Một buổi xem hầu đồng

Leave a Comment

 Kể từ khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 1/12/2016, hôm vừa rồi tôi mới có dịp theo một gánh đồng về Bắc Ninh dự hầu đồng nhân dịp lễ Vu Lan.
 Theo một số nhà nghiên cứu tôn giáo, trên cơ sở của tín ngưỡng thờ nữ thần, đạo Mẫu và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành và phát triển từ thế kỷ 16 đến nay. Nó trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân ở nhiều nơi khắp Bắc, Trung, Nam.
 Cảnh quan thu hút mọi người là ngôi chùa cổ rợp trong bóng cây, đẹp cả trong lẫn ngoài, nhưng ngôi đền thờ mẫu thì hoàn toàn mới. Tôi cho rằng xưa kia nơi đây không có đền thờ mẫu. Vì có thì người ta thường xây dựng theo nguyên tắc “tiền Phật hậu mẫu. Vả lại nơi đây là “quê gốc” của tín ngưỡng Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (thờ các hiện tượng tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp) . Tôi nghĩ việc thờ mẫu Tam phủ “không phải đất” hoặc không phổ biến ở khu vực này.
 Vì không phải đất nên ngôi đền thờ mẫu không theo đúng quy chuẩn. Trước hết là về hướng. Đền thờ mẫu quay về hướng đông, hướng nắng ban mai đầy dương khí. Theo quan niệm tâm linh sẽ làm tán âm khí, thần linh khó có thể về ngự buổi sáng được. Nếu quay về hướng nam thì thật tuyệt. Có một hồ nước rộng trước mặt. Bên trái, bên phải đều có một con lạch. Theo thuật phong thủy, có thanh long bạch hổ tả hữu. Thật đắc địa. Đáng tiếc khi xây dựng người ta đã tùy tiện, chủ quan…
Trong điện thần, bên trên bỏ trống, người thiết kế xây dựng không bài trí đôi “bạch xà, thanh xà”. Ở chính hậu cung Tam tòa Thánh mẫu thì khá ổn. Ba pho: Đệ Nhất Thượng thiên, Đệ nhị Thượng ngàn, Đệ Tam Thoải phủ đều đúng quy cách. Hàng dưới là tượng Ngũ vị Tôn ông/quan. Tiếp theo là Tam vị Ông Hoàng (có nơi là Tứ phủ Ông Hoàng) khá chuẩn mực. Nhưng bên phải, gian thờ Động/Cung Sơn Trang và bên trái gian thờ Đức Thánh Trần thì không ổn.
 Ban thờ Động Sơn Trang chỉ có Chúa Sơn Trang, không có Cô Sơn Trang (Tín ngưỡng thờ Chúa Sơn Trang là tín ngưỡng cổ của người Việt, có khoảng từ 2000 năm trước. Tín ngưỡng thờ Mẫu mới có 600 năm nay. Tại sao lại phối thờ Chúa Sơn Trang trong điện thờ Mẫu? Tôi cho rằng đó là sự tiếp biến, dung hợp, linh hoạt trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt).
 Ban thờ Đức Thánh Trần có tượng Hưng Đạo Đại Vương, lại có cả tượng Cô, tượng Cậu bên cạnh. Đây là sự lầm lẫn đáng tiếc giữa quân gia thị thần của Mẫu và của Đức Thánh Trần (từ một vị anh hùng dân tộc trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông, Hưng Đạo Đại Vương đã trở thành một vị Thánh linh thiêng, là nhân vật trung tâm của một loại hình tín ngưỡng trong dân gian. Trải qua những biến động thăng trầm lịch sử, Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần luôn vận động, biến đổi. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần dung hợp, đan xen và hội tụ với nhiều dạng thức tín ngưỡng khác như: Tín ngưỡng thờ Thần tiên, Thổ địa, Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, Tín ngưỡng thờ Mẫu...Tuy nhiên, sự đan kết giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần là được thể hiện rõ nét nhất. Biểu hiện ở chỗ bất cứ nơi nào có đền, điện, phủ thờ Thánh Mẫu thì đều có ban thờ Đức Thánh Trần. Ngược lại, đền thờ Thánh Mẫu nào cũng đều có ban thờ Đức Thánh Trần, tạo nên mối quan hệ “Thánh Cha - Thánh Mẹ” theo nguyên tắc đối xứng âm-dương có một không hai trong đời sống tín ngưỡng của người Việt).
 Trong khoảng 4 giờ “cậu đồng” (nếu đồng là nam còn trẻ thì người ta gọi là cậu đồng, nếu đồng là nữ còn trẻ thì gọi là cô đồng; còn nếu có tuổi gọi là ông đồng hoặc bà đồng. Từ chuyên môn người ta gọi là Thanh đồng) hầu khoảng 15 giá/36 giá đồng của các vị thánh, chúa, quan, hoàng, cô, cậu… mỗi vị một màu quần áo, kiểu ăn mặc khác nhau với 5 màu chính: đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh dương, và trắng. Mỗi màu tượng trưng cho một miền của vũ trụ: Miền trời, tượng trưng bằng màu đỏ (Thiên phủ), miền đất tượng trưng bằng màu vàng (Ðịa phủ), miền sông biển màu trắng (Thoải phủ), miền rừng núi màu xanh (Thượng ngàn phủ).
 Mỗi giá đồng là một lần trùm khăn đỏ, thay xiêm y, tô son, điểm phấn, đeo vòng, vấn khăn… với những điệu múa hương, múa lửa, múa quạt, múa cờ, múa kiếm, múa chèo đò, múa lụa… khá điệu nghệ. Mặc dù “cậu đồng’ còn trẻ (mới 26 tuổi) nhưng những động tác múa, vẻ mặt, cảm xúc biểu hiện giống hệt tính cách các bà, các quan, các cô, các cậu. Tôi có cảm giác các động tác, biểu hiện của cậu đồng không khác gì của một nghệ sĩ đích thực.
 Mỗi giá “cậu” đều ban lộc: tiền, hoa, trái quả, thuốc lá, ly rượu… Tất cả đều được mọi người xung quanh đón nhận vui vẻ. Riêng tôi cũng nhận được lộc khoản dăm bảy chục ngàn đồng (Cách đây 5 năm, khi còn công tác ở một trường trung cấp chuyên nghiệp, trong lần đi tuyển sinh, tôi gặp một gánh đồng hầu mẫu Thoải. Tôi đã bỏ công việc để tham dự. Đó là một gánh đồng lớn với các con nhang giàu có. Các cung văn đều là những nghệ sĩ nổi tiếng. Hôm đó tôi được ban lộc tới hơn một triệu đồng, đủ để chuộc lỗi với anh em bằng một bữa tiệc chiêu đãi theo tinh thần “lộc bất tận hưởng”).
 Suốt buổi hầu đồng tôi được đắm mình trong tiếng nhạc với những bài hát văn đầy cảm xúc, còn gọi là hát chầu văn, hát bóng do các cung văn đàn hát thỉnh cầu các hàng về ngự. Giai điệu hát chầu văn khi thì mượt mà, khoan thai, sâu lắng khi thì dồn dập, khỏe khoắn, tươi vui. Đó là một loại hình diễn xướng cổ truyền, say đắm dễ đi vào lòng người. Nó là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng phục vụ quá trình nhập đồng hiển thánh của riêng Tín ngưỡng Tam phủ và Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.
Chầu văn đi theo một giá đồng gồm có 4 phần chính. Thứ nhất là mời thánh nhập đồng. Thứ hai là kể sự tích và công đức của thánh. Thứ ba là xin thánh phù hộ. Cuối cùng là tiễn thánh.
 Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh nhằm ca ngợi công đức của các nhân vật ông hoàng, bà chúa cũng như ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ, của thiên nhiên, sự phô diễn những sản vật của non sông đất nước.
 Tâm điểm Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu là lúc Lên Đồng. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.
 Trong số 11 con nhang xin thần linh và được gọi phán truyền có 5 người là đàn ông, 6 người là phụ nữ, luống tuổi có, trung tuổi có, trẻ có. Tôi tranh thủ hỏi chuyện họ. Một người cho tôi biết gia đình ông làm nhà trên một ngôi nhà vốn xưa là một nhà của địa chủ bị tịch thu chia cho dân nghèo. Ông cho biết trong gia đình hết người này bị đau ốm đến người khác, tức là bị âm hồn chủ nhà cũ “ám”. Ngài hứa sẽ giải quyết giùm việc này. Ông hoan hỷ nói với tôi: “Tôi chỉ cần gia đình bình an thôi. Có tốn kém chút ít cũng không ngại. Tôi hỏi ông có đúng mảnh đất làm nhà đúng như “cậu” phán không. Ông ta gật đầu. Tôi hỏi một người đàn ông khác, anh ta cho tôi biết “Cậu” gọi đúng tên số nhà, tên phố và gia cảnh người vợ mới mất của anh. “Cậu” nói với anh phải làm thêm một số việc nữa. Tôi hỏi một phụ nữ mới mua một căn nhà, chị kể thỉnh thoảng người nhà cứ thấy bóng một bà già trong nhà tắm. “Cậu” cho biết người đó là chủ cũ của ngôi nhà. Con cái bán nhà đi, “người ta” tiếc không muốn rời bỏ căn nhà đó. “Cậu” hứa sẽ giúp cho. Tôi hỏi một phụ nữ có con mới mất, khi gọi hồn, con chị cho biết là được vào hầu cửa Thánh nên đến với Mẫu để nghe phán truyền và Mẫu cũng nói như vậy. Tôi còn hỏi thêm một số chị em khác nhưng họ từ chối không trả lời.
 Bên cạnh cậu đồng có bốn phụ đồng (có gánh chỉ 2 phụ đồng, được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt... Ở gánh đồng này tôi được biết có một phụ đồng là thầy dạy của “cậu” đồng. Bà đã 85 tuổi. Bà chọn cậu đồng cưng là người thừa kế chân truyền của mình. Ngoài ra, các thành phần ngồi xem buổi hầu gồm khoảng 25 con nhang đệ tử. Tất cả đều thể hiện lòng tôn kính các vị thánh mỗi khi giáng ngự. Họ vỗ tay, nghiêng ngả, phụ họa, đưa đẩy hòa theo điệu múa hát của đồng và cung văn. Cùng với hương khói hòa quyện, tất cả cái không khí này tạo nên một cảm xúc thật đặc biệt.
 Để thánh nhập vào cậu, đầu tiên, cung văn bắt đầu hát hầu (hát hầu thường phải theo thứ tự. Trước tiên phải hát thỉnh hàng Tam tòa Thánh Mẫu, rồi đến hàng Quan, hàng Chầu, hàng Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu). Lúc đó, Cậu bắt đầu lảo đảo, ra dấu bằng tay, phủ vải đỏ lên mặt. Tùy vào các giá, cung văn sẽ hát các điệu thỉnh mời khác nhau. Tới khi thánh đã nhập, cậu hất khăn khỏi mặt, coi như bắt đầu quá trình ngự về của một vị thánh. Còn không, nếu thánh chỉ giáng qua thì cậu đồng lại ra dấu khác và cung văn lại chuyển sang hát mời vị khác.
 Sau khi hất khăn phủ, cậu đồng đang ở một "giá" mới và phải thay trang phục, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... sao cho tương xứng với "giá" thánh nhập. Với các giá Quan, Hoàng thì cậu thường ăn mặc áo của quan lại thời xưa, có điểm đồ trang sức như trâm, thẻ ngà... Các giá Chầu Bà thì ăn mặc chỉnh tề theo lối phụ nữ nhà giàu, sặc sỡ và nhiều trang sức, vấn khăn củ ấu hoặc khăn xếp. Các giá Cô thì ăn mặc trẻ trung rực rỡ. Giá Cậu thì ăn mặc theo lối thanh niên, có khăn quấn.
Sau khi quần áo mặc chỉnh tề, cậu bắt đầu đứng dậy làm lễ. Đầu tiên cậu cầm hương qua một lớp bọc vải đỏ để dâng lên bàn thờ, quỳ làm lễ. Sau đó quay ra các con nhang đệ tử, cậu làm các nghi thức, chủ yếu là múa các điệu múa của“giá” mình. Các điệu múa của các hàng thường là: Hàng Quan thì múa Cờ, múa kiếm, long đao, khai quang. Hàng Chầu thì múa mồi, múa cờ, múa kiếm, múa quạt, tay không. Hàng cậu thì múa kiếm, múa Lân…
 Các điệu múa thường thể hiện tính cách của các nhân vật hay thể hiện sự vui vẻ làm việc thánh và cũng là cùng vui với mọi người. Có thể nói hầu đồng là một bảo tàng sống bảo tồn các loại múa cổ truyền của người Việt. Mỗi loại múa lại thể hiện một loại hoạt động nào đó trong sinh hoạt và lao động sản xuất. Chẳng hạn điệu múa Song đăng, dệt cửi, chèo đò, tung hoa, múa hương, múa quạt, múa lụa thể hiện rất rõ tính cách phụ nữ Việt.
 Trong lúc cậu đồng đang hoá thân thì bốn phụ đồng ngồi quỳ chân ở dưới cũng nghiêng ngả, đưa đẩy và múa may hưởng ứng theo nhịp câu hát. Những nắm tiền lẻ sau khi được cậu tung ra, ban phát cho những người xung quanh được coi là tiền lộc và được những người đứng xem xung quanh nhặt lấy, cất giữ để lấy may.
 Sau giai đoạn "thăng hoa lên đồng" đó, vị thánh trong xác cậu đồng ngồi xuống, nghe hát văn, hút thuốc và uống rượu. Trong lúc đó các phụ đồng lấy quạt che xung quanh mặt, như một sự cách ngăn giữa trần tục và thánh thần. Rồi trong lúc nghe văn, vị thánh làm các thủ tục còn lại như khai quang, phán truyền, thưởng tiền và lộc cho cung văn hát hay cũng như cử tọa xung quanh. Tiếp theo cậu ra dấu, khăn đỏ lại phủ lên và đó là lúc thánh "thăng", kết thúc một giá thường chấm dứt bằng câu hát “xe loan Thánh giá hồi cung”.
 Từ nhỏ tôi đã được một bà gọi là bà trẻ cho đi theo vài gánh đồng. Ngày đó đi hầu đồng thường là nữ giới: các bà, các cô. Bây giờ thì có cả nam giới, chiếm khoảng 30% đến 40% con nhang đệ tử. Ngày đó phần lớn đi hầu đồng là người có tuổi bây giờ thì có cả người trẻ tuổi, thậm chí rất trẻ, khoảng 18 đôi mươi. Ngày đó các ông đồng bà đồng thường không gắn với một nghề nghiệp nào, tính tình nhạy cảm, dễ khóc dễ cười, ưa nịnh, hơi gàn gàn đúng với cụm từ “tính đồng bóng”. Ngày nay, đồng có nghề nghiệp, thâm chí còn rất giàu có. “Cậu” đồng chủ trì buổi lên đồng hôm nay vốn tốt nghiệp Đại học Kiến trúc. Mới đầu tôi đoán “Cậu” chỉ khoảng 20 là cùng (tôi còn biết một “Cô” đồng đã tốt nghiệp khoa múa của một trường nghệ thuật. Nếu bạn chứng kiến “Cô” nhảy múa lên đồng thì chắc chắn sẽ không chớp mắt mấy giờ liền). Các con nhang đệ tử bây giờ không chỉ có thường dân mà còn có cả một bộ phận công chức, viên chức, quan chức...
 Tôi nhận thấy lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ tết, thường là tại các lễ hội, đền thánh, phủ mẫu...
 Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, truyền thống tín ngưỡng Việt Nam còn tin tưởng rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn và theo dõi cuộc sống của người thân đang sống. Gia đình có thân nhân về bên kia thế giới ở các vùng quê thường đi “gọi hồn”. Trong buổi lễ gọi hồn, khi lên đồng, linh hồn của người chết có thể nhập vào ông đồng, bà đồng/đồng cậu, đồng cô để trò chuyện với thân nhân đang sống (thường là ở các điện tư gia hay ở các gia đình). Thông qua cuộc trò chuyện âm-dương này, người sống sẽ biết được những yêu cầu của người thân quá cố về mồ mả, bát hương, quần áo mã… để điều chỉnh và cúng xin cho phù hợp. Đồng thời, thông qua buổi “gọi hồn”, người sống cũng hỏi linh hồn người chết để biết được vận mệnh tương lai của mình và gia đình mình.
 Ghi chú: Có những chi tiết mê tín, hoang đường nhưng đó là lời của các con nhang đệ tử trong buổi hầu đồng. Nó không phản ánh quan điểm cá nhân của người viết. Tôi chỉ muốn ghi lại những điều mắt thấy tai nghe mà không phán xét để bạn đọc cùng chia sẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.