Trung Quốc, một cường quốc khiếm khuyết

Leave a Comment
Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành một cường quốc, trở thành một cực chi phối trong quan hệ quốc tế. Trong lịch sử, tất cả các cường quốc trỗi dậy, không nhiều thì ít đều gắn liền với việc bành trướng mở rộng lãnh thổ và chưa từng có một ngoại lệ nào. Vì vậy khi Trung Quốc trỗi dậy, dư luận quốc tế bắt đầu lo ngại, Chính quyền Trung Quốc tuyên bố “sẽ trỗi dậy một cách hòa bình”. Liệu người ta có thể tin vào những gì Bắc Kinh nói?
Sau khi hoàn thành việc thôn tính Quần đảo Hoàng Sa năm 1974, xâm chiếm 7 thực thể trong Quần đảo Trường Sa năm 1988 của Việt Nam, năm 2014, Trung Quốc điều chiếc dàn khoan khổng lồ 981 cùng hàng trăm tàu lớn nhỏ các loại ngang nhiên đi vào thềm lục địa Việt Nam, khoan thăm dò dầu trên vùng biển Việt Nam. Năm 2019 từ tháng 7 đến nay, nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 của Trung quốc vẫn đang thăm dò khảo sát địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, hàng đoàn xe quân sự vô tận ở bên kia biên giới ngày đêm rậm rịch, dọa dẫm. Dã tâm bành trướng lãnh thổ của người “đồng chí” với phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng bấy lâu nay chỉ là một bức bình phong.
Bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh cơ bắp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, khẳng định bản năng bầy đàn như bao cường quốc mới nổi để giành vị trí chiến lược, cướp nguồn tài nguyên với mục tiêu trở thành siêu cường. Chẳng lẽ họ sẽ kiên quyết thực hiện cái tư tưởng bành trướng của “người cầm lái vĩ đại Mao Trạch Đông” chỉ ra vào những năm 60 của thế kỷ trước là phải “chiếm lấy khu vực Đông Nam Á, khu vực đất rộng giàu tài nguyên, vì khu vực đó xứng đáng với những phí tổn mà Trung Quốc phải bỏ ra” để làm sân sau, để chia ba thiên hạ (ám chỉ Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ cùng thống trị thế giới).
Một vài năm trước tôi có phần lo ngại Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành một siêu cường. Lúc đó, họ không chỉ áp đặt ý chí của họ lên các nước xung quanh mà còn áp đặt cái ý chí Đại Hán lên toàn cầu. Dân tộc Hoa Hạ từ thời kỳ đồ đồng, đồ sắt đã tạo dựng nên một đế chế đứng đầu thế giới trong hàng nghìn năm. Họ tàn sát nhiều dân tộc, xóa sổ nhiều biên giới quốc gia (gần như tất cả các dân tộc Bách Việt ở phía nam Trung Quốc đều bị tiêu diệt, chỉ còn duy nhất dân tộc Việt Nam), buộc các dân tộc xung quanh phải lệ thuộc, triều cống. Họ chỉ mất đi cái địa vị ấy cuối thời nhà Thanh. Đến Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, đặc biệt là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay, họ lại mơ về một Trung Hoa vĩ đại giống như một Trung Hoa thiên triều thủa nào.
Thực tế Trung Quốc là một cường quốc mới trỗi dậy đáng chú ý nhất trong số các cường quốc. Họ vượt xa năng lực của các nước trong nhóm G20, nhóm BRICs. Ở một số lĩnh vực họ vượt qua các cường quốc đàn anh bậc trung như Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản. Ở nhiều phương diện, vị trí cường quốc thứ hai sau Mỹ là điều mà nhiều nhà phân tích quốc tế đã công nhận.
Trung Quốc còn hội tụ được một số dấu hiệu cường quốc toàn cầu. Dân số đông nhất thế giới: 1tỉ 380 triệu người và lực lượng Hoa Kiều (Chính quyền Trung Quốc coi đó là đội quân thứ 5) có mặt hầu hết tại các quốc gia trên thế giới. Không ít người trong giới cầm quyền Trung Quốc nghĩ rằng dòng máu dân tộc họ ở đâu thì biên giới Trung Quốc kéo dài đến đó. Lãnh thổ lục địa rộng lớn của họ thuộc vào loại hàng đầu thế giới. Lực lượng quân đội thường trực lớn nhất. Dự trữ ngoại tệ lớn nhất. Đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Nền thương mại lớn nhất. Nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Nền kinh tế lớn thứ hai. Chương trình không gian vũ trụ thứ hai, thứ ba. Mạng lưới đường cao tốc quốc gia, hệ thống đường sắt cao tốc, đập thủy điện và các công trình xây dựng lớn nhất, nhì thế giới…
Giống như một đứa trẻ lớn quá nhanh, tình cảm và lý trí không theo kịp thể xác, Trung Quốc to tảng như một cường quốc lớn. Tuy nhiên, nếu xét về sức mạnh kinh tế, về chính trị, ngoại giao, về năng lực quân sự, ảnh hưởng văn hóa và các yếu tố nội tại, tôi cho rằng hiện tại Trung Quốc chưa có cơ sở để trở thành một cường quốc toàn cầu trong tương lai gần.
Trước hết về chính trị, Trung Quốc không có tầm chiến lược của người “anh cả”, của một thủ lĩnh để tập hợp các nước xung quanh mình giống như Mỹ và EU. Họ khiến cho nhiều nước láng giềng, nhiều nước trong khối ASEAN bất an, cảnh giác đề phòng. Chỉ xét riêng về việc họ đối xử với người đồng chí phên giậu Việt Nam (còn một Bắc Triều Tiên khó lường cũng đang tìm cách thoát khỏi họ) nhằm giành lấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông thì họ còn ai để đồng hành trên bước đường của mình. Về đồng minh, họ đồng minh được với những ai? Nếu tôi không nhầm thì họ chỉ đồng minh được với một nhà nước Pakistan, nơi chứa chấp những tổ chức khủng bố.
Với đồng bào của họ, họ đã làm những điều gì trong cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản (hai mươi đến 30 triệu người bị chết đói, bị giết hại), trong vụ việc dùng quân đội và xe tăng nghiền chết sinh viên chỉ biết cầm sách vở trong vụ biểu tình ở Thiên An Môn, trong vụ giam giữ giết hại hàng triệu người tập pháp luân công. Họ đã và đang làm gì với người Tây Tạng, người Tân Cương? Họ đã làm gì với hàng ngàn cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc, kể cả những cuộc biểu tình của cựu binh không còn phục vụ trong quân đội? Đúng là một mô hình chiết trung giữa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa độc tài, truyền thống Nho giáo và một nhà nước kỷ luật sắt. Không một quốc gia nào bắt chước mô hình chính trị như vậy. Ngay cả người Đài Loan, người Hồng Kông thuộc vùng lãnh thổ của họ hiện cũng đang đấu tranh biểu tình không muốn sống cùng một mái nhà với đại lục. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố “kẻ nào muốn ly khai, chống đối thì sẽ tan xương nát thịt”… Một viễn cảnh thật đáng sợ. Đúng là một cường quốc đơn độc đang cố gắng nuôi mộng trở thành một “đế chế” theo đúng nghĩa của từ này.
Điều quan trọng là Trung Quốc không có ảnh hưởng và khả năng chi phối hành động của các quốc gia khác, không có ảnh hưởng và tác động lên những vấn đề toàn cầu lớn nào. Với Bắc Triều Tiên, tuy họ đã có nhiều cố gắng ngăn chặn sự phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này, nhưng đến nay họ vẫn hoàn toàn thất bại. Họ cũng không thiết lập được các quy tắc chuẩn mực nào để định hình các xu hướng phát triển mang tính toàn cầu. Cái đáng nói nhất của họ là “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” đề ra vào những năm 60 mươi của thế kỉ trước thì họ đã vứt bỏ bằng các cuộc chiến tranh xâm lược Ấn Độ vào năm 1960, Nga vào năm 1969 và Viêt Nam vào năm 1979. Thế giới đã quên nó từ hơn 50 năm nay. Họ luôn nói một đằng làm một nẻo. Nói tóm lại họ là một cường quốc thụ động “giấu mình chờ thời”, né tránh đối mặt với các thách thức toàn cầu và lẩn khuất khi các cuộc khủng hoảng quốc tế bùng phát. Chẳng hạn trong việc giàn xếp các cuộc chiến gần đây, trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong cuộc chiến chống di cư toàn cầu… Thực sự họ đang đứng ở đâu? Không ai biết.
Về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, lĩnh vực mà nhiều người trông đợi họ sẽ trở thành một cường quốc toàn cầu, những tưởng rằng họ sẽ là người đi tiên phong mở đầu cho một xu hướng kinh tế mới, giống như cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, 4.0 bắt đầu từ Hoa Kỳ và phương Tây để dẫn dắt nhân loại đi theo một xu hướng kinh tế mới, hay một mô hình kinh tế mới, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Ảnh hưởng của nền kinh tế này ít hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Tiếng là nền kinh tế lớn thứ 2 theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc đạt 13.608,2 tỷ USD, nhưng bình quân đầu người Trung Quốc mới đạt hơn 10.000 đô la/người/năm, bằng một phần ba Hàn quốc (32.000 đô la/người/năm), chưa bằng một phần tư Nhật Bản (41.000 đô la/người/năm), chưa bằng một phần 6 Mỹ (62.606 đô la/người/năm), không bằng bình quân đầu người của một nước trong khối ASEAN như Malaysia (11.072 đô la/người/năm). Theo một văn bản gần đây nhất của nhà nước Trung Quốc, họ cố gắng phấn đấu đến năm 2020 để thoát khỏi danh sách các quốc gia nghèo. Vì vậy kể cả Trung Quốc có vượt nền kinh tế của Mỹ (hiện nay vẫn kém 7000 ngàn tỷ) thì vẫn chỉ là một quốc gia trong nhóm tốp đầu thế giới thứ 3 (thế giới đang phát triển) mà thôi.
Nền kinh tế của Trung Quốc gần như phụ thuộc vào hàng nghìn tỷ đô la của các nhà đầu tư nước ngoài (theo số liệu của Trading Economics.com là 1.349 tỷ đô). Năm 2018 họ nhận tới 139 tỷ đô la với hơn 60.000 doanh nghiệp đầu tư từ Mỹ, các nước tư bản phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc... Họ là công xưởng sản xuất làm thuê cho thế giới tư bản. Nền kinh tế của họ tạo ấn tượng về lượng, yếu kém về chất (không kể hàng hóa công nghệ cao của các công ty nước ngoài). Mô hình tăng trưởng của họ dựa trên 3 cái thấp. Đó là tiền lương thấp, lãi xuất thấp và tỉ giá đồng nội tệ thấp. Nó đảm bảo cung cấp 3 cái rẻ. Đó là lao động rẻ, vốn, đất đai, tài nguyên môi trường rẻ và chuyển tiền tỷ lệ tiết kiệm lãi xuất cao của người dân thành tín dụng giá rẻ cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Nói chung nền kinh tế của Trung Quốc chỉ là một nền kinh tế gia công, lắp ráp hoặc sản xuất tại Trung Quốc theo dây chuyền công nghệ tư bản hạng hai, rồi sản xuất bắt chước nhằm phục vụ xuất khẩu. Nạn ăn cắp công nghệ, bản quyền, nạn hàng giả, hàng nhái và hàng độc hại tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm cùng với thương hiệu kém, thiếu tính nhân văn: Made in China - hàng “Tầu”. Trong một cuộc họp mới đây, Tổng thống Mỹ Donald trump đứng trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (198 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt) đã lên án Trung Quốc là nước trộm cắp công nghệ, bản quyền trí tuệ, bí mật kinh doanh lớn nhất thế giới.
Sau bốn mươi năm tăng trưởng thần kỳ, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà giảm tốc, thậm chí có thể giảm về con số 1 giống như Nhật Bản. Sự giảm tốc của họ không phải là giai đoạn chuyển đổi sang tốc độ tăng trưởng tự nhiên. Họ đang phải chờ đón sự suy giảm sản xuất, những chấn động về kinh tế và có thể là cả chính trị. Để cố gắng duy trì tăng trưởng, họ đã tạo ra những bong bóng nhà đất, tín dụng và cả bong bóng công nghiệp. Họ liên tục bơm vào nền kinh tế hàng trăm tỷ đô la để làm chậm đà suy giảm. Sự tăng trưởng theo chiều rộng của họ đã tới giới hạn. Nhận ra vấn đề, Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi mô hình tăng trưởng, đi vào chiều sâu với kế hoạch “made in china 2025” sản xuất công nghệ cao, với kế hoạch ‘Vành đai con đường” đầy mờ ám…
Theo các nhà phân tích kinh tế thế giới, Trung Quốc không tạo ra một lĩnh vực mang tính cách mạng nào, một công nghệ mới nào, không sáng tạo hay sản xuất ra một loại hàng hóa mới nào. Trên tất cả họ phụ thuộc vào sự tiêu dùng của Mỹ, châu Âu và các nước xung quanh. Nếu dòng tiền hàng ngàn tỷ đô la bị chặn vì chiến tranh thương mại thì con tàu kinh tế này sẽ trật đường ray. Sự tăng trưởng của họ thực sự đã có vấn đề. Sự tăng trưởng của họ đã che dấu sự lạm phát. Các điều kiện kinh tế liên tục xấu đi. Tốc độ tăng trăng trưởng giảm một nửa. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới Trung Quốc sẽ còn suy giảm sâu hơn nữa bởi ảnh hưởng nợ (Trung Quốc nợ hơn 300% so với GDP), do sự cạn kiệt tài nguyên, sự già hóa dân số (trong hai thập niên tới Trung Quốc mất đi 200 triệu lao động và tăng thêm 300 triệu người già), và cuối cùng là do các cuộc chiến tranh thương mại để đảm bảo công bằng trong cán cân thương mại giữa các nước với Trung Quốc (riêng Việt Nam mỗi năm mất 20 tỷ đô la thâm hụt thương mại với Trung Quốc).
Về quân sự, Trung Quốc vẫn chỉ là một cường quốc khu vực mới nổi. Mặc dầu chi tiêu quân sự năm 2018 của họ lên tới trên 250 tỉ đô la. Họ có lực lượng vũ trang thường trực lớn nhất. Có số lượng máy bay, tàu chiến rất lớn nhất châu Á, có khá nhiều vũ khí tiên tiến sao chép và mua của Nga nhưng họ không có khả năng triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực chứ chưa nói đến toàn cầu. Họ chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài (Mỹ có 200.000 ngàn quân, 800 căn cứ quân sự ở gần 80 quốc gia), không có hệ thống hậu cần hoặc thông tin liên lạc trên phạm vi toàn cầu. May ra họ mới đạt trình độ ở một số lĩnh vực quân sự so với Liên Xô và Mỹ vào thập niên 80, 90 của thế kỉ trước. Thậm chí họ không thể triển khai sức mạnh ra ngoài phạm vi các nước láng giềng ở châu Á (ngoại trừ tên lửa đạn đạo).
Ở châu Á, năng lực triển khai sức mạnh quân sự có ưu thế nhất là hải quân, thì họ cũng chỉ mới triển khai ra khu vực ngoại vi khoảng vài trăm hải lý. Nếu có xung đột ở Hoa Đông hay Biển Đông chưa chắc họ có thể duy trì được về mặt thời gian để chiếm ưu thế. Các nhà phân tích quân sự Đài loan thì nhận định nếu chiến tranh Trung Mỹ thông thường xảy ra thì tất cả tàu bè quân sự của Trung Quốc chưa kịp ra đến lãnh hải thì đã bị Mỹ tiêu diệt hết. Còn năng lực hạt nhân ư? Theo các nhà phân tích quân sự Nga, năng lực hạt nhân của Trung Quốc có khoảng 290 đến 500 đơn vị hạt nhân, không bằng 1/30 của Mỹ (Mỹ có tới 16 ngàn đơn vị hạt nhân), chưa kể bộ ba hạt nhân của Trung Quốc đều quá lạc hậu so với Mỹ. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra chỉ cần 5/14 chiếc tàu ngầm tấn công chiến lược Ohio, mỗi tầu ngầm mang 24 tên lửa Trident 2 không thể đánh chặn, mỗi tên lửa lại mang 8 đầu đạn hạt nhân, những chiếc tầu ngầm của Mỹ nằm ngay trong vùng biển mà Trung Quốc không thể xác định được cũng đủ hủy diệt toàn bộ đất nước họ.
Về khoa học công nghệ, Trung quốc mới đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể nói trong lĩnh vực này họ hoàn toàn ở sân dưới so với các nước phát triển chứ không thể so sánh được với các nước cường quốc như Mỹ, Anh, Đức, Nga, Pháp, Nhật… Đầu tư nghiên cứu và phát triển theo GDP vào năm 2017 Trung Quốc chỉ có 2,0 so với Mỹ là 2,9, Đức là 2,8, Nhật là 3,3. Từ năm 1949 (năm Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời) đến nay, có gần 600 giải thưởng Nobel được trao, người Trung Quốc được 8 giải về khoa học nhưng cả 8 người đều mang quốc tịch Mỹ và làm việc ở nước ngoài. Số lượng các bài viết khoa học đăng ở các chuyên ngành học thuật, học giả Trung Quốc chỉ chiếm 4% trong khi người Mỹ chiếm 49%. Nguồn cung cấp về khoa học công nghệ là các trường đại học nghiên cứu thì trong số 100 trường đại học hàng đầu thế giới Mỹ chiếm tới 70 trường, Trung Quốc chỉ có một trường (Trường Đại học Thanh Hoa).
Nói về quyền lực mềm, tôi cho rằng không những Trung quốc không có sức hấp dẫn mà còn là một minh chứng tiêu biểu cho sự thất bại thảm hại của một cường quốc không có quyền lực mềm. Đó là hậu quả của chính sách sử dụng quân sự trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và thái độ hung hăng, hiếu chiến với láng giềng. Đó là hậu quả của chính sách ngoại giao kinh tế một chiều, hậu quả của các nhà đầu tư của họ ở nước ngoài chỉ biết lợi nhuận cùng với lối cư xử thiếu văn hóa đối với người bản địa. Hơn nữa, lịch sử dân tộc Trung Quốc qua phim ảnh, truyện, kinh kịch cũng chỉ khiến thế giới nhận ra đó là lịch sử mấy nghìn năm của các cuộc nội chiến tàn bạo, nồi da xáo thịt hoặc những cuộc xâm lược độc ác với các nước lân bang nhưng lại thất bại thê thảm trước các thế lực ngoại xâm.
Trung Quốc có thể lật đổ vị trí của Mỹ trở thành một siêu cường? Họ có thể làm được điều đó với một chủ nghĩa xã hội khoa học, văn minh chứ không phải là một chủ nghĩa xã hội đặc sắc kiểu Trung Quốc hiện nay. Thách thức đối với họ quá lớn. Trong khi đó nạn tham nhũng lan tràn tất cả các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương, từ cấp bộ chính trị tới cấp xã, phường. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có tới 50.000 người bị điều tra truy tố tham nhũng. Đến năm 2018 vẫn con số trên nhưng mới chỉ xét xử gần 500 vụ án “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”.
Còn một xu hướng thâm căn cố đế nữa là nạn di cư. Tính đến năm 2018, có xấp xỉ 10 triệu người Trung Quốc đã di cư ra nước ngoài mang theo hơn 3,5 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương với gẩn 50 tỷ đô la Mỹ. Tôi tự hỏi tại sao một đất nước có tốc độ phát triển thần kỳ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà người dân lại bỏ đất nước ra đi lớn thứ tư thế giới, sau các nước châu Phi, sau mấy nước Trung đông chiến tranh? Chưa hết, đa số trí thức và sinh viên ưu tú được đào tạo ở các nước phương Tây đều không muốn trở về Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ giới tinh hoa kinh tế, giới tinh hoa tri thức luôn không tin tưởng vào hệ thống chính trị và hệ thống kinh tế ở trong nước. Vậy thì phải mất bao nhiêu thập niên nữa, trải qua bao nhiêu lần lột xác nữa để Trung Quốc tiến tới một siêu cường?
Tôi không ưa gì nền chính trị cường quyền của Mỹ và cũng chẳng có cảm tình gì với người hàng xóm to tảng luôn mang tư tưởng bành trướng ngàn năm đối với dân tộc Việt. Nếu xét kẻ thù tiềm năng có thể xâm phạm, xâm lược trong tương lai, tôi tin Pháp (cựu thù của Việt Nam) sẽ không quay trở lại Việt Nam. Nhật (cựu thù của Việt Nam) cũng sẽ không quay trở lại Việt Nam. Mỹ (cựu thù của Việt Nam) cũng sẽ không quay trở lại Việt Nam. Còn Ấn Độ, một siêu cường tiềm năng trong tương lai thì chưa bao giờ xâm lược nước nào. Vậy thì cường quốc nào có thể quay trở lại Việt Nam? Tôi tin mọi người Việt đều đã có câu trả lời của riêng mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.