Trường THCS Long Biên

Leave a Comment

 Trường THCS Long Biên

Cuối tuần vừa rồi chúng tôi đến trường THCS Long Biên, một ngôi trường có bề dày 85 năm xây dựng và phát triển. Trường vừa được nâng cấp, sửa chữa và mới đưa vào sử dụng. Cảm nhận chung của mọi người là đẹp, khang trang, vừa hiện đại vừa bay bổng.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diệu Thúy tiếp chúng tôi tại phòng giám hiệu. Cô có 25 năm trực tiếp giảng dạy, 14 năm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cho quận Long Biên; được Bộ GD&ĐT tặng nhiều bằng khen về thành tích “Đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý dạy học”. Cô đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, một danh hiệu cao quý ít cán bộ quản lý cấp trung học có được. Cá nhân tôi còn được biết cô là một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng “Đề án mô hình trường chất lượng cao” của ngành giáo dục khi còn công tác ở Trường Sài Đồng.
Cô Thúy lại bàn làm việc, cầm cuốn sách “Thiết kế và tổ chức dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp, bài học nâng cao năng lực số từ giáo dục Mỹ” và nói với tôi: “Em được một người bạn tặng và mới biết thầy là bố của tác giả cuốn sách này. Em đã đọc cuốn sách ba lần, học được nhiều điều. Hôm nay lại được thầy trực tiếp trao đổi về chuyển đổi số cùng với hình thức dạy học kết hợp, em rất tâm đắc”.
Bài trao đổi của chúng tôi với các cơ sở giáo dục thường diễn ra trong một ngày, tối thiểu cũng trọn vẹn một buổi sáng hoặc một buổi chiều. Vậy mà thời lượng chỉ có khoảng 2 giờ. Chúng tôi phải cắt bớt phần xu hướng giảng dạy của thế giới trong kỷ nguyên số; phải cắt bớt phần giới thiệu, hướng dẫn một số trang tài nguyên giáo dục trực tuyến mở của Anh, Mỹ; phải cắt bớt phần nói về lịch sử dạy học trực tuyến và kết hợp. Tùy thời gian thực tế có lẽ còn phải cắt bớt phần trình bày các mô hình dạy học kết hợp của một số nước châu Âu…
Chúng tôi chỉ tập trung vào vấn đề cốt lõi chuyển đổi số trong giáo dục. Đặc biệt chuyển đổi số đối với giáo viên và học sinh trong việc dạy-học là những cái gì, bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào; sử dụng tài nguyên giáo dục mở của quốc tế và trong nước ra sao; giới thiệu mô hình dạy trực tuyến chuẩn và mô hình dạy dạy học kết hợp như thế nào.
Thực tế chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam là chủ trương từ Chính phủ và từ ngành giáo dục đi xuống. Không giống như ở Mỹ và các nước phương Tây, chuyển đổi số xuất phát từ thực tế, từ cơ sở, từ nhà trường đi lên. Cho tới thời điểm này, vì nhiều lý do, không ít nhà trường chưa triển khai. Qua cuộc hội thảo quốc tế về dạy học kết hợp với sự có mặt của gần 200 đại biểu cho các trường công và trường tư vừa rồi, chúng tôi biết một số nhà trường đã bắt đầu triển khai nhưng vẫn còn vướng mắc. Một số cán bộ quản lý, giáo viên cho biết, chủ trương thì ai cũng biết, nhưng nhiều trường không biết phải bắt đầu từ đâu và triển khai chuyển đổi số như thế nào. Cá biệt còn có người cho rằng COVID qua rồi sao lại còn phải dạy trực tuyến…
Chúng tôi hiểu những khó khăn, thách thức lớn nhất ở các nhà trường, đó là chưa có nền tảng (platform) chuyển đổi số để “Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học” như mục tiêu cụ thể đề án chuyển đổi số mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Nền tảng cốt lõi, bắt buộc phải có, hay điều kiện cần và đủ đối với người dạy và người học trong chuyển đổi số chính là hệ thống quản lý học tập (Learning Management System, viết tắt là LMS). LMS là phần mềm nền tảng để các nhà trường, giáo viên xây dựng, tổ chức bài giảng và khóa học trực tuyến, cung cấp cho học sinh tài liệu học tập, hệ thống bài tập cũng như việc đánh giá cùng các tương tác trên môi trường số. Hệ thống quản lý học tập là công cụ không thể thiếu để hỗ trợ học tập trực tuyến, học tập kết hợp. Các nhà trường và giáo viên không thể tự tạo ra hệ thống quản lý học tập. Hoặc nhà nước cung cấp cho nhà trường hoặc nhà trường phải mua của các tập đoàn công nghệ giáo dục trong hay ngoài nước.
Việc sử dụng và khai thác LMS là nỗ lực đầu tiên để người dạy chuyển từ việc ứng dụng công nghệ thông tin qua bài giảng Powerpoint, số hóa giáo án điện tử mang tính chất cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả công việc dạy học sang việc chuyển đổi sang môi trường số để cả người dạy và người học có thể trải nghiệm việc dạy và học trực tuyến, kết hợp trong một hệ sinh thái giáo dục số khác biệt về chất cho cả người người dạy và người học. Đây là xu hướng mới trong giáo dục Mỹ và ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Học sinh thông qua LMS có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào theo nhịp điệu độ và sở thích cá nhân của mình.
Hơn hai giờ trình bày (cháy giáo án mất 15 phút, nhưng chính các thầy cô đề nghị tiếp tục), chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Hơn 50 giáo viên, trong đó có nhiều giáo viên có máy tính cá nhân riêng tập trung hào hứng, chăm chú theo dõi. Không một giáo viên nào rời khỏi hội trường hoặc đi ra ngoài. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần nhiệt tình, thái độ làm việc cũng như ý thức kỷ luật của tập thể Hội đồng nhà trường.
Tiễn chúng tôi ra tận xe, cô Thúy nói với chúng tôi ngoài 2 văn bản của Thủ tướng và ngành giáo dục, cô vừa mới nhận thêm một văn bản mới về chuyển đổi số. Thời gian qua nhà trường tập trung vào việc hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất. Bắt đầu kỳ 2 này nhà trường tập trung vào chuyên môn. Cô hy vọng chúng tôi tiếp tục cộng tác với nhà trường và nếu có thể, được cùng đi dự giờ ở những trường mà chúng tôi đã cộng tác tổ chức dạy học chuyên đề dạy học kết hợp.
Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường thật lý tưởng. Chúng tôi tin vào tập thể Hội đồng Sư phạm nhà trường, một tập thể rất giàu thành tích dạy và học trong những năm qua. Chúng tôi tin vào những con chim đầu đàn của trường THCS Long Biên, tin vào Cô Hiệu trưởng giàu kinh nghiệm, đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Chắc chắn các thầy các cô sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.