Đồng đội

Leave a Comment
Bố nhập viện, anh em tôi phải theo ông trực một thời gian khá dài ở các bệnh viện. Đúng là cái cảnh chầu chực nằm chờ vạ vật, chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu hết được. Tôi không biết còn có nơi nào trên thế giới người nằm viện lại kéo theo nhiều người thân đi trực vất vả như ở Việt Nam.
Thật mệt mỏi, căng thẳng. Người bệnh có khi hai người chung một giường. Người trực nằm ở đâu? Hoặc là thức trắng hoặc may mắn nằm giường gấp bên cạnh người bệnh; nếu không thì nằm chiếu dưới giường người bệnh, nằm ở ngoài hiên, nằm ngoài trời, ở bất cứ nơi nào người ta có thể nằm được với bao điều lo âu, với đủ các thứ mùi bệnh viện đặc trưng rất khó ngửi.
Mấy tháng trời ở bệnh viện tôi nghiệm thấy người già bệnh nặng về cơ bản có hai đặc tính. Một là nằm mê man không có ý thức, không tự phục vụ được bản thân, còn phải chờ đợi ngày giờ sang bên kia thế giới. Dĩ nhiên người nhà phải lo từ A đến Z. Hai là tỉnh táo nhưng không tự phục vụ được bản thân. Người bệnh thường cáu bẳn khó tính, khó chiều.
Đối diện với giường của bố tôi là một người đàn ông cao lớn, tên là Duy, quê Thái Bình. Trên cánh tay, trên mình ông mang nhiều vết sẹo chằng chịt. Nói chính xác đó là những vết thương để lại trong ba cuộc chiến chống Mỹ, chống quân Pol Pot, chống quân Tàu. Ông Duy là trường hợp ngoại lệ, không có hai đặc tính như nhận xét ở trên.
Tôi đoán ông Duy bị đột quỵ vì mồm méo, không tự đi lại được, phải có người dìu, nhưng vẫn tự xúc cơm cháo dù rơi rớt ra ngoài. Đầu óc ông lúc nhớ lúc quên. Trong gần một tháng tôi không hề thấy ông kêu ca, phàn nàn về bất cứ điều gì với bất kỳ ai. Chỉ có điều khi ngủ ông ngáy rất to. Tiếng ngáy vang rền và đứt đoạn thành chuỗi liên hồi tựa như tiếng khẩu đại liên quét gìm cản đối phương.
Vợ ông Duy cho biết hai ông bà lên Hà Nội chơi với con. Ông đột nhiên tăng huyết áp, ngã nằm bất tỉnh khi ở trong nhà vệ sinh. May mắn không đập đầu vào thành tường, các con phát hiện kịp thời, sơ cứu rồi vội đưa ông vào Bệnh viện Quân đội 108. Nằm điều trị hơn một tháng, ông đỡ rất nhiều. Ra viện, nghe nói Bệnh viện Lão khoa Trung ương có khoa chuyên phục hồi chức năng nên gia đình lại xin vào điều trị tiếp.
Sau một thời gian, bệnh tình ông Duy tiến triển từng ngày. Khuôn mặt ông gần như trở lại bình thường. Dần dà ông tự đi được với chiếc gậy Trường Sơn năm xưa (ông đã bị tai biến một lần trước đó không lâu, đi lại có phần khó khăn nên thường mang theo chiếc gậy kỷ niệm thời đánh Mỹ) . Ông tự làm mọi việc, gấp chăn màn, ăn uống, rửa bát, đi lại, vệ sinh… Trên giường ông mọi thứ đều gọn gàng, ngăn nắp như giường của một chiến sĩ thời huấn luyện.
Trí nhớ ông Duy cũng bắt đầu hồi phục. Quan sát ông, tôi biết ông đang cố gắng từng giờ, từng phút. Tuy vậy trong con mắt của nhiều người, ông đã là một người tàn phế. Ông vẫn bì bị, chậm chạp, cái bì bị, chậm chạp thường thấy của người bị tai biến. Điều đáng chú ý là thời gian không còn ủng hộ ông.
Trong phòng có một người lính già nữa nên mỗi lần đến viện chúng tôi thường quây quần trò chuyện kỷ niệm ngày chiến trường. Một lần tôi đùa: “Ngày xưa nếu bác Duy nằm trên chốt mà ngáy như thế này thì chắc chắn sẽ là mục tiêu của kẻ địch”. Ông cười: “Lúc trẻ tôi đâu có ngáy như bây giờ. Càng nhiều tuổi tôi càng ngáy to. Thật xấu hổ, cách đây hơn chục năm khi trực mẹ tôi, thời gian bà nằm viện, cả phòng người ta yêu cầu bà không cho tôi trực ngủ trong phòng vì ngáy. Bản thân mỗi lần nằm viện, nhà tôi thường tìm phòng dịch vụ riêng nhưng lần này thì không có phòng. Tôi biết mình làm phiền mọi người nên đã nhiều lần xin lỗi”.
Ông Duy không còn nhớ nhiều thứ, nhiều kỷ niệm trong đời, kể cả ngày cưới của vợ chồng, ngày sinh nhật của các con. Gần đây, chuyện diễn ra vài ngày hôm trước ông cũng không nhớ được. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường với một người bước vào tuổi bảy mươi lăm, với gần hai chục vết thương trên mình.
Vết thương đầu tiên vào năm 1967 ở gần sân bay Tà Cơn, Quảng Trị khi ông là hạ sĩ trinh sát, bị lính Mỹ chém vào cánh tay. Vết thương cuối vào năm 1985 ở Vị Xuyên, Hà Giang khi ông là trung tá tham mưu sư đoàn, bị mảnh pháo Tàu bắn vào sọ não, phải nằm liệt giường sáu tháng tại Viện Quân y 103.
Sau bốn mươi năm trong quân ngũ, năm 2009 ông Duy được về hưu với quân hàm đại tá. Ngẫm kỹ cả cuộc đời ông là “một khúc quân hành”, là “một bài ca chiến đấu”. Ngay cả chuyện ông lấy vợ cũng là do quân đội tạo điều kiện cho ông nghỉ phép, kết hợp điều tra lý lịch quân nhân xét kết nạp đảng cho một chiến sĩ, ông mới quen được một “cô em gái đồng đội” quê ở Hải Phòng. Để rồi vài năm về phép một lần, mỗi lần để lại một đứa con cho người vợ trẻ mòn mỏi trông đợi.
Ông thở dài nói với tôi: “Trai thời loạn, có người lính nào giúp đỡ được vợ con? Đến khi về già bệnh tật, tất cả lại đến tay vợ con. Mình phải cố gắng chịu đựng, phải cố gắng chiến đấu với bản thân mình để vợ con bớt khổ”.
Khi đề tài xoay về chiều hướng này tôi thường cố lái ông sang chuyện khác bởi ông không nhớ mình vừa mới nói điều đó xong. Tôi gợi chuyện xem ông có còn nhớ trận đánh ông bị thương đầu tiên không. Lúc ấy khuôn mặt ông rạng ngời. Đôi mắt ông sáng lên, linh hoạt. Cái vẻ bì bị, chậm chạp gần như biến mất. Ông lên giọng:“Quên thế nào được chú”? Dừng lại một lúc, giọng ông trầm xuống, dẫn chúng tôi trở về quá khứ:
- Hôm ấy khi ánh chiều muộn buông xuống rừng núi miền Tây Quảng Trị, phân đội trinh sát của tôi do anh Thệ (sau này anh Thệ là Anh hùng lực lượng vũ trang, được phong quân hàm Trung tướng) dẫn đầu men theo dòng suối lần xuống một thung lũng. Chúng tôi lợi dụng những bụi sim, mua lúp xúp ẩn mình hướng về trận địa pháo gần sân bay Tà Cơn. Tôi còn nhớ chúng tôi thay nhau dùng ống nhòm quan sát trận địa địch từ xa và chờ trời tối. Khi màn đêm đến, ánh đèn pha của bọn Mỹ đan chéo quét qua lại theo một quy luật. Tôi không nhớ chính xác lúc đó là mấy giờ, chỉ biết sau tiếng tắc kè phía chân núi anh Thệ cử hai nhóm trinh sát theo hướng tây bắc và đông nam cùng đột nhập hàng rào kẽm gai. Lực lượng còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ bên ngoài. Nhóm chúng tôi mở một lối rộng qua hàng rào kẽm gai đầu tiên. Sau đó chúng tôi luồn qua ba hàng rào kế tiếp thì gặp một bãi trống. Tiểu đội trưởng của tôi ngoái lại thì thầm “cẩn thận bãi mìn”. Tôi theo sát anh ấy nhích lên từng tí một. Trong ánh sáng đèn pha, hai cánh tay trần của anh cẩn thận lần lần từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong đến ba, bốn lần. Anh ấy buộc chốt từng quả mìn mỏ vịt, quay chốt an toàn từng quả mìn díp, mìn chống tăng cực kỳ thành thạo. Được hai phần ba bãi mìn, anh ấy ra hiệu cho tôi thực hiện tiếp công việc. Mặc dầu đã vài lần luồn rào kẽm gai gỡ mìn nhưng lần đó tôi vẫn cảm thấy căng thẳng, bởi vì chỉ một sơ xuất vướng vào dây mìn căng trên mặt đất, hoặc để sót một quả mìn, nó nổ, rồi pháo từ trên dập xuống, đạn từ trong bắn ra, cả phân đội chắc sẽ hy sinh. Cái giá phải trả rất là đắt. Tôi cảm thấy lưng mình ớn lạnh nhưng người vẫn vã mồ hôi. Tôi tập trung tinh lực vào đôi tay, dùng tay nghe tìm và cảm nhận mọi thứ có trên mặt đất… Tôi vô hiệu hóa được khoảng gần hai chục quả mìn các loại. Rồi luồn qua một vài hàng rào vào sâu bên trong. Chúng tôi nhìn rõ từng khẩu pháo, từng ụ súng, từng lô cốt, sở chỉ huy... Chúng tôi chia nhau thâm nhập vào sâu để đo đạc. Tôi đang lom khom nép mình vào góc khuất của một chiếc lô cốt thì thoáng thấy một cái bóng to lớn lao vào. tôi vung tay trái hắt lên, chân phải đá thẳng vào bộ hạ. Tên Mỹ ngã vật xuống. tôi cắm lưỡi dao vào lưng nó. Sau đó tôi mới thấy cánh tay trái mình tê dại. Thì ra tôi bị dao tên Mỹ đâm xuyên phần giữa ngón trỏ và ngón cái khi vung tay đỡ…
Ông Duy chỉ cho tôi xem cái vết sẹo vẫn còn thâm tím sau hơn năm mươi năm trên bàn tay. Ông cho tôi biết vì sự cố bất ngờ trên, phân đội trinh sát không thể trở về. Mục tiêu đánh vào trận địa pháo coi như đã bị lộ. Anh Thệ quyết định: “Cần phải tiêu diệt trận địa pháo ngay trong đêm”, mặc dù đó không phải là nhiệm vụ của phân đội trinh sát. Và trong vòng nửa tiếng đồng hồ từ trung tâm chỉ huy trận địa pháo, anh em trong phân đội chúng tôi cùng tung bộc phá vào các mục tiêu, tiêu diệt gần như toàn bộ lính Mỹ và phá hủy toàn bộ trận địa pháo 5 khẩu 105 ly rồi rút theo hai hướng lên núi trước khi pháo địch dập xuống quanh trận địa. Đó là trận đánh đầu tiên ông bị thương và là lần đầu tiên ông được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Như thường lệ, cứ tối đến chúng tôi lại trò chuyện với nhau. Hầu như mọi người trong phòng đều mong ngóng nghe ông kể chuyện. Thật kỳ lạ. Chuyện về chiến trường thì ông lại không quên. Hình như những ký ức về chiến trường đã ăn sâu vào tâm trí ông giống như những người già lẫn, nhưng vẫn nhớ vanh vách chuyện ngày xưa. Ông kể về những trận đánh, những đồng đội hy sinh, những đồng đội bị thương; kể chuyện tiền tuyến, kể chuyện hậu phương, kể chuyện cấp trên, kể chuyện cấp dưới, chuyện địch, chuyện ta, chuyện tiếu lâm… Tất cả đều hấp dẫn, lôi cuốn, rõ ràng, mạch lạc.
Một đêm ông Duy lấy ra hai cuốn vở học sinh từ chiếc ba lô theo ông mấy chục năm trường. Đó là hai cuốn nhật ký viết trên hai quyển sách học sinh cách đây hơn năm mươi năm nên đã sờn ố. Chữ ông rất khó đọc. Nhiều trang mờ nhòe không còn rõ chữ. Tôi cố luận, đọc ngấu nghiến một mạch. Tất cả là những thông tin, những cảm nghĩ, những nhận xét đánh giá về các trận đánh trên đường 9- Khe Sanh, các trận đánh trong cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân, các trận đánh trong mùa hè lửa tại Quảng trị. Qua hai cuốn nhật ký này tôi hiểu ông thêm. Tôi thật sự kính trọng ông, một con người quả cảm, mưu trí, quyết đoán, một anh hùng nhưng rất giàu tình cảm.
Từ năm 1973 trở đi, khi là cán bộ đại đội, tiểu đoàn ông Duy không viết nhật ký nữa, phần vì ông quá bận rộn, phần vì viết ra “nó liên quan đến bí mật quân sự”, chẳng may vào tay kẻ địch thì tai hại khôn lường. Theo ông sau Hiệp định Pari, chiến sự bớt ác liệt hơn, nhưng có một chiến dịch Sư đoàn 304 của ông, Trung đoàn 66 của ông, Tiểu đoàn 8 của ông thương vong vô cùng lớn. Đó là Chiến dịch Nông Sơn, Thượng Đức. Tôi nói với ông tôi biết rõ chiến dịch này vì Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 của tôi cũng tham gia chiến dịch.
Ông Duy bắt tay tôi và nói:
- Trung đoàn 3 là một trung đoàn anh hùng, trung đoàn xứng đáng với truyền thống giữ chốt từ trận đánh trên Đồi Thịt băm đến thời điểm đó. Chỉ cần tiếp nhận những căn hầm chốt trên điểm cao 1062 và sở chỉ huy trung đoàn dự phòng của trung đoàn các anh tôi cũng biết được cái chất của trung đoàn. Nhờ có bộ đội địa phương, nhờ có sự hỗ trợ của các đơn vị, đặc biệt là Trung đoàn 3 Sư 324, Sư 304 mới giữ được điểm cao 1062, mới giữ được Thượng Đức. Tôi còn nhớ tại chốt thép T2, khi bom pháo cày nát quả đồi, tiểu đoàn lính Dù lăn xả lấn dũi lên, Đại đội 6 của các anh chỉ còn hơn chục tay súng. Các anh đã chui xuống hầm moi và yêu cầu pháo binh của mình bắn trùm lên chốt để giữ vững trận địa. Sau trận đánh hơn 10 tay súng điếc đặc vĩnh viễn…
Nói đến đó giọng ông Duy nghẹn lại, những giọt nước mắt ứ ra. Ông cho tôi biết trong trận đánh công kiên vào chi khu quân sự quận lỵ Thượng Đức, Trung đoàn 66 của ông có phần chủ quan, chuẩn bị cho trận đánh chưa thật chu đáo, việc mở cửa ỉ vào bộ rồng lửa “FR”, không có phương án dự phòng mở khi không phá hủy hết hàng rào kẽm gai, không chuẩn bị kỹ công sự khu vực mở cửa nên dẫn đến đợt tấn công đầu không thành công. Quá nhiều chiến sĩ thương vong. Phải chờ đến đợt tấn công thứ hai mới tiêu diệt và bắt sống được 1600 quân địch, giải phóng được 13.000 dân. Nhưng với tư cách là một trong những người chỉ huy ông vẫn cảm thấy đau đớn, xót xa vì những sai lầm không đáng có khiến nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh...
Cả ông và tôi đều hiểu giá trị và ý nghĩa chiến lược to lớn của trận Thượng Đức. Cánh cửa thép phía tây thành phố Đà Nẵng đã bị ta chiếm. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền phải vội điều Sư đoàn Dù, lực lượng tổng dự bị chiến lược từ chiến trường Trị Thiên tới Thượng Đức nhằm tái chiếm lại. Cuộc chiến vô cùng ác liệt giữa trung đoàn 66, Trung đoàn 24, Trung đoàn 3 thuộc Sư 304 và Sư 324 với 3 lữ đoàn thuộc Sư Dù Ngụy diễn ra gần 5 tháng tại cao điểm 1062, điểm cao 109, 236, bình độ 700, Bàn Tân, Hà Nha, Động Hà Sống... Mưa tháng 7, tháng 8 tầm tã ở Thương Đức khiến hầm hào sụt lở, cùng với hàng nghìn tấn bom, hàng vạn quả đạn pháo hai bên mỗi ngày biến rừng núi thành bùn lầy hòa lẫn máu. Đó là cuộc đọ sức một mất một còn giữa hai lực lượng chủ lực cơ động. Một hình thái mới đã xuất hiện. Quân Ngụy đã để mất Thượng Đức và không có khả năng tái chiếm lại. Lực lượng ta đã hơn hẳn lực lượng địch. Nó là một trong những cơ sở để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cuộc Tổng Tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đập tan bộ máy Ngụy quyền tiến tới thống nhất đất nước.
Chiến thắng nào cũng có cái giá của nó. Hàng ngàn cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 304, trung đoàn 3 Sư 324 đã nằm xuống tại mặt trận. Ông Duy đã hàng chục lần đến viếng các nghĩa trang thuộc khu vực Thượng Đức. Còn tôi cũng đã bốn lần đến viếng hương hồn các chiến sĩ tại hai nghĩa trang Đại Đồng, Đại Lộc, nơi hơn 300 đồng đội chúng tôi đã hy sinh trong chiến dịch.
Hai chúng tôi cùng lặng im. Ông nhìn tôi chằm chằm. Tôi cũng nhìn ông chằm chằm. Hình ảnh những đêm tháng 7 mờ sương khói, hình ảnh hàng nghìn ngọn nến trải dài hút mắt tại các nghĩa trang mờ ảo, chập chờn lại hiện về trong ký ức chúng tôi.
Bỗng ông phá vỡ sự im lặng:
- Năm trước anh không về được. Năm nay chắc anh cũng không về được. Không biết sang năm có còn để về được không? Sắp đến kỷ niệm 45 năm chiến thắng Thượng Đức. Chú về thắp hương cho đồng đội, nhớ nói giùm cho anh “Minh Duy này không bao giờ quên đồng đội”!
Tôi ôm chặt lấy ông. Nước mắt ông thấm xuống vai tôi. Không hiểu sao tôi cũng không cầm được nước mắt. Trong những ngày tháng 7 này, ông không nhắc đến những ngày tháng vinh quang ông cùng “anh Thệ” và đồng đội tiếp quản dinh Độc lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và nội các đến đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Ông cũng không nhắc đến những ngày tháng vinh quang làm chủ Phnôm Pênh giúp nước bạn. Ông cũng không nhắc đến những ngày tháng oai hùng cuối những năm 1980 quân Tàu phải rút khỏi các điểm cao ở Vị Xuyên mà ông cùng với đồng đội đã góp phần và làm nên lịch sử.
Ông chỉ nhắc tới đồng đội đã ngã xuống tại các chiến trường. Tôi sẽ ghi nhớ tâm nguyện, ghi nhớ những lời ông căn dặn và cũng sẽ không bao giờ quên ông, một trong những chiến binh xuất sắc mà tôi may mắn được làm quen tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tạm biệt ông! Chúc ông mau lành bệnh! Hy vọng ông còn sức khỏe để về chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.