Một ngày trước khi rời colorado

Leave a Comment
Ba tháng trên đất Mỹ trôi đi thật nhanh chóng. Tôi rất muốn ở lại thêm để được gần gũi với các con, các cháu. Tôi vẫn rất muốn được trải nghiệm thêm về xã hội, con người và nền giáo dục Mỹ, về cuộc sống của người Việt và cuộc sống của sinh viên du học trên đất Mỹ. Nhưng nghỉ việc ở cơ quan đã quá dài ngày, người ta khó có thể chịu đựng được một người xin nghỉ vài tháng, không lo việc trường sở.
Nghĩ tới công việc ở trường, tôi bắt đầu cảm thấy ngài ngại. Ba mươi tám năm làm việc trong trường công, tôi luôn phải nghe các nghị quyết, các văn bản, chỉ thị, kế hoạch, công tác thanh kiểm kiểm tra... Lúc nào tôi cũng cảm thấy bận bịu và bất an. Đến lượt tôi, tôi lại gây áp lực lên thầy trò ở nhà trường, yêu cầu họ phải thực hiện đúng theo tinh thần tôi đã tiếp thu. Tôi lại còn phải để mắt, phải nghe ngóng các đoàn thể từ chi bộ, công đoàn đến tổ chuyên môn và dư luận để kịp thời điều chỉnh hành vi của mình. Có nghĩa là tôi phải thủ tiêu cá tính, cá nhân của chính mình để hòa vào với mọi người. Cộng thêm 5 năm làm việc ngoài trường tư, tôi được tự chủ hơn: Được tuyển giáo viên, được tuyển nhân viên, được tổ chức các hoạt động giáo dục trong đó có việc dạy - học, được đánh giá học sinh theo định hướng cá nhân dựa vào Hướng dẫn nhiệm vụ năm học và Điều lệ nhà trường. Tóm lại là tôi được thể hiện mình mặc dầu không ít va vấp với hội đồng quản trị nhà trường.
Song tất cả cuối cùng thì tôi vẫn phải chạy theo lối dạy học trang bị kiến thức (các môn học nhồi được càng nhiều càng tốt), chạy theo điểm số, chạy theo thành tích thi cử và yêu cầu tham vọng của phụ huynh học sinh. Còn đối với học sinh, ở mức độ hai loại hình trường có khác nhau, nhưng suy cho cùng vẫn là học để đi thi. Nếu không theo xu hướng như vậy thì vị trí của tôi ở cả nhà trường công lẫn tư đều không tồn tại. Và nếu như vậy thì tôi đang làm cái công việc mà nền giáo dục ở các nước tiên tiến đã bỏ cách đây hàng bao nhiêu năm rồi. Ấy thế mà có lúc tôi ngộ nhận mình đã làm được một chút ít gì đó có ích cho học trò. Nào là giấy khen. Nào là bằng khen. Nào là chiến sĩ thi đua. Nào là huy chương, huân chương. Bây giờ thì tôi nhận ra tất cả những cố gắng đó chỉ là những cố gắng thừa. Thậm chí còn có hại.
Tuy nhiên, cái còn lại trong tôi từ ngày đi dạy học đến nay là tôi luôn sống và làm việc hết mình vì học sinh, vì đồng nghiệp, vì phụ huynh học sinh. Và học sinh đối với tôi cũng rất tình nghĩa. Cái lứa học sinh cách đây gần 40 năm đã nên ông nên bà, vào ngày 20 tháng 11 hàng năm, các em vẫn đến thăm tôi. Còn các lớp hiện tại, tôi mới xa chúng mấy tháng, em học sinh nữ Lee Munhee người Hàn Quốc, em hoc sinh nam lớp 11A Nguyễn Văn Hải chuẩn bị sang Mỹ du học và lớp trưởng Tuấn Anh tuần nào cũng viết trên Face book, mong muốn thầy về để thầy trò cùng làm việc vào các sáng thứ hai hàng tuần, để xem các lớp múa hát và để được nghe lời động viên, khen thưởng “sướng mê li của thầy”. Thực tình tôi vẫn rất muốn sống và làm việc với các em học sinh trung học. Nhưng cái gì cũng có điểm dừng. Tốt nhất là sau chuyến đi này, tôi làm đơn xin nghỉ.
Chỉ còn một ngày nữa tôi phải tạm rời xa bang Colorado. Buổi sáng như thường lệ, Lâm dậy ăn Cereal (một món ăn khô được chế biến từ ngũ cốc) và uống sữa. Ăn uống xong tôi rủ Lâm đi “trượt cầu”, cái cụm từ bà ngoại vẫn thường dùng mỗi khi đưa Lâm ra khu vực vui chơi giải trí dành cho trẻ em trong khu vực đô thị cách nhà khoảng 200 mét. Ở đó có đủ các loại cầu trượt làm bằng nhựa, các loại xích đu, quay tròn và hai bể bơi ngoài trời. Hễ ngày nào rảnh, tôi lại đưa Lâm đi “trượt cầu”. Lâm thích lắm. Đôi mắt Lâm sáng lên trên khuôn mặt tròn rạng ngời. Lâm chạy ra ngoài giá, lấy giày cho mình và lấy giày cho ông. Lần này tôi không dắt Lâm đi bộ. Tôi lấy xe đẩy đưa Lâm đi.
Không biết bao nhiêu lần hai vợ chồng tôi cùng Thúy, Vân và các cháu đi dạo dọc phố Clover Creek để đến khu vui chơi giải trí. Vậy mà hôm nay tôi thấy có gì đó khang khác. Vẫn đường phố thoáng đãng. Vẫn không khí yên tĩnh, thanh bình. Vẫn trước cửa nhà nào nhà nấy đầy các loại hoa. Vẫn từng đàn chim trên cây chốc chốc lại sà xuống. Chúng nhảy trên vệ đường, tản vào thảm cỏ và bụi cây nhặt nhạnh thức ăn. Thỉnh thoảng tôi lại lấy máy ảnh, chụp ghi lại những hình ảnh đã từng in đậm những kỉ niệm đầm ấm của gia đình ở xứ người. Mải nhớ lại những ngày trên con đường này, nên đi qua địa điểm cần đến tôi vẫn không hay biết. Chỉ khi Lâm nhắc “Ớ ờ, ông quay lại đi” tôi mới sực tỉnh.
Lâm không say sưa chơi như mọi khi. Khoảng độ nửa tiếng lâm chạy lại bên tôi “Ông bế đi chơi”. Hình như Lâm cảm nhận được việc sắp phải xa ông nên cứ đòi bế hoài. Một tay đẩy xe, một tay bế cháu, đi được một đoạn đường mỏi rã chân tay. Đúng là mình già rồi. Ngày trước Thúy còn bé, khi sang ngoại chơi, có lần xe hỏng, tôi lúc bế, lúc cõng, băng qua cánh đồng gần hai cây số về nhà cũng không cảm thấy mệt. Giờ đây, tôi muốn cố bế Lâm đi thêm vài bước cũng không xong, đành phải đặt Lâm vào xe đẩy tiếp.
Tôi vừa đẩy xe vừa dạy bé Lâm nói những từ mới. Lâm thật thông minh. Những hình vẽ và những sự vật hiện ra trên dọc đường đi Lâm đều có thể diễn đạt được thành đoạn câu. Lâm biết sử dụng một số cụm từ khá phức tạp như: Nhẹ bay, chạy thoăn thoắt, đá xoáy, xoay tròn cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Đi khoảng độ nửa tiếng, hai ông cháu đến trước một trang trại trồng cỏ trải dài tưởng như đến tận chân núi Rocky. Đứng trên đồng cỏ, tôi nhìn thấy rõ những mảng tuyết trắng xóa trên đỉnh núi xanh xa mờ, sừng sững phía trời tây. Vợ chồng tôi đã ba lần lên trên rặng núi đó. Hai lần đi với vợ chồng Vân và một lần đi với vợ chồng Thúy. Những chuyến đi có lẽ sẽ không bao giờ có thể lặp lại với biết bao nhiêu rung động, cảm xúc về cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của gia đình. Những chuyến đi ấy bé Lâm, Bảo, Bách mới đáng yêu làm sao. Lúc đẩy xe, lúc dắt, lúc bế, cứ í a í ới. Chính chúng mới là hương vị của cuộc đời. Chúng tỏa rạng ở mỗi lối mòn, mỗi cung đường. Rất nhiều du khách nhìn chúng trìu mến, mỉm cười với chúng, vẫy tay chào chúng như thể chúng là trung tâm của cuộc sống. Chúng khiến cho phong cảnh ở trên dãy Rocky thêm sinh động, tuyệt vời. Dẫu trên núi chỉ có các loại thông, cỏ dại, hoa dại nhưng nó lại khiến tôi liên tưởng tới vẻ đẹp trường tồn ngàn năm cùng với vẻ đẹp đầy sung mãn đang lên, vẻ đẹp mới tinh nguyên thuần khiết của đất trời. Trên núi, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một vài loài thú hoang. Nhiều nhất là hươu và nai. Có cả những hồ nước trong vắt trên đỉnh núi. Nó khiến tôi nhớ đến cái hùng vĩ của dãy Trường sơn, cái mênh mông khoáng đạt của cao nguyên Lang Biang Lâm Đồng và cao nguyên Đá Đồng Văn Hà Giang…
Trên cánh đồng cỏ mênh mông bát ngát, xa xa có những đàn bò hàng trăm con đang đi lại gặm cỏ. Còn ngay phía trước hai ông cháu là một đàn thỏ màu ghi, một đại gia đình hàng chục con lớn nhỏ vừa vểnh tai nghe ngóng vừa nhấm nháp những ngọn cỏ. Tôi chỉ vào đàn thỏ “rabbits”. Lâm nhắc lại “rabbits”. Tôi nói đàn thỏ đang nhởn nhơ ăn cỏ trên cánh đồng bằng tiếng Việt và yêu cầu Lâm nhắc lại. Lâm nhắc lại trôi chảy không chút ngập ngừng. Tôi nói câu trên bằng tiếng Anh. Lâm cũng nhắc lại ngay được. Tôi liền nói “you try to catch them for me”. Lâm chạy đuổi theo chúng. Cả đàn thỏ chạy biến ra xa. Tôi cũng chạy đuổi theo cùng với Lâm. Lần này thì đàn thỏ chạy khỏi tầm mắt. Lâm nhìn tôi “ Ớ ờ”. Tôi nói “rabbits ran away”. Lâm toét miệng cười rồi nói “đàn thỏ chạy đi xa rồi”. Thì ra Lâm còn biết nói nhiều hơn cả những điều tôi dạy.
Nắng bắt đầu gắt. Tôi vội ngắt một chét đầy hoa dại tím mang về cắm lọ. Lâm cũng ngắt được 5 bông đưa cho ông. Hai ông cháu ra về. Vẫn còn sớm, bà ngoại chưa làm cơm xong. Hai ông cháu lại chơi trò ném bóng. Ban đầu tôi ném bóng bay nhằm vào những chiếc đèn trên trần. Mỗi lần tôi ném trúng một chiếc đèn, Lâm vỗ tay, hô toáng lên “trúng rồi”. Mỗi lần tôi ném trượt, Lâm lắc đầu “trượt rồi”. Tiếp đến, tôi hướng dẫn Lâm ném bóng nhựa vào rổ bóng làm bằng nhựa. Bộ bóng rổ không cao lắm, Lâm ném nhiều lần bóng vẫn không trúng rổ. Lâm liền kéo chiếc bàn, trèo lên, hất quả bóng vào rổ rồi cười khanh khách.
Tôi bế bé Bách cho Thúy ăn cơm. Nhìn chung Bách ăn ngủ bình thường. Chỉ có điều thỉnh thoảng bú xong, nếu không bế dựng lên, Bách thường bị chớ. Tôi có điện hỏi cô em và chú em là bác sĩ sản, nhi hiện làm chuyên gia cho một bệnh viện ở Angola. Cô chú có nói hiện tượng chớ của trẻ em sau sinh không cần lo ngại lắm. Khoảng dăm bảy tháng đến một năm tự nhiên trẻ sẽ khỏi. Nhưng mẹ cháu vẫn rất lo nên đã cho Bách đi bệnh viện để khám. Hội đồng chẩn đoán của bệnh viện sản thành phố bao gồm 5 bác sĩ: Tai mũi họng, hô hấp, dạ dày, tiêu hóa, dinh dưỡng đã thống nhất đề ra phác đồ điều trị cho Bách. Hiện Thúy vẫn đang tuân theo mọi chỉ dẫn của bệnh viện. Vả lại tuần nào cũng có nhân viên y tế đến khám, tư vấn và phản ảnh lại với bệnh viện nên mọi người cũng yên tâm.
Tôi ôm bé Bách lên phòng riêng cho cháu ngủ. Phía trên khung giường, Thúy dán một tờ giấy khổ A0. Trên đó ghi lại chi tiết lịch trình khám, tiêm chủng của Bách từ 3 ngày tuổi đến 18 tháng tuổi. Ngày thứ 3 sau khi sinh Bách phải đi đo nhiệt độ, khám tai và thử thính lực. Ngày thứ 7 Bách phải đi cân, đo, kiểm tra nhịp tim và lấy máu xét nghiệm. Ngày thứ 14 kiểm tra toàn diện, khám mắt và thử thị lực… Cho đến 18 tháng tuổi, ngày đi tiêm để kết thúc mũi tiêm chủng cuối cùng.
Trên bàn kê sát giường có một tập thiếp chúc mừng của bệnh viện và nhân viên bệnh viện. Tôi lần lượt cầm lên xem. Nội dung những tấm thiếp chúc mừng rất ngắn gọn:
Thân gửi Thúy & Anh
Cám ơn vì đã cho phép bệnh viện chúng tôi cơ hội chăm sóc bạn và gia đình bạn. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn hảo. Hy vọng sắp tới sẽ được tiếp tục hợp tác với bạn và gia đình bạn.
                                                                                     Giám đốc bệnh viện
                                                                                             Buchanan
Thân gửi Thúy & Anh
Thật hạnh phúc nếu đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho bạn và giúp đỡ bạn sinh ra một đứa trẻ tuyệt vời như vậy. Chúc các bạn may mắn.
                                                                                             Sue RN
Thân gửi Thúy & Anh
Các bạn có một gia đình thật tuyệt vời. Xin chúc mừng các bạn có thêm một niềm vui mới.
                                                                                              Diace
Thân gửi Thúy & Anh
Xin chúc mừng các bạn có thêm thành viên mới trong gia đình.
                                                                                                       Jenny
 Chúc mừng cho cậu con trai mới những điều an lành.
                                                                                                       Rim. w
Thật vui mừng khi được chăm sóc cho gia đình bạn, một gia đình đầm ấm và hạnh phúc.
                                                                                                 Linda
Không phải thiếp chúc mừng dành cho tôi nhưng những tờ thiếp của những con người xa lạ trên đất người vẫn làm tôi xúc động. Tôi vẫn hình dung ra được dáng hình và khuôn mặt của những con người đã từng chăm sóc Thúy và Bách ở bệnh viện. Bởi vì hôm đến thăm hai mẹ con Thúy, cứ 15 đến 20 phút tôi lại thấy một người trong số họ vào phòng làm việc. Họ mang theo cả một hệ thống thiết bị cùng với chiếc máy tính trên bàn để kiểm tra tình trạng của mẹ, của con. Công việc chuyên môn của họ gần như cái gì cũng tự động hóa cho nên tôi có cảm giác họ làm việc rất nhàn hạ. Nhưng họ lại rất mất thời gian để hỏi han, để nghe Thúy nói về tình trạng sức khỏe của hai mẹ con với một thái độ cẩn trọng, kĩ càng, tỉ mỉ và rất chu đáo. Đặc biệt khi nhân viên nhà bếp mang đồ ăn đến, họ nhẹ nhàng đặt từng chiếc bát, từng chiếc đĩa lên bàn, rồi điều chỉnh bàn vừa tầm sản phụ ngồi trên giường ăn sao cho thoải mái. Trước khi ăn họ chúc sản phụ ăn ngon miệng. Sau khi ăn họ hỏi han đồ ăn như thế nào rồi đưa ra một tập thực đơn để sản phụ chọn cho bữa ăn sau. Tất cả khi ra khỏi phòng, họ đều chào tôi và chúc mừng tôi. Thành thử chỉ có hai buổi đến thăm Thúy và Bách, tôi đã quen hết mặt họ.
Lẽ thông thường ở Việt Nam, người ta phải qua môi giới, phải tìm đến lãnh đạo khoa, tìm đến bác sĩ trực tiếp phụ trách, tìm đến y tá trông non để nhờ cậy, cảm ơn và đằng sau đó còn biết bao chuyện khác nữa. Còn ở đây thì hoàn toàn ngược lại. Người ta không phải tìm đến bất kì một ai. Từ bác sĩ đến y tá, hộ lí họ luôn tìm đến bệnh nhân. Đến bệnh viện như đi vào một khách sạn 5 sao. Được đón tiếp, được phục vụ chu đáo từ A đến Z. Trong bệnh viện có khu vực cho người ta khiêu vũ, ngưởi ta hát karaoke, người ta chơi nhạc cụ và tham gia các loại hình thể dục thể thao yêu thích. Người ta đến bệnh viện ăn uống, vui chơi giải trí như ở một tụ điểm vui chơi giải trí công cộng. Không thấy có giấy rác, bụi bậm và đồ phế thải. Không ngửi thấy những mùi vị đặc trưng của nghề nghiệp. Không hề có cảm giác rờn rợn là mình đang ở trong bệnh viện có thể bị nhiễm trùng hay lây bệnh. Tôi biết là vào viện như thế này thì phải đóng rất nhiều tiền, nhưng người ta vẫn vui vẻ chấp nhận. Vả lại, suy cho cùng phần lớn số tiền vợ chồng Thúy phải trả cho bệnh viện theo hóa đơn là tiền mà hãng bảo hiểm sẽ chi trả. Vậy thì có gì phải lo đắt hay rẻ.
-           Bách đã ngủ rồi, Thúy bước vào phòng và hỏi, ba xem xem còn thiếu thứ gì để con tranh thủ ra siêu thị mua.
-           Có lẽ chẳng còn thiếu thứ gì đâu.
-           Con quyên không dán giấy ghi các loại. Ba nhớ thuốc tim là của bà, thuốc huyết áp là của ông và thuốc bổ các loại là của các cô và các chú.
-           Ba nhớ rồi.
-           À, còn điều này chúng con muốn nói với ba. Mẹ cũng đã nói với chúng con phải khuyên ba. Ba đã đi làm 43 năm. Mắt ba đã kém rồi. Tai ba cũng kém trước nhiều. Lẽ ra ba phải nghỉ từ mấy năm trước, nhưng ba cứ thích đi làm. Chúng con rất sợ ba đi xe máy trên đường. Nếu ba thích thì chỉ đi giảng mỗi tuần vài ba tiết tôi. Mà ba đi giảng dạy thì gọi xe taxi, chứ đừng đi xe máy nữa.
-           Ba cũng đang tính như thế.
-           Hay ba nghỉ hẳn ở nhà dịch cho xong cuốn “Đồi Thịt băm” và cuốn “ Đại bàng gào thét trong vòng vây” đi. Hai chị em con vẫn bảo nhau ba thật tham công tiếc việc, không phải ba được nghỉ hưu mà là ba đi làm hưu thì phải.
-           Ba nghĩ hết năm nay có lẽ vẫn chưa dịch xong cuốn “Đồi Thịt băm”. Thủ trưởng Hồ Hữu Lạn và anh em đồng đội thỉnh thoảng lại gọi điện giục ba.
-           Bác Lạn chỉ huy trận đánh trên“Đồi Thịt băm” à.
-           Bác ấy chỉ chỉ huy một đại đội công binh thôi. Còn trực tiếp chỉ huy cả trung đoàn đánh trên đồi A Bia là bác Ma Vĩnh Lan.
-           Thế bác Lan giờ ở đâu?
-           Bác Lan đã mất ở Thái Nguyên. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ trong trận đánh đó cũng đã ra đi rồi. Ba rất tiếc là Bác Lạn đầu năm nay mới cho ba biết là ở Mỹ có hai cuốn sách này. Nếu ba biết từ khi con sang Mỹ thì tốt biết bao nhiêu. Nếu hết năm nay ba dịch xong cuốn sách, không biết còn bao nhiêu người thời ấy còn sống để mà đọc. Riêng số văn nghệ sĩ mà ba quen biết ở chiến trường Thừa Thiên Huế thì còn lại rất ít. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhạc sĩ Thuận Yến cũng vừa mới ra đi. Bác Huy Thục thì đã có vẻ đã yếu lắm rồi.
-           Có phải Bác Thuận Yến có bài thơ gửi con gái là ca sĩ Thanh Lam trước khi mất không?
-           Đúng đấy.
-           Vân gửi cho con bài thơ đó trên face book. Con và Vân đọc bài thơ đó không thể nào cầm được nước mắt.
Tôi đã đọc bài viết của Thúy chia xẻ cảm xúc khi đọc bài thơ trên face book. Bài viết thật cảm động. Không chỉ cảm nhận được tình cảm sâu lắng, tinh tế, riêng biệt của tình cha con, bài viết của Thúy còn diễn tả được chiều ngược lại, cái chiều đồng sáng tạo của người viết đối với những người cha nói riêng và gia đình nói chung.
Hai cha con tôi cùng ôn lại bao kỉ niệm thời thơ ấu của hai chị em. Những mùa hè cả gia đình đi Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Thành Phố Hồ Chí Minh, Vũng tàu… Có những việc tôi không ngờ đã để lại cho Thúy bao ấn tượng đẹp. Chẳng hạn khi tôi đi nghỉ dưỡng ở Nha Trang, mua về cho hai chị em hồi còn nhỏ mỗi đứa một bộ áo phông màu vàng hoàng yến. Thúy thích mê mẩn với cái áo đó bao nhiêu ngày. Cả cái chuyện tôi đưa hai chị em đi Công viên Thủ Lệ mua những con tò he mà hai chị em còn giữ được đến hàng chục năm sau. Rồi đến ngày 8 tháng 3, ngày phụ nữ tôi mua vòng bạc và những vật kỉ niệm cho hai chị em. Có nhiều việc tôi không còn nhớ nữa. Nhưng tôi không thể quên những chuyện từ khi Thúy sang Mỹ, cứ vài ba ngày hai cha con lại chuyện trò hàng tiếng đến tận khuya. Và năm nào đến giao thừa, Thúy cũng gọi về chúc tết ông bà, cha mẹ. Năm nay cũng vậy, dù đã chúc tết, Thúy còn viết trên Face book: “ Lại thêm một mùa xuân về trên đất Mỹ. Tuyết vẫn còn phủ trắng khắp mọi nơi. Giao thừa không ngủ, nhớ thương ông bà ngoại da diết. Ông bà là mùa xuân, là tết ấm áp, tươi vui và dịu hiền. Dù ở xa, trong lòng chúng con và các cháu, ông bà luôn là niềm vui, niềm tự hào vô bờ bến”…




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.