ĐI Kansass đón Hoài Anh

Leave a Comment
Hoài Anh, chồng Thúy đi công tác một tháng ở Tô Châu Trung Quốc. Hôm qua Hoài Anh từ sân bay Thượng hải bay về sân bay quốc tế Denver thuộc bang Colorado, nơi Vợ chồng Thúy đang sống và làm việc. Hôm nay về đến Colorado, Hoài Anh lấy vé máy bay, bay ngay sang bang Missouri đoàn tụ với gia đình. Hoài Anh đã học xong chương trình tiến sĩ chuyên ngành điện tử tự động nhưng chưa hoàn thành thí nghiệm đo nồng độ ôxy và cacbonic trong máu bằng thiết bị máy sử dụng ánh sáng, nên chưa được bảo vệ luận án. Trong thời gian chờ đợi hoàn chỉnh thí nghiệm, Hoài Anh xin vào làm ở phòng kĩ thuật của một công ty máy tính ở Longmont. Mức lương khởi điểm ban đầu công ty trả cho Hoài Anh là 5000 đôla, chưa kể thưởng và các khoản trợ cấp khác.
Năm trước Thúy có nói với tôi, nếu Hoài Anh không xin được việc thì cả nhà sẽ trở về Việt Nam, nhờ hai bên bố mẹ xin cho một công việc gì đó để làm. Công việc học hành tiếp sẽ tính sau. Tôi đã nhờ PGS tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách khoa Hà nội, hiện là thủ trưởng trực tiếp của tôi xin cho Hoài Anh về làm giảng viên tại Đại học Bách khoa. Tôi cũng xin được cho Thúy về làm giảng viên Trường Đại học Sư Pham Hà Nội. Mức lương khởi điểm của cả hai đứa chỉ có hơn hai triệu đồng một tháng. Tôi chưa nói với chúng, vì mức lương đó chỉ đủ xăng xe, gửi ô tô và ăn sáng. Thế còn tiền nuôi con ăn học, tiền sinh hoạt hàng ngày sẽ xoay sở ra sao.
Đã đành người ta sống được thì mình cũng sẽ sống được. Nhưng chúng đã ở bên Mỹ một thời gian khá dài, chưa bao giờ phải lo cơm áo gạo tiền. Về nước chắc chúng sẽ rất chật vật. Vả lại, Thúy cũng còn hai năm nữa mới hoàn thành chương trình học tiến sĩ của mình. Cho nên tôi vẫn còn do dự chưa biết khuyên các con thế nào. May quá, Hoài Anh được một người thầy giới thiệu cho vào làm việc tại bang Colorado. Công ti máy tính lại hứa bảo trợ cho việc tiếp tục nghiên cứu của Hoài Anh. Thế nhưng Thúy thì phải bỏ công việc trợ giảng, bỏ dở chương trình nghiên cứu sinh ở trường đại học để theo chồng tới nơi làm việc mới. Và dĩ nhiên Thúy cũng mất luôn một khoản trợ cấp hàng tháng của trường gần hai ngàn đô. Tôi nghĩ sự lựa chọn của Thúy hoàn toàn đúng đắn theo lẽ tự nhiên. Người Việt Nam có câu nói “Thuyền theo lái, gái theo chồng” là vậy.
Giang và tôi sẽ cùng đi Kansass đón Hoài Anh. Quãng đường từ thành phố Columbia đi thành phố Kansass khoảng độ 200 km. Giang cho biết đi xe trên đường cao tốc mất khoảng hai giờ. Theo lịch trình, mười lăm giờ chuyến máy bay chở Hoài Anh hạ cánh. Nhưng mới tám giờ sáng Giang đã giục tôi chuẩn bị để ra xe. Tôi đoán Giang có kế hoạch gì đó nên mặc thêm áo, cầm máy ảnh, tạm biệt mọi người xuống bãi để xe.
Đến một trạm xăng, Giang dừng lại. Tôi và Giang xuống xe. Trạm xăng được xây rất lớn. Có năm đường một chiều cho các loại xe vào. Mỗi đường vào có ba máy bán xăng tự động. Không có một nhân viên bán xăng nào ở đó. Giang xuống xe, phải tự bỏ tiền mua xăng vào một chiếc máy, cầm vòi bơm, mở nắp xe, tự bơm xăng vào xe của mình.
Tôi bỗng nhớ tới chi tiết về Học thuyết năm cây xăng thế giới trong cuốn sách Chiếc xe lexus và cây oliu của nhà báo Mỹ nổi tiếng Thomas L. Friedman. Tác giả đã khái quát nền kinh tế thế giới ngày nay theo mô hình năm cây xăng. Cây xăng thứ nhất là cây xăng Nhật Bản. Tại cây xăng này, giá một gallon xăng là năm đô la. Ở đó có bốn người phục vụ bơm xăng, thay dầu, lau cửa kính, chào hỏi và tạm biệt chủ xe lúc đến lúc đi. Cây xăng thứ hai là cây xăng Mỹ. Tại cây xăng này giá một gallon xăng chỉ có một đô la. Ở đó không có lấy một người phục vụ. Người lái xe phải tự bơm xăng lấy và tự chăm sóc chiếc xe của mình. Cây xăng thứ ba là cây xăng Tây Âu. Tại cây xăng này giá một gallon xăng là năm đô la. Ở đó có một người phục vụ theo đúng nghĩa vụ và hợp đồng làm việc nhưng lại có một người bác và hai người anh trai thất nghiệp của người phục vụ được hưởng trợ cấp rất cao đang chơi bóng gần đấy. Cây xăng thứ tư là cây xăng của những nước đang phát triển. Tại cây xăng này giá một gallon xăng chỉ có ba nhăm cent (hơn một phần ba đô la) vì được chính phủ trợ giá. Ở đó có tới mười lăm người phục vụ và đều là người thân với nhau. Nhưng bình quân cứ sáu cây xăng mới có một cây xăng hoạt động. Cây xăng thứ năm là cây xăng của các nước xã hội chủ nghĩa. Tại cây xăng này giá một gallon xăng là năm mươi cent (nửa đô la) vì cũng được nhà nước trợ giá. Xong không có xăng để bán vì bốn nhân viên phục vụ đã mang xăng ra chợ đen bán với giá năm đô la một gallon.
Tác giả của cuốn sách nhận định, ở cái thế giới toàn cầu hóa, mọi người đều phải hướng tới cây xăng của Mỹ, nghĩa là phải hướng tới một nền kinh tế hiệu quả nhất. Nếu không phải là người Mỹ, người ta phải học cách tự đổ xăng, tự phục vụ cho chính bản thân mình. Đúng là ở trạm xăng này, tôi thấy Giang đã làm cái điều mà Friedman từng khuyên trong cuốn sách rất nổi tiếng của ông.
Giang đi với tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc hai làn đường tới Kansass City để tôi có thể nhìn ngắm cảnh hai bên đường. Hệ thống đường cao tốc của liên bang, của bang đan xen chằng chịt với hệ thống đường đi các đô thị, các hạt. Nếu cứ nhìn hệ thống đường ngang dọc trên xe thì người ta không biết đường nào mà đi. Suốt quãng đường, tôi không thấy một phương tiện giao thông nào khác ngoài ô tô. Cũng không có lấy một bóng người đi bộ. Chỉ thấy những chiếc xe vun vút qua lại với tốc độ rất cao. Tôi băn khoăn, nhỡ đi nhầm đường biết ai mà hỏi. Chẳng lẽ Giang đi sớm là vì đề phòng lạc đường. Nhưng rồi tôi thở phào nhẹ nhõm. Thì ra trên mặt kính, trước tay lái của Giang có gắn thiết bị GPS hình chữ nhật, một chiều khoảng mười hai cm, một chiều khoảng mười tám cm. Màn hình của thiết bị hiện rõ con đường đang đi. Mũi tên trên màn hình cũng chỉ hướng đi, đi thẳng hay rẽ phải, rẽ trái cứ theo hướng chiều mũi tên mà đi. Thỉnh thoảng, một giọng nữ phát thanh viên lại vang lên, chỉ dẫn hướng đi một cách ngắn gọn khi có một con đường nào đó nhập vào hoặc tách ra khỏi đường cao tốc.
Cũng giống như trên đường từ St. Louis đến Columbia, hai bên đường từ Columbia tới Kansass chỉ thấy những cánh rừng rậm, rừng thưa trập trùng đặc trưng của vùng Trung Mỹ xen lẫn những trang trại rộng mênh mông trồng cỏ, trồng ngô, nuôi bò và những khu đất trải dài tít tắp mới được cày của những hộ nông dân nào đó. Ngắm nhìn những trang trại hai bên đường, tôi nhận thấy trang trại của em trai tôi thật nhỏ bé. Cũng gọi là trang trại, một trang trại 5 ha lớn nhất nhì trong vùng, tôi ngỡ tưởng là lớn lắm rồi. Vậy mà so với một trang trại ở đây thì chỉ là cái đuôi của một con voi. Cả bang Missouri có 108.000 trang trại, bình quân mỗi trang trại trong bang là 109 ha. Thế nhưng so với nhiều bang khác của Mỹ, Missouri vẫn bị coi là bang mà các hộ nông dân sở hữu những trang trại quá nhỏ.
Theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trang trại nhỏ là trang trại có diện tích cho sản xuất nhỏ, qui mô sản xuất nhỏ, doanh thu nhỏ và thu nhập nhỏ. Nó khác với trang trại làm ăn không có hiệu quả. Nếu một trang trại có doanh thu một năm 100.000 đô la thì được coi là một trang trại nhỏ. Và nếu một trang trại chỉ bán được 50.000 đô la giá trị sản phẩm một năm thì gọi là trang trại phi thương mại. Theo tiêu chí đó thì 80% nông dân ở Missouri là những nông dân sở hữu những trang trại nhỏ.
Tổ chức khuyến nông bang Missouri cùng các nhà khoa học, các trường đại học nông nghiệp đã đặt vấn đề cứ cho là bình quân tổng doanh thu 100.000 ngàn đô la một trang trại, thì liệu nó có đủ cung cấp cho một gia đình nông dân đủ sống ở mức khá giả sau khi đã trừ đi các chi phí đầu vào, khấu hao, thuế? Vì vậy người ta đặt vấn đề các hộ gia đình phải áp dụng và sử dụng công nghệ sinh học, phải tổ chức quản lí sinh hoạt gia đình, quản lí sản xuất, sử dụng lao động, tối đa hóa sức lao động trong gia đình là những điều hết sức quan trọng để tạo ra giá trị lợi nhuận từ tổng doanh thu. Việc tạo ra giá trị lợi nhuận là 50% hay 60% hoặc 70% của 100.000 đô la là tùy thuộc vào các gia đình nông dân sở hữu trang trại quyết định.
Cơ quan khuyến nông, các trường đại học nông nghiệp, các trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học của bang Missouri hàng năm đưa ra hơn 200 dự án nghiên cứu khoa học về cây trồng và hàng ngàn dự án chăn nuôi cùng với khoảng 25.000 địa điểm thực nghiệm để thu hút sinh viên, nông dân có cơ hội tham gia, lựa chọn phát triển nghề nghiệp. Những phát minh về công nghệ, những thành tựu khoa học mới nhất về cây, con và về phòng chống sâu bệnh trong nông nghiệp đều được kí hợp đồng chuyển giao cho các trang trại thực hiện. Với một cách làm như vậy các trang trại nhỏ vẫn có thể tạo ra một giá trị lớn. Phương châm của những nhà quản lí nông nghiệp, của công tác khuyến nông là: Trang trại thành công là trang trại của gia đình. Các thành viên của gia đình không tách rời trang trại. Phải xem trang trại như là một phần quan trọng của cuộc sống, một nguồn sống hay cuộc sống chính là bản thân trang trại. Để có được thành công cho trang trại, vấn đề không phải là trang trại to hay nhỏ, không phải là việc họ sản xuất trên một diện tích nào, bao nhiêu cây, bao nhiêu con. Vấn đề nằm ở chỗ, hộ gia đình phải sử dụng tất cả nguồn lực của gia đình và của xã hội trong điều kiện kinh tế tri thức, mà cụ thể là công nghệ quản lí và công nghệ sinh học ở trang trại.
Đến gần cây cầu bắc qua sông Missouri, Giang cho xe đi chậm lại, rẽ vào con đường dẫn tới một trang trại. Trên vòm cánh cổng trang trí hình bán nguyệt của trang trại có dòng chữ: Chào đón bạn đến Trang trại Đào (Peach Tree Farm). Giang cho xe đi thẳng vào. Đón chúng tôi là chủ trang trại, một nông dân cao lớn, da trắng, tóc vàng, trạc khoảng năm mươi tuổi. Chúng tôi xuống xe, tự giới thiệu, ngỏ ý muốn ông cho đi thăm trang trại và xin lỗi vì không báo trước.
Ông cười rất tươi và nói ông rất hân hạnh được đón chúng tôi đến trang trại. Ông dẫn chúng tôi đi thăm trang trại trên chính chiếc xe của Giang. Nếu là khách theo lệ thường, thường vào ngày nghỉ cuối tuần thì vợ hay con trai, con gái hoặc người làm công của ông sẽ dẫn đi trên xe ngựa để giới thiệu. Nhưng vì chúng tôi đến ngày thường, không có nhiều thời gian, lại đến bất ngờ nên ông ngồi luôn trong xe, vừa chỉ dẫn đường đi vừa giới thiệu về gia đình và về trang trại của mình. Ông có một con trai, một con gái đang theo học ở Khoa Sinh Trường Đại học Columbia. Vợ ông thì đang theo học một chương trình ở một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp thuộc Trường Đại học Missouri. Hôm nay họ đều phải đến trường.
Đến khu vực trồng đào, chúng tôi dừng xe đi bộ. Là một trang trại, nhưng tôi có cảm giác như mình đang đi trong một khu rừng. Nhiều loại cây cối, hoa cỏ, hồ ao, chim chóc, muông thú đan xen lẫn nhau. Nhưng bao trùm lên tất cả là màu xanh, màu xanh mơn mởn của lá đào, màu xanh non tơ của đào quả, màu xanh bạt ngàn của cả cánh rừng đào. Cái màu xanh mênh mông cộng thêm cái âm thanh xao động của sự sống như đang trỗi dậy, như bật lên từ lòng đất phì nhiêu bên bờ sông Missouri.
Đến Trang trại đào và chứng kiến bao trang trại trên đường đi tôi mới phần nào mường tượng ra hình ảnh nền nông nghiệp Mỹ, một nền công nghiệp nông nghiệp theo xu hướng công nghệ sinh học, dựa trên kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa. Tôi bắt đầu vỡ lẽ ra tại sao tổng sản phẩm nông nghiệp của Mỹ lại chiếm đến một nửa tổng sản phẩm nông nghiệp của cả thế giới cộng lại.
Trang trại đào rộng trên 500 ha, chủ yếu là trồng đào. Ông chủ trang trại cho chúng tôi biết, ông trồng mười lăm giống đào khác nhau bao gồm 110.000 cây. Thời điểm này, cây đào bắt đầu nuôi quả. Tháng sáu, tháng bảy, và tháng tám các khu vực đào luân phiên chín ngọt. Ông phải thuê đến dăm chục người làm để thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, đóng gói.  Ngoài đào, ông còn trồng một số loại cây ăn quả khác cũng như một số loại rau, củ. Ông còn có một đàn bò, một đàn dê và một số loại gà vịt. Ông nói với chúng tôi chăn nuôi chỉ để làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch đến từ thành phố.
Khách từ thành phố, đặc biệt là trẻ em rất thích ngắm nhìn và trực tiếp chăm sóc gia súc, gia cầm nên ông mới đưa loại hình chăn nuôi vào trang trại để thu hút thêm khách. Ông cho chúng tôi biết, khu vực này có nhiều trang trại: Trang trại cam, trang trại táo, trang trại chăn nuôi bò thịt bò sữa, nhưng phần nhiều là trang trại đậu nành, ngô. Theo đúng nghĩa, trang trại của ông là trang trại đào, chuyên canh đào. Ông nói với chúng tôi, vợ chồng ông đến với đào là cả một câu chuyện rất dài. Lần sau nếu chúng tôi đến thăm, ông hứa sẽ kể mọi người cùng nghe. Là trang trại đào nhưng đồng thời trang trại của ông cũng là nơi nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần cho các gia đình, các nhóm bạn bè hay sinh viên, học sinh thành phố đến thăm thú, tìm hiểu thực tế. Khách có thể nghỉ tại ngôi nhà ba tầng của gia đình ông hay ở một nhà nghỉ hai tầng nằm cạnh đấy. Hoặc nếu thích, khách có thể chọn những ngôi nhà nhỏ một tầng, dành riêng cho gia đình ở quanh một hồ lớn nằm cuối trang trại. Theo thông lệ, cứ một người lưu trú trong ngày sẽ phải trả năm đô la, qua đêm mười đô la. Ăn uống thì tùy theo thực đơn của khách, có thể từ vài đô la cho đến mười đô la. Trang trại đào đúng là một nơi tuyệt vời, thích hợp cho cả người có tuổi và cho cả thanh thiếu niên sau một tuần làm việc đến nghỉ ngơi thư giãn.
Trên con đường trở ra đường cao tốc, tôi bắt gặp mấy chiếc xe ngựa chở người như kiểu xe thời trung cổ đi ngược lại. Phía trước, người đàn ông ngồi điều khiển, phụ nữ và trẻ em đứng ngồi ở phía sau. Dường như mỗi xe là một gia đình. Đàn ông ai nấy đều vận áo sẫm tối, để râu, đội mũ màu nâu giống như mũ phớt. Đàn bà thì đều mặc váy màu sẫm, dài đến mắt cá chân giống như áo váy của các bà sơ, trên đầu có phủ một tấm vải trắng hay một kiểu mũ bằng vải trắng gì đó. Trẻ em đứa nào cũng đồng loạt mặc áo trắng, đội một kiểu mũ nan trắng. Có điều gì đó thật kì lạ. Đoán được suy nghĩ của tôi, Giang cười và nói:
-      Ba quên rồi à. Con nhớ nhà con có lần đã kể cho ba nghe về chuyến đi thăm khu định cư của người Amish, một tộc người thủ cựu, chối bỏ cuộc sống văn minh hiện đại.
-      Có phải cái tộc người không dùng điện, không sử dụng  tivi, máy tính, tủ lạnh và bất cứ thiết bị máy nổ nào trong cuộc sống của mình?
-      Đúng thế ba ạ.
-      Ba nghe Vân kể là tất cả các gia đình đều dùng đèn dầu vào buổi tối. Họ xúc tuyết vào nhà kho để giữ tươi thực phẩm thay cho tủ lạnh.
-      Dạ, đúng thế ba ạ. Ở đây thiếu gì máy cày máy kéo, mà những thứ đó rẻ như bèo ấy. Ba vừa thấy đấy, một trang trại đào thôi mà có tới mươi mười lăm ô tô, máy cày máy kéo các loại. Rồi cả một xưởng chế biến bảo quản với đủ các thiết bị máy móc. Nhưng người Amish ở đây vẫn dùng ngựa cày đất để canh tác, gieo trồng các loại cây lương thực… Trang trại của người Mỹ, kể cả người Mỹ bản địa hàng trăm, hàng ngàn ha, nhưng trang trại của người A mish đa phần chỉ trên dưới chục ha thôi.
-      Vài ba ha mà sản xuất theo lối thủ công thì cũng đã đủ ốm rồi. Nhưng tại sao họ lại tự làm khổ mình như vậy?
-      Con có đọc một số tài liệu nghiên cứu qua mạng mấy tháng trước. Hiện nay có khoảng 200.000 người Amish sống ở Canada và Mỹ. Riêng ở bang Missouri có hơn 9.000 người sống rải rác ở 38 khu định cư. Tổ tiên của người Amish ở Đức và Thụy Sĩ. Họ đi theo một giáo phái Tin Lành bị kì thị, bị ngược đãi khắp châu Âu nên di cư sang Bắc Mỹ từ những năm 1720. Gần 300 năm đã trôi qua tộc người này vẫn sống theo lối sống của cha ông họ và tuân thủ theo giáo lí tôn giáo từ xa xưa. Họ không tiếp nhận bất cứ thành quả khoa học kĩ thuật nào từ bên ngoài. Họ vẫn mặc những bộ quần áo như tổ tiên họ mặc cách đây ba thế kỉ. Nếu ba vào nhà họ, thì thấy họ vẫn sử dụng những chiếc nồi gang cũ kĩ để đun nấu. Sinh hoạt, ăn mặc thì giản dị. Đi lại thì bằng đôi chân hoặc bằng ngựa. Từ người già đến trẻ em đều làm quần quật ngoài đồng. Tối về cả nhà quây quần dưới ánh đèn dầu. Ngay cả đến khí đốt họ cũng không dùng. Tối đến làng xóm tối om. Tuy nhiên, họ không bao giờ phàn nàn về cuộc sống của họ. Họ cũng không bao giờ phàn nàn về những người xung quanh. Vì thế, những ngôi làng của họ trở thành tâm điểm du lịch. Mọi người đến chiêm ngưỡng cuộc sống của họ. Có người không thể tưởng tượng sống được một cuộc sống như họ, coi họ như những người không thể hội nhập được vào xã hội văn minh, coi họ như những động vật trong vườn thú. Mặc dầu vậy, họ cũng không hề có phản ứng hay giận dữ gì.
-      Đúng là một dân tộc bảo thủ nhưng đầy bản sắc riêng.
-      Nếu ba hỏi họ, tại sao họ vẫn cứ sống một cuộc sống không thay đổi như vậy, thì họ sẽ trả lời là “Nếu bạn biết những gì tôi biết thì bạn cũng muốn trở thành người Amish”. Người Amish rất mộ đạo. Trước bữa ăn họ đều hát thánh ca. Họ quan niệm rằng khi chết chắc chắn họ được lên thiên đường bởi vì họ sống tốt ở thế gian này và tuân theo đúng lời dạy của chúa. Không ai bị ép buộc phải sống trong cộng đồng, gia nhập cộng đồng hay ở lại cộng đồng cho tới khi qua đời. Họ không cho con em học ở trường công, chỉ học ở trường tư do cộng đồng lập ra. Phần lớn trẻ em học hết trung học cơ sở rồi thôi học để về làm đồng giúp gia đình. Đến tuổi trưởng thành, 17 tuổi các em có quyền ra sống ngoài xã hội hai năm trước khi quyết định ở lại hay ra đi khỏi cộng đồng. Mặc dù được lựa chọn, nhưng số người rời bỏ cộng đồng rất ít. Người ta tính đến trên 99% sau khi đã hết thời gian ở bên ngoài, người Amish đều quay lại với cuộc sống biệt lập của cộng đồng. Với họ, gia đình và cộng đồng là tất cả. Họ sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, làm thủ công. Họ thường chỉ kết hôn với người Amish, không li dị, không tránh thai. Đàn ông là chủ gia đình, lo chuyện đồng áng. Đàn bà lo chuyện nhà cửa, nấu nướng giặt giũ. Tất cả đều chung lo cho cái gia đình của mình. Ngoài ra, họ còn có một cộng đồng lớn người Amish xung quanh. Họ thường làm việc chung với nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc sống của họ không vụ lợi, không bon chen, không thù hận.Theo họ, đó là cuộc sống mà chúa muốn họ sống. Họ không tham gia đảng phái chính trị, không đi bầu cử, không đi lính, không nhận tiền trợ cấp, lương hưu hay bảo hiểm của chính phủ và họ cũng không giao dịch ngân hàng, không đi bệnh viện, không đi xe ô tô, xe lửa hay máy bay. Tóm lại là họ không tham gia vào xã hội Mỹ, không thuộc về xã hội Mỹ.
-       Và chính quyền bang, chính quyền liên bang cũng để họ mặc sống theo lối sống của họ.
-      Đúng như vậy, một đất nước tự do mà. Bây giờ con mới hiểu tại sao người Pháp lại tặng người Mỹ bức tượng Nữ thần tự do. Và thực sự tượng nữ thần đã trở thành một biểu tượng cho tính cách của người Mỹ.
-      Cuối tuần này, nếu không mắc gì con mời ba và anh chị Hoài Anh đến một làng Amish cách khu kí túc xá khoảng một giờ đi xe.
Chúng tôi loanh quanh ở trang trại đào mất gần tiếng đồng hồ. Thời gian thăm Thành phố Kanssas City chỉ còn khoảng hai tiếng nên ra tới đường cao tốc, Giang cho xe đi với tốc độ nhanh hơn. Trong năm thành phố lớn của bang Missouri, Kanssas City là thành phố lớn nhất và cũng là một trong 40 thành phố đẹp nhất của Mỹ. Diện tích thành phố theo qui hoạch là 826 km2. Dân số thành phố năm 2013 ước chừng 468. 000 người. Quản lí thành phố có một hội đồng thành phố 12 thành viên, mỗi thành viên được bầu đại diện cho một quận theo nhiệm kì 4 năm. Người đứng đầu thành phố là thị trưởng được người dân bầu trực tiếp. Kanssas City là thành phố sầm uất và đông đúc, bởi nếu tính cả khu vực đại đô thị Kanssas rộng lớn, thì dân số lên tới hai triệu người. Thành phố tập trung khá nhiều trường đại học và cao đẳng: Đại học Missouri – Kansas, Đại học Rockhurst, Viện Nghệ thuật Kansas City, Đại học Kansas City, Đại học Avila, Đại học Baker, Đại học Devry, Đại học Grantham, Cao đẳng cộng đồng Metropolitan, Cao đẳng William Jewell.
Kanssas chính thức thành lập năm 1838 tại khu vực hợp lưu của hai con sông Missouri và Kanssas. Nhưng phải đến năm 1850 nơi đây mới phát triển thành một thị trấn bao gồm 2500 người, một điểm quan trọng của người Mỹ trong công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía tây. Đến đầu thế kỉ XX, trong khoảng ba thập kỉ đầu, thành phố có bước phát triển nhanh chóng về qui mô cũng như về dân số. Nhiều tòa nhà và công trình nổi tiếng đã được xây dựng trong thời gian này, trong đó có Tòa Thị chính, Khu Trung tâm Thương mại thành phố, Đài Tưởng niệm Tự do, Bảo tàng Nghệ thuật, các Country Club Plaza, Thính phòng thành phố, Sân Vận động Arrouhead và một số tòa nhà chọc trời. Cho đến những năm 1940 thành phố gần như định hình gần giống như ngày nay.
Nằm ở miền Trung Tây Hoa Kì, gần trung tâm địa lí của đất nước, Kanssas City nối liền với nhiều trung tâm kinh tế, dân số và địa kí của hơn 40 bang lân cận. Nơi đây, bốn mùa rõ rệt, có khí hậu tương đối ôn hòa, đất đai phì nhiêu, sông núi hữu tình. Quả thật thiên nhiên đã tạo cho Kanssas một cảnh quan đẹp đẽ, độc đáo và thơ mộng. Tôi có cảm nhận Kassas City là thành phố tự nhiên, thành phố của sông hồ. Thành phố có hai con sông lớn chảy qua, có 40 hồ nước các loại. Có hồ rộng mênh mông nhìn hút tầm mắt, chỉ nhìn thấy một vệt xa mờ bên kia bờ. Có hồ uốn lượn quanh co chạy dài ôm lấy những con phố, những sườn đồi, những cánh rừng. Có hồ tròn chặn như một tấm gương mờ ảo soi bóng những tòa nhà cao tầng ven bờ…
Có 47 công viên trong thành phố, mà hầu hết những công viên này đều được tạo ra trên cơ sở của những cánh rừng xưa còn lại. Công viên Swope rộng 1.805 mẫu Anh, là một trong những công viên thành phố lớn nhất quốc gia, gấp hai lần công viên trung tâm thành phố New York. Nó là một khu rừng tự nhiên, một vườn thú tự nhiên, một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Hay công viên Hodge rộng 1.029 mẫu Anh nằm ở ngoại ô thành phố cũng được nhiều người biết đến. Nếu người ta muốn giải trí thư giãn trong rừng, rừng trong thành phố với tất cả đặc trưng của hệ động thực vật của một khu rừng miền Trung Mỹ, thì cứ đến việc đến đó.
Điểm nổi bật của Kanssas là hệ thống đường giao thông vừa hiện đại vừa mang dáng dấp cổ kính, một hệ thống đường đại lộ san sát đẹp như tranh vẽ bởi cây cối thảo mộc, hoa cỏ hai bên đường. Và ẩn sâu bên trong mới là những ngôi biệt thự cao thấp, hài hòa. Thành phố này có nhiều đại lộ hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới ngoại trừ Thủ đô Pari hoa lệ của nước Pháp. Càng đi vào trung tâm thành phố tôi càng bị cuốn hút bởi những căn nhà cũ, mới xinh xắn, bởi hệ thống các quán ăn, quán ba, nhà hàng thịt nướng nổi tiếng các loại, cửa hàng tạp hóa, các Country Club Plaza (nơi tổ chức các sự kiện văn hóa thường nhật), các nhà hát…
Đặc biệt là những đài phun nước các kiểu. Có loại đài phun nước hình tròn, hình elip, có loại hình vuông, hình chữ nhật. có loại to, loại vừa, loại nhỏ. Theo tôi, đó chính là biểu tượng văn hóa của thành phố. Đến ngã ba, ngã tư nào người ta cũng bắt gặp một đài phun nước. Có hai trăm đài phun nước các loại khác nhau trong thành phố. Nếu tính số lượng đài phun nước đa dạng và phong phú, thành phố chỉ đứng sau Roma thơ mộng của nước Ý. Nhưng nếu tính những đài phun nước lớn nhất thế giới thì Kanssas không nhường cho bất cứ một thành phố nào. Đó là những đài phun nước đường kính rộng đến vài chục chục mét cho đến vài mét. Có những dòng nước lớn phun thẳng lên trời từ toàn bộ mặt đài; có những dòng nước phun thẳng lên trời từ tam cấp đài trung tâm; có những dòng nước phun thẳng lên trời từ miệng những con vật bên cạnh những con ngựa như đang bay lên không trung; có những dòng nước nhỏ phun thấp hơn từ nền đá cầm thạch bao quanh đài phun nước; có những dòng nước ứ ra từ miệng những con cá như những chiếc bong bóng khổng lồ; có những đài phun nước như một dài phun nước nghệ thuật, lúc tạo ra hình thác đổ, lúc tạo ra những đường cong nghiêng, lúc tạo ra những li nước trào, lúc tạo ra một khoảng núi sương mù… tất cả tạo nên những cơn mưa nhân tạo bất tận trong một thành phố chan hòa ánh nắng của miền Trung Mỹ. Những đài phun nước của thành phố không chỉ tạo ấn tượng độc đáo mà nó còn gợi cho tôi nét riêng biệt rất đặc trưng về một thành phố thiên nhiên, thành phố sông hồ.
Hai tiếng đi ô tô ngắm thành phố chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa, nhưng nó vẫn để lại trong lòng tôi một ấn tượng không phai mờ về thành phố xinh đẹp này. Tôi cứ lấy làm tiếc, giá mình giục Giang đi từ sáng sớm thì sẽ có thời gian ở lại thành phố được lâu hơn. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ với mình, được ngắm nhìn thành phố một cách tổng thể như vậy, thôi thế cũng tàm tạm đủ, vì tôi chắc mình còn nhiều dịp quay trở lại đây thăm một vài điểm nổi tiếng nữa. Vả lại mục đích của chuyến đi là ra sân bay quốc tế Kanssas để đón Hoài Anh, chứ đâu phải đi tham quan thành phố.
Sân bay quốc tế Kanssas nằm trên địa phận quận Plate, phía tây bắc thành phố. Sân bay này là sân bay lớn thứ năm của Mỹ. Sân bay có 49 điểm bay thẳng đến sân bay quốc tế và sân bay nội địa trong ngoài nước. Năm 2013 nó đón gần 11 triệu lượt khách đi đến. Sân bay phục vụ cho khách đi đến thành phố và cả vùng đô thị Kanssas. Đôi khi nó còn phục vụ cả hành khách những thành phố nhỏ trong bang, chẳng hạn như thành phố Columbia. Nói như vậy không có nghĩa là thành phố Columbia không có sân bay riêng. Sân bay Columbia là sân bay nội địa, nằm phía đông nam thành phố. Sân bay này do hai hãng hàng không nội địa đảm nhiệm công việc chuyên chở. Lượng hành khách nhỏ. Năm 2013 mới có gần 40.000 hành khách nên giá vé đi đến sân bay khá đắt. Vì vậy sinh viên quốc tế ở Columbia thường đi thẳng từ sân bay quốc tế St. Louis hoặc Kanssas về thành phố bằng xe ô tô mà không bay thẳng hoặc chuyển tiếp về sân bay riêng của thành phố.
Xe chúng tôi chờ ở bãi đỗ khoảng dăm phút thì Hoài Anh gọi điện báo đã xuống máy bay và đang chờ ở cổng A.
-      Con căn giờ thật chính xác, tôi nói với Giang.
-      Không phải con căn giờ chính xác được mà this flight is on time (chuyến bay đúng giờ).
Xe dừng lại trước cổng A. Tôi mở cửa xe bước xuống. Chỉ một lát sau, trong đám đông hành khách, tôi thấy Hoài Anh đang kéo vali ra khỏi cổng.
-      Chào ba. Ba khỏe không?
-      Ba vẫn ổn. Con thế nào?
-      Con thấy bình thường.
Đi liên tục mấy chục ngàn km mà trông Hoài Anh không có vẻ gì là mệt mỏi. Chỉ gầy đi một chút so với lúc chưa đi làm. Cái vẻ thư sinh hiền hậu ngày trước nay được thay bằng nét rắn rỏi đầy tự tin. Chúng tôi lên xe trò chuyện, một mạch hai tiếng về đến Columbia.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.