Nhớ về nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào Anh Sơn

Leave a Comment

 Nhớ về nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào Anh Sơn

Tôi đã cùng đồng đội đi nhiều nghĩa trang có các liệt sỹ Sư đoàn 324 yên nghỉ. Có lẽ tới hơn chục nghĩa trang. Nếu tôi không nhầm thì chỉ còn một vài nghĩa trang nữa là chúng tôi chưa đặt chân đến. Hy vọng sẽ đến thắp hương tiếp ở một nghĩa trang cuối cùng nào đó trong những năm tới vào dịp tháng 7, tháng tri ân các anh hùng liệt sỹ chung của cả dân tộc.
Với tôi, nghĩa trang gần nhất là nghĩa trang liệt sỹ Việt- Lào Anh Sơn, Nghệ An. Nghĩa trang xa nhất là nghĩa trang liệt sỹ huyện Đăk Glei, Kon Tum. Tháng 7 năm nay Hội cựu chiến binh Trung đoàn 3 Sư 324 không tổ chức đi đâu vì trong tháng 5 đã tổ chức vào Tây Nguyên dự Lễ kỷ niệm 50 chiến thắng Đăk Pek, đồng thời thắp hương cho đồng đội lần thứ 4 ở Nghĩa trang Đăk Glei. Và đầu tháng 8 tới hội sẽ tổ chức vào Đại Lộc, Quảng Nam dự Lễ kỷ niệm 50 chiến thắng Thượng Đức, đồng thời thắp hương cho đồng đội lần thứ 4 ở Nghĩa trang Đại Lộc.
Dẫu vậy, trong những ngày cuối tháng 7 này, chúng tôi vẫn cảm thấy như thiêu thiếu một cái gì đó. Một nỗi buồn thương từ sâu thẳm, chỉ có thể chia sẻ với đồng đội. Và không hiểu sao tôi nhớ tới Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào Anh Sơn.
Mới năm trước khi sang Lào, qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tôi đã có dịp đến viếng thăm nghĩa trang Anh Sơn. Đây là địa chỉ quen thuộc của các cựu chiến binh đã có thời gian làm nhiệm vụ trong hơn 35 năm tại chiến trường Lào.
Trong đoàn năm trước sang Lào, có nhiều cựu chiến binh mới đến đây lần đầu. Có người đã đến một hai lần, cá biệt có người đến ba bốn lần. Nhưng tất cả đều bồi hồi cảm xúc. Mỗi người một tâm trạng riêng. Có người tự nhủ sẽ còn đến nghĩa trang. Có người dự cảm tuổi cao sức yếu, có thể đây là lần cuối cùng được về thắp hương cho đồng đội. Đến thăm nghĩa trang là một dịp để tưởng nhớ và tri ân đồng đội, những người bạn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến và trong giai đoạn 10 năm sau khi Việt Nam đã hòa bình.
Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào Anh Sơn là nghĩa trang lớn nhất trong số các nghĩa trang quy tập liệt sỹ nằm dọc phía tây dãy Trường Sơn, từ Thượng Lào đến Nam Lào. Trong số 11000 liệt sỹ, có tới gần 7000 liệt sỹ không tên. 9 khu mộ liệt sỹ nằm trải dài gần chục ha của 47 tỉnh thành trên cả nước từ đầu những năm 1950 đến giữa những năm 1980.
Cắm nén hương trên những ngội mộ không tên, có người không cầm được nước mắt. Họ nhớ đến đồng đội, trước lúc hy sinh còn trăng trối: “Hãy nhớ lấy nơi này để sau này đưa mình về nước”. Người chiến sỹ ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp thường khâm liệm bằng một manh chiếu. Người chiến sỹ trong kháng chiến chống Mỹ ngã xuống thường khâm liệm bằng mảnh tăng (nylon). Người chiến sỹ trong 10 năm từ 1977 đến 1987 thì phần nhiều được mai táng bằng quan tài gỗ… Còn rất nhiều người vẫn còn nằm đâu đó trong những cánh rừng già, trong những bản làng vì những lý do đặc biệt. Không biết bây giờ các anh nằm ở đâu? Nghĩa trang nào? Thật buồn! Đến bao giờ mới trả được lại tên cho các anh, những người theo tiếng gọi của Tổ quốc đã ra đi không nuối tiếc tuổi xuân; khi nằm xuống chỉ có một tâm nguyện được về với đất mẹ!
Ngày 30 tháng 10 năm 1949 được lấy làm ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bắt đầu từ thời điểm đó, các đoàn quân tình nguyện Việt Nam lần lượt được thành lập sang giúp cách mạng Lào, đẩy mạnh kháng chiến, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1951, theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước Việt - Lào, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh tiếp tục tăng cường cán bộ và bộ đội tình nguyện sang chiến trường Lào, đưa tổng quân số tăng lên khoảng 12.000 người.
Ngay từ năm 1960, khi đế quốc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Lào, thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào đứng trước nhiều thử thách. Trước diễn biến của tình hình, Bộ Chính trị đã xác định nhiệm vụ của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào là một công tác có ý nghĩa trọng.
Tháng 3/1962, Sư đoàn 324 (lúc đó là lữ đoàn) được lệnh vượt biên giới sang Lào, phối hợp cùng lực lượng vũ trang của bạn, tiến công mở rộng vùng giải phóng Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng; đánh bại các cuộc hành quân của bọn phản động phái hữu ở Xa La Phu Khum, Văng Viêng, Tha Thông, đường 9, đường 12. Các đơn vị thuộc Lữ đoàn 324 đã mở nhiều cuộc tiến công ở Nọng Hét, bản Ban, điểm cao 351, 288, Mường Ngạt, Pu La Bút; phối hợp tham gia chiến dịch 128, giữ chốt thông tuyến đường 12 và đường 8, bảo vệ phia Tây tuyến đường mòn Hồ Chí Minh…
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày 20/9/1962 Lữ đoàn 324 bàn giao cho đoàn 559, rút quân về nước. Lữ đoàn được Đảng và Nhà nước Lào tặng thường Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngay từ thời gian đó hàng trăm liệt sỹ của đơn vị đã nằm lại trên đất bạn Lào. Nhiều liệt sỹ thời kỳ đó đều chưa được đưa về nước.
Từ đầu những năm 1960 đến năm 1965, Tiểu đoàn 929, tiền thân của Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 3, Sư 324 đã liên tục hoạt động ở Khăm Muộn đến Savanakhet. Sau khi Trung đoàn 29 thành lập, ngày 13/5/1965 trung đoàn bao gồm 2 tiểu đoàn 8, 9 được lệnh hành quân sang Lào hợp quân với Tiểu đoàn 929 (Tiểu đoàn 7) vẫn ở Lào từ trước đó.
Đó là những chuỗi năm tháng chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ chống càn quét, tiến công đồn bốt, giữ chốt. Có trận đánh thành công, có trận thất bại. Chỉ tính con số trung đoàn chết vì sốt rét trong một năm đã lên tới 200 người. Có những tiểu đội giữ chốt đã hy sinh đến người lính cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Chính ủy trung đoàn Trần Văn Ân đã khóc, tự kiểm điểm cuộc đời cầm quân chưa bao giờ vấp phải tổn thất xương máu lớn đến như vậy.
Tiếp đến Sư đoàn 324 đã tham gia chiến dịch phản công Đường 9, Nam Lào. Và đặc biệt sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, nhưng vào cuối năm 1976 đầu năm 1977, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đứng trước tình hình an ninh chính trị, chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa. Trước tình thế đó, theo yêu cầu chính thức của Lào, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam một lần nữa đã trở lại giúp Bạn. Một lần nữa Sư đoàn 324 lại sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế, kéo dài 10 năm, từ 1977 đến 1987.
Mười năm theo các cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 324, chiến sự khó khăn, quyết liệt, hy sinh không kém những năm 1973-1974 ở chiến trường miền Nam. Hàng trăm trận đánh dai dẳng trên những ngọn núi cao hẻo lánh ở Nam Lào, Trung Lào với hàng trăm người đã hy sinh. Tiêu biểu trong những chiến dịch và trận đánh là chiến dịch Phu Bia, chiến dịch Bom Lọng (Xiêng Khoảng). Sư đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương cao quý Ít Xa La hạng Nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng bay sang Lào, đọc quyết định của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ hai cho sư đoàn.
Khi Sư đoàn 324 trở về nước, sư đoàn đã cất bốc hơn 500 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế. Đại diện Bộ Quốc phòng hai nước, Quân Khu 4, Sư đoàn 324 cùng chính quyền tỉnh Nghệ An và một số tỉnh thành đã tổ chức an tang trọng thể hơn 500 liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc tế Việt Lào Anh Sơn, Nghệ An.
Như vậy là Sư đoàn của tôi là sư đoàn có những đơn vị có mặt đầu tiên ở Lào và cũng là sư đoàn có những đơn vị cuối cùng rút khỏi Lào. Trong số hơn 11.000 liệt sỹ ở Nghĩa trang Anh Sơn có ít nhất hơn 1000 cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 324. Khi thăm viếng thắp cho đồng đội hy sinh vào tháng 11/2023, chúng tôi vô cùng xúc động. Đây là nơi tưởng nhớ về những người lính dũng cảm đã hy sinh vì đất nước. Việc thăm viếng các đồng đội không chỉ giúp chúng tôi nhớ về những khó khăn, gian khổ, hy sinh một thời mà còn khơi gợi tinh thần đồng đội và ý thức trách nhiệm của mỗi người.
Nghĩa trang liệt sỹ Việt-Lào Anh Sơn còn là biểu tượng cho tình đoàn kết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt- Lào. Cuộc kháng chiến tại Lào không chỉ là cuộc kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào mà còn là cuộc chiến của người Việt để bảo vệ chính mình, bảo vệ biên cương phía tây thấm đẫm xương máu của bao thế hệ. Nghĩa trang liệt sỹ này là biểu tượng, là minh chứng nghĩa tình, thủy chung và sự hiểu biết, đặt nền tảng cho sự đoàn kết bền vững giữa hai dân tộc.
Không đến viếng thăm đồng đội được, trong tâm tưởng chúng tôi cầu mong các anh phù hộ cho hai đất nước quốc thái dân an, cầu mong các anh phù hộ cho chúng tôi bình an, để chúng tôi trở lại chiến trường xưa, nhớ lại một thời, nhớ về những khó khăn, gian khổ; nhớ về những ngày khói lửa và những hy sinh mất mát trên mảnh đất Lào thân yêu. Trong những ngày cuối tháng 7 này chúng tôi vẫn đau đáu! Chúng tôi vẫn nhìn lại quá khứ, tìm sự cảm thông và tiếp tục theo đuổi những gì mà các anh đã đánh đổi cuộc sống của mình. Chúng tôi hy vong các thế hệ mai sau sẽ mãi mãi trân trọng, gìn giũ và xây dựng mối quan hệ đặc biệt “tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chúng tôi tin rằng sự hy sinh của các anh sẽ không bao giờ bị lãng quên trong ký ức người thân, trong ký ức của đồng đội và trong ký ức của dân tộc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.