Đình làng Kim Quan Thượng và Linh Lang Đại vương

Leave a Comment

 Đình làng Kim Quan Thượng và Linh Lang Đại vương

Tôi có công việc ở trường Đoàn Khuê nên đi xe buýt từ nhà rất sớm. Còn hơn một giờ mới đến giờ làm việc nên đi loanh quanh khu vực trường học, định tìm một nơi nào đó ngồi đợi. Qua công viên Kim Quan Thượng thấy một ngôi đình, tôi quyết định vào thăm.
Bước qua cổng đình, tôi đã cảm nhận được bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh vốn có của nơi thờ thành hoàng làng, một trong những tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Mặc dù đình có vẻ mới được trùng tu nhưng kiến trúc vẫn giữ được nét cổ kính với mái ngói cong, những bức chạm khắc gỗ tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa làng xã.
Trời vẫn còn sớm. Đình đóng cửa, Tôi dạo quanh khu vực bên ngoài. Nhiều loại cây, hoa được trồng mọc xanh tươi, um tùm. Có hai loại cây phổ biến người ta thường trồng ở khuôn viên đình làng và chùa chiền là muỗm và bưởi. Xuân về muỗm và bưởi đều bắt đầu trổ hoa.
Tôi thích nhất là hoa bưởi, loại hoa dân dã đầu làng cuối ngõ xưa kia. Người ta chưa thấy cây đã thấy hương, chưa thấy hoa đã thấy hương thơm ngào ngạt. Bưởi ở đây rất nhiều. Cây nào cũng chi chít hoa. Những bông hoa nhỏ, màu trắng tinh khiết. Cánh hoa mỏng manh đều đặn, xin xắn. Nhú lên trên cánh hoa là lớp nhụy vàng, tạo nên hình dáng đặc trưng, hài hòa đẹp mắt. Những cánh hoa bười đầu mùa tụ lại thành những cụm hoa nhỏ, xếp thành chùm. Một vẻ đẹp đơn sơ và thanh lịch bao trùm cả một không gian cảnh quan rộng rãi, thoãng đãng. Lâu lắm rồi tôi mới được thụ hưởng sự bình lặng, tươi mới và đầy thú vị của miền đất tịnh thổ.
Tôi chậm rãi bước đi, tận hưởng điều từng rất quen thuộc nhưng lại cảm thấy rất mới lạ. Ở khu vực này cũng giống như quê tôi, tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh. Cái chất thôn quê dần dần biến mất. Mới ngày nào từ đây nhìn sang Lệ Mật, nơi có ngôi đình thờ thành hoàng Hoàng Đức Trung (độc giả nào quan tâm xin đọc bài Cảm nghĩ về lễ hội làng Lệ Mật và Thập tam trại qua một cuộc thi của tôi trong trang Facebook này), là một cánh đồng lúa. Vậy mà bây giờ nhà cửa mọc lên san sát thay cho những ngôi nhà ngói 5 gian và vườn ao rộng rãi…
Hương thơm tươi mới và ngọt ngào đánh thức bao kỷ niệm xưa. Đặc biệt là vào những ngày đầu xuân, hương bưởi dường như dịu nhẹ, tinh tế và tinh khiết hơn. Hương thơm của nó lan tỏa hòa cùng với hương hoa muỗm ngất ngây trong không gian đầy sắc xuân, mang lại cảm giác thật thư giãn và sảng khoái…
Ông Từ mở cửa. Ông mời tôi vào lễ Thánh. Tôi hỏi ông: “Đình nhà mình thờ vị thánh nào thế ông”.
- Linh Lang Đại Vương ông ạ!
Bài vị Linh Lang đại vương được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm, uy nghiêm và toát lên vẻ linh thiêng. Phía trước và hai bên xung quanh là tàn vàng, lọng tía và bộ bát bảo. Đứng trước ngài tôi cảm thấy tôi và ông Từ thật vô cùng nhỏ bé.
Ông Từ kính cẩn châm lửa từ chiếc đèn dầu, trao cho tôi ba cây hương nghi ngút khói. Dâng hương tưởng nhớ vị Thánh Thành hoàng làng, vị thành hoàng được 269 làng quê khắp đồng bằng Bắc bộ thờ phụng. Tôi thầm cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình bình yên.
Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông, sinh ngày 13 tháng 12 năm Giáp Thìn 1064. Mẹ Ngài là Hạo Nương (có thần phả ghi là Cảo Nương), vốn người làng Bồng Lai huyện Từ Liêm, nay thuộc huyện Đan Phượng Hà Nôi, sống ngụ ở Thị Trại.
Tuy là cung phi nhưng bà vẫn được nhà vua cho ở riêng, gần hồ Tây. Một lần Hạo Nương đi tắm ở hồ bị Giao Long cuốn lấy người, sau có mang, sinh ra Linh Lang.
Khi quân Tống sang xâm lược, vua cho sứ giả đi cầu hiền tìm người đánh giặc cứu nước. Sứ giả tới Thị Trại, cậu bé Linh Lang nói: “Nhà vua hãy sắm cho ta một thớt voi, một lá cờ hồng cán dài 10 trượng để đi dẹp giặc”. Vua truyền người làm theo ý ngài.
Cậu bé Linh Lang như Phù Đổng năm xưa, vươn mình cao 9 trượng, cưỡi voi, cầm cờ cùng với 5000 quân sĩ ra trận. Ngài thét lớn “Ta là thiên tướng”. Nghe tiếng thét, tướng giặc kinh hồn phách tán. Chỉ sau một trận, quân giặc đại bại…
Sau khi thắng trận, nhà vua muốn nhường ngôi nhưng Linh Lang từ chối, trở về Trại Chợ. Ít lâu sau chàng bị bệnh đậu mùa rồi từ trần, hóa rồng đen trườn xuống hồ Tây. Vua cho lập đền thờ nơi hóa và phong thần cho Ngài ở Thủ lệ (Đền Voi phục), một trong Tứ trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long…
Sự tích Linh Lang theo thần phả mỗi nơi mỗi dị bản. Xã tôi có 2 thôn, một thôn thờ Linh Lang, thần phả hơi khác với ở Voi Phục. Làng Kim Quan Thượng cũng có một dị bản riêng. Trong thần phả của làng còn ghi nguồn gốc của làng. Việc thờ phụng trong đình còn thờ thêm 2 nữ thần, tương truyền là 2 vị tổ của hát ca trù… Dù có nhiều dị bản nhưng về cơ bản hình tượng Linh Lang vẫn là hình tượng người anh hùng chống giặc ngoại xâm.
Gần đây các nhà sử học cho rằng Linh Lang là hình ảnh đã thần linh hóa giống như mô tuýp người anh hùng làng Phù Đổng. Tuy nhiên có người cho rằng Linh Lang là nhân vật có thật. Hiện thân của Ngài chính là hoàng tử Hoằng Chân đã chiến đấu chống quân xâm lược Tống và tử trận vào năm 1077 trên bờ sông Như Nguyệt. Tác giả Hoàng Xuân Hãn còn dẫn nguồn thần phả khác cho rằng Linh Lang vốn là con của thủy cung, được lệnh lên giúp vua Lý chống giặc. Sau khi đánh lui quân giặc Ngài qua đời. Riêng tôi thì phỏng đoán rằng, hình tượng Linh Lang là ảnh xạ của một lớp văn hóa trước đó, lớp văn hóa thờ rồng rắn, cỏ cây của người Việt cổ. Theo thời gian, hình tượng này được huyền thoại hóa trở thành hình tượng người anh hùng chống giặc ngoại xâm tương tự như câu chuyện chàng trai làng Phù Đổng.
Dù nguồn gốc và lai lịch của Linh Lang như thế nào đi nữa, với 269 làng quê thờ Ngài, con dân đất Việt vẫn tràn đầy lòng biết ơn đối với công lao to lớn của Linh Lang đại vương trong việc bảo vệ đất nước. Ngài là vị thần được người dân Việt Nam tôn kính, là biểu tượng cho sức mạnh và lòng dũng cảm chống giặc ngoại xâm (độc giả nào quan tâm xin đọc hai bài viết về Hội Phù Đổng của tôi cũng trong trang Facebook này cách đây 6 năm).
Thăm đình thờ Linh Lang đại vương làng Kim Quan Thượng, ngoài thời gian thư giãn hiếm có, hơn một giờ đã giúp tôi hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của nông thôn Việt Nam trong lịch sử. Đó là một trải nghiệm thật ý nghĩa, giúp tôi thêm trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.