Từ sân bay quốc tế Narita, Nhật Bản đến Mỹ

1 comment
Xuống sân bay quốc tế Narita thì trời đã sáng. Sân bay quốc tế Narita nằm ở Narita, Chiba, phía Đông Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Sân bay này phục vụ phần lớn các chuyến bay vận chuyển hành khách đến và đi Nhật và cũng là điểm kết nối hàng không chính giữa châu Á và châu Mỹ. Đây là sân bay vận chuyển tấp nập lớn thứ 2 của Nhật, sân bay vận chuyển hàng hóa lớn thứ 3 thế giới. Nó có hai nhà ga riêng biệt với một nhà ga xe lửa ngầm. Giữa  hai nhà ga hàng không là tuyến xe bus và xe lửa, không có lối đi bộ giữa hai nhà ga. Vào những năm 2010 sân bay phục vụ khoảng trên 35,5 triệu lượt khách. Tại đây, chúng tôi còn phải đợi năm tiếng nữa mới bay chuyển tiếp. Trong thời gian chờ đợi, nhân viên hãng hàng không Mỹ phát cho mỗi hành khách hai tờ giấy kê khai nhập cảnh vào Mỹ. Đại loại phải điền vào tờ giấy kê khai bằng tiếng Anh ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số hộ chiếu, visa, mục đích sang Mỹ, kê khai hành lý, tài sản cá nhân, những điều khoản cấm… Có khoảng ba mươi người Việt sang Mỹ trong chuyến bay này. Một số là phụ huynh đi thăm con du học. Một số đi du lịch. Một số sang dự hội trợ triển lãm. Gần như tất cả đều nhờ tôi kê khai hộ. Thấy vậy David  liền đến giúp cùng tôi. Hai chúng tôi vừa hỏi mọi người vừa viết, áng chừng một tiếng mới xong. David nhận xét: “Tôi đã đến làm việc ở một số nước Đông Nam Á. Có lẽ tiếng Anh của người Việt đứng ở vị trí cuối bảng. Vì vậy vấn đề hội nhập của các bạn còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Tôi tán đồng với nhận xét của David. Suy cho cùng thì thực trạng học hành tiếng Anh của Việt Nam thuộc hàng yếu nhất Đông Nam Á là do ảnh hưởng của lối tư duy Chiến tranh lạnh. Từ đầu những năm 1950 đến cuối những năm 1980, học sinh, sinh viên của Việt nam chỉ được học tiếng Nga, tiếng Trung. Sách báo ngoại văn chủ yếu là sách Nga và sách Trung. Thế giới đươc các nhà chính trị chia làm hai phe chính tà.Tiếng Anh là tiếng của đối phương, mấy ai học (ngoại trừ ở trong Nam dưới thời Mỹ Ngụy). Chỉ mãi đến khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa, mọi người mới được biết đến tiếng Anh. Ở cấp phổ thông, bắt đầu từ năm 1986, các nhà hoạch định chiến lược giáo dục Việt Nam mới quyết định đưa chương trình tiếng Anh vào giảng dạy. Mất một thời gian nữa các chuyên gia tiếng Anh mới hoàn thành khung chương trình 7 năm, từ lớp 6 đến lớp 12. Và phải đến đầu những năm 2000 trở đi thì xã hội mới nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hóa, thời kỳ hội nhập của đất nước.
Mặc dầu đã triển khai học tiếng Anh hàng thập kỷ nay, nhưng cái gì cũng mới. Trước hết đội ngũ giáo viên ban đầu là thiếu và yếu. Rồi đến điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Tiếp đến chương trình, nội dung, phương pháp còn nhiều điều bất cập. Tất cả đều không đáp ứng được yêu cầu. Mục tiêu học ngoại ngữ là để có thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ đó, nhưng sau 7 năm học tiếng Anh ở  bậc Phổ thông cơ sở và Phổ thông trung học, thậm chí đến bậc Đại học, với biết bao thời gian công sức của thầy trò, kết quả thật đáng buồn. Nói hơi quá một chút là gần bằng không, vì đại đa số học sinh, sinh viên không thể nghe nói được tiếng Anh.
Tất cả các cán bộ quản lý giáo dục mà tôi quen biết đều nhận xét khả năng nghe, nói của học sinh là quá kém. Rất ít học sinh nói được tiếng Anh với nhau về những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống. Còn kỹ năng đọc, viết của học sinh cũng hoàn toàn không ổn. Học sinh có thể đọc, phần lớn đọc không đúng, đọc hết cả một bài khóa, nhưng lại không hiểu nội dung nói gì, không thể tóm tắt được nội dung ấy. Và nếu đọc chép chính tả, không dám nói tới việc tự viết đoạn văn, thì kết quả thật ảm đạm. Theo một nghiên cứu của Sở Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh về thực trạng giao tiếp qua dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông thì, sau khi học xong Trung học cơ sở, học sinh chỉ có thể nghe nói được những thông tin cơ bản như chào hỏi, tên tuổi. Ở bậc Trung học phổ thông gần 80 % không nghe nói được.
Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiên Đề án Ngoại ngữ từ năm học 2012 đến năm 2020. Cá nhân tôi rất nghi ngờ về tính khả thi của đề án này. Khảo sát năng lực của đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn châu Âu mới đây của một số địa phương đã cho một kết quả giật mình. Theo thống kê chung, một số tỉnh phía Bắc, ví dụ như Hải Dương đạt chuẩn là 14 % ở Trung học cơ sở, 10 % ở Trung học phổ thông. Các tỉnh phía nam số liệu cũng tương đương như vậy. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù kết quả khảo sát không được công bố chính thức, nhưng theo nguồn tin đáng tin cậy, nếu đúng chuẩn, giáo viên có trình độ B2 mới được dạy Trung học cơ sở và trình độ C1 mới được dạy Trung học phổ thông thì tỉ lệ cũng chỉ đạt trên 10 %.
Bản thân tôi khi tuyển giáo viên tiếng Anh cho trường quốc tế, khi yêu cầu ứng viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi nói về tình hình Biển Đông bằng tiếng Anh. Các ứng viên đều im lặng rồi lắc đầu. Tôi hạ thấp yêu cầu, muốn các ứng viên nói đại loại là nhà tuyển dụng thường tuyển những người có kinh nghiệm, nhưng nếu chưa có việc  làm thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Muốn có kinh nghiệm thì phải có việc làm. Đó là một cái vòng luẩn quẩn, làm khó cho người đi xin việc. Đến chín phần mười ứng viên không dịch được ý trên. Với chất lượng đội ngũ như thế, sẽ rất khó khăn để nâng cao trình độ ngoại ngữ trong thời gian sắp tới.
Tôi trao đổi vấn đề trên với David, đồng thời cũng cũng trao đổi thêm về nhận xét cá nhân của tôi đối với nền giáo dục Việt nam trước đây, một nền giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng của mô hình Xô viết. Mô hình đó đã hoàn thành sứ mệnh của nó trong khoảng từ những năm 1950 đến giữa những năm 1970. Từ những năm 1980 trở đi, tôi đã chứng kiến hay nói chính xác là tôi đã cùng các đồng nghiệp tham gia hai lần thực hiên cải cách giáo dục, nhưng tất cả đều duy ý chí, nặng về trang bị kiến thức, lí thuyết hàn lâm, chắp vá, thiếu đồng bộ, dẫn đến kết quả không mang lại những điều người ta mong muốn. Nền giáo dục trong mấy chục năm qua không tạo ra được những thế hệ học sinh, sinh viên năng động sáng tạo, có nền tảng văn hóa, khoa học và kỹ năng cần thiết, mà phần nhiều là những con người thụ động, lý thuyết suông, xa rời thực tế, ỷ lại, thiếu sáng tạo.
Những yếu kém của nền giáo dục bắt nguồn từ cơ chế, chính sách, từ việc chậm chạp không kịp thay đổi mô hình giáo dục cho đến việc thiết kế nội dung chương trình và phương pháp đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của đất nước, cũng như những yêu cầu của thời đại. Muốn đổi mới căn bản và toàn diện, phải bắt đầu từ việc xác định đúng đắn chiến lược phát triển giáo dục trong thời đại mới, thời đại kinh tế tri thức. Tôi nói với David rằng tất cả các cấp, các ngành ở Việt Nam đã bắt tay vào làm việc đó, nhưng việc đề ra chiến lược, lựa chọn mô hình giáo dục riêng của Việt Nam thì thật là khó. Phải cần có thời gian vừa đủ để hoàn thiện dần. Theo tôi, trước mắt nên học tập các nước ở châu Á có nền kinh tế, xã hội phát triển dựa trên sự coi trọng phát triển giáo dục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, kết hợp những thành quả khoa học giáo dục của các nước tiên tiến để thiết kế nội dung chương trình, hệ thống sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, đăc biệt là những môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. Không cần chi tới hàng trăm tỉ đồng cho hết dự án này đến dự án kia mà kết quả vẫn không ra đâu vào đâu. Nghe đến đây David căn vặn:
-       Thế cán bộ quản lý trực tiếp như các ông đã làm được những gì? Các ông là những người đứng đầu một nhà trường, những người lãnh đạo mà?
Tôi bối rối trước những câu hỏi của David. Trên thực tế những người như chúng tôi chẳng làm gì cả. Có nhận ra những cái sai trái trong giáo dục, chỉ dám nói trong một chừng mực, nhưng không dám làm cái gì ngoài khuôn khổ, cứ đi theo con đường mòn cho an toàn, cứ thực hiện đúng như tinh thần, nhiệm vụ, chỉ thị, chương trình hàng năm… Càng nhiều tuổi càng giữ mình để đỡ bị phiền phức. Vả lại nếu có nói thì ai nghe. Cứ cố gắng năm nào cũng đúc ra mươi học sinh giỏi các cấp, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 97% trở lên, còn chất lượng thực tế ra sao thì hạ hồi phân giải. Nói như các đồng nghiệp đi trước của tôi là để hạ cánh cho an toàn. Suy cho cùng, đó là thái độ hèn kém của một lớp người gọi là có học, có chức danh. Và như thế thì cải cách thế nào được giáo dục? Và như thế thì làm gì có chất lượng giáo dục? Tôi không dám bộc lộ nỗi lòng riêng với David. Chẳng lẽ lại đi nói xấu đường lối giáo dục của đất nước. Tuy nhiên tôi cũng cho David xem bài tham luận của tôi trong một buổi tọa đàm giáo dục. Tiêu đề của bài tham luận là: Nên đi theo mô hình giáo dục tiên tiến. Nội dung có thể tóm tắt lại một số ý như sau:
Một số trường hiện nay, nhất là trường ngoài công lập nên mạnh dạn xây dựng một hướng đi riêng, theo mô hình giáo dục tiên tiến. Sẽ có câu hỏi đặt ra thế nào là mô hình tiên tiến. Theo quan niệm của chúng tôi, dù là trường công lập hay trường tư thục, trường chuyên hay trường phổ thông bình thường, ở miền xuôi hay miền núi, thành thị hay nông thôn, tất cả các nhà trường đều phải thực hiện mục tiêu mà Luật giáo dục Việt Nam đã ban hành. Về mặt lý luận, chắc chắn mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục mà Luật Giáo dục Việt Nam mới ban hành năm 2005 và trước đó đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại kinh tế tri thức. Vậy thì tại sao giáo dục Việt Nam lại có khoảng cách khá xa so với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Có nghĩa là học sinh của các nước đến Việt Nam chỉ có thể học ở trường quốc tế. Còn học sinh Việt Nam ra nước ngoài phải học bổ túc mất một thời gian dài mới theo kịp được học sinh bình thường của họ.
Không kể về trình độ ngoai ngữ bị tụt hậu mà  kiến thức các môn khoa học cùng các kỹ năng cá nhân đều tụt hậu. Như vậy phải chăng việc cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục thành chương trình, sách giáo khoa và tổ chức thực hiện của chúng ta có vấn đề. Mấy chục năm qua, các trường hết sức cố gắng phấn đấu theo cái lối mòn của bệnh hình thức, thành tích cũng chỉ đạt được danh hiệu trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc mà vẫn cứ không hội nhập được vào mạng lưới giáo dục quốc tế. Đa số học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài học đều nhận xét quãng thời gian học ở trong nước là quãng thời gian căng thẳng khủng khiếp, là sự đầy ải về mặt tinh thần vì phải chạy theo một lượng kiến thức lí thuyết hết sức nặng nề. Mô hình giáo dục tiên tiến khác với trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc hiện nay. Nhiều trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc vẫn có thể là lạc hậu, tụt hậu, không hòa nhịp cùng đà tiến chung của nhân loại. Nhưng mô hình giáo dục tiên tiến thì phải đi theo hướng tiếp cận với các nền giáo hàng đầu đã thành công trong khu vực và trên thế giới.
Hiệu quả của một nền giáo dục nói chung và của một nhà trường nói riêng chỉ được đánh giá cao khi nó đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội, của đất nước. Trong thời đại toàn cầu hóa, hiệu quả nền giáo dục còn được đánh giá là có hòa nhịp bước tiến chung của nhân loại hay không. Sau gần ba mươi năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Nhưng trong lĩnh vực giáo dục, hình như chúng ta chưa có những bước đi tương xứng. Giáo sư Hoàng Tụy, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, người đi tiên phong trong một lĩnh vực toán học đặc biệt vừa được thế giới trao giải Toán tối ưu hóa toàn cục nói trong một buổi hội thảo về cải cách giáo dục: Nếu đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhìn tình hình một cách khách quan và có trách nhiệm, chúng ta không thể nhắm mắt trước sự tụt hậu ngày càng xa của giáo dục Việt Nam so với các nước xung quanh và so với yêu cầu phát triển của xã hội.
Nhận xét của Giáo sư Hoàng Tụy phản ánh đúng thực trạng giáo dục Việt Nam. Nhưng làm thế nào để thu hẹp khoảng cách tụt hậu? Đó là công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng của toàn Đảng, của toàn dân, trước hết là của các nhà giáo dục, trong đó các nhà trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Không kể công lập hay tư thục, các nhà trường phải dũng cảm chọn cho mình một hướng đi, một mô hình mới vừa phù hợp với yêu cầu của xã hội, của thời đại vừa phù hợp với thực tiễn của trường mình. Tất nhiên là không thụ động chờ đợi văn bản, chỉ thị, hướng dẫn. chúng tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện tại, một số nhà trường, đặc biệt các nhà trường có yếu tố nước ngoài, nếu phụ huynh có điều kiện, nên cho học sinh tiếp cận với nền tảng chung, cái khung chung về giáo dục của khu vực và thế giới. Việc xây dựng những chương trình khung cho mỗi cấp học trên cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với việc giảng dạy một số bộ môn như toán, tin học, khoa học bằng tiếng Anh là cần thiết để học sinh có thể hội nhập, được công nhận trình độ, văn bằng tương đương với các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đó là một hướng đi cần được quan tâm nhằm san lấp khoảng cách trong giáo dục.
Để thực hiện được hướng đi trên, các trường cần triển khai, xây dựng một đội ngũ giáo viên vừa có trình độ khoa học, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, vừa có khả năng vận dụng kiến thức quốc tế vào thực tiễn nhà trường Việt Nam. Thời gian đầu các trường có thể hợp đồng với chuyên gia giảng dạy các môn khoa học ở các nước nói tiếng Anh có nền giáo dục tiên tiến trực tiếp giảng dạy tại trường. Về dài hạn, các nhà trường phải tuyển chọn, bồi dưỡng được một đội ngũ giáo viên khoa học, lĩnh hội được phương pháp đào tạo hiện đại, có thời gian tu nghiệp tại nước ngoài hoặc học tại nước ngoài giảng dạy các giáo trình, sách giáo khoa chuẩn của khu vực và quốc tế.
Một vấn đề quan trọng nữa cần được các nhà trường quan tâm, đó là việc dạy và học ngoại ngữ. Trong bối cảnh hội nhập, ngoại ngữ đóng một vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn mực quốc tế. Phải coi việc dạy và học ngoại ngữ là nội dung phát triển nguồn nhân lực. Dạy và học ngoại ngữ không chỉ để học sinh giao tiếp quốc tế mà còn là hình thức để nhận thức khoa học, là điều kiện bắt buộc phải có để đạt được mục tiêu giao lưu văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế… Và cũng qua đó để đạt được mục tiêu chung nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Vì nhiều lý do khác nhau, từ lâu tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chung cho nhu cầu giao tiếp giữa các cộng đồng ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Ngày nay, các nước còn sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung cho các phương tiện thông tin đại chúng, cho truyền thông khoa học và giảng dạy trong các nhà trường. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia ngoại ngữ của Việt Nam đã xây dựng được một chiến lược dạy học ngoại ngữ xuyên suôt các bậc học. Tuy nhiên trình độ ngoại ngữ chung của học sinh còn rất hạn chế. Ngay cả trường hợp có người biết đọc biết viết nhưng lại không biết nghe biết nói hoặc biết nghe biết nói nhưng lại không biết đọc biết viết, thành ra chưa hẳn đã thoát nạn mù ngoại ngữ.
Và ngay cả những học sinh đạt điểm tiếng Anh chuẩn quốc tế để đi du học vẫn phải mất hàng năm trời mới hội nhập được với các bạn cùng lớp. Tại sao lại như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân thuộc chiến lược chung về dạy học ngoại ngữ. Có nguyên nhân thuộc về lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nhưng có một điều chắc chắn là nền tảng tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng khác của học sinh chúng ta còn yếu kém nên dẫn tới tình trạng trên. Để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Đề án dạy ngoại ngữ từ năm 2012 đến năm 2020 để nâng cao dần từng bước, tiến tới trình độ ngoại ngữ trong khu vực. Nhưng chẳng lẽ phải đợi đến sau năm 2020 các nhà trường mới thực hiện đại trà theo kiểu đánh kẻng dàn hàng ngang. Chúng tôi nghĩ một số trường nên thực hiện việc giảng dạy các bộ môn khoa học bằng tiếng Anh ngay cho học sinh phổ thông. Có như vậy chúng ta mới từng bước nâng cao mặt bằng dân trí ngoại ngữ lên trình độ một quốc gia phát triển…
Đúng 11 giờ máy bay từ Narita mới cất cánh đi đến sân bay quốc tế Mỹ Dallas. Đây là khoảng thời gian bay rất dài. Phần lớn hành khách trên máy bay đều theo dõi hoặc nghe các chương trình tự chọn trên màn hình cảm ứng trước mặt. Một số ít nhắm mắt ngủ ngồi. Riêng với David, tôi để ý không thấy ông nghỉ ngơi. Ông cặm cụi đánh máy hàng tiếng trên máy tính cá nhân, thỉnh thoảng làm một tợp rượu, nếu không lại quay sang nói chuyện. Tôi có linh cảm ông đang thực hiện một tác phẩm gì đó liên quan đến Việt Nam nhưng lại không tiện nói. Những vấn ông đưa ra bàn luận với tôi là những vấn đề lớn, liên quan đến vận mệnh của khu vực Đông Nam Á và các quốc gia mà đều có tâm xoáy vào Việt Nam. Những vấn đề này vừa mang tính thực tiễn, vừa có tính chất học thuật. Chẳng hạn như việc Mỹ rút khỏi Việt Nam, rút các căn cứ quân sự ở các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan đã để lại một khoảng trống quyền lực. Không có nước nào, kể cả những nước hóa rồng hóa hổ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có đủ tiềm lực vươn lên trở thành cường quốc san lấp khoảng trống đó. Inđônnêsia, Thái Lan, Philippines đều chìm ngập trong làn sóng ly khai dân tộc và các vấn đề nội bộ. Cũng không có một quốc gia nào có khả năng dẫn dắt ASEAN phát huy được tiềm năng và sức mạnh của nội khối. Bên ngoài, Liên Xô đang trên đường sụp đổ. Họ phải bỏ lại căn cứ quân sự hải quân duy nhất ở Cam Ranh nhằm đối trọng với Mỹ và kiềm chế Trung Quốc trước đó. Còn Nhật Bản thì vừa chịu sự ràng của các điều ước sau chiến tranh thế giới thứ hai vừa chịu sự ràng buộc của hiến pháp trong nước, lại dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, cũng chỉ là một cường quốc về kinh tế mà thôi.
 Cường quốc duy nhất mất vị thế gần hai trăm năm trở lại đây vốn ôm mộng khôi phục địa vị bá chủ khu vực đang dần tìm cách lấp khoảng trống quyền lực ở khu vực, đó là  một Trung Quốc trỗi dậy đầy tham vọng. Không may cho Đông Nam Á lại là Trung Quốc, một Thiên triều bành trướng mà hầu hết các nước lân bang đều phải triều cống suốt mấy nghìn năm trong lịch sử nếu không muốn bị chiến tranh và hủy diệt. Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra rằng Đông Nam Á có vấn đề, đều bị cuốn hút vào những cuộc chiến tranh dã man tàn bạo, cốt nhục tương tàn khi có thế lực bên ngoài can thiệp vào. Mấy nghìn năm trước đây là Trung Quốc, mấy trăm năm gần đây là Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ, và mấy chục năm gần đây lại là Trung Quốc. Nếu Đông Nam Á không tỉnh táo, đoàn kết thì cái định mệnh của lịch sử tiếp tục gieo họa cho các nước.
Tôi nói lại với David nếu như các các cường quốc quyết tranh giành vị trí chiến lược, tranh giành cưỡng đoạt lãnh thổ, vùng nước, tài nguyên kể cả bằng vũ lực thì các nước nhỏ yếu ở Đông Nam Á có thể làm gì được. Từ xưa đến nay chân lý vẫn thuộc về kẻ mạnh. Ỷ mạnh hiếp yếu, khi cần bất chấp luật pháp quốc tế là cách hành xử thường thấy ở các cường quốc. Thậm chí họ có thể thỏa hiệp với nhau để chia sẻ lợi ích ở Đông Nam Á . David  không đồng ý với cách đặt vấn đề như vậy, theo David vì đây là Đông Nam Á chứ không phải là Trung Đông. Điều quan trọng nhất ASEAN phải là một. Thách thức đến từ Trung Quốc chứ không phải từ Mỹ, dù Mỹ có chuyển trọng tâm chiến lược quân sự về châu Á – Thái Bình Dương.
 Để trở thành một gã khổng lồ, Trung Quốc đã bành trướng mấy nghìn năm nay rồi. Biết bao nhiêu dân tộc đã bị tiêu diệt hoặc bị xóa tên vĩnh viễn trên bản đồ. Điều này thì các dân tộc lân bang với Trung Quốc và các tộc người trong đại gia đình Trung Quốc đều đã được trải nghiệm bằng máu và nước mắt từ ngàn xưa đến nay như một hằng số. Tất cả các cường quốc thực dân đều đã ra đi, chỉ còn một mình Trung Quốc là ở lại đó. Cứ lấy Việt Nam làm ví dụ, không một triều đại nào, không một chính thể nào thuộc Tầu là không đem quân xâm lược Việt Nam. Mới gần đây nhất năm 1945 là Tầu Tưởng, năm 1979 là Tầu Cộng. Trong lịch sử hiên đại ai là người đã chủ động gây ra tất cả các cuộc chiến tranh biên giới trong mấy chục năm trở lại đây. Lấy gì đảm bảo từ nay về sau họ tôn trọng nền độc lập, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thố của các nước láng giềng hữu nghị ở Đông Nam Á. Nhân tố gây mất ổn định ở Đông Nam Á hiện nay chính là Biển Đông, không phải là sự căng thẳng giữa các nước thành viên ASEAN mà là sự căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều nước trong ASEAN. David hài hước, nếu các dân tộc có thể dịch chuyển được lãnh thổ đi nơi khác thì có lẽ chỉ còn lại một mình Trung Quốc.
Lịch sử cho đến nay cũng chỉ ra rằng không một quốc gia nào phụ thuộc vào Trung Quốc lại mở mày mở mặt được với năm châu bốn biển. Bắc Triều Tiên, Mianma là một trong số các quốc gia chứng minh cho cái gam mầu tối tăm đó. Các dân tộc láng giềng đã từng một thời là thuộc quốc hoặc vùng lãnh thổ của chính Trung Quốc sớm thoát khỏi sự chi phối, lệ thuộc và ảnh hưởng của Thiên triều đều đã chuyển mình cất cánh, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singaporo, Đài Loan, Hồng Kông… Tất nhiên trong thời đại toàn cầu hóa, các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phụ thuộc lẫn nhau, mọi cái đều có thể thay đổi. Song bản chất bành trướng của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc có thay đổi hay không, trước mắt giống như các nhà ngoại giao quốc tế thường nói, đừng tin vào những điều người ta diễn thuyết như “trỗi dậy hòa bình, không bá quyền, cùng thắng” mà hãy xem xét những việc người ta đã và đang làm. David cho rằng nếu Đông Nam Á không cảnh giác, được thì sẽ được cái nhất thời, mà mất thì mất cái vĩnh hằng mà bao nhiêu dân tộc đã từng mất từ hàng ngàn năm nay.
Thì ra David đã từng nghiên cứu lịch sử châu Á. Ông rất am hiểu về lịch sử Đông Bắc Á, Đông Nam Á . Cha ông là quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan chỉ huy tác chiến không lực Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953, người đã khuyên ông theo học chuyên ngành sử Đông Á. David nhìn đồng hồ, gấp máy tính cá nhân, quay người lại phía tôi:
-       Sau Thế chiến 2, vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, giới chiến lược quân sự Mỹ đã nhận thấy tầm quan trọng của Đông Á trong Chiến lược Ngăn chặn Cộng sản của Mỹ ở châu Á. Họ đã xác định rằng Đông Bắc Á có những lợi ích chiến lược toàn cầu. Điểm then chốt ở Đông Bắc Á là Triều Tiên. Cả Mỹ và Liên Xô đều có những hoạt động để bán đảo Triều Tiên đi theo quỹ đạo của riêng họ. Chính vì vậy mới xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Sau cuộc chiến hai bên lại trở về vạch xuất phát vĩ tuyến 38. Mỹ coi Nam Triều Tiên là chiếc neo chiến lược đối với sự có mặt của mình ở lục địa châu Á nói chung và Đông Á nói riêng. Nếu mất Nam Triều Tiên thì không chỉ Liên Xô, Trung Quốc mà ngay cả Nhật Bản cũng có thể là đối thủ của Mỹ. Nam Triều Tiên đã thật sự là điểm dừng chân của Mỹ ở Đông Á, giúp Mỹ khống chế Liên Xô, Trung Quốc. Còn Đông Nam Á là một khu vực rộng lớn tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Nam. Nó kiểm soát cửa ngõ ra vào giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tổng thống Harry Truman đã phê chuẩn Văn kiện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và nhấn mạnh việc cần thiết phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Dương. Đông Nam Á  đã chính thức trở thành chiến trường quan trọng sau Đông Bắc Á của Mỹ. Điểm then chốt ở Đông Nam Á là Việt Nam. Theo tôi, David nhấn mạnh, không có cái gọi là Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai của Pháp và của Mỹ. Chỉ có một cuộc chiến tranh nối tiếp gần 30 năm. Ngay từ đầu nó đã là cuộc chiến tranh của Mỹ, mới đầu là Pháp – Mỹ, sau là Mỹ. Cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành là cuộc chiến tranh xâm lược, xuất phát từ chiến lược của Mỹ, từ sự áp đặt chiếm đóng miền Nam Việt Nam để điều khiển và giành quyền kiểm soát thị trường, kinh tế, nhân lực, tài nguyên không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á.
-       Hình như David không có thiện cảm với những nhà cầm quyền ở cả Oasinhtơn lẫn Bắc Kinh, tôi nhận xét.
-       Đều giống nhau ở cái bản tính bầy đàn, bản chất hiếu chiến, ngạo mạn. MC. Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người góp phần hoạch định chính sách trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã thừa nhận rằng họ đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Họ không hiểu gì về con người Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh giá thấp tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ còn cho rằng họ đã hiểu sai về những mục tiêu của Trung Quốc trong việc giành bá quyền ở khu vực. Ở điểm sau thì  MC. Namara đã lầm. Họ không hiểu sai về chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc. Chỉ có điều họ không nhận ra lúc đó là chính Trung Quốc cũng bị thất bại trong lá bài Việt Nam, thất bại cay đắng trong âm mưu bành trướng ở khu vực Đông Nam Á. Và cũng như bao lần trong quá khứ, Việt Nam một lần nữa đã chôn vùi tham vọng đầy tội lỗi của Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao có cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba mà các nhà sử gia phương Tây gọi là cuộc Chiến tranh giữa những người anh em Đỏ. Tôi nói lại với ông tôi không đồng ý với cách gọi như vậy. Tôi gọi đó là cuộc Chiến tranh biên giới Tây – Nam giữa Việt Nam với  Campuchia và cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thực chất nó chỉ là một cuộc chiến tranh, mục đích nhằm làm Việt Nam suy yếu, nhằm lấy lòng Mỹ, được sự đồng thuận của Mỹ, do Trung Quốc phát động với những tính toán riêng về mặt chiến lược. Còn những cụm từ “ Phản kích tự vệ” và “ Dạy cho Việt Nam một bài học” là những cụm từ lừa bịp, kích động chủ nghĩa dân một cách hữu hiệu nhất, một kiểu gắp lửa bỏ tay người, nghĩ sâu một chút đó là giọng lưỡi xô vanh ngạo mạn, anh chị của bọn lưu manh làm chính trị. Những người có văn hóa, có học hành không ai dám đi dạy dân tộc mình và nhất là dân tộc khác phải sống như thế nào. Không biết ai phải cảm ơn ai nếu họ nhìn lại cuộc chiến tranh Triều Tiên. Không biết ai dạy ai trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Mặc dầu vậy, bây giờ nhìn lại, rõ ràng người Việt đã mất cảnh giác, không đánh giá đúng tình hình, đã rơi vào một cái bẫy giăng sẵn, mất hai mươi năm trời bị cô lập, nếu không như vậy lịch sử sẽ theo một hướng khác.
-       Ý ông là chúng tôi đã say sưa với chiến thắng, chủ quan không đánh giá đúng thời cuộc và đánh mất thời cơ hàng thập niên phát triển.
-       Có thể nói là gần như vậy. Người Việt có câu thành ngữ rất hay “Sống chung với lũ’’. Các ông đã sống với lũ mấy nghìn năm, vậy mà lúc đó lại quên mất lũ. Lẽ ra các ông phải đề phòng, phải nhận ra người anh em môi hở răng lạnh từng bức hại đến chết hàng triệu người mà đa số là những người bạn, người đồng chí chung một chiến hào, những người dân vô tội để giữ quyền lực, và mở rộng quyền lực. Lẽ ra các ông phải nhận ra quan hệ Việt – Trung sẽ như thế nào nếu không phục vụ dã tâm đi xuống phương Nam của họ. Lẽ ra ngoài các quan hệ truyền thống, các ông phải thúc đẩy quan hệ với phương Tây, trong đó có Mỹ ngay sau năm 1975. Rất tiếc các ông đã sa vào lưới của họ. 
-       Có ai mà biết được hết chữ ngờ. Người Mỹ các ông đâu có ngờ sau Chiến tranh Việt Nam lại sa vào ít nhất hai cuộc chiến tồi tệ hao người tốn của, thậm chí làm khánh kiệt cả nước Mỹ.
-       Ông nói cũng đúng. Stephen Hawking nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng thế giới từng cảnh báo loài người, chớ tìm cách liên lạc với người ngoài hành tinh vì họ có thể rất hiếu chiến. Nhưng tôi nghĩ ngược lại, có lẽ họ đã phát đi tín hiệu cho nhau cần phải tránh xa cái địa cầu trong Hệ mặt trời này, bởi nền văn minh của chúng ta còn ở cấp thấp, còn quá nhiều người mang trong mình dòng máu dã thú. Nhưng thôi chúng ta trở lại vấn đề. Từ năm 1975 đến 1978 hai nước đã bỏ qua cơ hội để đến với nhau. Theo tôi sai lầm chiến lược của Việt Nam bắt đầu từ đó. Và sai lầm của Đông Nam Á cũng bắt đầu từ đó. Với Việt Nam phải đến đầu những năm 1990 mới dần từng bước thoát khỏi khủng hoảng. Tháng 2 năm 1994, Tổng thống Bill Clintơn tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài từ cuối thập niên 70. Tôi còn nhớ thời gian đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ, tuyên bố sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trên tinh thần gác lại quá khứ hướng tới tương lai. Có thể nói từ đó, một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước được mở ra. Tôi được cử đến Việt Nam bắt đầu từ những ngày ấy, cho đến tận bây giờ, năm nào cũng có vài chuyến công tác sang Việt Nam. Lần này tình cờ gặp ông.
-       Mỗi chuyến công tác của ông tại Việt Nam thường kéo dài bao lâu?
-       Cũng tùy theo tính chất công việc. Có khi là một tuần, có khi là một tháng, có khi hơn một tháng. Tôi nhớ vào tháng 11 năm 2000, khi Tổng thống Bill Clintơn thăm chính thức Việt Nam, tôi làm việc với Bộ Thương mại Việt Nam ở Hà Nội đến một tháng rưỡi để triển khai Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.
-       Theo ông Hiệp định này có ý nghĩa gì?
-       Hiệp định song phương Việt Nam – Hoa Kỳ rất cần thiết. Vì theo luật, Hoa Kỳ không thể trao quy chế quan hệ thương mại bình thường với các nước đang trong thời kỳ chuyển tiếp như Việt Nam mà không có hiệp định thương mại song phương. Mục đích của nó là đảm bảo cho những luật lệ thương mại được rõ ràng, kích thich và làm tăng thương mại, giúp Việt Nam hội nhập kinh tế, kể cả việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sau đó. Theo tôi, chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ đã khẳng định không chỉ bằng tuyên bố mà còn là hành động thực tế của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Nếu chuyến thăm của Bill Clintơn thể hiện sự cam kết theo đuổi một quan hệ mới trong quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn mới thì chuyến thăm của Tổng thống George W Bush tháng 11 năm 2006 là sự thừa nhận những thành tựu quan trọng trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Hai nước bắt đầu đi vào giai đoạn ổn định và phát triển. Cùng với các chuyến thăm cấp cao nhất của Hoa kỳ, các vị lãnh đạo Việt Nam cũng liên tục có những chuyến thăm tới Mỹ, góp phần nâng cao hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia. Đặc biệt trong thời gian gần đây, hai nước tăng cường tiếp xúc hợp tác về mặt quốc phòng. Hai nước đang tiến hành đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương, một cơ chế mới, một sân chơi mới với các nước ven bờ biển Thái Bình Dương đang được hình thành. Cứ cái đà này, tôi nghĩ trong tương lai không xa, hai nước có thể nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược. Tôi tin rằng khu vực Đông Nam Á sẽ ổn định nếu có Việt Nam, Inđônêsia, Philippines hùng mạnh và các nước trong khu vực hùng mạnh. Sự mất ổn định diễn ra nếu khu vực chỉ có nhóm nước yếu, chia rẽ, mất đoàn kết, trong khi Trung Quốc nổi lên là cường quốc đầy tham vọng độc chiếm Biển Đông…
Nói chuyên với David thật thú vị. Thật không ngờ ông lại am hiểu tình hình Đông Nam Á và Việt Nam hơn cả những người Việt như tôi.


1 nhận xét:

  1. hnao đi sang nhật bản chắc cũng phải hết 6 tiếng nhỉ , cũng lâu phết đó , mà không biết mùa này bên đó có lạnh nữa ko nhỉ .
    ............................
    thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm

    Trả lờiXóa

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.