Về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ

Leave a Comment

 Về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ đã xác lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Đó là một dấu mốc lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ để mở rộng, làm sâu sắc mối quan hệ về mọi mặt. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ từ ngày 30/7 đến ngày 1/8/2024 lần này mang nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự phát triển và củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Nhìn lại thời gian qua, theo tôi mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ về kinh tế và thương mại là chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Đặc biệt là khi so sánh kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam với Trung Quốc và Việt Nam với Hoa Kỳ. Với Trung Quốc kim ngạch thương mại giữa hai nước là 171,84 tỷ USD năm 2023. Với Mỹ là 111 tỷ USD năm 2023. Với Ấn Độ chỉ có 14,4 tỷ USD năm 2023. Nghĩa là quan hệ về kinh tế không tương xứng với mối quan hệ về chính trị. Trong khi đó Ấn Độ là nước đông dân nhất thế giới (1,4 tỷ người).
Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương, nhưng khu vực này cũng đứng trước nhiều rủi ro, thách thức lớn từ những điểm nóng, xung đột, cạnh tranh nước lớn. Việt Nam và Ấn Độ hoàn toàn có chung lợi ích về chính trị, cùng có mâu thuẫn về chủ quyền biên giới, cùng là nạn nhân của những cuộc chiến xâm lược, cùng đứng trước thách thức với người láng giềng khổng lồ đầy tham vọng vươn lên trở thành siêu cường số 1 thế giới, muốn áp đặt ý chí của mình lên khu vực bất chấp luật pháp quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cần trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn cầu”.
Ngoài vấn đề chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, hợp tác phát triển, đa cực, đa trung tâm và ưu tiên đối thoại, xây dựng lòng tin và biện pháp hòa bình thay vì sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tôi cho rằng hai nước cần phải đẩy mạnh việc xây dựng cái cốt vật chất cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Vì vậy chuyến thăm Ấn Độ của Việt Nam càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quốc tế đầy phức tạp.
Kết quả chuyến thăm thể hiện ở việc hai bên ký kết các hiệp định hợp tác. Nhiều hiệp định hợp tác quan trọng, bao gồm các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, quốc phòng, khoa học kỹ thuật và văn hóa đã được hai bên nhất trí triển khai. Những hiệp định này đánh dấu sự cam kết mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo Ấn Độ đã thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, và dược phẩm. Hai bên đã đồng ý thúc đẩy thương mại song phương, hướng tới mục tiêu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.
Trên cơ sở đó, nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đều xác định Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược. Lãnh đạo tập đoàn Adani khẳng định cam kết, quyết tâm đầu tư tại Việt Nam với các dự án được đề xuất có tổng vốn lên tới khoảng 10 tỷ USD như cảng Liên Chiểu ở Đà Nẵng với số vốn khoảng trên 2 tỷ USD, dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 khoảng 2,8 tỷ USD, sân bay Long Thành giai đoạn 2, dự án sân bay Chu Lai. SMS Pharmaceuticals cũng thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với mục tiêu thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4 đến 5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới…
Về hợp tác quốc phòng và an ninh, chuyến thăm cũng tập trung vào vấn đề này và có bước đột phá. Hai nước đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực, bao gồm chia sẻ thông tin, đào tạo và huấn luyện quân sự, cũng như hợp tác về an ninh mạng. Đặc biệt là bước hai nước ký kết triển khai gói tín dụng 500 triệu USD cho quốc phòng.
Về giao lưu văn hóa và giáo dục, Việt Nam và Ấn Độ đã đồng ý thúc đẩy giao lưu văn hóa và giáo dục thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, học bổng và các hoạt động văn hóa. Điều này nhằm tăng cường hiểu biết và giao lưu giữa hai dân tộc.
Chuyến thăm đã củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, là một minh chứng rõ ràng cho sự cam kết của Việt Nam và Ấn Độ trong việc duy trì và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai nước mà còn góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực.
Thông qua việc thắt chặt quan hệ với Ấn Độ, Việt Nam khẳng định vai trò của mình như một đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và trên trường quốc tế. Chuyến thăm này cũng giúp Việt Nam nâng cao vị thế của mình trong các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tranh chấp Biển Đông và các vấn đề an ninh phi truyền thống, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Ấn Độ là cần thiết để góp phần đối phó với các thách thức này. Hai nước cam kết hợp tác chặt chẽ để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong tuyên bố chung, hai thủ tướng đã “tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực… Không có các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định… Không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các các quốc gia, trong đó có các quốc gia không tham gia đàm phán”.
Theo tôi nội dung trên là quan trọng đối với Việt Nam và cả Ấn trong bối cảnh gần đây Trung Quốc đã tìm mọi cách buộc Việt Nam và các đối tác, trong đó có đối tác Ấn Độ hủy bỏ các dự án thăm dò dầu khí tại khu vực Bãi Tư Chính gây thiệt hại cho Việt Nam lên tới hàng tỷ USD. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác đa phương giữa Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia khác trong khu vực. Điều này bao gồm các sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Tóm lại, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ từ ngày 30/7 đến ngày 1/8/2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chuyến thăm đã “mở ra chương mới cho quan hệ tốt đẹp giữa hai bên thông qua việc làm mới, tiếp sức cho những lĩnh vực, động lực hợp tác truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ những lĩnh vực, động lực hợp tác mới”. Tôi đánh giá cao chuyến đi này, bời vì Ấn Độ là người láng giềng “khổng lồ” gần nhà xa ngõ, luôn là người bạn chân thành, tin cậy, thủy chung son sắt, cùng sát cánh bên nhau trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, trong suốt những năm tháng hiện tại và tôi tin rằng trong cả tương lai.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.