hóa, phấn đấu vì mục tiêu và nhu cầu của xã hội. Nhà trường đã đào tạo được trên 47.000 cán bộ, giáo viên có trình độ đại học, hàng nghìn cán bộ giáo viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Nhà trường không chỉ đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên cho bang, liên bang mà còn đào tạo cán bộ giáo viên đẳng cấp quốc tế cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Năm 2012 trường được US. New & World Report của Mỹ xếp thứ 58 trong tổng số tất cả các trường đại học trong toàn liên bang. Riêng Khoa Tâm lí, Tư vấn, Trường học được xếp thứ 2. Khoa Lãnh đạo và Hoạch định chính sách xếp thư 17.
 College of education chia thành 5 ban: Ban Lãnh đạo và Hoạch định chính sách, Ban Tâm lí Giáo dục, Ban Dạy - Học và Chương trình, Ban Giáo dục Đặc biệt, Ban Kĩ thuật và Thông tin. Các ban lại được chia ra những khoa khác nhau. Chẳng hạn như Ban Dạy - Học và Chương trình chia ra các khoa: Ngôn ngữ và Văn hóa, Toán học, Khoa học, Nghiên cứu xã hội. Ban Tâm lí chia ra các khoa: Tâm lí Giáo dục, Tâm lí Trường học, Tâm lí Tư vấn. Trong các khoa lại chia ra các lớp khác nhau. Ví dụ như Khoa ngôn ngữ và Văn hóa chia ra các lóp: Lớp Giáo dục Nghệ thuật, Lớp giáo dục Âm nhạc, Lớp Kinh doanh và Maketing, Lớp Mầm non…
 Khu College of Education còn gọi là khu Townsend bao gồm ba khối nhà 3 tầng liền kề nhau. Ở trung tâm giáp với đại lộ là tòa nhà Townsend Hall. Tiếp bên cạnh là Tòa nhà  High School và Tòa nhà Elementary School nằm sâu ở phía trong. Thúy dẫn tôi đi thăm phòng giám hiệu, văn phòng, các phòng học. Điều tôi quan tâm nhất là phòng học. Phòng nào cũng thoáng rộng. Phòng nào cũng đầy đủ thiết bị như máy chiếu, máy tính, bảng thông minh. Bàn học thường là bàn tròn, có các ổ cắm máy tính cá nhân cho sinh viên. Nhiều phòng sinh viên đang học, đang thảo luận. Nhưng tất cả đều đóng kín cửa, không một tiếng động phát ra ngoài.
Sự im lặng đến kì lạ khiến tôi bỗng nhớ đến tứ thơ trong bài thơ Âm thanh im lặng của Vũ Quần Phương. Tôi đọc bài thơ này từ thời bom đạn chiến tranh. Cái khoảng thời gian im lặng một thời của người lính là những hoài niệm, sự chuẩn bị, sự chờ đợi, sự căng thẳng, sự dồn nén đến tột độ để rồi bùng phát cho cái âm thanh dữ dội của cái sống chết, cái thắng thua. Còn cái im lặng tôi thấy ở đây chỉ gợi cho tôi những hoài niệm đẹp đẽ gắn liền với những mơ ước tuổi trẻ; cái thời là một giáo sinh với những tháng ngày chập chững đi thực tập làm thầy giáo rồi bước vào nghề dạy học; những lớp hoc sinh xa gần lại hiện về trong tôi.
 Nghề dạy học được cho là nghề cao quý vì đã đem kiến thức, đem văn hóa của nhân loại truyền cho thế hệ trẻ với tất cả trái tim và tâm hồn con người. Sản phẩm của người thầy là con người vì vậy người thầy phải thật sự yêu người, yêu nghề. Không bao lâu nữa, những giáo sinh đang ở trong những căn phòng tôi đi qua sẽ ra trường. Họ sẽ bước vào đời như tôi đã trải qua với bao niềm say mê sáng tạo, với cả những ngọt ngào lẫn vấp váp đắng cay. Song dòng đời vốn là như vậy. Mong rằng trong số họ không ai phải trải qua cái khoảng thời gian im lặng của bất kì cuộc chiến nào, ở bất kì nơi đâu trong cái thế giới đầy bất ổn này.
 Thúy đưa tôi lên phòng làm việc của mình cách đây bốn năm khi còn là sinh viên cao học. Khi chúng tôi gõ cửa bước vào phòng, tất cả mọi người reo lên, đứng dậy đón Thúy như đón người thân đi xa lâu ngày trở về. Có bốn người trong phòng, người nào người nấy đều ở độ tuổi bốn mươi. Họ xúm quanh Thúy hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình, con cái, học hành. Một cô dắt Lâm đi chơi loanh quanh. Sau khi ra về tôi mới biết cô này vào làm thay Thúy. Tôi rất tiếc vì đã chuẩn bị mấy hộp bánh đậu xanh cho buổi gặp mặt ở khoa, nhân tiện có đôi lời cảm ơn, vậy mà lại bỏ quên mất ở phòng. Đây là văn phòng đào tạo khoa sau đại học của College of Education. Thúy làm việc part time trong căn phòng này ba năm nên được miễn toàn bộ học phí và các khoản đóng góp theo quy định. Mỗi tháng lại được nhận thêm 1200 đô sinh hoạt phí. Cũng nhờ làm việc tại đây, tích lũy được chút kinh nghiệm, nên sau khi xây dưng gia đình, theo chồng về bang Arkansas, Thúy xin được làm trợ giảng và tiếp tục theo học tiến sĩ tại Trường Đại học Arkansas.
 Khoảng gần một tiếng trò chuyện, chúng tôi chia tay mọi người và lưu luyến bước ra khỏi căn phòng. Tôi cầm theo một số tài liệu giới thiệu về trường, về khoa. Chúng tôi đi xuống tầng dưới, Thúy chỉ cho tôi phòng làm việc của Vân trong thời gian sắp tới. Đó là phòng 602, văn phòng Khoa Lãnh đạo và Hoạch định Chính sách Giáo dục phổ thông. Tôi rất mừng cho Vân vì đã được xét học bổng học tiếp tiến sĩ. Mỗi tháng làm việc part time tại văn phòng khoa Vân được cấp 1500 đô sinh hoạt phí, cộng với trợ cấp của Giang 1700 đô một tháng, nếu phải gửi con đi nhà trẻ 1000 đô một tháng, chắc trong những năm tới, hai đứa không phải lo lắng gì về chuyện tiền nong.
 Tiếp theo Thúy dẫn tôi đi thăm thư viện của College of Education. Thư viên này bao gồm hai phòng, vừa là phòng đọc vừa là phòng để sách báo băng đĩa chuyên về giáo dục. Mỗi phòng áng chừng khoảng mười giá sách cao ngang đầu người. Xung quanh phòng có khoảng trống để bàn đọc sách. Phía trái áp tường của mỗi tầng đặt rải rác hàng chục máy tính nối mạng phục vụ cán bộ giáo viên, sinh viên ngồi đọc và tham khảo tài liệu. Tôi xem lướt qua các đầu sách. Có cả một số sách in lại liên quan đến giáo dục từ thời Hy – La cổ đại và từ thời khai sáng; một số sách nguyên bản có từ thế 18, 19 và đầu thế kỷ 20. Theo sự hướng dẫn của người phụ trách thư viện, tôi ngồi vào bàn máy tính thử tra cứu và xem những tiết dạy giới thiệu phương pháp dạy học và giáo dục các cấp học ở Mỹ, ở các nước Bắc Âu, Đức, Pháp, Nhật…
 Liên hệ với trường Đại học Sư phạm, Đại học Giáo dục, những cỗ máy cái đào tạo giáo viên ở Việt Nam, trường thì có lịch sử lâu đời nhất mới 60 năm, lại trong điều kiện gần 30 năm chiến tranh; trường thì mới thành lập được khoảng 5 năm, tôi hiểu chúng ta thực sự mới đang trong giai đoạn tập vận hành và chập chững những bước đi ban đầu nên thư viện còn quá nghèo nàn lạc hậu để so sánh với họ.
Chúng tôi mất khá nhiều thời gian chụp ảnh lưu niệm ở College of Education trước khi đến Trường Đại học Báo chí Missouri (Missouri School of Journalnism). Sở dĩ tôi chọn trường này để đến thăm là vì cháu tôi mới tốt nghiệp thạc sĩ khoa báo chí, hiện đang công tác tại đài truyền hình Việt Nam. Cháu  có ý định theo học tiếp tại trường này. Tôi muốn biết một vài thực tế về trường để khi về, động viên cháu sang học trong một vài năm tới. Missouri School of Journalism là một trong nhiều school của Trường Đại học Mssouri. Đó là Trường Đại hoc Y (School of  Health Professions), Trường Đại học Luật (School of Law), Trường Đại học Dược (School of Medicine), Trường Đại học Điều dưỡng (School of Nursing)…
 Missouri School of Journalism là trường báo chí đầu tiên trên thế giới. Trường được  Walter Williams, Tổng biên tập Tờ Columbia Herald thành lập năm 1908 tại khuôn viên của Trường Đại học Missouri với sự giúp đỡ của chính quyền bang và cá nhân Joseph Pulizer. Ngày thành lập trường cũng là ngày xuất bản nhật báo University Missourian. Tờ báo này là nơi thực hành cho sinh viên trong suốt thế kỷ qua. Ngày nay, nhà trường được xếp là một trong những trường báo chí hàng đầu thế giới. Với phương pháp Missouri, sinh viên học về báo chí không những học qua bài giảng và thảo luận mà còn thực hành những kiến thức đó tại tờ nhật báo Columbia Missourian của trường báo chí phát hành. Ngoài ra, sinh viên còn được làm việc tại hai tạp chí văn hóa, một tạp chí quốc tế cũng của trường; một kênh radio công công quốc gia và một đài truyền hình thương mại duy nhất thuộc một trường đại học trên toàn Hoa Kỳ.
 Trường có bề dày thành tích gần như không trường nào trên thế giới theo kịp. Năm 1910 trường bắt đầu khai trương “Tuần lễ báo chí ”. Năm 1921 trường đào tạo chương trình thạc sĩ báo chí đầu tiên trên thế giới. Năm 1930 trường trao tặng huân chương danh dự Missouri cho những dịch vụ báo chí xuất sắc của liên bang. Năm 1934 trường đào tạo tiến sĩ báo chí đầu tiên trên thế giới. Năm 1936 trường bắt đầu tổ chức những khóa học qua đài truyền hình kênh KFRU. Năm 1958 trường mở Trung tâm Tự do thông tin và Học thuật đầu tiên trên thế giới về đề tài này. Năm 1971 trường chuyển kênh radio của mình cho phòng thực nghiệp của khoa. Năm 1981 trường được xếp hạng là trường báo chí đứng đầu Hoa Kỳ. Năm 2007 trường thành lập Viện Báo chí Donal W. Reynold để bắt đầu các khóa học nâng cao nghiệp vụ báo chí trong xã hội dân chủ. Quỹ Donal W. Reynold đã trao tặng cho nhà trường 31 triệu USD nhằm xây dựng viện trở thành một trong những viện báo chí đứng đầu quốc gia.
Missouri Shool of Journalism có sáu chương trình đào tạo cho sinh viên: Quảng cáo chiến lược thông tin, Viết báo và Tạp chí, Hội tụ Truyền thông đại chúng, In ấn và Tin Điện tử, Báo ảnh, Báo hình và Báo nói. Chương trình đào tạo thạc sĩ bao gồm học tại trường và học qua mạng. Ngoài ra trường còn có các chương trình đào tạo từ xa tổ chức tại các thành phố Jefferson, Missouri, London, New York, Washington DC. Trường cũng tổ chức hợp tác thành lập 12 chương trình đào tạo với 9 quốc gia trên thế giới.
 Thúy dẫn tôi cưỡi ngựa xem hoa qua 7 tòa nhà của Missouri School of Journalism. Đã gần trưa, tôi chỉ có thời gian để lướt nhìn các phòng: Phòng tin in ấn các ấn phẩm báo chí, Phòng thực nghiệm thiết kế công nghệ cao, Thính phòng nghe nhìn nghệ thuật, Phòng báo ảnh điện tử, Phòng máy tính hiện đại sản xuất tài liệu video, audio và text. Tổng số có tới 500 máy tính kèm theo thiết bị các loại phục cán bộ, giáo viên, sinh viên học tập và làm việc. Tôi chỉ đi dạo qua Đài truyền hình thương mại, Đài phát thanh công cộng, Thư viện báo chí (50.000đầu sách, 167 tạp chí xuất bản định kỳ, 41 nhật báo trong nước, 18 đầu báo quốc tế), Viện Báo chí.
 Riêng đến Viện Báo chí, tôi và Thúy dừng lại nhìn vào sơ đồ, không thể tiếp tục đi được nữa. Viện Báo chí bao gồm Trung tâm trình diễn công nghệ, Thư viện báo chí mới, Trung tâm biên tập đa phương tiện, Phòng làm việc nhóm, Phòng chuyên đề và diễn đàn, Hội trường trình diễn những sự kiện công cộng, Phòng tiếp công chúng và khu vực triển lãm…
 Trên đường về nhà Vân, bao nhiêu cảm xúc đan xen trong tôi. Mới chỉ nhìn tổng thể và tham quan hai trường thành viên của Đại học Missouri, tôi đã nhận ra bao vấn đề mà các trường đại học của Việt Nam chưa làm được. Đó là truyền thống, là giá trị, là bản sắc văn hóa của một trường đại học. Sau này có dịp tìm hiểu sâu hơn về nhà trường tôi càng thấy rõ cái hiện hữu mà người ta cho là phi vật thể đó. Nó nằm ở kiến trúc xây dựng của nhà trường. Nó ẩn trong khung cảnh, không khí chung của nhà trường. Nó hiển hiện trong phong cách của ban lãnh đạo, của cán bộ giáo viên, nhân viên. Nó thể hiện trong ý thức học tập, thái độ ứng xử của sinh viên. Nó khác với những trường đại học như Thanh Hoa của Trung Quôc, Chulalongcon của Thái Lan, Học viện Quản lý Quốc gia của Singapore. Nó cũng khác ngay cả với các trường đại học khác của Mỹ như Texas – Austin, Arkansas, Colorado…
Thăm Đại học Missouri, tôi biết dù trường không được xếp trong top đứng đầu của Mỹ, nhưng nó vẫn sở hữu một thương hiệu mà ngay cả những trường nổi tiếng nhất cũng chưa có được. Chẳng hạn như phương pháp Missouri, một phương pháp học, thực hành, làm việc và nghiên cứu từ thực tế từ công việc. Phương pháp Misouri  bắt nguồn từ trường báo chí nhưng lan tỏa khắp các trường trực thuộc và các khoa. Nó trở thành nội dung, phương pháp dạy - học đặc trưng của nhà trường.
 Tôi quen biết một người bạn của Vân học ở Đại học Nông nghiệp, Thực phẩm và Tài nguyên của Đại học Missouri. Hai năm trước khi còn ở chung phòng với Vân. Thỉnh thoảng tôi muốn gặp (qua ipad) để hỏi han tìm hiều việc học hành của sinh viên khoa trồng trọt như thế nào. Vân nói với tôi chỉ có thể gặp được vào ngày nghỉ vì “bạn ấy” sáng đi học, sau đó ra cánh đồng hoặc đi cơ sở gieo trồng, làm việc thực tế như một nông dân đến tối mới về. Quần áo thì bê bết, lấm lem; không kịp ăn uống lao ngay vào phòng tắm; mệt quá nhiều hôm đi ngủ ngay. Chị em cùng phòng mà có khi mấy ngày trời mới gặp mặt nhau. Khi gặp tôi trên mạng, bạn của Vân ca thán “cực quá trời. Thế mới biết học ở trong nước vô cùng nhàn hạ và sung sướng”. Triết lý của phương pháp Missouri là học để làm việc, để sáng tạo. Và cuối khóa học, bằng cấp chỉ trao cho sinh viên nào biết học để làm việc và sáng tạo, chứ không trao cho sinh viên chỉ biết học thuần thúy để lấy bằng.
 Cơ sở vật chất của nhà trường theo đúng nghĩa của nó là nguồn lực giáo dục. Hàng trăm trang web chuyên nghiệp, phong phú và đa dạng từ cấp trường, trường trực thuộc, khoa đến từng lớp, các phòng ban, các phòng chức năng, thậm chí đến tổ chức chỉ có một nhóm người, tất cả đều phủ sóng wifi khắp khuôn viên. Bước chân vào trường, ở bất cứ đâu người ta cũng có thể bắt đầu làm việc được. Từ giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện đến phòng ăn uống giải khát, thể thao, giải trí, tất cả đều vì quyền lợi của sinh viên, đều mang tính chất học thuật; Từ các thiết bị máy móc phục vụ dạy học đến môi trường thực hành, nghiên cứu đều khuyến khích sinh viên làm việc, khám phá, sáng tạo; Từ bảng nội quy, quy định đến quyển sách hướng dẫn các loại đều khiến sinh viên phải có ý thức trách nhiệm, phải tôn trọng chính bản thân mình và người khác. Tất cả đều toát lên một thứ văn hóa của riêng Trường Đại học Missouri. Càng đi sâu tìm hiểu tôi càng ngỡ ngàng, ngỡ ngàng đến choáng ngợp trước truyền thống và sức hấp dẫn bên trong, bên ngoài của ngôi trường này.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.