Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chờ

Leave a Comment

 Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chờ!

Đợt dịch COVID-19 thứ Tư bùng phát, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội ra Công điện số 06/CĐ-UBND tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19. Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo cho học sinh các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng… trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh từ ngày 4/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Theo biên chế năm học, tuần đầu tháng 5 là thời gian các nhà trường (trừ trường mầm non) tập trung hoàn thành thi cuối năm cho các môn học. Đến tuần 2 của tháng 5 gần như các nhà trường sẽ hoàn thành thi và chấm điểm, lên điểm tổng kết đánh giá đạo đức và xếp loại học tập học sinh. Do dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn nên Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định học sinh các cấp, trừ lớp 9 và lớp 12 tiếp tục học trực tuyến, nghỉ hè từ ngày 15.5, dừng mọi hình thức dạy học. Như vậy là bài kiểm tra cuối năm học sẽ được các nhà trường thực hiện khi nào dịch bệnh được khống chế, học sinh trở lại trường mới tiến hành kiểm tra trực tiếp.
Theo hướng dẫn, Sở GD&ĐT Hà Nội không lựa chọn hình thức kiểm tra trực tuyến cho học sinh với lý do trong điều kiện thực tế, hình thức này “chưa bảo đảm đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh”. Sau quyết định gây tranh cãi này, Hà Nội lại ra một văn bản khác, trong đó cho phép đơn vị nào có đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến thì xây dựng phương án tổ chức kiểm tra định kỳ, nhưng “phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý trực tiếp”(phần lớn các hiệu trưởng không muốn mua rơm buộc rạ vào mình).
Như vậy là tất cả học sinh các trường trên địa bàn thành phố đã “nghỉ học” mà chưa được “nghỉ hè” từ ngày 15/5. Theo chỗ tôi được biết đến ngày 31/5, tất cả các trường tư thục và một số trường công không “máy móc theo công văn” của SGD&ĐT đã cho học sinh thi trực tuyến và tổng kết năm học, còn phần lớn các nhà trường trên địa bàn thành phố chưa hoàn nhiệm vụ năm học, vì chưa hoàn thành kiểm tra cuối năm, chưa tổng kết, đánh giá thì chưa “nghỉ hè” được.
Chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội chính là lý do khiến Hà Nội gần như là địa phương duy nhất mà mỗi trường lại có cách kết thúc năm học khác nhau: nơi nghỉ hè, nơi tạm nghỉ học. Và dẫn đến tình trạng mọi thứ sẽ phải trông chờ vào tình hình dịch, rất bị động.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, may mắn là thời điểm phải nghỉ học, hầu hết học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đều đã hoàn thành bài kiểm tra học kỳ cuối cùng để chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Nhưng với học sinh lớp 5 ở phần lớn các trường tiểu học thì phụ huynh học sinh không an tâm vì con em họ phải nghỉ học mà chưa đủ điều kiện đánh giá cuối cùng để “tốt nghiệp” tiểu học. Điều này cũng khiến cho các trường THCS được phép tuyển sinh lớp 6 theo cơ chế đặc biệt ở Hà Nội như trường tư thục, trường chất lượng cao, trường tự chủ chưa thể ra một thông báo cuối cùng về thời gian tuyển sinh như các năm trước. Nhiều người đã phải thốt lên “giở đi mắc núi, giở về mắc sông”.
Vào thời điểm hiện tại, Hà Nội đã “tiến hành thành công” kỳ thi vào lớp 10. Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến kỳ tuyển sinh vào các trường THCS. Các trường và phụ huynh, học sinh đều phải chờ đợi, mong ngóng sớm quay trở lại trường hoàn thành bài kiểm tra để lấy kết quả kết thúc 5 năm học tiểu học, đồng thời nộp hồ sơ xét tuyển vào một số trường THCS. Và học sinh từ lớp 1 đến lớp 8, học sinh từ lớp 10 đến 11 vẫn chưa có kết quả để tổng kết. Dịch COVID vẫn chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Công việc tuyển sinh và năm học mới thì sắp bắt đầu. Vậy mà Hà Nội vẫn chờ hết dịch để thi!
Thật đáng buồn! Chắc rồi người ta cũng sẽ có cách giải quyết vấn đề theo cách đâm lao phải theo lao, bị động càng bị động cho các khối lớp ở Hà Nội. Nguyên nhân do dịch thì ai cũng rõ rồi. Nhìn ra thế giới, tất cả các nước có nền giáo dục tiên tiến, họ còn bị dịch trầm trọng hơn chúng ta, nhưng có lẽ chẳng có nước nào hết năm học mà không tổng kết đánh giá kết quả năm học. Ngay ở nước ta các tỉnh cũng đã tổng kết, kết thúc năm học. Thủ đô Hà Nội vẫn kiên trì chờ? Sở GD&ĐT Hà Nội không lựa chọn hình thức kiểm tra trực tuyến cho học sinh với lý do trong điều kiện thực tế, như tôi đã trích dẫn, hình thức này “chưa bảo đảm đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh”.
Theo quan điểm của họ, có lẽ cả thế giới văn minh và các tỉnh cho học sinh thi trực tuyến sẽ không đảm bảo đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh? Chẳng lẽ đây là đặc thù của Hà Nội? Qua sự việc này ta thấy có nhiều vấn đề cần bàn.
Thứ nhất là tâm lý “lều chõng” thi cử, điểm số thâm căn cố đế vẫn đè nặng lên cấp cán bộ quản lý ngành GD&ĐT Hà Nội. Chẳng lẽ kết quả năm học lại phụ thuộc vào một vài môn thi 35 phút, 45 phút, 60 phút, 120 phút?
Thứ hai là người ta không tin vào khoa học, công nghệ, không tin vào thi trực tuyến và có lẽ là cả ôn thi trực tuyến. Cứ cái đà này thì liệu 10 năm, 20 năm hay 30 năm giáo dục thủ đô có số hóa được nền giáo dục?
Thứ ba là người ta không tin vào giáo viên, không tin vào phụ huynh, không tin vào học sinh. Chẳng lẽ giáo viên dạy cả một năm không thể đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh mình? Chẳng lẽ tất cả phụ huynh làm bài hộ con em? Chẳng lẽ tất cả các em đều cầu viện người khác làm bài hộ?
Thứ tư là do phương thức tính kết quả bài thi cuối năm rất quan trọng, ảnh hưởng quyết định tới điểm tổng kết môn học nên Hà Nội cân nhắc phải cho học sinh thi trực tiếp.
Suy cho cùng vẫn là tâm lý thi cử chạy theo điểm số. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, nhiều nước phương Tây có nền giáo dục tiên tiến, người ta không thi tốt nghiệp tiểu học, không thi tốt nghiệp THCS, không thi tốt nghiệp THPT, không thi đại học, thậm chí học sinh học trực tuyến không cần đến lớp học (15% học sinh Mỹ từ lớp 1 đến đại học không đến trường vẫn hoàn thành chương trình, có giấy chứng nhận, có bằng tốt nghiệp như học sinh đến trường) thì không biết có phải là họ không biết quản lý giáo dục hay không?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.