Tản mạn xung quanh việc giới khảo cổ Trung Quốc tìm thấy mộ con trai Trọng Thủy

Leave a Comment

 Tản mạn xung quanh việc giới khảo cổ Trung Quốc tìm thấy lăng mộ con trai Trọng Thủy ở Quảng Châu

Tuần trước tôi đọc được một bài viết khá thú vị. Vào năm 1983, người Trung Quốc đã tình cờ tìm thấy lăng mộ Triệu Văn Vương ở chân núi Tương Cương, đường Giải phóng, quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Bài viết khiến tôi phải tìm đọc lại phần Kỷ nhà Triệu trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, đọc lại truyện Rùa vàng trong Lĩnh Nam trích quái tương truyền của Trần Thế Pháp, truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi và một số tài liệu lịch sử có liên quan khác.
Lăng mộ Triệu Văn Vương nằm nằm sâu 17m dưới lòng đất. Khai quật cho thấy lăng mộ có tổng cộng 7 phòng. Trên tường có những bức bích họa vẽ thần Mặt Trời và Mặt Trăng. Trong lăng còn nguyên vẹn khoảng 10.000 di vật như bình đồng, đồ gốm, đồ sơn mài... Đặc biệt là thi thể vua Văn Vương nằm trong bộ áo ngọc dài 1,73 mét, được làm từ 2291 miếng ngọc bích cùng với 15 bộ xương người bị tuẫn táng theo.
Giới khảo cổ Trung Quốc còn tìm thấy chiếc ấn, xác định chủ nhân lăng mộ là vị vua thứ hai của nhà Triệu, Triệu Văn Vương. Tên húy là Hồ, cháu đích tôn của Triệu Đà, con trai của Triệu Trọng Thủy, lên ngôi năm 137 TCN. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, và trước đó là Lê Văn Hưu, người viết bộ sử ký Đại Việt đầu tiên thời nhà Trần, Văn Vương ở ngôi 12 năm, thọ 52 tuổi (hai tác giả này đưa Kỷ nhà Triệu vào Lịch sử Việt Nam).
Tôi không đề cập đến nhà nước Nam Việt của Triệu Đà, một vấn đề lịch sử gây nhiều tranh cãi trong giới sử xưa và nay. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Triệu Trọng Thủy, con trai Triệu Đà, con rể An Dương Vương đã qua đời trước Triệu Đà (theo truyền thuyết Trọng Thủy chết ở giếng Cổ Loa) nên sau khi Triệu Đà chết, con của Trọng Thủy là Triệu Hồ/Mạt được chọn làm người kế vị vua Nam Việt.
Về người mẹ đã sinh ra Triệu Văn Vương, nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu có phải Triệu Văn Vương là con của công chúa Mỵ Châu? Đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp, vì hiện không có tài liệu nào cho biết mẹ của Triệu Văn Vương là ai. Sử Trung Quốc chỉ coi Triệu Đà là một viên tướng của Tần Thủy Hoàng, nhân lúc nhà Tần suy yếu, cát cứ vùng đất Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay, lập ra nhà nước Nam Việt, nên không không đưa chi tiết về các vị vua thuộc nhà Triệu vào sử Trung Quốc.
Trong cuốn Thiên Nam ngữ lục, tác phẩm khuyết danh viết bằng chữ Nôm ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII, có ghi lại Mỵ Châu có một người con trai. Cậu bé được ông ngoại là An Dương Vương rất yêu quý. Nhà vua còn dự tính sau này sẽ truyền ngôi vị cho cháu. Tuy nhiên, cậu bé đã được Trọng Thủy đưa về nước. Trọng Thủy lấy lý do đưa con về ra mắt thăm cha mẹ; đề phòng có người nối dõi dòng họ khi hai nước xảy ra chiến tranh (tôi không biết tác giả khuyết danh lấy tư liệu lịch sử này từ đâu hay là hư cấu).
Sở dĩ nêu chi tiết câu chuyện cách đây hơn 21 thế kỷ vì nó liên quan đến một kỷ niệm cá nhân của tôi thời sinh viên. Và cũng chẳng hiểu sao cái kỷ niệm đã chôn vùi gần 50 năm, nay bỗng ùa về.
Hồi đó trong phòng tôi có hai sinh viên đặc biệt. Một là thanh niên xung phong. Một là sỹ quan chuyển ngành. Còn tôi cũng mới chân ướt chân ráo từ quân đội chuyển về trường sư phạm. Ngay từ những ngày đầu tôi đã gần gũi với các anh. Cả hai đều là cán bộ đảng viên, một là bí thư liên chi đoàn khoa, một là phó bí thư đoàn trường.
Ban đầu họ có quan hệ hệ với nhau bình thường như với bao giáo sinh khác. Nhưng sự khác biệt về tính cách, sự cạnh tranh trong môi trường mới khiến họ bằng mặt không bằng lòng. Sau một số va vấp, họ trở nên mặt giăng mặt giời. Gần gũi với hai người, tôi ở giữa giống như người mắc kẹt. Người này chỉ trích nói xấu người kia, không chỉ bêu nhau về cuộc sống riêng tư mà còn xía vào cả việc sinh hoạt, học tập và công tác của nhau.
Tôi không thể nào dàn xếp, dung hòa. Họ như hai con hổ trong một khu rừng. Thậm chí một anh bạn còn nói với tôi “em không cần trung gian hòa giải. Anh đã rút gươm ra thì sẽ không bao giờ cho vào bao trước”. Tôi rất buồn. Vì ở chiến trường họ đều là những người đồng đội, đồng chí không sợ hy sinh, gian khổ, không hề tính toán thiệt hơn. Cả hai đều được thưởng huân, huy chương. Vậy mà họ đã tranh đấu với nhau một mất một còn.
Sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai người bắt đầu từ việc tranh luận về câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy, một chuyên đề mà thầy Trần Ngọc phụ trách bộ môn văn học dân gian giao cho sinh viên các lớp. Bài học chủ quan mất cảnh giác dẫn đến thảm họa mất nước thì mọi người ai cũng thống nhất. Nhưng sự khác biệt trong cách đánh giá từng nhân vật trong truyền thuyết đã kéo theo sự chia rẽ của sinh viên trong các phòng nội trú thành nhiều phe.
Mâu thuẫn tích tụ lâu ngày giữa họ đã đẩy mỗi người trở thành thủ lĩnh đứng đầu hai phe chính. Một phe cho rằng Mỵ Châu-Trọng Thủy chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh, nạn nhân của tham vọng bành trướng. Và Mỵ Châu là cô gái hoàn toàn trong trắng, ngây thơ vô tội. Một phe thì cho rằng Mỵ Châu- Trọng thủy là một trong những nhân tố dẫn đến nhà nước Âu Lạc diệt vong. Họ là hai kẻ tội đồ của dân tộc.
Tranh luận vượt ra khỏi phạm vi tác phẩm văn học dân gian. Mỗi bên đều viện dẫn đến lịch sử, những dị bản truyền thuyết Rùa vàng, những câu chuyện không chính thống lưu truyền trong dân gian. Có người còn đưa ra cả nội dung một số bức hoành phi câu đối của những bậc đại nho còn lưu lại trong đền thờ An Dương Vương và am Mỵ Châu ở Cổ Loa để bảo vệ quan điểm của mình.
Tôi lấy từ nhà ông chú khoảng hơn chục cuốn Tạp chí Nghiên cứu Văn học từ những năm 1960 đến đầu những năm 70, nhiều bài viết liên quan đến câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy. Các phe, nhất là hai anh bạn đều mượn của tôi sao chép, nghiền ngẫm. Quan điểm thống nhất thì họ bỏ qua, những khác biệt về quan điểm, về việc đánh giá các nhân vật trong truyền thuyết của những văn nghệ sỹ và nhà phê bình có tầm cỡ, có tên tuổi thì đều được họ trích dẫn để phản bác nhau, không bên nào chịu bên nào.
Thầy Trần Ngọc vừa là người bình giảng, phân tích tác phẩm vừa là trọng tài. Cuối cùng câu chuyện cũng ngã ngũ, người đúng người sai, người vừa đúng vừa sai, ai nấy đều tự nhận thức được nội dung ý nghĩa của truyền thuyết. Nhưng mâu thuẫn giữa hai anh bạn tôi không dừng lại ở lĩnh vực học thuật. Họ bắt đầu nâng quan điểm về ý thức hệ. Nào là không có lập trường tư tưởng. Nào là mơ hồ trong quan điểm. Nào là để tình cảm đánh mất lý trí. Nào là trình độ chỉ đến vậy…
Khoảng một tháng sau sự việc trên, tôi được một trong hai anh bạn mời đi cà phê tối tại một quán ở Cầu Giấy. Anh thông báo cho tôi biết sẽ chuyển đến Trường Đại học Bách khoa hoặc học dự bị tại Đại học Tổng hợp với tư cách Quân đội gửi đi học. Đáng lẽ ra anh ấy phải mừng vì đã có cơ hội học ở những ngôi trường nghiên cứu danh tiếng, nhưng anh lại buồn rầu nói với tôi: “Sai lầm về học thuật khiến mình thua cuộc. Nó đã thắng. Thú thực là mình phải ra đi”.
Đêm đó là đêm gần như chúng tôi tạm chia tay nhau. Anh nói với tôi suốt mấy tuần, anh đã đọc rất nhiều tài liệu ở Thư viện Quốc gia. Anh cho rằng để hiểu một tác phẩm còn phải cẩn nghiên cứu kỹ bối cảnh lịch sử đã sản sinh ra nó và không nên bị chi phối bởi người khác. Anh đề cập nhiều đến nhân vật Cao Lỗ/Nỗ. Qua đối chiếu các nguồn thư tịch, anh cho rằng Cao Lỗ mất năm 179 trước Công nguyên. Ông là danh Tướng của Thục Phán An Dương Vương, sinh ra tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay (thời Hùng Vương là bộ Vũ Ninh).
Cao Lỗ là người đã sáng chế ra nỏ liên châu (bắn một lần phóng ra nhiều mũi tên), trong truyền thuyết gọi là nỏ thần. Chính Cao Lỗ đã khuyên An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng (một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng kinh đô ban đầu của An Dương Vương ở Cao Bằng), và ông được An Dương Vương giao cho nhiệm vụ phụ trách xây dựng thành Cổ Loa.
Vì có công lớn nên Cao Lỗ được giữ chức vụ đứng đầu triều đình. Ông đem lòng yêu công chúa Mị Châu, con gái An Dương Vương, nhưng Mị Châu chỉ để ý đến Trọng Thủy, con trai Triệu Đà, người nhiều lần đi sứ cầu hòa An Dương Vương. Triệu Đà nhận thấy Âu Lạc hùng mạnh, không thể đánh bại bằng quân sự, nên dùng mưu kế cho con là Trọng Thủy ở rể lấy công chúa Mị Châu để do thám tình hình, tìm bí mật về tổ chức quân sự, trong đó có bí mật về nỏ liên châu. Cao Lỗ ra sức can ngăn An Dương Vương không cho Mị Châu lấy Trọng Thủy. An Dương Vương không nghe theo và bắt đầu nghi ngờ ông từ đó.
An Dương Vương quyết định kết thông gia với Triệu Đà. Ông tin rằng cuộc hôn nhân hòa hiếu này sẽ tránh được chiến tranh xâm lược với Nam Việt (cuốn sách đầu tiên ghi việc Trọng Thủy lừa dối Mị Châu là cuốn Giao châu ngoại vực ký quyển 14). Rõ ràng ông đã hoàn toàn sai lầm, không đánh giá đúng về kẻ thù. Sau khi hoàn thành công việc được giao, Trọng Thủy trở về Nam Việt trình lên vua Nam Việt Vương Triệu Đà tất cả nội tình và bí mật quốc phòng của Âu Lạc.
Quân Triệu Đà mở cuộc tấn công xâm lược, nhưng không giành ngay được thắng lợi. Nỏ liên châu của Âu Lạc không còn phát huy tác dụng như trước vì quân Triệu Đà đã có cách chống lại. An Dương Vương ngờ rằng Cao Lỗ đã để lộ bí mật quân sự, lại thêm một số quyền thần vốn ghen ghét sàm tấu khép ông tội chém. Khi luận tội, vì Cao Lỗ có công lớn nên triều đình chỉ bãi chức, đầy ông lên vùng biên ải Lạng Sơn.
Bị oan ức không thể giãi bầy, thêm tính cương trực không chịu khuất phục, khi đến nơi, Cao Lỗ đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau khi ông chết, ngày 25/5 năm Nhâm Thân (năm 179 trước CN), triều đình chia rẽ, quân đội Âu Lạc không có Cao Lỗ thống lĩnh đã thất bại hoàn toàn trước sức tấn công của quân Nam Việt Triệu Đà vào năm Giáp Tý (năm 177 trước CN).
Theo Đại Việt sử Ký toàn thư và Giao Châu ngoại vực ký, An Dương Vương thua chạy đem theo con gái Mị Châu. Trên đường trốn chạy, như ước hẹn, Mị Châu đã rắc lông ngỗng để báo cho Trọng Thủy tìm theo. An Dương Vương chạy cùng đường, phía trước là biển không thuyền. Rùa vàng nổi lên mặt nước mắng: Kẻ ngồi sau lưng là giặc đấy. Trước khi theo Rùa vàng xuống biển, An Dương Vương đã chém Mị Châu. Đây chính là cái cốt cho truyền thuyết Mị Châu-Trọng Thủy nổi tiếng trong văn học dân gian Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay.
Cái đêm hôm chia tay anh bạn tôi kết luận: “Trọng Thủy là một tên gián điệp xảo quyệt. Không chỉ do thám nội tình, ăn cắp bí mật quân sự của Âu Lạc mà còn là kẻ ly gián triều đình, lừa dối Mỵ Châu để truy sát An Dương Vương. Mỵ Châu dù có vô ý, nhưng nàng đã lấy bí mật quốc gia trao cho Trọng Thủy, và dù có vô ý nàng rắc lông ngỗng đánh dấu đường cho chồng thì vẫn là kẻ nối giáo cho giặc giết hại cha. Họ không thể là nạn nhân của chiến tranh. Họ là tội phạm chiến tranh. Vậy mà chỉ vì mình ghét”nó”, lú lẫn cho rằng Mỵ Châu- Trọng Thủy là nạn nhân của chiến tranh”.
Chuyện về hai anh bạn tôi thì đã qua lâu rồi, nhưng chuyện về nhà nước Nam Việt của Triệu Đà và lăng mộ của Triệu Văn Vương thì vẫn còn mang tính thời sự. Đối với người Việt Nam thì Tần Thủy Hoàng, Triệu Đà, Hán Vũ Đế cho đến Đặng Tiểu Bình (kẻ phát động cuộc chiến tranh biên giới năm 1979) đều là những kẻ ngoại bang xâm lược. Chúng đều giống nhau về bản chất bành trướng, dã man, tàn bạo, thâm độc.
Sau khi phát hiện và khai quật mộ Triệu Văn Vương, Trung Quốc tiến hành dựng tượng và xây dựng bảo tàng Triệu Văn Đế ở Quảng Châu, trưng bày một kho báu khổng lồ các hiện vật lịch sử. Khách du lịch Việt đến thăm còn được nghe họ giới thiệu về câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy, “một thiên tình sử diễm lệ của hai nước Việt Trung”. Tên “nam nhân kế” lừa gạt, trộm báu vật, giết cha, cướp nước lại là một nhân vật được ngợi ca đã làm nên thiên tình sử. Có lẽ đó là cái gu thẩm mỹ của những kẻ bành trướng đại Hán. Họ còn thả thính cho rằng có khi thân mẫu của Triệu Văn Vương là công chúa Mỵ Châu. Sử sách Trung Quốc còn truyền bá quan điểm người Việt Nam thời cổ là người Lạc Việt, thuộc tộc Bách Việt trong cộng đồng Hán tộc.
Hiện tại Bắc Kinh đang dùng quan điểm này để phục vụ mục đích chính trị. Nhiều học giả Trung Quốc còn trách tổ tiên họ đã thống trị người Việt gần 1000 năm rồi mà còn để vuột mất Việt Nam. Nhân dân nhật báo Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc có lần đăng bài “Trung Quốc khuyên Việt Nam lãng tử hồi đầu”, thâm ý muốn nói Việt Nam vốn là con em trong đại gia đình Bách Việt, nay nên “hồi đầu” đại gia đình xưa.
Chúng ta cần cảnh giác bác bỏ luận điệu thâm hiểm này và khẳng định một sự thực lịch sử: Người Việt bao gồm 54 dân tộc-Việt Nam không phải là hậu duệ của người Bách Việt Trung Quốc. Việt Nam là một quốc gia, cũng như Trung Quốc là một quốc gia. Mọi tham vọng bành trướng, mưu đồ thôn tính lãnh thổ đều bị chôn vùi giống như đã bị chôn vùi ở Như Nguyệt, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa và gần đây nhất là ở biên giới phía bắc.
Nguyễn Thị Điệp, Hang Nguyen và 282 người khác
179 bình luận
79 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.