Ba ông lớn trước ngưỡng của năm mới (phần 1)

Leave a Comment
Năm 2017 sắp kết thúc. Báo chí trong, ngoài nước bắt đầu nhìn lại 10 sự kiện nổi bất nhất, đồng thời dự báo những xu hướng theo từng chuyên ngành trong năm 2018. Ở lĩnh vực chính trị quốc tế, về cơ bản tôi đồng ý với những sự kiện mà các báo chí bắt đầu đưa ra bình luận. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Nga là ba quốc gia được nhắc đến nhiều nhất. Tương ứng với ba ông lớn trên là ba cái tên nổi bật, đặc biệt đáng chú ý trong số hàng chục ngôi sao trên chính trường quốc tế: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nói theo ngôn ngữ quan hệ quốc tế thì Mỹ, Nga, Trung Quốc là những nước chủ yếu đã chi phối đời sống chính trị quốc tế trong năm qua (tất nhiên là cả trong thời gian trước), từ những vấn đề về Trung Đông cho tới Biển Đông, từ những vấn đề Triều Tiên cho tới Iran. Nói theo lập trường quan điểm của một số quốc gia yếu thế thì ba quốc gia đã và đang can thiệp, lũng đoạn những khu vực, đất nước để đảm bảo và đem lại lợi ích tối đa cho quốc gia họ. Cái tam giác quan hệ Mỹ, Nga, Trung từ sau Chiến tranh thế giới đến nay không ngừng dịch chuyển, vận động. Trong những năm tới tôi chắc nó vẫn tiếp tục như vậy. Bởi vì lợi ích quốc gia của ba nước khác nhau nên họ toan tính, phát ngộn và hành động theo từng thời điểm khác nhau.
Ba người đàn ông, theo đúng nghĩa của nó, định hướng, dẫn dắt, chèo lái ba cường quốc. Một là siêu cường vẫn đang ngự trị thế giới có vẻ đang đi xuống và hai cường quốc còn lại thì đã từng là siêu cường trong quá khứ. Nhưng trong những năm gần đây, họ cùng với quốc gia của họ nổi lên với khát vọng trở thành một cực trong thế giới đa cực đang định hình. Họ có hoàn cảnh, tuổi tác, xuất thân hoàn toàn khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm là theo đuổi lợi ích dân tộc, quyết tâm đưa vị thế của quốc gia mình lên đến đỉnh cao như có thể. 
Tổng thống Trump xuất thân từ một gia đình doanh nhân. Bản thân ông cũng là một doanh nhân dày dạn, một tỷ phú bất động sản, một nhà hoạt động, sản xuất, quản lý, kinh doanh truyền hình. Gần như tất cả các nhà phân tích và giới tinh hoa chính trị Mỹ và ở các nước trên thế giới đều coi ông là “dân ngoại đạo”, tức không phải là dân chính trị chuyên nghiệp. Việc ông bước vào nhà Trắng đương nhiên sẽ có nhiều biến động trên vũ trường chính trị cả trong lẫn ngoài nước. Và nước Mỹ là một quốc gia đặc biệt. Họ đã từng bầu một người bị liệt ngồi trên xe lăn làm tổng thống của Hiệp chủng quốc tới 4 nhiệm kỳ (Tổng thống Franklin Roosevelt), thì việc họ bầu ông Trump làm Tổng thống thứ 45 không có gì là lạ. Người dân Mỹ không còn tin vào giới chính trị nên bầu cho Trump.
Liệu ông Trump có thể làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” khi mà nền kinh tế Mỹ vốn dĩ đứng đầu thế giới với GDP 18.600 tỷ đô la (vượt xa quy mô nước đứng thứ 2 hơn 6000 tỷ) bắt đầu tăng trưởng trở lại? Liệu ông có đem “công ăn việc làm trở lại cho người dân Mỹ” khi mà tỷ lệ thất nghiệp hơn 4% vốn đã thấp nhất thế giới? Liệu ông có làm cho quân đội Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới (chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2017 khoảng 620 tỷ đô la, bẳng tổng chi phí quân sự của 9 quốc gia lớn nhất đứng sau Mỹ cộng lại: Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ…) còn hùng mạnh lên chưa từng có trong lịch sử nước này (xin xem chuyên luận Mỹ là siêu cường và vẫn sẽ là một siêu cường của tôi trong blogchiasett)?
Ông Putin xuất thân trong một gia đình công nhân. Ông học luật nhưng lại làm việc trong cơ quan tình báo Liên Xô. Sau khi Liên xô tan rã, Putin trở lại xã hội dân sự, được bổ nhiệm làm lãnh đạo bộ phận ở một trường đại học rồi đến lãnh đạo cấp thành phố, văn phòng bộ về vấn đề quan hệ quốc tế. Bước đường chính trị của ông thăng tiến khi được Tổng thống Nga Boris Eltsin tín nhiệm. Ông từng giữ cương vị thủ tướng, tổng thống nhiều khóa, đưa nước Nga thoát ra khỏi khủng hoảng vô vọng đầu những năm 2000. Dưới sự lãnh đạo của ông, trong hai nhiệm kỳ đầu làm tổng thống, GDP của Nga tăng lên gấp 6 lần. Ông đã giúp cho nước Nga từng bước phục hồi, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố, tăng cường sức mạnh quân đội, đảm bảo an ninh quốc gia, lấy lại niềm tin cho nhân dân Nga. Không phải ngẫu nhiên trong 4 năm liên tiếp Tổng thống Putin đứng đầu danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí Time và Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn. Trong nhiệm kỳ Tổng thống năm 2012 đến năm 2018, Tổng thống Putin đưa bán đảo crimea về với Nga, đưa quân đội vào Syria tiêu diệt thành công nhà nước IS, tạo ra một cục diện mới ở Trung Đông, thực sự đưa nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc, một cực trong thế giới đa cực đang định hình (xin xem chuyên luận Nước Nga đang trở lại vị thế cường quốc của tôi trong blogchiasett). 
Nhiệm kỳ của ông Putin sắp hết. Ông tuyên bố tiếp tục ra ứng cử vào tháng 3/2018. Có khả năng ông sẽ trúng cử bởi 80% người dân Nga ủng hộ ông. Nhưng liệu ông Putin có thể chuyển dịch thành công nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ lên ngang tầm với vị thế của một cường quốc về kinh tế nếu ông được cầm quyền? Liệu ông có thể cải thiện được quan hệ với Mỹ, với EU qua việc mặc cả với Hoa Kỳ và EU về Trung Đông, về Ucraina trong năm 2018? Liệu ông có đủ sức giữ được ngôi vị siêu cường về quân sự, thuyết phục các cường quốc để đưa Nga trở thành nhà trung gian hòa giải những vấn đề gai góc của quốc tế như Trung Đông, Triều Tiên để khẳng định vị thế như một siêu cường toàn cầu?
Ông Tập Cân Bình xuất thân trong một gia đình quan chức, bố ông từng giữ cương vị phó thủ tướng. Nhưng bước đường chính trị của ông không hề bằng phẳng. Ông tự khẳng định mình từ cán bộ đảng lãnh đạo ở một đội sản xuất nông nghiệp, rồi trở thành cán bộ lãnh đạo đảng cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vào tháng 11 năm 2012 đã đưa Tập Cận Bình vào cương vị lãnh đạo cao nhất sau đó một thời gian. Giới quan sát đã nhận xét ông là một chính trị gia trầm tĩnh, kín đáo, ẩn chứa bên trong một sức mạnh tiềm tàng. 
Trong 5 năm qua, ông Tập đã củng cố và xác định được vị trí, vai trò của mình. Sau Đại hội ĐCSTQ khóa 19 vào tháng 10 năm 2017, ông trở thành lãnh đạo hạt nhân mà tư tưởng được ghi vào trong Điều lệ của ĐCSTQ, là một trong những nhà lãnh đạo có quyền lực nhất thế giới. Ông không cần “giấu mình chờ thời” mà công khai tuyên bố đưa TQ bước vào một thời kỳ mới, biến TQ thành một siêu cường. Liệu ông Tập có thành công trong việc đoàn kết toàn đảng, toàn dân tiếp tục chống tham nhũng, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thành kế hoạch “Vành đai, Con đường”, xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới để phục hưng “giấc mộng “Trung Hoa vĩ đại”, chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, tiến tới chi phối và quản trị toàn cầu?
Bộ máy chính quyền ba quốc gia Mỹ, Nga, Trung và ba người đàn ông Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, những người đứng đầu ba cường quốc trước ngưỡng cửa năm 2018 có thể đem lại hòa bình hoặc đưa đến chiến tranh cho nhân loại? Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Nó tùy thuộc vào lợi ích và vị thế của họ trong những năm tới. Chỉ biết rằng chính quyền Mỹ, Nga, Trung và ba nhân vật đứng đầu đều theo đuổi lợi ích dân tộc của họ, tăng cường tối đa cho tiềm lực quốc phòng. Số tiền chính quyền họ chi cho quốc phòng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng họ vẫn chỉ biết theo đuổi lợi ích dân tộc của họ, mà lợi ích dân tộc của họ nhiều khi lại không song hành với lợi ích của các dân tộc nhược tiểu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.