lại chuyện Tàu

Leave a Comment
Những tháng đầu năm tôi viết liên tiếp 3 bài về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Tàu). Tôi đã viết quá nhiều về họ, thực tình không muốn viết thêm về cái đề tài “bành trướng” đã trở thành thương hiệu cố hữu gắn liền với quá khứ, hiện tại kể từ triều đại phong kiến Hán cho đến tận ngày hôm nay. Cực chẳng đã lại phải có đôi lời.
Trong quan hệ quốc tế, Đông Nam Á đang nóng lên từng ngày bởi nhiều sự kiện thu hút giới chính trị, các nhà quan sát, các học giả, các nhà nghiên cứu và tất nhiên là đông đảo người dân trong khu vực. Sự kiện đáng quan tâm nhất là cuộc họp ngoại trưởng các nước Đông Nam Á với sự có mặt của gần 30 tổ chức và ngoại trưởng các nước đang diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan trong khi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gần khu vực phía Nam Biển Đông, cụ thể là ở bãi Tư Chính, nhằm ngăn cản Việt Nam liên doanh, khai thác lô dầu khí 06-01. 
Một lần nữa Trung Quốc lại chà đạp lên công lý, muốn áp đặt chủ quyền, thực hiện yêu sách tưởng tượng “Đường lưỡi bò” vốn đã bị Tòa án Trọng tài tại Hague bác bỏ vào tháng 7 năm 2016 khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Cũng giống như sự kiện diễn ra vào năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cách đây năm năm, lần này Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam còn nhằm mục đích gì sau một thời gian ngắn ngủi không tiến hành các hành động gây sự với các bên tranh chấp Biển Đông?
Dư luận vẫn chưa quên cách đây vài tuần, tàu lớn của Trung Quốc đã đâm vào những chiếc tàu nhỏ bé của ngư dân Philippines, rồi bỏ mặc 22 thuyền nhân trên mặt biển. Nếu không có tàu Việt Nam kịp thời cứu giúp thì tất cả ngư dân Philippines đã chết trên vùng đặc quyền và thềm lục địa của chính mình. Đã thế Trung Quốc còn vu cáo tàu Philippines bao vây tàu của họ nên họ buộc phải đâm tàu Philippines để mở lối thoát giống như năm 2014 Trung Quốc tố cáo tàu Việt Nam đã 14.000 lần đâm vào tàu bảo vệ giàn khoan của họ. Có lẽ trên thế giới không có nước nào tráo trở gắp lửa bỏ tay người như các cơ quan chức năng Tàu.
Theo tôi hành động của Tàu gần đây không nên gọi là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước, phải gọi đó là hành động côn đồ của kẻ bành trướng cướp biển, cướp tài nguyên ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa “Đường lưỡi bò”.
Hành động của họ khi thì trắng trợn sử dụng vũ lực quân sự xâm chiếm các đảo, trong đó có đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa từ Chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào tháng 1 năm 1974, xâm chiếm 6 đảo của Việt Nam vào tháng 1 năm 1988, khi thì xảo trá dùng tàu giàn khoan, tàu thăm dò với lực lượng yểm trợ của các tàu hải cảnh, hải giám, kiểm lâm, dân quân tự vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước để tạo ra sự tranh chấp, rồi đòi ngồi vào bàn thương lượng song phương để chia chác trong khu vực chủ quyền của các nước ven Biển Đông.
Trong quá khứ, thủ đoạn của Trung Quốc lúc căng lúc trùng, linh hoạt tùy theo tình hình quốc tế cụ thể, nhằm gặm nhấm dần các đảo, tránh gây ra phản ứng lớn của các nước và trong khu vực. Tuy nhiên động thái của Trung Quốc từ tháng 5 đến hết tháng 7 trong thời gian vừa qua dường như có sự bất thường. Bất thường vì cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên mức rất nguy hiểm. Hơn bao giờ hết Trung Quốc cần tranh thủ sự ủng hộ của nhiều nước, nhất là các nước trong khối ASEAN, khi khối này vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Trung Quốc bành trướng nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò ở Biển Đông thì đương nhiên rồi. Nhưng hình như họ đã vi phạm chính cái “nguyên tắc đại cục” của họ để thực hiện cái tính toán trước mắt. Hoặc là họ quá tự tin vào sức mạnh của họ hoặc là họ bắt đầu mất kiểm soát trước tình hình trong ngoài nước. Họ định ép ASEAN phải ký với họ một bộ quy tắc trên Biển Đông (COC) như mong muốn. Họ muốn COC phải làm rõ cách các nước trong khu vực khai thác tài nguyên ở các vùng biển "có tranh chấp" phải như thế nào (thực ra là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước nhưng Trung quốc cố tạo ra sự tranh chấp để buộc các nước đàm phán. Nghĩa là vào nhà người ta rồi đòi người ta phân chia lại mốc giới). Họ muốn vạch ra ranh giới đâu là nơi các quốc gia trong khu vực có thể tổ chức tập trận quân sự chung với các nước "ngoài khu vực" (riêng với Việt Nam phải chăng họ còn muốn bắn đi một tín hiệu chính trị trước chuyến đi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ). Chính vì vậy nhiều học giả, chuyên gia trong và ngoài ASEAN đã bàn luận về sự kiện này. Nhiều người bày tỏ lo ngại COC tới đây sẽ thiếu đi tính ràng buộc pháp lý và đi vào vết xe đổ của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Ủng hộ trước Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngày 19/7 và ngày 25/7, trong tuyên bố lên án các hành vi khiêu khích của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh đang gây sức ép hòng bắt ASEAN chấp nhận các điều khoản bất lợi trong COC, ngăn chặn các nước này hợp tác với nước thứ ba để khai thác dầu khí trên Biển Đông, từ đó kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực. Tiếp theo các bộ trưởng Mỹ, Nhật, Úc đã ra tuyên bố chung lên án hành vi cản trở khai thác dầu khí tại Biển Đông ngày 2/8.
Trong cuộc họp tại Băng Cốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các hành động này đe doạ nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực. Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng những hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) 1982.
Một số ngoại trưởng tại cuộc họp ASEAN cũng lo ngại về sự cố ở Biển Đông, nhất là các nước có liên quan. Mặc dầu còn mâu thuẫn giữa các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, nhưng tuyên bố chung của Hội nghị Bộ Trưởng đã đề cập: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”. Rõ ràng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã phủ bóng đen lên Hội nghị ngoại trưởng ASEAN. Sau Việt Nam, Philippines, chắc chắn Trung Quốc sẽ “hành xử” với Malaysia và Indonesia như họ đã từng làm.
Trước làn sóng chỉ trích, đoàn ngoại giao Trung Quốc do Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị dẫn đầu lờ đi như điếc. Họ còn trơ trẽn lên án các nước ngoài khu vực gây chia rẽ Biển Đông. Trung Quốc “tuân thủ nghiêm DOC”. Biển Đông “không có vấn đề gì”. Thật hết thuốc chữa. Đúng như câu thành ngữ Việt: vừa ăn cướp vừa la làng. 
Vấn đề đặt ra sau khi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là giữa Mỹ và nhiều nước trong ASEAN có lợi ích song trùng trong vấn đề thách thức những yêu sách bành trướng ngang ngược của Trung Quốc trên biển. Trong khi các nước ven biển, trong đó có Việt Nam muốn bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, Mỹ cũng đang tìm kiếm cách thức kiềm chế tham vọng hàng hải ngông cuồng của Trung Quốc.
Phần lớn các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam (Việt Nam tuân thủ nguyên tắc 3 không) đều theo đuổi sự cân bằng chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, bất chấp tranh chấp trên Biển Đông vì người đồng chí đầy dã tâm đối đối với an ninh và sự thịnh vượng của đất nước. Nhưng chính sách hai mặt miệng bồ tát bụng bồ dao găm, phía Trung Quốc không hề quan tâm đến yêu cầu và nguyện vọng của một số nước ASEAN và Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục ngày càng hung hăng áp đặt các yêu sách vi phạm chủ quyền lên các nước ven Biển Đông.
Tôi biết rằng nước xa không chống được lửa gần. Tôi biết vào những năm 1970, mặc dù ngả về Liên Xô, người Việt vẫn không ngăn được cuộc xâm lược của Trung Quốc vào năm 1979. Tôi cũng biết tất cả các cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á đều có nguyên nhân và bắt nguồn từ các nước bên ngoài. Đúng là ASEAN phải biết cân bằng chiến lược giữa các nước lớn. Nhưng tại sao ASEAN cứ phải quan tâm những quan ngại an ninh của Trung Quốc trong một số các lựa chọn nếu như Bắc Kinh không quan tâm đến quyền lợi và an ninh chính đáng của ASEAN?
Hành động của Trung Quốc đang đẩy dần các nước ASEAN lại gần Mỹ hơn. Đã có tín hiệu cho thấy điều đó. Tôi nghĩ trong tương lai gần một số nước ASEAN (không phải cả ASEAN, một hai nước vì lợi ích riêng sẽ phủ quyết theo nguyên tắc đồng thuận làm hài lòng Trung Quốc) có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, có thể nâng cấp đối tác chiến lược với Mỹ, có thể tham gia vào “cấu trúc an ninh khu vực” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc… để tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của các nước có chung lợi ích nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế và quốc phòng, để tự bảo vệ mình trước họa Tàu, người láng giềng luôn rêu rao “4 tốt” nhưng lại ngông nghênh đầy cơ bắp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.