Trung Đông bao giờ hết bạo lực?

Leave a Comment
Tuần vừa qua Trung Đông (TĐ) nhận một tin vui và một tin buồn. Tin vui là nhà nước tự xưng IS đã hoàn toàn bị tiêu diệt ở Iraq, Syria. Tin buồn là Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nhiều nhà quan sát cho rằng khu vực TĐ bất ổn này không những không có thời gian để ăn mừng mà còn có khả năng rơi vào một vòng xoáy bạo lực mới.
TĐ là nơi khởi nguồn, là trung tâm của ba tôn giáo: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Từ hàng nghìn năm nay, nơi đây đã trải qua nhiều giai đoạn bạo lực đẫm máu, gắn liền với sự hình thành và xác lập đạo Hồi của nhà tiên tri Mohamed. Tiếp đến là một cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài gần nửa thiên kỷ mà sử sách vẫn gọi là cuộc Thập Tự Chinh diễn ra từ năm 1095 đến năm 1291 và còn kéo dài cho đến thế kỷ 15. Mục đích chính của cuộc Thập Tự Chinh là phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo ở vùng đất thánh Jerusalem.
Trong thế kỷ 20, TĐ nằm trong khu vực trung tâm của các sự kiện quốc tế về chiến lược kinh tế, chính trị và tôn giáo. Nó còn là cái rốn dầu lửa của thế giới, hội tụ nhiều lợi ích cũng như mâu thuẫn của các cường quốc trong và ngoài khu vực, vì vậy nhiều cuộc chiến tranh trong khu vực đã xảy ra. Ví dụ Chiến tranh A Rập-Israel (1948), Chiến tranh Suez (1956), Chiến tranh sáu ngày (1967), Chiến tranh tiêu hao (1970), Chiến tranh Iran-Iraq (1980), Chiến tranh giữa liên quân do Mỹ đứng đầu và Iraq(2003)…
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, TĐ vẫn không một ngày được bình yên. Do nhiều nguyên nhân, mảnh đất này là nơi phát sinh và nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa quái thai, chủ nghĩa khủng bố (xin xem bài Khủng bố một góc nhìn lịch sử và văn hóa của tôi trong blogchiasett). Và từ đầu những năm 2000 cho đến nay, không ngày nào TĐ im tiếng bom đạn cuộc chiến chống khủng bố cùng với sự hỗn loạn của phong trào Mùa xuân A Rập.
Cũng từ khu vực TĐ, ngày 29/6/2014, nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tuyên bố thành lập với đường biên bao trùm nhiều quốc gia TĐ. Hàng triệu người dân TĐ phải chịu khổ đau, tang tóc trong cảnh màn trời chiếu đất. Hàng triệu người lũ lượt rời bỏ đất nước vượt biển di tản… Sau hơn ba năm nỗ lực, Chính quyền Iraq và Syria cùng với sự nỗ lực của Mỹ, Nga và liên minh chống khủng bố của hơn 60 nước mới lật đổ được nhà nước IS. Khói lửa cuộc chiến chống nhà nước IS chưa kịp tan, TĐ lại rung chuyển bởi tuyên bố của Chính quyền Trump về số phận “đất thánh Jerusalem”.
Hành động của chính quyền Trump đã gây phản ứng dữ dội trên toàn thế giới. Nhiều nước coi bước đi của Mỹ là nguy hiểm. Liên đoàn A Rập đã yêu cầu Washington hủy bỏ tuyên bố về Jerusalem vì nó có nguy cơ hủy hoại hoàn toàn tiến trình hòa bình TĐ vốn đã mong manh. Nó có thể dập tắt hy vọng của người Palestine về một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô tương lại của họ. Trong khi đó, Thủ tướng Israel hân hoan với việc Mỹ ủng hộ quốc gia của mình và đang công du châu Âu, vận động EU công nhận quyết định của Mỹ.
Tương lai TĐ sẽ ra sao? Số phận người Palestine sẽ ra sao? Ánh sáng vẫn chưa thấy le lói trong con đường hầm bạo lực này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.