Thăm trường Đại học Colorado, Boulder

Leave a Comment
Tôi đến nhà Thúy đã hai tuần nhưng buổi sáng hôm nay mới có dịp nói chuyện với Huy. Tôi biết Huy từ trước qua những lần nói chuyện với Thúy. Huy là một thanh niên cao lớn lực lưỡng, nước da ngăm đen, tính tình hiền lành, nói năng từ tốn. Huy ở nhờ nhà Thúy, hiện là sinh viên năm thứ 2 Khoa Toán Ứng dụng, Trường Đại Colorado, Boulder. Trước đó, Huy cùng với bố mẹ và người anh trai sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Huy học Trường PTTH Nguyễn Tất Thành, một trong những ngôi trường chuyên nổi tiếng của thành phố. Sau khi tốt nghiệp THPT, Huy không thi đại học trong nước mà xin đi du học tự túc. Bố mẹ Huy có một tiệm vàng, làm ăn lại thuận buồm xuôi gió nên gia đình tương đối khá giả. Tuy vậy, cuộc sống gia đình họ lại không được bình lặng. Người bố đam mê cờ bạc rượu chè, thường hay đánh chửi vợ con. May mà được người mẹ biết nhường nhịn để lo toan mọi bề. Đó là một trong những lí do mà Huy sang Mỹ du học.
-           Mấy tuần vừa rồi, Huy nhìn tôi và nói, cháu đi Cali (California) vì công việc nên chưa thưa chuyện với bác. Đến Cali cháu rất lạ. Nhiều gia đình Việt vẫn treo cờ ba que (cờ của chính quyền Ngụy quyền miền Nam trước năm 1975). Bác thấy thế nào?
-           Bác đoán chủ những gia đình đó trước kia là những người có địa vị, có thế lực, có tiền tài trong chế độ Việt Nam Cộng hòa. Họ vẫn trung thành với chế độ cũ, mang lòng oán hận chế độ mới, thậm chí điên cuồng chống phá chế độ mới. Họ cho rằng mình luôn ở bên kia chiến tuyến, không đội trời chung với cộng sản. Nhiều người trong số họ còn không muốn quay về Tổ quốc. Họ là những người con dân của đất Việt mà không thức thời. Ngay đến Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người từng là Phó Tổng thống của Chính quyền miền Nam Cộng hòa, khi về nước, nói với những người bạn cùng hội cùng thuyền của mình năm xưa: “Chúng ta đã thất bại. Ngay cả khi chúng ta có trong tay trên một triệu quân với sự hỗ trợ của người Mỹ, chúng ta cũng không làm gì được. Vậy mà một số người trong chúng ta bây giờ còn định toan tính cái gì? Bảo nhau mà làm ăn thôi”. Và thực tế, ông Kỳ đã đầu tư vào một số cơ sở trong nước để làm ăn. Bác đã từng nghỉ ở “Resort” của ông ấy ở Sơn Tây. Một ông tướng, một phó tổng thống của chế độ cũ mà còn biết suy nghĩ và làm việc sau thời hậu chiến như thế. Huống hồ những người khác. Nói như người xưa đã từng nói, họ là những người ngu trung.
-           Có lẽ bác nói đúng. Thế còn việc đa số sinh viên Việt Nam học xong đều ở lại Mỹ làm việc, bác đánh giá sao?
-           Theo ý kiến riêng của bác, đó là xu thế của toàn cầu hóa, không chỉ có người nước ngoài đến Mỹ, mà hàng triệu người Mỹ cũng đi ra nước ngoài làm việc và sinh sống. Nói như Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam về vấn đề này tại Oa sinh tơn: “Các cháu ở lại Mỹ làm viêc, điều đó không có vấn đề gì. Có điều kiện, các cháu trở về đất nước phục Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Điều quan trọng nhất, các cháu phải là người Việt Nam”. Bác cho rằng ông Triết nói đúng và rất thực tế. Nếu như tất cả sinh viên đi học ở nước ngoài trở về nước thì nhà nước cũng chẳng bố trí được công ăn việc làm cho một bộ phận chứ chưa dám nói là tất cả.
Tôi biết Huy đi Cali giải quyết một việc rất tế nhị nên không hỏi. Chẳng là mẹ Huy biết được một “đường dây” chạy Thẻ Xanh 45 ngàn đô, một loại giấy tùy thân được phép định cư ở Mỹ nên bà quyết định đầu tư khoản này cho con. Cho tới khi sang Mỹ tôi mới hiểu tại sao người ta phải bỏ ra một số tiền lớn đến như vậy để có một tấm thẻ. Có nó người mước ngoài mới trở thành thường trú nhân của nước Mỹ, được làm ăn sinh sống như người Mỹ. Với sinh viên sang Mỹ học ở các trường công, nếu có Thẻ Xanh, sinh viên được hưởng quyền lợi như sinh viên Mỹ. Có nghĩa là tiền đóng học phí sẽ thấp hơn rất nhiều. Nếu học bốn hay năm năm, sinh viên có thể bù được số tiền đã bỏ ra để “mua” hộ khẩu thường trú. Và điều quan trọng hơn là sau khi học song đại học, sinh viên dễ dàng có điều kiện xin việc làm tại Mỹ. Chẳng hạn như vợ chồng em gái Hoài Anh, tháng trước nhận bằng tốt nghiệp đại học, tháng sau đã xin được việc ở một ngân hàng Mỹ với mức lương khởi điểm 4000 đô một tháng, trong khi vẫn có điều kiện thuận lợi học tiếp thạc sĩ.
Nói “mua” ở đây không phải là hối lộ các quan chức Mỹ. “Đường dây” chạy Thẻ Xanh đã lách luật, trên cơ sở các điều luật visa định cư theo diện ưu tiên gia đình và visa thành viên gia đình của thường trú nhân để có được tấm thẻ một cách hợp lệ. Giống như trường hợp Thắng, bạn tôi đã chạy cho cả nhà sang định cư ở Phần Lan, hay trường hợp cô giáo Khuất Thị Lan ở trường tôi cũng bỏ ra 45 ngàn đô để cho con đang theo học ở một trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ có được tấm visa định cư. “Đường dây” sẽ tổ chức kết hôn giả hoặc kết hôn trên giấy tờ cho các đối tượng.  Sau khi đối tượng đã đạt được mục đích, người ta lại tổ chức cho các đối tượng li dị. Trường hợp Huy đi Cali là để thực hiện cái quy trình mà “đường dây” yêu cầu. Thì ra cái quy luật cung cầu khuất tất ở xã hội văn minh cũng giống như ở xã hội Việt Nam, nơi nào cũng đúng.
Tôi ngỏ ý, hôm nào Huy rỗi nhờ Huy đưa đến thăm Trường Đại học Colorado. Huy hỏi lại tôi ngay:
-           Có 4 University of Colorado. Bác muốn thăm University of Colorado Boulder nơi cháu đang học hoặc University of Colorado Fort Collins hay University of Denver.
-           University of Colorado Fort Collins có phải ban đầu là trường Đại học Nông nghiệp của Colorado?
-           Đúng đấy bác ạ. Cháu có mấy người bạn học ở đấy.
-           Nếu thế thì bác đã biết về Trường Đại học Colorado Fort Collins qua giới thiệu của đại diện trường này khi họ làm việc tại Việt Nam. Thậm chí bác đã được xem cả một chương trình video giới thiệu về nhà trường. Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội và một số trường đại học Việt Nam đã kí thỏa thuận hợp tác khá chặt chẽ với Colorado Fort Collins. Các trường của Việt Nam đã cử các giảng viên có khả năng tiếng Anh sang theo học các khóa học hai, ba tháng nhằm tiếp thu giáo trình và phương pháp giảng dạy của họ để về dạy các lớp liên kết và các lớp cử nhân chất lượng cao cho sinh viên Việt Nam bằng tiếng Anh. Bác cũng có mấy người quen đang theo học tại đó.
-           Thế thì hai bác cháu đi Fort Collins.
-           Không. Bác muốn thăm trường cháu trước đã.
-           Nếu bác không bận gì mời bác đi luôn sáng nay.
Hai bác cháu ra xe riêng của Huy để ở vệ đường trước cửa nhà. Tôi thấy Huy vẫn để chùm chìa khóa xe ở ổ khóa từ đêm trước, liền hỏi:
-           Cháu quên khóa xe à?
-           Không phải cháu quên mà là cháu không để ý đến việc khóa xe hay không khóa xe. Cháu nghĩ ở đây ai người ta lấy trộm chiếc xe còm này.
Có lẽ Huy nói đúng. Ở Thành phố Columbia, Missouri vợ chồng Vân nhận hàng chục bưu phẩm mỗi ngày (vợ chồng Vân mua một số mặt hàng chuyển về Việt Nam) nhưng suốt thời gian ở đó, chẳng bao giờ tôi thấy nhân viên bưu điện đến trả hàng, yêu cầu người nhận hàng phải kí xác nhận. Họ ấn chuông để hàng trước cửa nhà rồi lẳng lặng ra xe đi trả hàng tiếp. Có lần chúng tôi đi chơi mấy ngày, hàng về chất thành đống mà cũng chẳng mất mát gì. Vân nói với tôi hai năm mua hàng với hàng ngàn bưu phẩm, mà chưa hề thấy người ta nhầm, chưa hề thấy mất mát. Còn ở Longmont, hàng tuần tôi vẫn nhận bưu phẩm để chuẩn bị mang hàng về nước cho vợ chồng Vân, khi thì dăm bảy chiếc đồng hồ, khi thì mươi mười lăm chiếc kính Mỹ, khi thì vài chục lọ thực phẩm chức năng và mỹ phẩm… Có lô hàng giá trị lên tới vài chục ngàn đô, cũng chẳng bao giờ Thúy phải ký nhận gì cả. Người ta cứ để hàng trước cửa nhà, ngay cạnh đại lộ, xe cộ và người qua lại suốt ngày mà không thấy mất mát gì. Ở đây nhà nào cũng có vài ba chiếc ô tô. Hầu hết người ta để xe ven đường. Không thấy nhà nào kêu bị mất cắp bao giờ. Vậy thì như Huy nói, khóa xe để làm gì.
Trên đường đi, Huy giới thiệu Trường Đại học Colorado Boulder là trường đại học nghiên cứu công lập nằm ở thành phố Boulder thuộc bang Colorado. Đây là trường đại học hàng đầu nằm trong hệ thống giáo dục đại học Colorado. Trường được thành lập vào năm 1876, cùng năm với Trường Đại học Colorado Fort Collins. Cũng như nhiều trường đại học khác của Mỹ, University of Colorodo Boulder chia thành nhiều college và school. Từ ngày thành lập đến nay, trường không ngừng mở rộng về quy mô và chất lượng đào tạo. Thế mạnh của nhà trường nằm ở các ngành khoa học, kĩ thuật, kinh doanh, luật, giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc.
Năm học 2013- 2014 trường tiếp nhận trên 30.000 sinh viên trong nước và ngoài nước. Trường có khoảng 3400 khóa học với hơn 150 ngành học, bao gồm 85 chuyên ngành khác nhau. Trường đào tạo 78 chương trình cử nhân, 56 chương trình thạc sĩ, 53 chương trình tiến sĩ. Trường là một trong 34 trường thuộc Hiệp hội các trường công lập danh tiếng nhất Hoa Kỳ. Thành tích cao nhất của nhà trường là có 11 người đạt giải thưởng Nobel, cùng với hàng trăm giải thưởng danh giá trong và ngoài nước đã chứng tỏ vị thế đáng nể của nhà trường trong làng giáo dục đại học Mỹ.
Đại học Colorado Boulder (CU) nằm ở bên cạnh thành phố Boulder, dưới chân núi Rocky hùng vĩ. Toàn bộ khuôn viên trường nhấp nhô rải rác trong rừng cây cổ thụ xen lẫn những thảm cỏ, vườn hoa, trông hài hòa như một bức tranh đẹp đầy chất thơ. Nét đặc biệt nhất của CU là tất cả các tòa nhà đều được xây bằng đá sa thạch, một loại đá đẹp và quý hiếm ở mỏ đá Lyons của Colorado. Phong cách kiến trúc cộng với vật liệu đặc biệt của các tòa nhà gợi cho người ta cái cảm giác chắc chắn, cổ điển và trường tồn, một phong cách rất riêng biệt của một ngôi trường đại học dưới chân dãy núi nổi tiếng đẹp của thế giới.
Trước tiên, Huy đưa tôi đến thăm một tòa nhà cao tầng cổ kính được khánh thành vào tháng tư năm 1876. Tòa nhà này là tâm điểm và là di sản văn hóa nổi tiếng nhất của CU. Đây là nơi làm việc của bộ phận hành chính, thư viện và giảng đường trong gần một thế kỉ rưỡi từ ngày thành lập trường. Tòa nhà này đã được cải tạo lại vào năm 1952 với chi phí 1.700.000 đô tại thời điểm đó. Hiện nay, tòa nhà còn là nơi tiến hành các cuộc triển lãm, nơi trưng bày thư viện ảnh các loại, trong đó có đề tài về thể thao và xây dựng trường.
Tiếp theo, Huy hướng dẫn tôi đi tới Bảo tàng Nghệ thuật CU. Bảo tàng này được thành lập vào năm 1939. Cho đến nay, bảo tàng đã sưu tầm được trên 8000 tác phẩm nghệ thuật, phản ánh nền văn minh 3 ngàn năm của nhân loại, bao gồm nghệ thuật của các khu vực châu Phi, nghệ thuật tiền sử và cổ đại Mỹ, nghệ thuật châu Âu, nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nghe nhìn…
Tiếp tục, chúng tôi đến Trung tâm Diễn đàn về các vấn đề quốc tế. Về hình thức, khu vực diễn đàn cũng gần như Trung tâm Hội nghị Quốc tế Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Nó được thành lập vào năm 1948. Ban đầu người ta biết đến như một diễn đàn chuyên về các vấn đề quốc tế. Rồi dần dần được mở ra các lĩnh vực nghệ thuật, truyền thông, khoa học, công nghệ môi trường, tâm linh, y tế, giáo dục, quyền con người… Diễn giả thường là những nhân vật nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Còn khán giả là các cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của nhà trường. Ngoài ra còn có nhiều nhà báo, người dân trong thành phố và du khách từ khắp nơi đến. Hàng tuần, tại diễn đàn thường tổ chức các sự kiện. Người tham dự từ vài trăm người cho đến trên hai nghìn người.
Điểm khám phá tiếp theo của chúng tôi là Thính phòng Macky, một tòa nhà có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng vào năm 1920, do một nhà doanh nhân và là nhà chính trị tên là Macky tài trợ. Ở hai bên tòa nhà là hai tòa tháp màu đỏ tươi vươn lên không trung. Chính giữa thấp hẳn xuống là mái nhà tầng hình tam giác, bên trên tầng hình tam giác là những ô cửa sổ trang trí, bên dưới là 5 cổng cửa vòm cuốn ra vào. Toàn bộ công trình tọa lạc nổi bật trên một khu đất cao. Vật liệu xây dựng chủ yếu bằng đá sa thạch và gạch đỏ. Thính phòng Macky trực thuộc Trường Đại học Âm nhạc và Khoa Nghiên cứu về nhạc Jazz. Nơi đây thường tổ chức các cuộc hội thảo lớn, nơi đêm đêm biểu diễn kịch và âm nhạc, nơi công diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Boulder.
Rời khỏi Thính phòng Macky, Huy dẫn tôi tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên CU. Như khoe với tôi, Huy nói:
-           Trong trường đại học mà lại có các bảo tàng cực lớn thì không phải ở nước nào cũng có. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên CU là bảo tàng có những bộ sưu tập lớn nhất trong khu vực Rocky với hàng chục nghìn hiện vật. Nó bao gồm rất nhiều ngành: Nhân học, Thực vật học, Côn trùng học, Cổ sinh vật học, Động vật học… Ngoài ra trong bảo tàng còn có 7 phòng triển lãm chuyên đề. Không biết đến bao giờ Việt Nam mới có một trường đại học tầm cỡ như thế này.
-           Bác nghĩ cứ chờ đợi đấy, như trong một bài hát “ trong tương lai xã hội chủ nghĩa”.
-           Bác cháu ta xem bảo tàng chuyên ngành nào hay xem triển lãm?
-           Ta chỉ có một ngày nên không thể thăm mon tất cả mọi thứ được. Ta lướt xem qua triển lãm để biết.
Chúng tôi xem triển lãm về thành tựu nghiên cứu AND, xem qua một số tóm tắt nghiên cứu của các giáo sư tiến sĩ và các sinh viên ở trong và ngoài nhà trường, qua tranh ảnh hiện vật, qua các đoạn phim. Chỉ một khoảng thời gian rất ngắn thôi, tôi cũng mường tượng ra được vấn đề khoa học AND với sự đa dạng trong cuộc sống. Đúng như lời giới thiệu được ghi trước cửa phòng: “Triển lãm không chỉ là vấn đề trưng bày các thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sinh học mà còn giáo dục cho học sinh, sinh viên và công chúng một khía cạnh phát triển của sinh học tiến hóa. Từ đó phát triển sự sáng tạo của con người, để làm thế nào tạo ra được những cái mới trong cuộc sống”. Cho đến giờ, tôi mới hiểu tại sao nhiều phát minh khoa học từ cuộc cách mạng công nghiệp đến những phát minh gần đây về máy tính, các phần mềm máy tính, mạng máy tính, internet, Google, Facebook… đều là của người Mỹ.
Tôi có ấn tượng nhất khi bước vào khu Trung tâm tưởng niệm của nhà trường. Khu vực này gồm những tòa nhà cao tầng và một đài tưởng niệm nhằm tôn vinh những cựu chiến binh Colorado đã hy sinh trong những cuộc chiến tranh từ ngày lập quốc cho tới ngày nay. Tôi nghĩ có lẽ hiện tại không ở đâu trên thế giới có nhiều đài tưởng niệm những người đã ngã xuống theo tiếng gọi của đất nước như ở Việt Nam và ở Mỹ. Nó trở thành một nét văn hóa riêng biệt của mỗi nước. Ở Việt Nam, từ các làng mạc cho đến các thành phố, đâu đâu cũng thấy những đài liệt sĩ. Ở Mỹ, từ Thủ đô Washington DC tới các trường đại học đâu đâu cũng thấy những đài tưởng niệm. Điều khác nhau là ở Việt Nam, đài tưởng niệm nằm trong nghĩa trang, ở Mỹ, đài tưởng niệm phần nhiều nằm ở các trường đại học.
Vào năm 1947, Thống đốc bang Colorado Lee Knous đã khởi xướng xây dựng Đài tưởng niệm trong Trường Đại học Colorado Boulder. Ý tưởng của ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của những nhà hảo tâm và người dân Colorado. Đầu những năm 1950, khu tưởng niệm chính thức được cắt băng khánh thành. Từ đó nó trở thành một viên ngọc, một trung tâm hội tụ của cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên. Tới nay khu tưởng niệm còn là một trung tâm thư giãn, giải trí, ăn uống, mua sắm và nơi tổ chức các sự kiện. Nó không chỉ là nơi giáo dục truyền thống sống động mà còn là nơi tạo ra không khí cho phép mọi người tự do trao đổi các ý tưởng, phát triển các mối quan hệ, nơi gắn kết các nền văn hóa trong trường đại học và trong cộng đồng.
Huy vừa hướng dẫn vừa giới thiệu cho tôi về một vài college và một vài school. Nhìn chung các giảng đường, các phòng học, phòng thí nghiệm cũng tương tự như ở Đại học Missouri Columbia. Riêng ở Khoa Toán Huy giới thiệu cho tôi khá kĩ về các phòng học toán lí thuyết, toán lập trình, toán ứng dụng và toán sư phạm. Ở Khoa Vật Lí, tôi còn được chiêm ngưỡng những dãy phòng thí nghiệm. Không có chuyên môn nên tôi không biết đánh giá các phòng thí nghiệm đó như thế nào, nhưng nhìn những con người trong phòng thí nghiệm, những vị giáo sư, những nhân viên và sinh viên đang cần mẫn bên những thiết bị mà tôi chưa bao giờ được biết đến, tôi có cảm nhận nơi đây thực sự là nơi để học tập, là nơi để nghiên cứu.
Choáng ngợp hơn khi đi dọc hành lang tới văn phòng khoa Vật lí, tôi thấy trưng bày san sát hàng chục chiếc tủ kính để cúp, cờ, huân huy chương và các phần thưởng cao quý nhiều loại khác nhau của giáo viên và sinh viên. Đặc biệt tôi thấy hai giấy chứng nhận lồng trong một cái khung vàng treo ở vị trí trang trọng nhất, hai giấy chứng nhận của hai giáo sư được giải thưởng Nobel của khoa Vật lí. Một giấy chứng nhận vinh danh năm 2001 và một giấy chứng nhận vinh danh năm 2010. Trên khung còn có  khoảng để trống như có ý muốn nói, thời gian tới, có những cái tên mới sẽ tiếp tục được vinh danh.
Chúng tôi kết thúc cuộc hành trình thăm trường Đại học Colorado ở Cung Thiên văn Fiske (Fiske Planetarium) và Đài Quan sát Sommers - Bausch. Cung Fiske là một bộ phận của Khoa Vật lí Thiên văn và Khoa học Hành tinh. Đây là nơi điều hành các điểm quan sát thiên văn trên đỉnh Apach. Có hai kính thiên văn viễn vọng dành cho các nhà nghiên cứu và sinh viên đến làm việc tại đây.
Nơi đây sinh viên, học sinh và công chúng được phép quan sát và trực tiếp trải nghiệm công việc khoa học theo sự chỉ dẫn của các nhân viên. Người ta điều khiển hệ thống quan sát bằng quang học và tia hồng ngoại để khảo sát bản đồ vũ trụ; xác định vị trí, cấu trúc của đối tượng trong vũ trụ. Lần đầu tiên trong đời tôi được quan sát hàng trăm, ngàn đốm sáng thiên thể đang chuyển dịch trên bầu trời cách tôi hàng ngàn năm ánh sáng. Thật là huyền diệu…
Đài quan sát Sommer- Bausch nằm ở phía sau Cung Thiên văn Fiske và cũng là một bộ phận của Khoa Vật lí Thiên văn và Khoa học Hành tinh. Tại đài quan sát này, có ba kính thiên văn lớn. Người ta sử dụng chúng cho công tác học tập, nghiên cứu và cho cả công tác tham quan. Ngay cả những người xa lạ như tôi và Huy, sau khi quan sát tổng thể ở Cung Fiske, lại được đến đài quan sát này xem các thiên hà hệ, các tinh vân.
Lên xe rời khỏi Trường Đại học Colorado, tôi cảm thấy trong lòng bao lưu luyến. Tôi cứ ngoái lại nhìn ngôi trường cho đến khi khuất hẳn tầm nhìn, chỉ còn lại ánh hoàng hôn bịn rịn và một làn sương tím mờ. Không biết bao giờ tôi mới có dịp quay trở lại thăm ngôi trường này. Có điều gì đó thật khó giải thích. Chỉ là một khách vãng lai, tại sao tôi lại vương vấn? Các con tôi không học tại đây. Chỉ có Huy và mười lăm sinh viên Việt Nam học ở ngôi trường này và tôi cũng mới gặp gỡ nói chuyện với vài người trong số họ. Chẳng lẽ do thái độ tôn trọng và nhiệt tình của các nhân viên khi gặp gỡ trong quá trình giới thiệu với chúng tôi về ngôi trường? Hay do thái độ tận tình của một cô giáo công tác tại trường này hôm trước đưa tôi về lúc tôi bị lạc? Tôi phân tích và tự lí giải, tất cả những điều đó chưa đủ làm cho tâm trạng tôi phải quyến luyến đến như vậy. Phải chăng hàng ngàn sinh viên tôi gặp trong cái đêm ở Boulder, tuổi xuân tràn đầy sức sống của họ, vẻ đẹp của họ gợi lại cho tôi một thời để nhớ, một thời để yêu?
Trên đường về tôi cứ miên man suy ngẫm. Những điều tôi biết về các trường đại học ở hai quốc gia không nhiều, nhưng tôi nhận ra rằng, có một điều ở các trường đại học của Mỹ thật khác xa với trường đại học của Việt Nam. Trường đại học của họ thực sự là của mọi người. Tất cả mọi người đều có quyền vào trường đại học. Và không nhất thiết người ta vào học để lấy một tấm bằng nào đó. Không có một bức tường ngăn cách giữa nhà trường và xã hội bên ngoài. Ngay cả những con đường đi qua nhà trường cũng là của mọi người. Không có một cảnh sát hay người bảo vệ nào ngăn cản.

Quan trọng hơn, tôi nhận thấy hơi thở của cuộc sống xã hội hàng ngày, hàng giờ ùa vào nhà trường và từ nhà trường hàng ngày, hàng giờ tri thức lại lan tỏa vào cuộc sống. Còn trường đại học ở Việt Nam thì hoàn toàn trái ngược lại, nó là một cái tháp ngà, của riêng trường đại học, cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Điều khác biệt đó một phần lí giải tại sao một đất nước có tới 24.000 tiến sĩ mà nhiều lĩnh vực khoa học và kĩ thuật còn rất hẫng hụt; ngay cả đến cái máy cày, máy bừa. máy cấy, máy gặt, máy tỉa bắp, máy tỉa hạt, máy thái ngô khoai sắn, cho đến việc chế tạo tàu ngầm, trực thăng đều do nông dân và những người thợ sáng tạo làm ra. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi phủ nhận sự đóng góp của đội ngũ trí thức, nhưng quả thực những trí thức có tâm, có tài, có tầm quá ít trong cái con số trên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.