Nước Mỹ có còn là một siêu cường

Leave a Comment
Sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, sự kiện khủng bố quốc tế tấn công vào tòa tháp đôi, biểu tượng sức mạnh của chủ nghĩa tư bản Mỹ, Chính quyền Mỹ vẫn không rút ra bài học cuộc Chiến tranh Việt Nam (cuộc chiến duy nhất trong lịch sử người Mỹ thất bại), họ lại phát động và đứng đầu Liên minh chống khủng bố Quốc tế, tiến hành hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Hai cuộc chiến tranh tiêu tốn hàng nghìn tỉ đô la. Nhưng cho đến nay tình hình Trung Đông thực sự vẫn chưa có hồi kết, để lại cho nước Mỹ món nợ công khổng lồ cùng với rất nhiều hệ lụy ở khu vực. Tiếp theo nước Mỹ lại phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại Khủng hoảng Kinh tế năm 1929-1933 cũng bắt nguồn từ chính nước Mỹ.
Nhiều nhà nghiên cứu và quan sát quốc tế tin rằng chính vì theo vết xe gây chiến tranh như các đế chế suy tàn trước cho nên nguồn lực của nước Mỹ đã bị tiêu hao. Thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ bắt đầu qua đi. Nhiều cường quốc mới nổi lên, trong đó có cả hai đối thủ, cựu thù của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai là Đức và Nhật Bản- kẻ chiến thắng là Liên Xô thì đã sụp đổ, kẻ chiến thắng còn lại là Mỹ thì mang trên mình đầy thương tích. Đặc biệt trong số những cường quốc mới nổi hiện nay, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, nước có khả năng cạnh tranh ngôi vị bá chủ của Mỹ.
Đe dọa ngôi vị quán quân/siêu cường của Mỹ hiện nay và trong tương lai bao gồm trung tâm quyền lực và các cường quốc sau: 1, Liên minh châu Âu (EU) bao gồm 28 quốc gia thành viên đứng đầu là Anh, Đức, Pháp; 2, Trung Quốc; 3 Nga; 4, Nhật Bản; 5, Ấn Độ. Đa số giới truyền thông và giới nghiên cứu cho rằng chỉ có Mỹ mới đủ tiêu chuẩn được coi là siêu cường. Bên cạnh Mỹ có EU, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ được coi là những siêu cường tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, người ta thường xem EU, Nga và Trung Quốc là những đối thủ tiềm năng nhất. Theo thuật ngữ chuyên ngành người ta gọi trật tự thế giới hiện nay là trật tự “một siêu đa cường”. Một số ít học giả và chính trị gia, trong đó có Tổng thống Nga Putin cho rằng trật tự thế giới hiện nay là trật tự đa cường. Cá nhân tôi cho rằng trật tự đơn cực siêu cường chưa qua, trật tự đa cường chưa tới. Thời kỳ này là thời kỳ chuyển tiếp.
Tôi đã đề cập đến hai khái niệm cường quốc và siêu cường. Cường quốc và siêu cường là hai khái niệm có nhiều nội hàm tương đồng nhưng hai khái niệm này khác nhau về chất. Cường quốc chỉ một quốc gia lớn mạnh có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Siêu cường chỉ một cường quốc có sức mạnh đặc biệt, đứng hàng đầu trong hệ thống quốc tế và có khả năng gây ảnh hưởng, biểu hiện sức mạnh trên phạm vi toàn cầu cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế, khoa học công nghệ… Siêu cường được coi có mức độ quyền lực cao hơn cường quốc. Thuật ngữ siêu cường thường dùng để chỉ Đế quốc Anh trước năm 1945, Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
EU có sức mạnh về kinh tế, có ảnh hưởng về nhiều mặt, nhưng vẫn không thể so sánh được với Mỹ. Tổng GDP của 28 quốc gia thành viên EU là 15.247 tỷ USD. So với 20.494,1 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ thì còn là một khoảng cách dài. Điều quan trọng hơn là EU thiếu một sức mạnh chính trị, quân sự thống nhất (Mỹ luôn ngăn cản EU thành lập một lực lượng đội quân riêng ngoài NATO). Vì thế một số nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế cho rằng nếu EU có thống nhất về mặt chính trị để trở thành một ‘siêu nhà nước’ thì mới có thể trở thành một siêu cường đe dọa vị trí của Mỹ. Đáng tiếc là EU vẫn không thể hội nhập được về mặt chính trị, vẫn còn đang khủng hoảng nợ công và nước Anh thì sắp rời khỏi EU. Giấc mơ trở thành một siêu cường với Liên minh châu Âu còn rất xa vời.
Liên bang Nga là hình ảnh trái ngược của EU. Quốc gia kế thừa siêu cường Liên Xô cũ có tiềm lực quân sự sánh ngang với Mỹ. Tuy nhiên Nga chỉ có thể là siêu cường có ảnh hưởng về chính trị và quân sự ở một vài khu vực nhất định, chứ không phải là ở cấp độ toàn cầu. Nước Nga ngày nay chưa phải là Liên Xô ngày trước. Hơn nữa, nền kinh tế của Nga không thực sự tương xứng với vị thế siêu cường. Tổng GDP của Nga là 1.100 tỷ USD, chưa bằng một phần hai mươi của Mỹ. Điều đáng chú ý là ảnh hưởng một số mặt của Nga còn hạn chế. Gần như tất cả các nước láng giềng châu Âu của Nga đều là đồng minh của Mỹ và xa lánh Nga.
Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy từ sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1979 để chứng tỏ với Mỹ và phương Tây rằng họ hoàn toàn đoạn tuyệt với mô hình Chủ nghĩa xã hội Xô Viết và đối đầu với Liên Xô cùng đồng minh Việt Nam. Họ đã dùng máu của chính người Trung Quốc và máu của người Việt để đổi lấy nguồn vốn, công nghệ, trình độ quản lý của Mỹ và phương Tây nhằm hiện đại hóa đất nước (điều này nằm trong một phần kế hoạch của Mỹ và phương Tây nhằm đánh đổ Liên Xô). Chính quyền Trung Quốc tận dụng tối đa cơ hội mở cửa, lợi dụng Mỹ tập trung chống khủng bố ở Trung Đông, phát triển kinh tế với mức tăng trưởng thần kỳ trong bốn mươi năm qua và trở thành đối thủ tiềm năng lớn nhất đe dọa vị thế số 1 của Mỹ.
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai với GDP 13.608 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ (không tính EU). Chính quyền Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh không quân và hải quân với giấc mộng phục hưng Đế chế Trung Hoa thủa nào. Họ bắt đầu gây hấn ở Biển Đông, quân sự hóa Biển Đông theo vết xe của các cường quốc mới nổi (mặc dầu họ vẫn rêu rao trỗi dậy hòa bình), nhằm đẩy người Mỹ và các cường quốc khác ra khỏi khu vực để chia đôi Thái Bình Dương với siêu cường Mỹ trong chiến lược lâu dài của họ (về vấn đề tranh giành ngôi vị bá chủ Trung-Mỹ, tôi đã có bài viết Cuộc đối đầu Trung Mỹ sẽ đi về đâu trong trang blogchiasett nên không nhắc lại).
Tôi đã đọc một số tác phẩm của những nhà nghiên cứu thuộc các nước phương Tây, một số tác phẩm của các chính khách, nhà báo Mỹ nói về tốc độ phát triển thần kỳ của Trung Quốc và phân tích về những khiếm khuyết từ kinh tế đến giáo dục Mỹ, họ cho rằng kẻ thay thế nước Mỹ sắp tới sẽ là Trung Quốc. Họ tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa Mỹ trở thành một quốc gia “đã từng là bá chủ”. Tuy nhiên cá nhân tôi tin rằng cho đến giữa thế kỷ này vẫn chưa có quốc gia nào có thể thách thức được vị trí số 1 của nước Mỹ.
Nước Mỹ sẽ còn là siêu cường trong một thời gian dài dựa trên nền tảng vững chắc về sức mạnh tổng hợp quốc gia: Sức mạnh về kinh tế, ảnh hưởng về chính trị, sức mạnh quân sự và khoa học công nghệ cũng như quyền lực mềm, những thành tố tạo nên sức mạnh của một siêu cường. Mặc dù trong thời gian vừa qua, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có vẻ đã làm mất đi một số ưu thế của nước Mỹ.
Về kinh tế, nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế hỗn hợp có mức độ phát triển rất cao. Đây là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm gần một phần tư GDP toàn cầu. GDP bình quân đầu người Mỹ đạt 62,606 USD, là một trong 10 quốc gia có thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Điều quan trọng là kinh tế Mỹ vẫn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu. Đồng Đô la Mỹ là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong giao dịch quốc tế, là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới. Hơn 80% các giao dịch tài chính, hơn 87% các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thế giới được tiến hành bằng đồng đô la. Tại sao vậy? Đồng Đô la được đảm bảo bằng sức mạnh vô địch và tiềm năng của nền kinh tế Mỹ, được đảm bảo bằng uy tín của nền chính trị Mỹ, được đảm bảo bằng sức mạnh vượt trội của quân đội Mỹ, được đảm bảo bằng nền khoa học công nghệ tiên tiến nhất, được đảm bảo bằng niềm tin vào khả năng trả nợ của chính phủ Mỹ cũng như vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống các tổ chức toàn cầu kể từ sau chiến tranh thế thế giới thứ 2. Trong khi đó, đồng tiền của Trung Quốc mặc dầu được xếp vào giỏ tiền tệ quốc tế nhưng không đến 5% giao dịch tài chính và giao dịch trên thị trường ngoại tệ bằng đồng Nhân dân tệ (đồng Yuan).
Về chính trị, Mỹ có ảnh hưởng rất lớn và có khả năng tập hợp được quanh mình nhiều tổ chức quốc tế, nhiều cường quốc và các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển thành một khối đồng minh vững chắc. Còn Trung Quốc thì có khả năng kết giao với những nước nào là đồng minh? Họ là một cường quốc đơn độc. Mỹ là nước viện trợ nước ngoài lớn nhất để củng cố sức mạnh chính trị trên toàn cầu. Từ năm 2014 đến nay viện trợ hàng năm của Mỹ cho các nước khoảng 32,7 đến 35 tỷ USD, bỏ xa nước đứng thứ hai, nước Anh là 19 tỷ USD. Điều quan trọng nhất là nước Mỹ rất ổn định về chính trị. Hệ thống pháp luật gần như đã được hoàn thiện. Có thể nói không có một cuộc đấu tranh biểu tình nào về chính trị sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Về quân sự, ưu thế quân sự của Mỹ hiện tại vẫn không có đối thủ. Chi phí cho quân sự của Mỹ năm 2018 là 700 tỷ USD, chiếm gần 40% chi tiêu quân sự toàn cầu, bằng tổng ngân sách quốc phòng của 8 quốc gia xếp sau Mỹ, gần gấp 4 lần Trung Quốc. Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối, thống trị trên đất liền, trên biển, trên không và trên vũ trụ. Hơn nữa Mỹ đã thay đổi, đang thay đổi quân đội cùng với hệ thống vũ khí siêu việt để đối mặt với mọi thách thức của thế kỷ 21 một cách hữu hiệu nhất.
Về khoa học công nghệ, Mỹ là quốc gia có nền khoa học công nghệ đứng đầu thế giới về nhiều mặt. Mỹ là nơi khởi nguồn cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, 4.0, cùng với phương Tây đang dẫn dắt nền kinh tế tri thức trên thế giới, nền kinh tế cho phép thực hiện những bước nhảy vọt chưa từng thấy của lực lượng sản xuất, năng suất lao động và đang làm thay đổi bộ mặt của nhân loại. Mỹ cũng là quốc gia năng động, sáng tạo nhất thế giới. Tất cả những thành tựu khoa học công nghệ thế giới đang sử dụng như tivi, tủ lạnh, ô tô, máy bay, máy tính, internet, điện thoại thông minh, các phần mềm điều hành máy tính, điện thoại di động chủ yếu như Windows, Android cùng với những gã khổng lồ Google, Face book, youTube... đều bắt nguồn từ nước Mỹ. Trong số 10 công ty công nghệ lớn nhất thế giới thì 8 công ty là ở Mỹ. Đặc biệt là về năng lượng, mạch máu của nền kinh tế, trước đây Mỹ phụ thuộc vào bên ngoài, nhưng bắt đầu từ năm 2015, Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu, khí tự nhiên hàng đầu thế giới nhờ vào cuộc cách mạng công nghệ đột phá thủy lực đá phiến (Trung quốc phụ thuộc hơn 70% dầu và khí đốt tự nhiên của nước ngoài). Ngoài ra Mỹ còn chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới, cho phép tập trung vào những công nghệ mũi nhọn và những kỹ năng mà họ thấy cần nhất (xin xem bài Đôi điều về Thung lũng silicon của tôi trên trang Facebook cách đây mấy tháng).
Về văn hóa, có thể nói nước Mỹ là một quốc gia cởi mở nhất. Có lẽ trên thế giới có bao nhiêu quốc gia thì ở Mỹ gần như có ngần ấy người của quốc gia đó đến sinh sống và lập nghiệp. Riêng người Việt ở Mỹ ước tính có tới gần 2 triệu người. Nước Mỹ vẫn còn là một miền đất hứa. Nó cho phép mọi người trên khắp thế giới nhập cư nếu có đủ điều kiện. Những người nhập cư không chỉ mang theo tiền bạc cho nước Mỹ mà còn đem theo cả kỹ năng lao động, tri thức khoa học, công nghệ, khả năng quản lý và kinh doanh từ đất nước mình cho nước Mỹ. Điều quan trọng hơn, người Mỹ đứng đầu thế giới về việc giúp đỡ người nhập cư đến đất nước mình sinh sống, làm giàu thành công nhất so với phần thế giới còn lại
Nhìn tổng thể về nước Mỹ người ta thấy có những lí do thực tế để khẳng định nước Mỹ vẫn là một siêu cường. Nhưng nói gì thì nói, nếu nước Mỹ không giữ được vị trí đầu máy để kéo các toa tàu kinh tế thế giới thì sớm muộn người Mỹ cũng để tuột mất ngôi vị bá chủ, vì nếu không có thật nhiều tiền thì Mỹ sẽ lấy đâu ra củ cà rốt chứ chưa nói đến cái gậy để duy trì địa vị của mình. Nghĩa là phải có tiềm lực kinh tế, khả năng quân sự, sức mạnh khoa học công nghệ đứng ở vị trí vượt trội trong hệ thống quốc tế để có khả năng gây ảnh hưởng tất cả các mặt trên phạm vi toàn cầu. Nếu xem xét một cách sâu hơn về khả năng kinh tế và quân sự của Mỹ hiện tại và trong những năm tới, tôi tin rằng Mỹ vẫn là một siêu cường có thể kiềm chế và ngăn chặn bất kỳ thực thể chính trị và quốc gia nào định chiếm đoạt ngôi vị bá chủ của họ, ít nhất cho đến giữa thế kỉ này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.