Giaos dục STEM ở Hoa Kỳ và Việt Nam

Leave a Comment

 Giáo dục STEM ở Hoa Kỳ và Việt Nam: Suy ngẫm từ Ngày hội STEM tại Trường THCS Chu Văn An, Long Biên, Hà Nội

Ngày hội STEM của hai trường: THCS Chu Văn An và THCS Trưng Vương được tổ chức tại Trường THCS Chu Văn An, Long Biên, Hà Nội đã mang đến cho tôi cơ hội để tìm hiểu thêm về giáo dục STEM ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Qua việc chuẩn bị bài tham luận của mình trong hội nghị và nghe tham luận của các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, các giáo viên, qua tham quan các sản phẩm, các hoạt động trải nghiệm của học sinh hai nhà trường, tôi đã suy ngẫm về thực trạng và tiềm năng phát triển của giáo dục STEM trong môi trường giáo dục Việt Nam qua việc đối chiếu với giáo dục STEM ở Hoa Kỳ.
Nói một cách nôm na STEM là thuật ngữ viết tắt từ những từ tiếng Anh, dịch ra có nghĩa là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Có người sẽ thắc mắc, học sinh vẫn đang học khoa học (lý, hóa, sinh), công nghệ, kỹ thuật và toán đó sao. Sao còn phải đưa thêm cái giáo dục STEM vào nhà trường để làm gì cho thêm rắc rối, làm khổ thêm giáo viên vốn đã quá tải với công việc trong nhà trường.
Xưa nay chúng ta dạy học các môn khoa học tự nhiên hay những môn thuộc lĩnh vực STEM là dạy theo hướng chuyên ngành. Dạy chuyên ngành nào chỉ biết chuyên ngành ấy. Khoa học, công nghệ ngày một phát triển, các ngành khoa học đan xen nhau. Nếu chỉ dạy chuyên ngành nào biết chuyên ngành ấy thì không khác gì cho học sinh vào rừng, học sinh chỉ biết cây mà không biết rừng, vì vậy mới phát sinh ra giáo dục STEM. Bản chất của giáo dục STEM là vận dụng kiến thức liên môn/liên ngành hay tích hợp kiến thức liên môn/liên ngành để nhìn nhận, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong bài học, trong cuộc sống thông qua thực hành và sáng tạo.
Tôi không có ý định so sánh giáo dục STEM ở Hoa Kỳ, nơi khởi nguồn của giáo dục STEM từ mấy chục năm trước với giáo dục STEM ở Việt Nam, đất nước mới chập chững những bước đi đầu tiên trong công việc cực kỳ khó khăn này. Không thể so sánh giáo dục STEM giữa hai nước vì quá khập khiễng, khập khiễng về trình độ nhận thức, trình độ xã hội, trình độ khoa học, công nghệ và cơ sở vật chất giáo dục STEM. Nói đúng hơn tôi chỉ đối chiếu chúng ta đã làm được những gì so với các cấp độ giáo dục STEM ở Hoa Kỳ.
Nhìn chung giáo dục STEM ở trong các trường học ở Hoa Kỳ, tùy điều kiện của từng trường, người ta thường tự chọn và thực hiện theo các cấp độ sau: (i) Mô hình trường chuyên STEM, (ii) mô hình trường tự chọn học lấy chứng chỉ STEM, (iii) mô hình học STEM như một môn học, (iiii) mô hình giáo dục STEM thông qua các môn học thuộc lĩnh vực STEM (toán, khóa học, công nghệ, kỹ thuật và giáo dục STEM và thông qua hoạt động làm dự án, ngoại khóa.
Ở ngoài trường học, giáo dục STEM thường thông qua: (i) Các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, IBM (các tập đoàn mở lớp STEM vào dịp hè cho các học sinh xuất sắc nhất các môn học thuộc lĩnh vực STEM ở các trường tiểu học trở lên), (ii) giáo dục STEM ở các thư viện, các bảo tàng tự nhiên, khoa học và công nghiệp (Hoa kỳ có hàng chục nghìn thư viện, hàng chục nghìn bảo tàng trải khắp các thành phố), các khu bảo tồn, trang trại… (iii) tiến hành các hoạt động STEM hưởng ứng ngày STEM Quốc gia (ngày 8/1 hàng năm).
Một lần đến Thư viện thành phố Longmont, bang Colorado hè năm 2015, tôi được phát một thông báo, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 1 tháng 8 thư viện kết hợp với các chuyên gia mở các khóa chuyên đề giáo dục STEM cho các bậc phụ huynh và học sinh trong thành phố. Sau mấy năm tôi có dịp đến Thư viện thành phố Columbia, Missouri năm 2022 cũng nhận được một thông báo như ở Longmon. Như vậy có nghĩa là ở Hoa Kỳ đến cả ngành thư viện người ta đều làm công tác giáo dục STEM, không những cho học sinh mà còn phổ cập cho cả phụ huynh học sinh.
Đi thăm Bào tàng Tự nhiên và Công nghiệp Chicago, tôi được thăm một tầng bảo tàng chuyên về STEM dành cho học sinh, sinh viên. Tôi chứng kiến cháu tôi được hướng dẫn tạo sét, được tìm hiểu về trái đất bằng cả một gian nhà từ khi hình thành cho đến tương lai mai sau, được ngồi vào bàn mô phỏng lái chiếc tàu ngầm dài 148m, được thăm các con tàu vũ trụ trụ... Đặc biệt cháu tôi đang học tiểu học còn nhận được giấy mời học khóa STEM một tháng do tập đoàn công nghệ IBM tổ chức… Lúc đó tôi tự hỏi mình, không biết đến bao giờ hệ thống thư viện ở Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam làm được việc này. Và tôi hiểu rằng khoảng cách giáo dục STEM ở Hoa Kỳ với chúng ta là cả một chặng đường ít nhất khoảng nửa thế kỷ.
Ở Việt Nam, chúng ta mới chính thức đưa giáo dục STEM vào trường học năm học 2023-2024 sau khi đã thí điểm ở các tỉnh thành. So với Hoa Kỳ, ở trong trường học, chúng ta mới bắt đầu ở cấp độ 4, cấp độ giáo dục STEM thông qua các môn học thuộc lĩnh vực STEM và thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Điểm nổi bật của giáo dục STEM Hoa Kỳ là tất cả các giáo viên dạy các môn thuộc lĩnh vực STEM đã tiếp cận hướng dạy liên môn/liên ngành. Và STEM đã được tích hợp vào chương trình giảng dạy, tích hợp vào sách giáo khoa, giúp học sinh kết nối kiến thức giữa các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Họ có đầy đủ giáo viên dạy môn khoa học, môn học STEM. Giáo viên của họ được đào tạo bài bản ở tất cảc hệ thống trường đại học công và tư.
Hầu hết học sinh của họ được học tập qua thực hành, được tham gia vào các dự án thực tế, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và làm việc nhóm. Qua giáo dục STEM họ dần hình thành phát triển tư duy bậc cao cho học sinh (higher-level thinking). Ngay từ bậc học mầm non, tiểu học giáo dục Hoa Kỳ đã chú trọng phát triển năng lực STEM. Giáo dục STEM hướng đến việc trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc cách mạng 4.0, để sống và làm việc thành công trong thế kỷ 21.
Về giáo dục STEM ở Việt Nam, thực tế chúng ta chưa chú trọng đúng mức. Giáo dục STEM còn manh mún, chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Chính xác là chúng ta chưa có đội ngũ giáo viên dạy khoa học phục vụ cho cải cách giáo dục (mới ra được một vài khóa), chưa mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy môn STEM. Cơ sở vật có chất và trang thiết bị, phòng học STEM chưa có. Hầu hết các trường học còn thiếu các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học, chứ chưa nói đến STEM. Đã như vậy các giáo viên dạy các bộ môn tự nhiên lại chưa được đào tạo bài bản, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng giảng dạy STEM. Tôi được biết, các cơ sở giáo dục đầu năm nay mới được tập trung một hai buổi nghe nói chuyện về giáo dục STEM.
Trong khi đó, nhu cầu từ xã hội đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng STEM ngày càng tăng cao trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ. Năng lực STEM chính là chìa khóa để đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển giáo dục STEM. Bộ Giáo dục cũng đến thăm Hoa Kỳ học hỏi, đặt vấn đề tư vấn về giáo dục STEM. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển giáo dục STEM.
Giáo dục STEM đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho tương lai của đất nước. Theo bảng xếp hạng các quốc gia về giáo dục, công bố năm 2022, Việt Nam được xếp thứ 59. Ở Đông Nam Á xếp sau Singapore, Thái Lan, Malaysia… Giáo dục STEM, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Để thúc đẩy giáo dục STEM, tôi nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, Bộ Giáo dục, nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Tham dự Ngày hội STEM tại Trường THCS Chu Văn An tôi đánh giá cao sự nỗ lực của thầy trò hai nhà trường THCS Chu Văn An, THCS Trưng Vương. Nghe tham luận của các đại biểu, đặc biệt là của giáo viên hai nhà trường về giáo dục STEM tôi rất cảm phục. Tôi đã có thêm những điều bổ ích và một số kiến thức, thực tế mới mẻ về giáo dục STEM. Tôi tin giáo dục STEM khởi đầu như ở hai nhà trường sẽ góp phần tạo nên những thế hệ học sinh Việt Nam năng động, sáng tạo và sẵn sàng cho những thách thức của tương lai.
Giáo dục STEM là một xu hướng tất yếu của nền giáo dục hiện đại. Để phát triển giáo dục STEM hiệu quả, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm và suy ngẫm của cá nhân dựa trên những gì tôi học hỏi được từ Hoa Kỳ, từ những ngày hội STEM cấp thành phố, cấp quận huyện và đặc biệt năm nay là ở cấp trường. Để có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục STEM ở Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng ta nên tham khảo thêm từ những nguồn tài liệu khác nhau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.