Dã tâm của Trung Quốc khi thông qua bộ luật hải cảnh

Leave a Comment

 Dã tâm của Trung Quốc khi thông qua Bộ luật Hải cảnh

Theo truyền thông Trung Quốc và quốc tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan lập pháp tối cao của Trung Quốc ngày 22/1 đã thông qua Luật Hải cảnh. Bộ luật này cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc đề phòng các mối đe dọa từ tàu nước ngoài (chỉ có TQ đe dọa tàu nước ngoài, các nước như Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaisia, Inđônêsia, các nước có chung đường biên trên biển với Trung Quốc hiện tại chưa nước nào đe dọa họ). Luật nêu ra các trường cụ thể trong đó các loại vũ khí cầm tay, vũ khí phóng từ tàu hải cảnh hay từ trên không được phép sử dụng (biến tàu hải cảnh thành tàu quân sự). Luật cho phép các nhân viên cảnh sát phá hủy các thực thể của nước ngoài xây dựng trên các đảo, thực thể đá mà Trung Quốc đòi chủ quyền (giành giật biển đảo từ các quốc gia láng giềng), đổ bộ và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ( mục đích kiểm soát Hoa Đông và Biển Đông). Luật còn trao quyền hải cảnh thiết lập các vùng cấm tạm thời, một hình thức trá hình của vùng nhận dạng phòng không trên biển (AZIZ) để ngăn chặn, kiểm soát tàu, máy bay các nước khác đi vào “vùng biển của Trung Quốc” (Vùng nhận dạng phòng không tiếng Anh là Air Defense Identification Zone, viết tắt là ADIZ . Trung Quốc cho rằng đó là vùng bầu trời trên biển do họ tự ấn định, đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí, và chịu sự kiểm soát của họ).
Luật Hải cảnh của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Hoa Đông và Biển Đông khi mà Bắc Kinh bị nhiều nước phản đối quyết liệt vì những hành động bành trướng và những đòi hỏi chủ quyền ngang ngược, vô lý. Để ngụy biện cho bộ luật hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm các vùng biển quanh Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo luật trên phù hợp với “các thông lệ quốc tế” (không có cái thông lệ quốc tế nào như vậy cả). Họ giải thích bộ luật này là "cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và các quyền hàng hải của Trung Quốc" (thực ra Bắc Kinh xây dựng luật trong nước nhằm thay thế luật quốc tế để hợp thức hóa mưu đồ bành trướng trên biển bằng vũ lực, để kích động chủ nghĩa dân tộc và để lừa bịp người dân Trung Quốc hiện tại cũng như trong tương lai).
Bộ luật Hải cảnh được thông qua 7 năm sau khi Trung Quốc sáp nhập các cơ quan thực thi luật pháp hàng hải dân sự để thành lập Cục Hải cảnh. Cục này nằm dưới sự chỉ huy của cảnh sát Trung Quốc vào năm 2018. Nó đã trở thành một nhánh của các lực lượng vũ trang dưới vỏ bọc dân sự. Tôi đã chờ đợi xem các tổ chức quốc tế, các nước lớn, các quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á sẽ phản ứng như nào, nhưng mười ngày trôi qua chỉ có giới truyền thông, giới nghiên cứu sôi nổi bàn luận. Còn trên phương diện phát ngôn của các tổ chức quốc tế, các nhà nước, tất cả vẫn “im hơi lặng tiếng”. Phải chăng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ghi điểm? Chắc Bắc Kinh được đà ngông nghênh, tự đắc vì hiện tại không nước nào dám lên tiếng?
Bắc Kinh đã chọn thời điểm cực kỳ hợp lý thông qua Bộ luật Hải cảnh để tránh phản ứng của dư luận quốc tế. Thời điểm này gần như cả thế giới chìm trong sự bùng phát Virus Corona. Mọi sự quan tâm chú ý của chính quyền các nước, nhất là các nước lớn đều hướng vào vấn đề nóng hổi trong nước. Về mặt chính trị, tâm điểm thu hút sự chú ý của cả thể giới và của cả nước Mỹ trong những ngày này là cuộc chuyển giao quyền lực và lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 Joe Bidden. Có thể nói Trung Quốc đã tranh thủ “lén lút” thông qua bộ luật Hải cảnh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Bộ luật Hải cảnh Trung Quốc ra đời trong bối cảnh tất cả các nước có chung đường biên với Trung Quốc đều đang xảy ra tranh chấp chủ quyền (họ cố tình tạo ra tranh chấp rồi giả nhân giả nghĩa đòi “thương lượng hòa bình”), đặc biệt với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. Bắc Kinh đã liên tục điều các đội tàu hải cảnh xâm nhập thềm lục địa của các nước, đuổi tàu cá của các nước, đâm chìm tàu cá của Philippines và Việt Nam.
Mỹ, Australia, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Malaisia, Indonesia… đã gửi công hàm phản đối lên Liên hợp quốc về tuyên bố chủ quyền, về hành động côn đồ trên cái gọi là "đường lưỡi bò phi pháp" của Trung Quốc. Truyền thông quốc tế cũng đồng loạt lên tiếng phản đối. Không lẽ Bắc Kinh im tiếng chịu trận trước quốc dân đồng bào. Họ phản ứng bằng bộ luật Hải cảnh. Đó là câu trả lời của Chính quyền Trung Quốc trước cơ quan đại diện cho 1,4 tỉ dân Trung Quốc, thể hiện “ý chí mạnh mẽ”, “quyết tâm cao độ”, “tầm nhìn chiến lược” cướp nước cướp biển. Và họ rất xứng đáng với cương vị lãnh đạo đất nước trên bước đường thực hiện giấc mơ bành trướng Trung Hoa!
Tôi cho rằng cái lõi của Bộ luât Hải cảnh là nhằm đối phó, ngăn chặn và cảnh báo các nước lớn can dự vào Biển Đông, Biển Hoa Đông. Đồng thời bộ luật này trở thành công cụ bành trướng lãnh thổ (vốn không thuộc về họ) trên biển nhằm giành giật vị trí chiến lược cho cuộc đua siêu cường với Mỹ, nhằm thỏa mãn lòng tham vô độ và giải tỏa cơn khát tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và băng cháy để phục vụ cho sự phát triển của đất nước họ.
Nếu Mỹ và các nước phương Tây cũng như các cường quốc châu Á khác cho tàu quân sự tự do đi vào vùng biển người Trung Quốc ngộ nhận là của họ và nếu xảy ra đụng độ, họ sẽ la làng bị hải quân các nước bắt nạt tàu dân sự. Họ có thể gây ra rủi ro cho tàu chiến nước ngoài, nhưng vẫn không gây ra phản ứng dẫn tới chiến tranh. Nếu là tàu dân sự, có xảy ra đụng độ, họ sử dụng vũ khí từ tàu hải cảnh, từ máy bay giữ thế áp đảo đối phương. Chẳng may tàu các nước bị chìm thì cũng chỉ là sự đụng độ dân sự. Họ tin rằng với biện pháp này họ có thể răn đe, cảnh cáo, buộc các nước phải lùi bước trước ý chí của họ. Trung Quốc đã trắng trợn vi phạm luật quốc tế là không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Họ đã vượt quá giới hạn nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế.
Tôi tin trước mắt Bộ luật Hải cảnh chủ yếu nhằm vào Biển Đông. Bởi vì ở Biển Hoàng Hải và Biển Hoa đông, Trung Quốc chưa dám đối đầu với liên minh Mỹ-Hàn và liên minh Mỹ-Nhật, vì lực lượng chấp pháp của Hàn Quốc và Nhật bản ở vùng biển của họ không thua kém, thậm chí còn trội hơn Trung Quốc. Những điểm tranh chấp với Hàn Quốc và Nhật Bản thường ở xa Trung Quốc. Trung Quốc khó có thể sử dụng “chiến thuật biển người”, “ chiến thuật bầy đàn”, cậy đông bắt nạt. Còn quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện Nhật đang kiểm soát nếu Trung Quốc đổ bộ hoặc tấn công thì chỉ riêng Nhật thôi Trung Quốc cũng không nuốt nổi huống chi quần đảo này nằm trong Hiệp ước An ninh chung Mỹ-Nhật.
Theo bài viết trên trang China News, những kẻ diều hâu ở Trung Quốc cho rằng Trung Quốc là một nước lớn chưa thống nhất, đó là nỗi nhục của “dân tộc Hoa Hạ”, là nỗi hổ thẹn của “con cháu Viêm Hoàng”. Để thống nhất đất nước và bảo vệ tôn nghiêm của dân tộc, trong vòng 50 năm tới, Trung Quốc cần phải tiến hành 6 cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh thứ nhất là cuộc chiến thống nhất Đài Loan giai đoạn 2020 – 2025 (cuộc chiến này tôi không bàn vì đó là vấn đề nội bộ của họ). Nhưng nếu nó xảy ra như dự tính thì họ sẽ bắt đầu cuộc chiến thứ 2.
Cuộc chiến tranh thứ hai là cuộc chiến thu hồi các đảo tại Biển Đông và được tiến hành vào khoảng năm 2025 đến năm 2030. Họ cho rằng sau khi Trung Quốc thống nhất Đài Loan, nghỉ ngơi chỉnh đốn nhiều nhất là 2 năm, trong khoảng thời gian này Trung Quốc tuyên bố với các nước có tranh chấp tại Biển Đông về thời hạn cuối cùng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thu hồi các đảo là năm 2028 (thời hạn cho cuộc chiến này còn 7 năm nữa). Tất cả các nước có thể đàm phán với Trung Quốc trong khoảng thời gian này. Trung Quốc sẽ xuất phát từ quan điểm “láng giềng hữu nghị”, “hợp tác toàn diện” và “phong cách nước lớn” có thể “bảo đảm một phần lợi ích kinh tế” của các nước xung quanh. Nếu các nước không khuất phục, Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thu hồi các đảo, đồng thời tịch thu toàn bộ lợi ích kinh tế, cũng như các khoản đầu tư trên các đảo này (thật bỉ ổi).
Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1956 đến năm 1974. Họ cũng đã xâm chiếm 7 đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và sau đó xâm chiếm một số đảo của Philippines và tiếp tục tạo ra tranh chấp trên biển với Việt Nam, Phillippines, Malaisia, Indonesis, Brunei. Bộ luật Hải cảnh là bước đi tiếp trong kế hoạch độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Với bộ luật này, trong năm 2021 và những năm tiếp theo Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?
1. Tiếp tục xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước trong khu vực; dùng thủ đoạn tạo ra tranh chấp rồi đòi thương lượng hòa bình để giải quyết tranh chấp theo kiểu vừa ăn cướp vừa la làng.
2. Dùng tàu Hài cảnh kiểm soát đường lưỡi bò trên thực địa.
3. Ngăn chặn ngư dân nước ngoài đánh bắt cá trên vùng biển thuộc quyền, chủ quyền của các nước theo luật pháp quốc tế.
4. Ngăn cản và răn đe tất cả các công ty, tập đoàn dầu khí của các nước sở tại và liên doanh với các nước bên ngoài khai thác trên cái đường lưỡi bò tự vẽ ra.
5. Từng bước thay thế luật biển quốc tế bằng luật trong nước.
Bộ luật Hải cảnh của Trung Quốc vừa được thông qua phản ánh rõ tư tưởng bành trướng Đại Hán của giới cầm quyền Bắc Kinh. Tôi nghĩ tất cả các nước phải hết sức cảnh giác. Đúng như cố Giáo sư Trần Đình Hượu đã chỉ ra, chủ nghĩa bành trướng Đại Hán là tư tưởng hiếu chiến, hống hách và ảo tưởng. Đó là hành động xâm lược lãnh thổ được ngụy trang bằng những lời lẽ nhân nghĩa, đạo lý. Bản chất của nó là dựa vào sự lừa dối với những thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Đó là một trong những cách thức làm tăng vị thế của chính quyền Bắc Kinh, cách đẩy mâu thuẫn bên trong ra bên ngoài, lấy ngoài yên trong. Tư tưởng này trở thành nguyên nhân gây ra những hành động phiêu lưu sắp tới nhằm thay đổi hiện trạng khu vực trong tương lai, nhằm hiện thực hóa giấc mơ “Trung Hoa vĩ đại” của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.