Tàu đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

Leave a Comment
Tàu đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Theo tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao, từ chiều ngày 7/8, nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 của Trung quốc (Tàu) đã dừng hoạt động khảo sát địa chất và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Nếu so sánh mức độ, thời gian, sự đối đầu gay cấn cách đây 5 năm, khi Tàu đưa giàn khoan Hải Dương 891 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, lần này Tàu có vẻ “ngoan” hơn. Tại sao vậy?
Thứ nhất Trung Quốc không muốn đẩy sự việc căng thẳng thêm khi bối cảnh trong nước Hồng Kông và Đài Loan đang dậy sóng. Ngòi nổ Tân Cương và Tây Tạng vẫn đang âm ỉ. Nền kinh tế suy giảm tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Thứ hai, bên ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã căng thẳng đến mức có thể trở thành một cuộc chiến tiền tệ. Trong hoàn cảnh đó Việt Nam vẫn liên tục lên án đích danh Trung Quốc trong tất cả các hội nghị quốc tế. Hành động kiên quyết của Việt Nam đã truyền cảm hứng trong các cuộc họp của ASEAN và được nhiều nước ủng hộ.
Lần đầu tiên ASEAN ra thông cáo bày tỏ sự lo ngại về tình hình Biển Đông. Mỹ, Nhật, Australia lên án hành vi cản trở khai thác dầu khí ở Biển Đông. Liên minh châu Âu hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Việt Nam. Ấn Độ tuyên bố nước này có quyền lợi ở Biển Đông và khẳng định ủng hộ các công ty của nước mình tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông theo Công ước Luật Biển Quốc tế.
Thứ ba có thể Trung Quốc đã hoàn thành một phần kế hoạch xem xét địa chất đáy biển, đánh giá trữ lượng dầu khí, băng cháy và các khoáng sản ở thềm lục địa Việt Nam.
Với tất cả những lý do trên, nếu kéo dài thêm thời gian, Tàu thấy hoàn toàn bất lợi nên họ đã di chuyển về phía vùng biển Philippines để tiếp tục công việc.
Tôi hiểu người Tàu đang nuôi giấc mộng siêu cường, tranh giành vị thế với Hoa Kỳ. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ dã tâm chiến lược độc chiếm Biển Đông để vươn ra toàn cầu. Kể từ năm 1989 trở đi, Trung Quốc không chiếm thêm các đảo ở Biển Đông (vì nhiều lý do và cũng không thể chiếm được nữa). Tàu quay ra củng cố, biến các đảo đã chiếm trái phép thành các căn cứ hậu cần, quân sự để tiến hành một loại tranh chấp khác, tranh chấp chủ quyền trên biển với các nước ven Biển Đông nhằm thực hiện hóa đường lưỡi bò tưởng tượng.
Trong 30 năm qua, Tàu đã tiến hành 7 hoạt động xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đưa tàu thăm dò dầu khí năm 1994 đến Bãi Tư Chính. Đưa tàu Kan Tan khảo sát khu vực chồng lấn vịnh Bắc Bộ năm 1997. Quấy rối và cắt cáp tàu khảo sát dầu khí Bình Minh của Việt Nam năm 2011. Đưa tàu giàn khoan Hải Dương 891 vào vùng biển Việt Nam năm 2014. Đưa tàu đến cản phá hoạt động dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam năm 2017, 2018. Và năm nay đưa tàu Địa chất Hải dương 8 đến bãi Tư Chính. Trong tương lai chắc chắn Tàu sẽ còn dùng các loại tàu mang danh nghĩa khoa học, được hộ tống bằng nhiều tàu hải cảnh, các loại tàu của dân binh vào Việt Nam và các nước khác để tranh giành lãnh hải, dù đó là vùng biển không phải của họ theo luật quốc tế. Nghĩa là Tàu đang tạo ra thủ đoạn chiến tranh, loại hình chiến tranh mới trên biển để hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Trong khi chưa chiếm được hoàn toàn Biển Đông, Tàu đang đặt ra mục tiêu phải ký được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong vòng 3 năm. Tên tiếng Anh của nó là “Code of Conduct”, viết tắt là COC. Bắc kinh muốn các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam không được cùng khai thác với các nước ngoài khu vực, không được tập trận với các nước ngoài khu vực. Họ cho rằng chỉ họ mới có cái quyền đó. Vì vậy họ đã ép các công ty của Tây Ban Nha, Ấn Độ và nước ngoài không được hợp tác với Việt Nam, phải rời khỏi khu vực thăm dò và khai dầu khí trên vùng đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam với lý do “khu vực đang tranh chấp” do Tàu cố tình tạo ra.
Từ nay cho đến năm 2021, ASEAN sẽ phải chịu sức ép rất lớn, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Họ sẽ dùng các nước khác trong khối để ép hai nước phải ký cho xong. Họ là bậc thầy “chia để trị”. Nếu hai nước không ký thì họ còn sử dụng mọi thủ đoạn. Mà ký thì rơi vào bẫy mà Đặng Tiểu Bình đã đặt ra “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Nhưng vế trước của câu nói là “Chủ quyền thuộc về ta (Trung Quốc)”. Mọi người thử tưởng tượng khi mà giàn khoan và lá cờ của Tàu bay trên giàn khoan dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Philippines thì coi như hai nước đã mất chủ quyền.
Họ muốn gạt tất cả các cường quốc khác khỏi cuộc chơi ở Biển Đông nhằm chiếm giữ tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới để phục vụ cho sự “phục hưng đế chế Trung Hoa”. Điều này chắc Mỹ không muốn. Nhật Bản không muốn. Ấn Độ không muốn. Australia không muốn. Hàn Quốc không muốn. Thậm chí cả Nga cũng không muốn.
Biển Đông hôm nay và ngày mai chắc chắn sẽ là đấu trường của các nước lớn. ASEAN, trong đó có Việt Nam không muốn “chọn phe” thì vẫn phải nương vào dòng chảy địa chính trị chung để bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc.
ASEAN phải hết sức cẩn trọng đến loại hình chiến tranh giành lãnh hải trên biển, nơi chỉ có mặt nước với sóng biển. Nó hoàn toàn khác với cuộc chiến tranh trên đất liền, nơi ASEAN và Việt Nam còn có ba vùng chiến lược: vùng đồng bằng, vùng rừng núi và đô thị. Ngoài thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, các nước nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh cần phải có một lực lượng hải quân, không quân biển đủ mạnh. Cũng cần phải phát triển các ngành công nghệ cao quân sự như tàu lặn, tàu ngầm, máy bay không người lái, công nghệ tàng hình, công nghệ thông tin áp chế điện tử để chống kẻ thù tiếp cận, chống kẻ thù xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Và đặc biệt phải kết hợp được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, EU…) để chống lại tham vọng của Tàu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.