Đi thăm thành phố Chicago

Leave a Comment
Mùa hè năm 2013 đối với tôi đầy ắp những sự kiện đáng ghi nhớ. Nhà tôi xin nghỉ dạy học từ Việt Nam bay sang Colorado sớm hơn dự kiến gần một tháng. Vợ chồng Vân và cháu Bảo nghỉ hè đi sang nhà bác tụ họp cùng gia đình. Đặc biệt là Thúy sinh cháu trai thứ hai, gia đình tôi đón thêm một thành viên mới, cháu bách khỏe mạnh và kháu khỉnh. Đầu tháng 6 sinh nhật tôi lần thứ 60.Tại xứ người năm nay, các con tôi tổ chức một lễ sinh nhật đơn giản mà ấm cúng. Điều quan trọng nhất là đầy đủ con cháu. Tôi thích thú nhất là cảnh hai cháu Lâm thổi nến cùng ông, thổi mãi mà không tắt hết nến. Khi tôi giúp Lâm thổi tắt ngọn nến cuối cùng thì Lâm lại đòi tôi châm thắp nến để ra sức phồng mồm thổi và cười. Vậy là tôi bắt đầu bước sang cái tuổi lục tuần.
Những ngày sau đó, gần như ngày nào chúng tôi cũng đi chơi một địa điểm ở một nơi nào đó. Khi thì đi bảo tàng, khi thì vui chơi ở sở thú, khi thì tắm khoáng, khi thì lên tham quan các địa điểm trên dãy núi Rocky, khi thì đi ăn cơm thết và giao lưu với các gia đình bạn Thúy, khi thì ăn cơm thết và giao lưu với các gia đình bạn Hoài Anh, khi thì tổ chức tiệc tùng tại nhà. Một xã hội người Việt thế hệ thứ nhất, thứ hai và thứ ba thu nhỏ bên Mỹ, một xã hội Mỹ thu nhỏ trong các gia đình Việt, một nền văn hóa Việt, một nền văn hóa phương Tây, một nền văn hóa chung… Có những câu chuyện thù hận Việt cộng của những người trung thành với quốc gia Việt Nam Cộng hòa, có những câu chuyện bi thảm và đắng cay về những ngày tháng vượt biên, có bao nỗi nhớ nhung hoài niêm về quê hương đất nước, có bao những khát vọng trở về quê cha đất tổ… Có thể nói, tôi đã được trải nghiệm rất nhiều điều và tôi thực sự cảm thấy mình giàu có về điều đó.
Tôi đặc biệt thích thăm thú các trang trại nổi tiếng rộng hàng trăm, hàng ngàn ha gần chân núi Rocky như trang trại ngô, trang trại đậu nành, trang trại bí, trang trại ngựa, trang trại bò, trang trại cừu và các trang trại hỗn hợp. Đúng là một nền kinh tế nông nghiệp trang trại qui mô lớn, được công nghiệp hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ sinh học. Chẳng hạn trang trại bò, trang trại cừu có tới vài trăm con. Đó là chưa kể các loại cây con phụ thêm khác. Tất cả các khâu đều sử dụng máy móc. Nhân công rất ít. Tận dụng tối đa nhân lực trong gia đình.
Có lẽ chỉ có trang trại cây và hoa là tôi thấy có thuê mướn nhiều nhân lực nhất. Hôm đi thăm trang trại cây và hoa, mặc dù mẹ gàn “ mới sinh cháu được hơn một tháng còn phải kiêng” nhưng Thúy vẫn  đòi đi để tự chọn mua một cây đào và một cây lê về trồng trong vườn, để xuân đến hoa nở, nơi xa xôi đỡ nhớ quê nhà. Trang trại này rộng khoảng nghìn ha, cung cấp một số lượng lớn hoa và cây trồng cho cả thành phố. Trang trại có khu nhà hành chính riêng. Khu nhà chức năng riêng. Khu vực các loại hoa riêng. Khu vực các cây trồng riêng. Khu vực ươm gieo trong nhà kính riêng. Khu vực nuôi dưỡng trong nhà kính riêng. Khu vực hoa, cây trưởng thành riêng. Khu vực hoa cây thành phẩm riêng.
Các loại hoa rực rỡ đủ màu sắc, bạt ngàn treo trên các giá cao thấp và trên mặt đất. Đúng là đâu đâu cũng thấy hoa. Ngoài hoa còn các loại cây giống xanh non trải dài, trập trùng ngút tầm mắt. Người đi chơi và mua sắm đông như chợ phiên cấp tỉnh ở Việt Nam. Đại đa số người ta đi theo cả gia đình. Muốn đi tham quan hết các khu vực phải ngồi trên xe điện. Tôi và Vân mải mê thay nhau chụp ảnh. Giang đẩy xe chở Lâm và bảo trong một chiếc xe đẩy nhỏ. Hoài Anh và nhà tôi thay phiên đẩy mẹ con Thúy trên một một chiếc xe đẩy lớn…
Hết thời gian nghỉ, vợ chồng Vân về Misouri. Hoài Anh tiếp tục đi làm. Lâm bắt đầu tới lớp. Phần lớn trong ngày ở nhà chỉ có vợ chồng tôi cùng Thúy và cháu Bách. Công việc cơm nước và chăm sóc hai cháu, hai người đàn bà là quá đủ. Tôi ngoài việc đẩy máy cắt cỏ trong khu vườn trồng cỏ, chăm sóc mấy luống rau, mấy khóm bí, mấy khóm bầu, mấy khóm dưa chuột, ngày ngày chỉ biết dạo chơi ngắm nghía các khu đô thị và thơ thẩn trong những khu trang trại ở Longmont.
Sau hai tuần hối hả, bắt đầu từ tuần này, tôi thấy nhịp độ cuộc sống như chùng xuống. Đúng lúc tôi quá nhà rỗi thì Huy trở về. Hai tuần vừa rồi, Huy đi Cali tiếp tục giải quyết một số việc riêng. Năm nay, Huy không về Việt Nam, vì ngoài việc đi Cali làm các thủ tục để lấy visa định cư, Huy còn muốn tham dự một chuyên đề về Vật lí Thiên văn ở Đại học Chicago bang Illinois. Huy hào hứng nói với tôi về chuyên đề “Những thế giới khác trong vũ trụ” do Giáo sư nổi tiếng người Thụy Sĩ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ Michel Mayor trình bày trong hội thảo khoa học. Nội dung chuyên đề này giới thiệu mô hình sự hình thành các hành tinh; những khám phá về những hành tinh ngoài Hệ Mặt trời; sự đa dạng của các hệ hành tinh; cách thức quan sát hành tinh và các công nghệ để quan sát; tìm kiếm những hành tinh ngoài Hệ Mặt trời và tìm kiếm sự sống ở những hành tinh ngoài trái đất.
-           Những nội dung này, Huy hăm hở nói, cháu và anh bạn cháu học ở chicago rất mê. Cháu vừa mới được biết. Bác có muốn đi cùng cháu tới Đại học Chicago không?
-           Bác thích đi lắm. Bác thích bầu trời và những vì sao từ thủa ấu thơ. Bác đã từng nghe, từng đọc bao chuyện đồn đại về người ngoài hành tinh. Bác mong có một ngày nào đó trong đời được thấy sự sống ngoài trái đất. Nhưng bác đã già rồi và nếu được tham dự chuyên đề cháu nói thì chẳng khác gì nước đổ lá khoai.
-           Vậy thì như thế này, dự hay không dự mấy buổi đó thì tùy bác. Chúng cháu sẽ tham gia hội thảo, còn bác đi chơi thăm thành phố Chicago và thăm trường đại học. Bác yên tâm. Chúng cháu sẽ giới thiệu cho bác một lái xe taxi kiêm hướng dẫn viên du lịch người Việt.
Tôi như mở cờ trong bụng. Cái anh chàng Huy này thật phổi bò. Tôi vừa đồng ý là đề nghị tôi chuẩn bị hành trang để lên đường ngay. Tám giờ sáng xe bắt đầu xuất phát. Từ Thành phố Longmont bang Colorado tới Thành phố Chicago bang Illinois theo đường cao tốc khoảng trên 1.600 km. Tính cả thời gian ăn uống nghỉ ngơi, xe đi mất khoảng mười lăm tiếng. Đây là chặng đi xe đường bộ dài nhất của tôi trong một ngày, từ trước tới nay.
Xe đi qua hai bang thuộc miền Trung Tây Hoa kỳ: Bang Nebraska và bang Iowa. Suốt chặng đường đi dài dằng dặc, tôi thấy rừng núi, đồng cỏ và thảo nguyên xen kẽ các thành phố, thị trấn. Không gian ở đây thật khoáng đạt. Cảnh sắc thật hùng vĩ. Nhìn hết tầm mắt cũng không thấy hết thảo nguyên. Nó dường như tương phản với những ngôi nhà một tầng, hai tầng nho nhỏ, xinh xắn trong khoảng không bờ rào bằng gỗ, vừa thoáng đãng vừa thơ mộng ở hai bên đường. Thì ra đây chính là một trong những khu vực miền Tây hoang dại trong thời kỳ Tây tiến mà tôi đã được biết qua những trang sách và phim ảnh trước đó. Nó khác xa trong tưởng tượng của tôi. Tôi không tìm thấy bóng dáng của những cao bồi với chiếc mũ phớt trong ruổi với những đàn bò trên những cánh đồng bát ngát. Tôi cũng không còn thấy những ngôi nhà heo hút, tồi tàn giữa những trang trại mênh mông…
Bang Nebraska là bang thuộc Vùng Đồng bằng Lớn của Hoa kỳ. Diện tích bang trên 200.500km2, bằng hai phần ba diện tích của Việt Nam mà chỉ có 1,8 triệu dân. Thu nhập bình quân của người dân bang này hơi thấp so với mặt bằng chung: 31 ngàn đô trên đầu người. Bang Nebraska là bang duy nhất trong số 50 bang chỉ có một viện lập pháp. Mặc dầu là bang có số dân ít như vậy nhưng vẫn có tới 32 trường đại học và cao đẳng.
Bang Iowa có diện tích 145.743 km2 với số dân trên 3 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người cũng giống như bang Nebraka: 31 ngàn đô. Cả hai bang trên đều có thế mạnh nhất là về nông nghiệp: Nhà sản xuất lớn về thịt bò, thịt lợn, ngô, đậu nành và lúa Miến. Trong những năm gần đây, hai bang này đã có sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp và công nghệ sinh học, tài chính. Dù mệnh danh là bang nông nghiệp nhưng chủ yếu dân cư lại sống trong các đô thị nhỏ với những tòa biệt thự  xinh đẹp.
Đến địa phận bang Illinois, trời đã đi sâu vào đêm. Đất trời chìm trong bóng tối, im lìm. Tôi chỉ nhìn thấy con đường với mũi tên chỉ đường đi và giọng nữ trầm ấm nhắc người lái xe chuyển làn đường hoặc rẽ trái hoặc rẽ phải. Bang Illinois còn có tên gọi là Quê hương của Lincoln (Land of Lincoln), tên vị tổng thống đã có công xóa bỏ chế độ nô lệ và giữ vững sự thống nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 19. Diện tích bang Illinois khoảng 150.000 km2 với dân số trên 12.419.000 người. Bang Illinois là bang đông dân nhất Vùng Trung Tây nước Mỹ. Thủ phủ của bang đặt tại thành phố Springfield.
Về kinh tế, với nguồn đất đai màu mỡ, Illinois có nền kinh tế phát triển. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của bang là ngô, đậu tương, lợn, gia cầm và các sản phẩm từ sữa. Illinois dẫn đầu nước Mỹ về sản xuất đậu tương, xếp thứ hai về sản lượng ngô. Các ngành công nghiệp có cơ khí, luyện kim, hóa chất, các ngành công nghệ cao, chế biến thực phẩm, khai khoáng và du lịch. Bình quân thu nhập đầu người trên 46 ngàn đô.
Chính quyền bang Illinois được tổ chức thành ba nhánh là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhánh lập pháp bao gồm hai viện: Hạ viện có 118 ghế đại diện cho số lượng dân cư trong bang; Thượng viện 59 ghế đại diện cho số khu vực trong bang. Đứng đầu nhánh hành pháp là thống đốc bang. Đứng đầu nhánh tư pháp là tòa án tối cao. Illinois cũng rất nổi tiếng về văn hóa, giáo dục, thể thao. Riêng về giáo dục đại học, Illinoi có tới 130 trường đại học và cao đẳng. Một số trường nằm trong top 10, top 100 theo xếp loại của các tổ chức có uy tín trên thế giới.
Đến căn hộ của Hùng, bạn của Huy ở thành phố Chicago đúng 1 giờ sáng. Chuyện trò xã giao dăm câu ba điều xong, chúng tôi lăn ra ngủ trong phòng khách. Ngủ một mạch tới gần 7 giờ sáng tôi mới trở dậy. Hùng và huy vẫn còn ngủ. Tôi đến bên khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài, phía dưới là những tán cây xanh non phủ kín mặt đất. Xa xa bên trái là khoảng trống ven hồ Michigan chạy dài tít tắp. Trên cái thảm thực vật mầu lục um tùm, rải rác hàng trăm khối nhà chọc trời cao thấp đua nhau vươn lên trên không trung. Tương phản với cái phông nền thành phố, bên phải là một vùng nước xanh biếc, trải rộng hút tầm mắt như đứng trước một cửa biển. Đây là một góc nhìn thành phố Chicago nổi tiếng mà trước đó tôi mới chỉ biết qua sách vở và được nghe người ta nói đến.
Được thành lập từ năm 1833, ban đầu Chicago chỉ là một thị trấn ở biên giới lãnh thổ Tây Bắc. Trải qua 180 năm phát triển, Chicago hiện là trung tâm tài chính, công nghệ của nước Mỹ và là quê hương đầu tiên của những nhà chọc trời trên thế giới. Tòa nhà Bảo hiểm Nhà cửa (Home Insurance Building) là trung tâm kiến trúc tài chính và văn hóa của cả miền Trung Tây. Chicago cũng là trung tâm vận tải của cả nước Mỹ; có đường xe lửa và đường xuyên bang nhiều nhất trong các thành phố của Mỹ. Chicago cũng là thành phố đứng đầu thế giới về số lần đăng cai các hội chợ quốc tế hàng năm.
Chicago là thành phố lớn nhất của bang Illinois và là thành phố đông dân thứ ba của Hoa Kỳ sau Thành phố New York và Thành phố Los Angeles. Chicago nằm ven bờ Tây Nam hồ Michigan, rộng 606 km2 với trên 2.836.000 người. Chính quyền thành phố được chia thành ngành lập pháp và ngành hành pháp, bao gồm 50 người trong hội đồng thành phố được bầu từ 50 phường có nhiệm kì 4 năm và một thị trưởng đứng đầu thành phố được bầu trực tiếp cũng với nhiệm kì trên. Về giáo dục đại học, thành phố tập trung tới 98 trường đại học và cao đẳng cộng đồng, thu hút gần 80% học sinh tốt nghiệp THPT của cả khu vực Đại đô thị Chicago.
Đúng như Huy đã nói với tôi, sau bữa ăn sáng, Hùng bạn Huy gọi điện cho chú Thăng, người lái xe taxi, đồng thời là người hướng dẫn tôi đi thăm thành phố. Anh là thế hệ thứ hai di cư sang Mỹ vào những năm 1980. Nói chính xác là anh phải theo một người cha, một sĩ quan quân đội quốc gia Việt Nam Cộng hòa, sau năm 1975 hoạt động cho FULRO, bị chính quyền bắt, trốn vượt biên trên một chiếc thuyền lúc anh mới 16 tuổi.
Đó là một chuyến di cư bất hợp pháp, mà cho đến bây giờ, Thăng vẫn còn cảm thấy đau đớn và hãi hùng đến tột độ. Thăng nói với tôi, thỉnh thoảng nhớ lại, anh vẫn như nghe thấy tiếng kêu khóc của trẻ con, người già trên chiếc thuyền năm nào lênh đênh trên biển cả. Đặc biệt cái cảnh người ta thả những đứa trẻ nhỏ, đau ốm bị chết xuống dưới biển trong tiếng kêu xé ruột của những người mẹ. Bản thân em gái Thăng cũng bị chết vì sốt rét trong trại tị nạn trên đảo Ga Lang ở Inđônêsia. Quá khứ đau buồn đã qua đi, nhưng bao điều đau xót vẫn còn để lại. Đêm đêm Thăng vẫn thấy mẹ mình khóc thương nhớ em. Rồi cuộc sống buồn tủi và bệnh tật ở Mỹ đã khiến bà mất sớm. Cho đến lúc chết, bà vẫn không tha thứ cho ba anh, vì đã ép mẹ con bà ra đi, để rồi gửi xác người con gái trên một hoang đảo.
Cuộc đời thật khó đoán định. Cha của Thăng thì quyết ra đi cập bến “tự do”, dù có phải trả giá rất đắt. Nhưng con gái và con rể anh thì lại trở về Việt Nam. Tháng trước, chúng thông báo cho vợ chồng anh là vừa nhập thêm quốc tịch Việt. Một đứa thì dạy toán, một đứa thì dạy khoa học cho Trường Quốc tế Việt-Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lương hai đứa tổng cộng 4 ngàn rưởi. Vậy mà mới hơn một năm, cộng thêm khoản dạy thêm tiếng Anh bên ngoài, chúng đã dành dụm mua được một căn hộ trong thành phố. Nếu dạy học ở Mỹ, nằm mơ chúng cũng không thể nghĩ có một ngôi nhà riêng, trong một thời gian ngắn như vậy.
Hai đứa con Thăng khuyên vợ chồng anh bán ngôi nhà ở Chicago để về Việt Nam mua một cơ sở du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở Mũi Né, Bình Thuận. Chúng nói, vì anh đã có nghề, nên sẽ nhanh chóng hiểu và làm quen với môi trường mới. Chúng tính anh sẽ chuyên đón khách du lịch Mỹ ở thành phố, tổ chức tour đi một vài thành phố xung quanh nữa. Vợ anh thì mừng rỡ ra mặt, muốn về ngay tức khắc. Còn anh thì nấn nuối muốn chờ thêm một hai năm nữa. Vả lại, anh cũng hơi ngài ngại, vì mình là con của một sĩ quan FULRO.
-           Anh hai có biết về FULRO không, Thăng hỏi giọng lơ lớ tiếng người Bình Thuận.
-           Tôi biết khá rõ, vì tôi đã nghiên cứu để viết một chương về FULRO trong một luận văn về vấn đề li khai ở Đông Nam Á. Chú có muốn nghe không?
-           Để đến tối, em mời anh tối nay về nhà em. Chắc nhà em mừng lắm. Em chưa kể anh nghe chuyện em về Việt Nam lấy vợ. Cũng là người nhà của mẹ em ở Bình Thuận, do mẹ em ngày còn sống làm mối. Nhưng thôi, để sau đã, còn bây giờ chúng ta phải đi thăm Chicago đã.
-           Chú đừng lo. Sau năm 1986 mọi cái đều khác rồi. Anh là người Bắc. Ông nội anh vào trong Nam với chính quyền “ Quốc gia”. Cha đẻ anh thì đi lính cho thực dân Pháp. Bao nhiêu năm nay anh vẫn là cán bộ đấy thôi.
-           Người ta cứ nói ra, nói vô. Nghe anh nói vậy thì rứt khoát em sẽ về.
Tôi thật may mắn gặp Thăng. Anh là hướng dẫn viên làm việc theo giờ (part-time) cho một hãng du lịch thành phố. Anh chuyên dẫn khách du lịch người Việt ở Chicago. Vì công việc không có thường xuyên nên anh chạy thêm xe taxi. Có lẽ vì theo đuổi công việc này mà anh rất tường tận về thành phố. Anh kể tôi nghe ngọn nguồn từng con đường, từng dãy phố. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên phong phú, Chicago có vô số những công trình kiến trúc lộng lẫy. Nói đầy đủ hơn, Chicago là một bảo tàng mở ngoài trời đầy ắp những công trình lịch sử, văn hóa, thương mại. Đi đâu tôi cũng bắt gặp những ban nhạc ngoài trời: Công viên, siêu thị, nhà hàng, đường phố. Tôi nghĩ mình phải mất nhiều tuần sống tại thành phố thì mới nắm bắt được nét tinh hoa cũng như hiểu được tầm vóc của những công trình bậc nhất thế giới ở đây.
Sau hàng giờ lướt qua những con phố chính của thành phố, Thăng đưa tôi đến Bảo tàng Phương Đông (Oriental Museum). Ban đầu tôi cứ nghĩ chắc bảo tàng này trưng bày những hiện vật về Trung Quốc, về Ấn Độ, về Nhật Bản giống như một số bảo tàng mà tôi đã được chiêm ngưỡng. Tôi định đi lướt qua một vài gian phòng cho biết, rồi bảo Thăng đưa đi điểm khác. Thì ra không phải như tôi nghĩ. Đến Mỹ có rất nhiều điều không phải như tôi tưởng. Tôi luôn bị bất ngờ. Chẳng hạn như Bảo tàng Phương Đông ra vào miễn phí này. Nó cho tôi biết Phương Đông đâu chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại vĩ đại mà còn rất nhiều quốc gia cổ đại vĩ đại khác.
 Bảo tàng Phương Đông bao gồm những tòa nhà ba tầng và hai tầng, xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển, có mái ngói dốc, nằm ở khu vực công viên Hyde Park rất thoáng và rộng rãi. Bảo tàng được thành lập năm 1919, sở hữu bộ sưu tập 207.000 hiện vật, 405.000 tác phẩm và hàng trăm ngàn cuộn phim ảnh đẳng cấp thế giới về lịch sử, văn hóa của toàn bộ khu vực Trung Đông thời cổ đại như Sumeria cổ đại, Babilon cổ đại, Lưỡng Hà cổ đại, Ba Tư cổ đại, Ai Cập cổ đại…
Tôi đi thăm một số phòng trưng bày như: Mesopotamian Gallery, Assyrian Gallery, Syro-Amatotian Gallery, Megiddo Gallery, Egyptian Gallery, Nubia Gallery và Persian Gallery. Bảo tàng nghe nhìn (Virtual Museum) và các phòng triển lãm chuyên đề tôi đành phải bỏ để đến dịp khác. Biết bao hiện vật vô giá trong kho tàng lịch sử, văn hóa Phương Đông đến giờ tôi mới được biết. Thật mãn nhãn, thật ngạc nhiên, thật sung sướng, thật thú vị. Thú vị nhất khi tôi được chiêm ngưỡng bức tượng Pharaon cao 5 m và con vật Lamasu nặng 40 tấn. Về bức tượng Pharaon thì có thể hiểu được, nhưng còn hình tượng con vật phía dưới là thân hình con bò có cánh, phía trên là đầu người thì thật kì lạ. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi sao người cổ đại lại có thể sáng tạo ra hình tượng một con vật lạ lùng đến như vậy? Người ta định gửi gắm điều gì vào trong đó? Con vật thân sư tử đầu người thì người ta gọi là con nhân sư. Con vật thân ngựa đầu người thì người ta gọi là con nhân mã. Còn con Lamasu thì gọi là con gì? Chắc chắn không ai người ta gọi nó là con nhân bò.
Thăng đưa tôi đến điểm tham quan thứ hai là Công viên Lincoln Park. Tôi nói với Thăng tháng trước, tôi cùng với các con và các cháu đi thăm một số công viên ở Misouri và ở Colorado nên ở công viên này tôi không cần đi xem chi tiết. Vì thế Thăng đề nghị tôi đi xe điện để thăm tổng thể. Đây là một công trình văn hóa lớn có bề dày lịch sử nằm gần trung tâm thành phố. Công viên bắt đầu hình thành vào năm 1860, rộng 489 ha, dọc theo hồ Chicago và đối diện với hồ Michigan. Là một công viên công cộng lớn nhất thành phố, khách vào cửa miễn phí, những năm gần đây, hàng năm Lincol Park đón trên 20 triệu lượt khách trong và ngoài thành phố đến tham quan.
Công viên là nơi tập trung giải trí của mọi người, không phân biệt du khách là ai, không thấy bóng dáng cảnh sát hay bảo vệ hỏi han bất kì ai. Thăng cho biết vì là ngày thường nên lượng khách vắng hơn thứ bảy và chủ nhật, nhưng tôi vẫn thấy  tấp nập, nhộn nhịp. Phần lớn người ta đi theo đoàn và đi theo gia đình. Dòng người ban đầu rất đông rồi tản dần theo các hướng một cách yên bình. Không một chút xô bồ, nhộn nhạo. Đặc biệt tôi không thấy một tờ giấy hay một cọng rác trong công viên.
Công viên có 15 sân bóng chày, 6 sân bóng rổ, 35 sân tennis, 163 sân bóng chuyền và nhiều sân bóng đá, bắn cung, sân gôn, lối dành cho người đi xe đạp, đi bộ. Ngoài ra còn rất nhiều ngôi nhà được xây dựng từ đầu những năm 1900 cho đến những năm gần đây, bao gồm hệ thống nhà hàng, điểm giải khát, bãi nghỉ, khu bơi lội, bến cảng, nơi chèo thuyền, rạp chiếu phim và các sàn biểu diễn âm nhạc ngoài trời. Đặc biệt trong công viên còn có Bảo tàng Lịch sử Chicago, Bảo tàng tự nhiên Peggy Natebarerd, Bảo tàng thực vật, Bảo tàng các loại chim, Bảo tàng các loại bướm, Bảo tàng sinh cảnh thiên nhiên và vườn hoa lan với 25.000 ngàn loài lan tự nhiên…
Tôi nghĩ Công viên Lincol Park nổi tiếng nhất, hấp dẫn nhất có lẽ là khu vườn thú, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn động vật hoang dã. Vườn thú của công viên có 1250 loài với đầy đủ các khu vực trưng bày các loài cá, các loài lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như mèo rừng, gấu Bắc cực, chim cánh cụt, khỉ đột và nhiều loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng. Có những điều tại vườn thú đã để lại cho tôi những ấn tượng không thể phai mờ. Đó là vườn thú không chỉ là nơi nuôi dốt các loại động vật để thỏa mãn sự tò mò của con người, nó còn là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ và nhân giống các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thực sự vườn thú là nơi giáo dục tốt nhất để con người bảo vệ sự đa dạng các loài sinh vật.
Khu các loài thú trong danh sách đỏ được người ta nuôi dưỡng ở một chế độ lí tưởng, từ việc tạo sinh cảnh giống như tự nhiên đến việc chăm sóc chúng. vì thế chúng đã sinh đẻ và nuôi con như trong môi trường sống của nó. Voi trắng nuôi con. Bò tót nuôi con. Ngựa vằn nuôi con. Tê giác đen nuôi con. Khỉ đột lớn nuôi con. Đười ươi nuôi con. Vượn đen má trắng nuôi con. Voọc đầu trắng nuôi con… Tất cả chúng đều có một gia đình. Chúng cũng biết yêu thương con như con người. Chúng cũng biết chăm sóc con cái như con người. Đặc biệt là quan sát các loài linh trưởng, tất cả mọi người đều thấy thú vị, nhất là trẻ con. Chúng dán mắt vào những con mẹ đang ôm con, cho con bú, bắt rận cho con, rồi những đứa con nghịch ngợm nhảy nhót lung tung. Trông chúng tình cảm chẳng khác gì con người. Vậy mà hàng ngày, hàng giờ ở các nước châu Á, Châu Phi người ta vẫn săn bắt để ăn thịt chúng. Còn ở đây, cả thành phố tạo điều kiện cho những con vật đáng thương này. Có cả một đội ngũ bác sĩ, tình nguyện viên đông đảo lo cho chúng từng bữa ăn, từng giấc ngủ.
Trong công viên người ta đã mở ra nhiều khu vực cho trẻ em vui chơi, ăn uống và thậm chí tương tác với các loài chim thú không gây nguy hiểm. Đặc biệt là ở những điểm xiếc thú và khu vực tái tạo lại trang trại miền Trung Tây, có đồng cỏ với các loại gia súc như ngựa, bò, cừu. Trẻ em mọi lứa tuổi đều rất chăm chú, say mê xem các loài thú biểu diễn, được gần gũi chúng, được cho chúng ăn, được tung tăng chạy nhảy, được làm việc như những người công nhân nông nghiệp. Khi chúng cười, cả đôi mắt và cả khuôn mặt chúng lấp lánh rạng ngời. Hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ với khuôn mặt tràn trề hạnh phúc, sao chúng đáng yêu đến vậy. Bên cạnh chúng là những người đàn ông, đàn bà cũng rạng rỡ niềm vui. Tôi bỗng ao ước có Lâm có Bảo đi cùng để cho chúng hòa vào đám trẻ này. Mặc dù tháng trước, bố mẹ chúng và tôi đã đưa chúng đi vườn thú ở Colorado. Lâm cưỡi trên lưng những con thú giả cùng mẹ, miệng toét cười, đôi mắt sáng lên. Rồi Lâm đuổi theo những con chim to nhỏ, đuổi theo những con vẹt sặc sỡ, đuổi những con công xòe đuôi, xòe cánh trên bãi cỏ và lệ khệ ôm những con rùa rụt đầu đến đưa cho ông…
Điều cuối cùng khiến tôi dâng trào cảm xúc là được ngắm nhìn bức tượng Tổng thống Lincoln trong công viên. Ông là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, sinh ra trong một gia đình nghèo ở bang Illinois. Ông là người có công lao trong việc duy trì liên bang, người chấm dứt chế độ nô lệ, người hiện đại hóa nền kinh tế và tài chính, một tài năng đích thực trong nền chính trị Mỹ. Tôi ngưỡng mộ ông nhất là mặc dù ông thuộc về Đảng Cộng hòa, đảng theo đuổi đường lối cúng rắn trong mọi vấn đề. Nhưng sau nội chiến, ông lại chủ trương một đường lối ôn hòa nhằm tái thiết đất nước thông qua chính sách hòa giải và bao dung trong bối cảnh xã hội phân chia đầy cay đắng. Một con người như vậy mà vẫn bị ám sát vào tháng 4 năm 1865. Tại công viên, tượng Lincoln đứng trên bệ cao giữa đất trời lồng lộng. Ông đứng thẳng, đầu hơi cúi, râu cằm rậm, tay nắm phần dưới cổ áo khoác. Dường như ông đang suy tư. Đằng sau ông là chiếc ghế tựa có in hình con đại bàng đang tung cánh bay.
Chính sách hòa giải và bao dung của Lincoln cho đến ngày hôm nay vẫn đầy giá trị nhân bản và thực tiễn. Khi mà thế giới và ngay cả trong nội bộ từng quốc gia vẫn sống trong thù hận, chia rẽ, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, nội chiến triền miên, khủng bố, tôi nghĩ các quốc gia và đặc biệt là nước Mỹ nên thực thi chính sách hòa giải và bao dung của Lincoln trong quan hệ quốc tế, chắc chắn đi theo chiều hướng này, nhân loại sẽ bớt đi nhiều khổ đau không đáng có. Thật đáng buồn, câc nhà lãnh đạo, nhất là ở các nước được gọi là cường quốc, người ta vẫn còn mang cái bản năng bầy đàn, vẫn luôn luôn muốn khẳng định cái mà người ta gọi là sức mạnh áp đặt thành chính sách quốc gia và áp đặt thành chính sách trong quan hệ quốc tế.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.