Giao lưu với Khan Academy Quốc tế và the Vietnam Foundation

Leave a Comment

 

Giao lưu với Khan Academy Quốc tế và The Vietnam Foundation

Nhân dịp Khan Academy Quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, The Vietnam Foundation, Khan Academy tiếng Việt có mời khách và cộng đồng phụ huynh học sinh toàn quốc giao lưu, chia sẻ với chuyên gia Khan Academy quốc tế. Tôi được mời chia sẻ trong hội nghị trực tuyến toàn quốc.

 Xin được giới thiệu sơ qua về hai tổ chức trên. Tổ chức thứ nhất, Khan Academy Quốc tế là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận có trụ tại Mỹ do Giáo sư Sal Khan thành lập vào năm 2008. Ông đã tạo ra trang web mang tên Học viện Khan (Khan Academy), một bộ công cụ trực tuyến để cung cấp nội dung giáo dục cho học sinh từ mầm non tới lớp 12.

 Nội dung giáo dục của Khan Academy bao gồm một số lượng khổng lồ những bài học ngắn gọn, ước tính có trên 150 triệu bài học dưới dạng video. Ngoài việc cung cấp nội dung bài học, Khan Academy còn cung cấp một số lượng bài tập tương ứng, cùng với nhiều tài nguyên cho các đối tượng giáo dục khác nhau.

 Tài nguyên Khan Academy được cung cấp miễn phí cho người sử dụng ở Mỹ và ở khắp nơi trên thế giới. Nguồn kinh phí chủ yếu của Khan Academy đến từ khoản tài trợ của những nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện. Ví dụ năm 2010, Google đã tài trợ 2 triệu đô la Mỹ cho việc sản xuất các khóa học mới và biên dịch nội dung sang các ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ Anh. Năm 2015 AT&T tài trợ 2,25 triệu đô cho Khan Academy để cung cấp nội dung của trang web trên ứng dụng di động. Năm 2018 Quỹ Bill & Melinda Gates đã tài trợ 1,5 triệu đô. Năm 2021, Elon Musk đã tài trợ 1 triệu đô thông qua quỹ Musk…

 Mục tiêu của Khan Academy là cung cấp trải nghiệm học tập miễn phí và cá nhân hóa học tập cho các đối tượng giáo dục, chủ yếu dựa trên các video được đăng tải lên YouTube. Các video học tập của Khan Academy ghi lại nét chữ và hình vẽ của người dạy trên một phông nền màu đen, tương tự như cách giáo viên giảng bài bằng bảng đen trên lớp.

  Năm 2018 có hơn 70 triệu người sử dụng Khan Academy, trong đó 2,3 triệu học sinh sử dụng để chuẩn bị cho kỳ thi SAT. Tính đến tháng 2 năm 2022, kênh Khan Academy trên YouTube có tới 7,11 triệu người đăng ký học tập và hơn 1,94 tỷ lượt người truy cập trên toàn thế giới.

 Thứ hai, Tổ chức The Vietnam Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận được ông Phạm Đức Trung Kiên và Tiến sĩ H. Ray Gamble thành lập ở Washington D.C (Hoa Kỳ). The Vietnam Foundation đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam thông qua con đường giáo dục. Từ ngày thành lập đến nay, tổ chức này luôn nỗ lực để rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu học tập tăng nhanh của người Việt và khả năng đáp ứng còn hạn chế của hệ thống giáo dục nhờ tận dụng sức mạnh của công nghệ hiện đại.

Trong những ngày đầu, nhờ sự hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, The Vietnam Foundation đã mang những kiến thức tinh hoa của giới học thuật Hoa Kỳ về nước, làm giàu cho việc học tập ở bậc đại học. Dự án nổi bật nhất là Dự án Tài nguyên Học liệu Mở Việt Nam, một dự án cung cấp các tài liệu chuẩn miễn phí, chất lượng cao cho giảng viên, sinh viên đại học, cao đẳng.

 The Vietnam Foundation còn nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm thiệt thòi nhất trong xã hội, cụ thể là những người khiếm thị, bằng cách nâng cao cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. The Vietnam Foundation đã xây dựng và duy trì một trung tâm Thư viện Sách Nói cộng đồng, cũng như cung cấp hơn 100 học bổng và 20 laptop dành riêng cho người mù hàng năm.

 Năm 2017, The Vietnam Foundation đưa ra Chương trình Vietnam Education Foundation 2,0 (VEF 2.0), một sáng kiến do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.  Chương trình này đưa ra quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt để tìm và giới thiệu những ứng viên xuất sắc của Việt Nam gửi sang các trường Đại học của Hoa Kỳ. Chương trình này hứa hẹn sẽ tạo ra một thế hệ những nhà khoa học và kỹ sư xuất sắc cho Việt Nam.

 Chương trình gần đây nhất của The Vietnam Foundation là Chương trình Khan Academy tiếng Việt, chương trình hướng tới việc tạo ra một tầm ảnh hưởng lớn hơn tới nền giáo dục Việt Nam thông qua việc Việt hoá một số nội dung học tập online miễn phí của Khan Academy. Chương trình sẽ mang đến cho hàng triệu học sinh Việt Nam cơ hội tiếp cận những nội dung chất lượng quốc tế, hoàn toàn miễn phí.  The Vietnam Foundation đã được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép hoạt động trong nước và có văn phòng đại diện đặt tại Hà Nội.

 Chia sẻ về cơ duyên mình đến với Khan Academy, tôi kể lại câu chuyện vào đầu năm học 2011, chúng tôi đến thăm Trường Quốc tế Columbia Independent School thuộc bang Missouri. Chúng tôi có buổi làm việc ít với Tiến sĩ  William Rowe, Hiệu trưởng nhà trường. Trong buổi tọa đàm ông có trao đổi với chúng tôi về phương pháp học tập đảo ngược cùng với việc sử dụng trang web trực tuyến mở Khan Academy. Về nước, chúng tôi lại có dịp trao đổi với Tiến sĩ Giáp Văn Dương, phụ huynh học sinh ở trường Quốc tế Bill Gates về trang web mở này. Nhờ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về Khan Academy.

 Tôi thật sự say mê trang tài nguyên giáo dục mở này. Tôi đã trải nghiệm hàng trăm bài học toán, khoa học. Tôi đã học được rất nhiều điều, từ kiến thức đến phương pháp giảng dạy. Tôi yêu cầu một số giáo viên và học sinh thử nghiệm áp dụng những bài học và bài tập toán của Khan cho học sinh khối 6, khối 7. Việc làm này được các bậc phụ huynh học sinh vui mừng ủng hộ. Có phụ huynh nói với tôi: “Em cũng học cùng con thầy ạ”. Tôi còn động viên tất cả các cháu trong đại gia đình, một tuần dành vài buổi học tập với Khan. Một số cháu đã có thành tích cao trong các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế.

  Sau một thời gian, tôi không còn công tác tại trường có yếu tố nước ngoài, nhưng dù làm việc ở vị trí nào nếu có liên quan đến giáo dục phổ thông, tôi đều giới thiệu, đề cập đến việc sử dụng Khan. Đặc biệt từ khi Khan có phiên bản tiếng Việt cho môn toán từ lớp 1 cho tới lớp 7, tôi đã đến hàng chục trường học ở Hà Nội, ở Yên Bái nói chuyện chuyển đổi số, hình thức học tập kết hợp, giới thiệu và đưa Khan vào trường học…

  Nhiều vấn đề được nêu ra trong hội nghị trực tuyến. Bà Amanda Campos, Trưởng nhóm xây dựng nội dung học liệu dành cho đối tác quốc tế đã tiếp thu và giải trình. Có một số ý kiến đã được bà ghi nhận về cùng nhóm nghiên cứu tại trụ sở nghiên cứu. Bà rất muốn được dự một số giờ để chứng kiến giáo viên và học sinh sử dụng bài giảng và bài tập của Khan ở trên lớp theo lời mời của tôi. Vì lịch trình đã kín, bà nói sẽ quay trở lại Việt Nam vào một dịp khác. 12 giờ hội nghị vẫn chưa kết thúc. Ông Phạm Đức Trung Kiên, Chủ tịch The Vietnam Foundation đã mời ban lãnh đạo Chương trình Khan Academy tiếng Việt và tôi vừa dùng bữa vừa bàn về vấn đề mang “tính chất chiến lược”.

 Tôi đề xuất với ông Kiên và bà Amanda, đề nghị với Khan Academy Quốc tế Việt hóa phần giáo dục sớm cho khối mầm non và nếu có thể thì Việt hóa Khan kids (chương trình giáo dục sớm dành cho học sinh từ 2 đến 6 tuổi). Sau phút trầm ngâm suy nghĩ ông Kiên đồng ý, nhưng hỏi lại tôi: “Ở Việt Nam liệu có nhu cầu sử dụng không”. Tôi trả lời: “Vừa có nhu cầu vừa có lợi ích rất to lớn”.

  Qua tìm hiểu những thành tựu nghiên cứu giáo dục sớm của Hoa Kỳ, chứng kiến thực tế các cháu mình và các cháu người Việt ở các tiểu bang ở Hoa Kỳ học một cách “vô thức” qua Khan, qua Baby Einstein (bố mẹ mở ipad cho con xem các chương trình trên, còn bản thân thì phải làm việc), tôi biết nhiều cháu đã đọc được sách tiếng Anh mà chưa hề được đi học. Tôi cũng có thời gian trực tiếp quản lý một trung tâm dạy tiếng Anh ở các trường mầm non từ đầu năm 2012 đến 2015 trước khi Bộ giáo dục cấm dạy ngoại ngữ ở bậc học này. Đặc biệt nhờ chuyến thực tế hướng dẫn chuyển đổi số ở Mù Cang Chải, ít nhiều tôi nhận thấy được giá trị của chương trình Khan dành cho các bậc học, trong đó có bậc học mầm non. Từ những trải nghiệm đó tôi tiếp tục đề xuất không Việt hóa hoàn toàn bằng tiếng Việt ở bậc mầm non như đã làm với lớp 1 đến lớp 7 mà Việt hóa chương trình giáo dục mầm non theo hình thức kết hợp, nghĩa là vẫn để phần tiếng Anh song song với phần tiếng Việt. Như vậy học sinh người dân tộc miền núi khi học theo chương trình Khan vẫn học được cả tiếng Việt và tiếng Anh theo quy định. Học sinh ở thành thị không có nhu cầu học tiếng Viêt có thể chỉ học tiếng Anh. Học sinh ở nông thôn có thể học một trong hai thứ tiếng hoặc học cả tiếng Việt và tiếng Anh. Về mặt kỹ thuật, với khối mầm non, giải pháp kết hợp như trên là khả thi. Đề xuất trên được ban lãnh đạo KATV hoàn toàn ủng hộ.

 Ông Kiên yêu cầu thư ký đưa cho tôi danh thiếp và nói: “ Anh có thể trao đổi thêm với tôi bằng điện thoại và email. Tôi sẽ bàn kỹ với chị Amanda. Tháng 5 này tôi sang Mỹ làm việc với Khan Academy quốc tế. Hy vọng ý tưởng của chúng ta sẽ trở thành hiện thực”.

Đúng 3h tôi mới trở về nhà. Một ngày cuối tuần khép lại với bao niềm vui! Hy vọng rằng Ông Kiên cùng với bà Amanda có thể thuyết phục được các cấp lãnh đạo Khan Academy Việt hóa phần nội dung giáo dục Khan sớm và Việt hóa Khan kids. Tôi tin rằng hàng triệu học sinh mầm non Việt Nam sẽ được thụ hưởng những thành quả mới nhất của nhân loại, những điều tốt nhất của cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng 4.0 đem lại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.