Tướng Nguyễn Minh Long

Leave a Comment

 Tướng Nguyễn Minh Long

Vào những ngày giãn cách COVID-19 tôi tranh thủ xem lại bản thảo, bản dịch cuốn “Địa ngục trên đỉnh đồi” (Hell on a hill top) của Thiếu tướng Mỹ Benjanim L. Harison . Cuốn sách này tôi đã dịch xong mấy tháng trước nhưng chưa đọc sửa lại. Tác giả cuốn sách nguyên là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Dù 101 trong cuộc bao vây phong tỏa và tháo chạy khỏi Căn cứ Hỏa lực Ripcord (phía Việt Nam gọi là Chiến dịch 935-Cốc Bai), một trong năm trận đánh kinh điển của Quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Cuốn “Địa ngục trên đỉnh đồi” đề cập đến những vấn đề xung quanh trận chiến lớn cuối cùng của Quân đội Mỹ tại Thung lũng A Sầu, A Lưới Thừa Thiên vào tháng 7 năm 1970. Mỗi lần dịch cuốn sách tôi lại nhớ đến Tướng Nguyễn Minh Long. Vào đầu những năm 2000, Tướng Minh Long nghe tin Thiếu tướng Mỹ Benjamin L. Harison lên Cao Bằng phỏng vấn Tướng Chu Phương Đới (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 trong Chiến dịch A Bia năm 1969 và Chiến dịch 935-Cốc Bai năm 1970) và có tặng Tướng Đới cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây” (Screaming Eagles under the siege) của tác giả Keith Noland. Tướng Minh Long lập tức lên Cao Bằng vừa thăm “Thủ trưởng Đới”, người bạn, người đồng chí vừa mượn cuốn sách để nhờ người dịch.
Lên Cao Bằng Tướng Minh Long được biết Tướng Đới đã đưa cuốn sách cho Tướng Võ Chót. Tướng Minh Long cùng với anh bạn tôi là Nguyễn Đình Tới, từ Hà Nội lặn lội vào Nghệ An và sang Lào gặp “anh Chót” (Tướng Võ Chót làm kinh tế bên Lào) để lấy lại cuốn sách. Đáng tiếc Tướng Võ Chót lại đưa cuốn sách cho một người khác nhờ dịch. Và cứ thế cuốn sách thất lạc mất tăm.
Lần nào gặp anh Tới Tướng Minh Long cũng ca cẩm về việc người ta đã đánh mất một cuốn sách quý. Tôi không biết lý do tại sao Tướng Minh Long lại sốt sắng quan tâm đến cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây” và cuốn Đồi Thịt Băm” (Humburger Hill) như vậy. Tôi biết ông có trình độ lý luận quân sự, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực tế ở các chiến trường, nên thời gian cuối cuộc đời binh nghiệp (từ tháng 6/1984 đến tháng 2/1996), ông được điều động về làm Phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Có lẽ “bệnh nghề nghiệp” khiến ông luôn có ý thức muốn biết rõ về kẻ địch về ta để còn có thể góp phần tham gia xây dựng kế hoạch cho cơ quan tác chiến chiến lược của quân đội. Ông thường hay đọc sách về quân sự, nhất là những cuốn sách của kẻ địch viết về chiến tranh Việt Nam.
Trong chiến trường, anh em chiến sỹ Trung đoàn 3 chúng tôi ít người biết về “Thủ trưởng Minh Long”. Mọi người thường gọi ông là Minh Long để phân biệt với Tướng Nguyễn Nam Long (Đoàn Văn Ưu), nguyên Tư lệnh phó Quân khu Trị Thiên, một trong 34 chiến sỹ trong Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Minh Long là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2 vào những năm 1970, cùng trang lứa với hai trung đoàn Trưởng huyền thoại của Sư 324, Trung đoàn trường Trung đoàn 1 Vũ Thế Đào và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Ma Vĩnh Lan. Ba trung đoàn này dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Chu Phương Đới, “một chiến binh vĩ đại, một chiến binh đáng được chiêm ngưỡng” trong hai trận đánh trên Đồi A Bia và điểm cao 935 theo như nhận xét của Thiếu tướng Mỹ Benjamin L. Harison.
Là người Hà Nội, ở Hà Nội (sau mới chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh), khi nghỉ hưu Tướng Minh Long thân thiết với nhiều anh em cựu chiến binh Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 tại Hà Nội như anh Phạm Công Thắng, anh Nguyễn Đình Tới, anh Nguyễn Xuân Lập… Ông gắn bó với các cựu chiến binh vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu liên quan đến việc đi tìm mộ của hàng trăm anh em liệt sỹ. Cũng chính vì vậy mà anh em chúng tôi mới có điều kiện hiểu biết cuộc sống riêng tư của ông.
Nguyễn Minh Long sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hà Nội. Mười lăm tuổi giác ngộ cách mạng gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc; gia nhập Đội Tự vệ chiến đấu Thủ đô vào tháng 5/1945 và tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám tại Hà Nội năm 1945.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu , Nguyễn Minh Long được Đảng, Quân đội giáo dục, bồi dưỡng về chính trị và quân sự rất cơ bản. Ngoài việc được đào tạo tại Trường Sỹ quan Trần Quốc Tuấn (phía Nam), Nguyễn Minh Long còn là một trong những cán bộ được giới thiệu sang học tập ở Học viện Mác- Lênin Bắc Kinh, Trường Bộ binh Cao cấp Thạch Gia Trang Trung Quốc (năm 1949-1952). Hòa bình lập lại ông được cử sang học tại Học viện Quân sự Phrunde từ năm 1962 đến 1964. Và cuối cùng là Học viện Quân sự Vôrôxilốp ở Matxcơva (Liên Xô) năm 1980.
Với kiến thức lý luận chính trị, quân sự vững vàng, Nguyễn Minh Long còn kinh qua thực tế chiến đấu trên các chiến trường ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Ông đã trải qua các chiến dịch trong chiến cục Đông Xuân năm 1953-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ; trực tiếp tham gia các chiến dịch đánh Mỹ tại Mặt trận Đường 9- Bắc Quảng trị cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh… Từ một chiến sỹ, cán bộ chiến đấu ở đơn vị cơ sở trưởng thành đến chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, Tướng Minh Long không quản ngại gian nan, nguy hiểm, luôn đi sâu đi sát đơn vị, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công .
Anh em cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 vẫn còn nhớ như in thời gian khi trung đoàn 3 và Sư đoàn 304 cùng một số đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ “viên ngọc đầu rồng” Thượng Đức, mở cánh của thép của ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn xuống thành phố Đà nẵng vào đầu tháng Sáu năm 1974. Tướng Minh Long lúc đó là Tư lệnh phó Sư đoàn, Tham mưu trưởng sư đoàn 324. Ông được các cấp tin tưởng giao nhiệm đi cùng Trung đoàn 3, và là thành viên của Bộ Tư lệnh Chiến dịch K711 giải phóng Chi khu Quân sự Thượng Đức.
Thời gian đoàn cán bộ Trung đoàn 3 đi trinh sát thực địa lập kế hoạch tác chiến, với cương vị của mình, ông chỉ cần giao nhiệm vụ, nhắc nhở nội dung cần chuẩn bị khi trinh sát như việc nắm chắc địa hình, đường xá, vị trí địch và dự định vị trí bàn đạp tấn công, cơ sở hậu cần của ta trên bản đồ. Không chỉ chỉ dẫn cán bộ chiến sỹ chi tiết, ông còn trực tiếp đi trinh sát thực địa cùng tập thể cán bộ trung đoàn, đứng đầu là Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn và đơn vị trinh sát.
Gần một tuần đi trinh sát địa hình chung và địa hình cụ thể, ông trực tiếp sử dụng ống nhòm quan sát trận địa của địch. Ông cùng cán bộ cấp trung đoàn bò, trườn, leo lên điểm cao 1062, bình độ 700, sân bay An Định… Cả tuần trời nắng như đổ lửa. Cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung khiến mồ hôi mọi người đều bị vắt kiệt. Đặc biệt xuống khu vực giáp ranh đầy cỏ tranh sắc như dao cứa, không khí khô khốc như rang và khét lẹt mùi đạn bom mìn. Tình huống cực kỳ nguy hiểm. Chỉ sơ sẩy một chút thì lĩnh đủ bom đạn của địch. Hậu quả thật khôn lường.
Khoảng 12 giờ trưa, đoàn cán bộ chiến sỹ bỏ cơm vắt ra nhưng không ai động đến. Nước trong bình tông đã cạn. Cổ họng ai nấy đều khô đắng. Quá mệt mỏi. Tư lệnh phó Minh Long là người cao tuổi nhất đoàn. Nhiều cán bộ gọi ông là thủ trưởng, là anh, một số lính trẻ gọi bằng bác, bằng chú. Ông bảo vệ binh ra suối đem về một bình tông, rồi nghiêng bình đổ nước ra bát hòa cùng mắm kem (nước mắm cô đặc) và bẻ từng miếng cơm hòa nước ăn ngon lành. Tất cả mọi người học theo, đều ăn hết cơm rồi lại xuống bìa rừng tiếp tục công việc…
Với 68 năm phục vụ cách mạng, 66 năm tuổi Đảng, 51 năm phục vụ trong quân ngũ, Tướng Minh Long được Nhà nước và Quân đội giải quyết nghỉ hưu. Ông đã làm tròn trách nhiệm của một Đảng viên chân chính, làm tròn trách nhiệm vinh quang của một quân nhân trong ba cuộc kháng chiến, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với hai nước bạn Lào và Campuchia. Ông xứng đáng được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Nhưng ngay sau nghỉ hưu, ông xác định cho mình một hướng đi mới, một ngã rẽ trong cuộc đời để làm tròn trách nhiệm với anh em đồng đội. Nghỉ hưu ông gần như không có thời gian rảnh cho riêng mình. Hàng chục năm ròng rã tiếp theo cuộc đời binh nghiệp, ông cùng anh em cán bộ chiến sỹ đi tìm mộ phần của đồng đội, những người đã ngã xuống, đã ngủ yên trong lòng đất mẹ mà chưa trở về với gia đình.
Từ Điện Biên Phủ đến thành cổ Quảng Trị, từ Đường 9 Nam Lào đến dọc miền tây Quảng Trị, Thừa thiên trên đại ngàn Trường Sơn, từ Thượng Đức cho đến biên giới biên giới Tây Nam của Tổ quốc... dấu chân ông và đồng đội tiếp tục bước theo những dấu chân của thời trai trẻ. Có những đợt đi dài cả tháng vẫn không tìm thấy một phần mộ hay thông tin gì về những người đã ngã xuống. Ông không không nản chí. Trời nắng cũng như trời mưa, ngày hè cháy bỏng, oi nồng cũng như ngày đông giá rét, mưa phùn, khi có thông tin về phần mộ ở đâu ông lại cùng anh em lặn lội đi thu thập, xác minh.
Tôi còn nhớ vào những ngày hè đầu tháng Bẩy năm ông 73 tuổi, vào tháng có ngày kỷ niệm 27/7, Tướng Nguyễn Minh Long và đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, thăm điểm cao 544 ở miền tây Quảng Trị. Đầu đội mũ tai bèo, vai đeo balô, tay chống gậy, ở cái tuổi đó ông vẫn cùng mọi người băng rừng vượt suối, đến nơi trước đó 38 năm, nơi diễn ra trận đánh chiếm điểm cao gay go ác liệt với một đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ có máy bay phản lực, trực thăng vũ trang, phi pháo hỗ trợ. Nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm xuống. Trong số đó nhiều chiến sĩ vẫn chưa biết phần mộ đang ở đâu. Đôi mắt ông mờ nhòe điểm tên từng liệt sỹ. Ông nói với anh em như nói với chính mình: “Bây giờ, dưới màu xanh bạt ngàn này, không biết các anh nằm ở chỗ nào”...
Ông đã đề nghị đoàn dừng cuộc hành trình. Liên hệ với huyện đội Hướng Hóa tổ chức việc tìm kiếm theo trí nhớ của mình. Suốt mấy ngày sau đó, ông và đồng đội đã tìm thấy nhiều phần mộ. Đôi bàn tay ông run rẩy, nâng niu từng đốt xương, kính cẩn gói ghém đặt vào tiểu, tự tay phủ quốc kỳ Tổ quốc lên.
Cứ thế ròng rã hàng chục năm. Số phần mộ mà ông và đồng đội tìm thấy đã xấp xỉ con số 1.000. Trong đó có nhiều phần mộ có tên, có quê quán cụ thể. Ông tâm sự với anh em: “Mình sống trở về với gia đình vợ con. Đồng đội mình thì lạnh lẽo nằm lại các chiến trường, không một nén hương, thử hỏi làm sao yên lòng được. Có sống thêm bao nhiêu cuộc đời nữa cũng đâu đủ trả hết món nợ này”.
Tướng Minh Long luôn đau đáu cho rằng mình còn món nợ với nhiều bà mẹ, nhiều người vợ và những người con chưa tìm thấy phần mộ của người thân. Đó là nỗi niềm day dứt trong lòng. Ông giãi bày: “Khi nào còn đồng đội chưa trở về được quê mẹ thì hành trình của anh em mình vẫn còn tiếp tục nhé”.
Gần gũi với Tướng Minh Long mới thấy ông quen với lối sống kham khổ, rất giản dị, khiêm tốn, hòa đồng với mọi người. Lần cuối tôi gặp ông vào chiều muộn ngày 19/4/2007. Tôi biết từ ngày 20/ 3/2007 đến ngày 14/4/2007 ông lên Cao Bằng chăm sóc Tướng Chu Phương Đới bị bệnh nặng, giống như người em, giống như người bạn, người đồng chí sống chết có nhau, thời chiến cũng như thời bình. Thấy Tướng Chu Phương Đới có vẻ ổn, ông định về nhà khoảng một tuần để giải quyết việc riêng gia đình.
Ngày 19/4 Tướng Minh Long vừa mới về đến nhà ở thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được tin Tướng Đới trở bệnh nặng, có lẽ không qua khỏi. Ông lập tức bay luôn ra Hà Nội. Anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 chúng tôi cũng nhận được tin, cấp tốc thuê xe lên Cao Bằng vào ngày 20/3, hy vọng cùng với Tướng Minh Long lên Cao Bằng kịp thăm Thủ trưởng Đới.
Không ngờ từ sân bay về Hà Nội, không nghỉ ngơi, Tướng Minh Long vội vã gặp một vài anh em trong ban liên lạc, thông báo ông phải đi trước. Ông sợ để đến hôm sau nhỡ Tướng Đới ra đi đột ngột thì ông sẽ “ân hận suốt quãng đời còn lại”. Không chỉ là tình nghĩa anh em như ruột thịt, tình bạn chí cốt, tình đồng chí suốt bao năm trời sống chết có nhau, Tướng Chu Phương Đới với ông còn là “Tướng của các vị Tướng”. Ông không thể vắng mặt vào phút Tướng Đới lâm chung.
Chúng tôi tiễn Tướng Minh Long ra bến xe đi Cao Bằng khi ông chưa ăn cơm chiều. Ai nấy đều áy náy, không thể níu kéo ông ở lại ăn vội một bát phở. Ông khoác chiếc ba lô dãi dầu, tay cầm chiếc túi mang theo hai chiếc bánh mỳ cùng một chai nước lọc, bước lên cửa xe khách, quay lại vẫy vẫy “mình đi trước nhé. Hẹn gặp lại các cậu sau”.
Ngày 21 chúng tôi đến xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng. Không kịp tắm rửa, không kịp ăn uống. Mọi người chỉnh đốn lại quân phục, qua rặng tre, xoan, tường rào duối bước vào ngôi cấp 4 ba gian đơn sơ như bao ngôi nhà của người Tày. Tướng Minh Long ngồi trên chiếc giường ôm đỡ Tướng Đới ngồi dậy.
Kể từ hôm Thủ trưởng Đới nằm ở Viện 108, Viện Y học Dân tộc cổ truyền, hôm đó chúng tôi mới gặp lại. Ông gầy sọp. Trông ông yếu lắm rồi, không tự ngồi dậy được và cũng không nói được nữa. Tướng Minh Long thông báo: “Nghe tin đại diện anh em cựu chiến binh các trung đoàn ở Hà Nội lên thăm, Thủ trưởng vui lắm. Hôm qua Thủ trưởng còn nói với tôi “Chú phải đỡ tôi dậy để anh em bắt tay tôi. Có mấy tướng nào được như tôi, trước khi đi xa nhiều cán cán bộ, chiến sỹ năm xưa từ Hồ Chí Minh đến Hà Nội vẫn đến”…
Tướng Minh Long nghẹn ngào. Ông đã đúng khi vội vàng lên Cao Bằng. Ông ra hiệu cho chúng tôi lần lượt đi đến. Chúng tôi từng người nắm tay Thủ trưởng Đới. Đến lượt tôi, tôi chúc ông nhanh chóng khỏe mạnh, để lần sau chúng tôi còn lên thăm ông, cùng ông đi thăm lại hang Pác Pó, thác Bản Giốc như ông đã hứa. Bàn tay ông khẽ nắm tay tôi, dường như không muốn rời ra. Đôi mắt ông nhìn tôi rất lạ, giống như ánh mắt níu kéo của cụ tôi, bà tôi, mẹ tôi nhìn tôi trước lúc đi xa. Linh cảm mách tôi chuyện chẳng lành. Đúng như vậy, khoảng nửa đêm hôm đó ông mất.
Tướng Minh Long tuổi đã cao nhưng sức khỏe không suy giảm nhiều. Ông vẫn đi đến các địa điểm trong Nam ngoài Bắc, tặng quà, lấy tiền hưu của mình giúp các gia đình thương bệnh binh khó khăn; đồng thời thường xuyên đến thăm nom anh em bè bạn, đồng chí lúc trái nắng trở trời. Sau chuyến ra Hà Nội sửa sang phần mộ bố mẹ, ngày 3/6/2013 ông bị đột quỵ, không ốm đau, mất tại nhà.
Năm 2016 anh Phạm Công Thắng đến nhà lấy hai cuốn sách tôi tặng anh, hai cuốn sách tôi dịch xong từ năm trước, cuốn “Đồi Thịt Băm” và cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây”. Hôm sau, Anh Thắng bay vào thành phố Hồ Chí Minh dự ngày kỵ nhật Tướng Minh Long và dâng hai cuốn sách lên bàn thờ ông. Tôi rất tiếc ông đã về với tổ tiên, với đồng đội, không kịp đọc hai cuốn sách mà ông rất thích.
Còn một cuốn sách Tướng Minh Long chưa biết đến. Đó là cuốn “Địa ngục trên đỉnh đồi” như tôi viết ở phần đầu. Cuốn sách này viết về những trận đánh, đặc biệt là những trận đánh trong chiến dịch 935-Cốc Bai mà ông đã trực tiếp, gián tiếp chỉ đạo. Tôi nghĩ ở dưới suối vàng, ông vẫn còn quan tâm đến những gì liên quan đến Sư đoàn 324 như lúc sinh thời. Tôi sẽ cố hoàn chỉnh cuốn sách trong thời gian dịch dã này để gửi anh em đồng đội, khi nào có dịp dâng lên bàn thờ ông như một nén tâm nhang với một vị tướng mà tôi vô cùng kính trọng!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.