Đến sân bay quốc tế Dallas bang Texas Hoa Kỳ

Leave a Comment
Thế là tôi đã vượt qua khoảng 13.000 km  từ sân bay Nội Bài để đến Hoa Kỳ. Điểm đỗ đầu tiên của chuyến máy bay chuyển tiếp bay từ Narita, Nhật Bản đến Hoa Kỳ là sân bay quốc tế Dallas – Fort Worth, sân bay lớn nhất trong số 730 sân bay của bang Texas. Sân bay quốc tế Dallas – Fort Worth là một sân bay nằm giữa hai thành phố Dallas và Fort Worth thuộc Vùng đô thị Dallas, Fort Worth và Arlinton, trung tâm văn hóa, kinh tế nói chung của toàn vùng Trung, Bắc bang Texas. Vùng đô thị này có 5,8 triệu người, được xem là vùng đô thị lớn nhất bang Texas và vùng đô thị lớn nhất tại miền Nam Hoa Kỳ. Thế nhưng người ta thường thường chỉ biết đến thành phố Dallas có 1,2 tiệu dân, với nhiều tòa nhà chọc trời, trung tâm viễn thông, công nghệ máy tính, ngân hàng, vận tải và là thành phố đi đầu nước Mỹ về giáo dục phổ thông.
Sân bay quốc tế Dallas – Fort Worth có mã là DFW / KDFW. Với diện tích 73,15 km2, đây là sân bay rộng thứ 2 của Mỹ và rộng thứ 4 trên thế giới. Về số lượng máy bay hoạt động, đây là sân bay nhộn nhịp nổi tiếng. Về số lượng khách phục vụ, nó đứng thứ 4 của Mỹ, thứ 6 của thế giới. Trung bình vào đầu những năm 2010, có xấp xỉ 60 triệu lượt khách hàng năm. Sân bay phục vụ 129 điểm đến nội địa, 36 điểm đến quốc tế, là trung tâm lớn nhất và chủ yếu của hãng American  Airline (trên 800 chuyến bay xuất phát trên ngày). Tổng cộng sân bay có 5 nhà ga. Nhà ga A (Terminal A) có 35 cửa, bắt đầu từ cửa A2 kết thúc là cửa A39. Nhà ga B (Terminal B) có 31 cửa, bắt đầu từ cửa B2 kết thúc là cửa B39. Nhà ga C (Terminal C) có 31 cửa, bắt đầu từ cửa C2 kết thúc là cửa C68. Nhà ga quốc tế D (Terminal D) có 29 cửa, bắt đầu từ D6. Nhà ga E (Terminal E) có 36 cửa.
David không ra về, ông đi theo để giúp tôi. Hai valy hành lý cồng kềnh của tôi nặng gần 50 kg. Nếu không có David, tôi thực sự rất vất vả. Có đi và tận mắt chứng kiến tôi mới hiểu, thông cảm cho nỗi vất vả của vợ bao lần, một mình xoay sở sang Mỹ trong tình trạng không biết tiếng Anh để hỏi hệ thống nhân viên trợ giúp. Tôi nghĩ ngay cả những người biết tiếng Anh và nếu trình độ tiếng Anh đủ để hiểu các chỉ dẫn dày đặc ghi trên hệ thống bảng điện tử ở các sân bay quốc tế, thì người ta vẫn có cảm giác như bị lạc vào một ma trận, một biển người khó thoát ra và cũng không biết đi đâu, không biết làm gì nếu như chưa đi một vài lần. Người ta không thể tránh khỏi tâm trạng hoang mang, cuống quýt, lo sợ chuyển hành lý thế nào, kiểm tra hành lý ra sao, có thất lạc hành lý không, có bị trễ giờ không, lên tầng nào, đi xe điện nào, xuống đúng ga nào, đến đúng cửa nào… Hỏi ai? Vì ai nấy đều hối hả để thực hiện đúng lịch trình chuyến bay của mình.
David sinh ra và lớn lên ở bang Texas. Đây là bang lớn thứ 2 của Hoa Kỳ. Diện tích bang 696.241 km2, gấp hơn 2 lần lãnh thổ Việt Nam, chỉ đứng sau bang Alaska. Dân số 25,7 triệu, chưa bằng một phần ba dân số Việt Nam, xếp sau bang California. Thành phố thủ phủ của bang là Austin. Theo thống kê vào đầu năm 2013, GDP của bang năm 2012 đạt 1.207 tỷ USD. Bình quân đầu người trong bang xấp xỉ 36.500 USD. Texas có nền công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Texas còn nổi tiếng với những trường đại học trong tốp đầu của Mỹ và thế giới như Đại học Rice – Houston, Đại học Texas – Austin, Đại học Texas A & M, Đại học Houston, Đại học Trinity… Có hàng trăm học sinh, sinh viên Việt Nam hiện đang theo học ở các trường học trong bang Texas.
David nói tổ tiên ông đã đến Texas sinh sống và lập nghiệp từ thế kỷ thứ 18. Thân sinh ra cụ nội ông đã từng tham gia trận chiến San Jacinto năm 1836. Đó là trận đánh quyết định dẫn đến kết quả giành được độc lập của người dân Texas từ Mexico. Trong khoảng trên 200 năm, gia đình ông đã phiêu bạt qua nhiều nơi, đến đời cha ông mới định cư ở Thành phố Dallas. Xuống sân bay Dalas – Fort Worth coi như là về đến nhà ông rồi. Ông dẫn tôi đi giới thiệu bức tranh toàn cảnh và chi tiết sân bay quốc tế Dalas – Fort Worth. Ông cũng kể cho tôi nghe lịch sử vắn tắt bang Texas, đôi nét nổi bật về thành phố Dalas. Ông giở lịch và hẹn tôi thời gian tới đến chơi dinh cơ nhà ông và ông hứa sẽ giúp tôi đến thăm, làm việc với một số trường trung học, cao đẳng, đại học trong thành phố.
Trước khi vào cửa máy bay đi St Louis bang Missouri, tôi và David ôm nhau tạm biệt như những người bạn đã quen biết nhau từ lâu. Tôi tin chắc rằng chúng tôi còn gặp gỡ nhau ở cả Mỹ và Việt Nam, vì đến phút cuối chia tay David mới cho tôi biết ông đang viết một cuốn sách về Việt Nam và người Việt đầu tiên ông muốn chia sẻ chính là tôi. Tôi hy vọng chúng tôi có nhiều điều để nói với nhau về cuốn sách của ông. Nhưng trước mắt có một số vấn đề mà David đã nói với tôi, những vấn đề này cứ ám ảnh tôi trong chuyến bay từ Dallas tới St. Luis. Có phải thực sự những vấn đề David đề cập tới đã làm ảnh hưởng tới việc thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, làm ảnh hưởng đến việc đón dòng đầu tư sắp tới sau khủng hoảng kinh tế thế giới? Theo ông, những hạn chế đó là trình độ nhân lực; sự độc quyền, yếu kém thảm hại của doanh nghiệp nhà nước và sự tham nhũng ở Việt Nam.
Về nguồn nhân lực, các nhà đầu tư trong ngoài nước, các nhà tuyển dụng thường đánh giá nhân lực Việt Nam thiếu tính cạnh tranh, thứ hạng thấp kém trong khu vực, không mạnh dạn, thiếu tự tin, thiếu tầm nhìn. Năng suất lao động của người Việt Nam bằng ½ người Trung Quốc, chưa bằng ½ người Thái Lan và thấp hơn nhiều so với mặt bằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phải chăng giáo dục và đào tạo Việt Nam không cung cấp đủ những điều kiện, những kỹ năng cần thiết để người lao động làm việc có hiệu quả hay đã có những lệch lạc nào đó nên dẫn tới tình trạng trên. Hình như các nhà trường, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô đang tuyệt đối hóa kiến thức cũng như quá coi trọng việc thi cử, đang chạy theo bệnh thành tích và hình thức. Họ chưa thật sự chưa hiểu và coi trọng chất lượng thực tế của nguồn nhân lực.
Giáo dục và đào tạo là quá trình tạo ra năng lực học tập để hiểu biết, để có năng lực làm việc, để hòa nhập và tự khẳng định mình, chứ không phải chỉ là kiến thức của sự học tập. Không thể bắt con người tiếp thụ một gánh nặng kiến thức, làm cho giáo dục phổ thông và đại học trở thành khổ sai. Con người phải có niềm vui, sự say mê, hạnh phúc, sức khỏe, tự tin để bước vào đời làm việc một cách hứng khởi và sáng tạo. Đáng tiếc xã hội mới chỉ tôn vinh điểm số, bằng cấp, chứng chỉ mà quên mất những sáng tạo phi điểm số, phi bằng cấp, phi chứng chỉ. Chưa kể đến việc ai mới là người xứng đáng được tuyển dụng vào các vị trí đúng đắn để làm việc. Để chuyển đổi từ lao động nông nghiệp, thủ công và gia công hàng hóa trở thành lao động trong nền kinh tế tri thức, vấn đề thật không đơn giản, thậm chí còn có thể lầm lỗi nếu ngành giáo dục và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn tư duy công việc giáo dục, đào tạo và dạy nghề như kỉ nguyên của xã hội nông nghiệp và tiền công nghiệp.
Có lẽ Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia mà phụ huynh học sinh sốt sắng đi xếp hàng từ nửa đêm hôm trước để mua đơn cho con vào một trường học mầm non nổi tiếng. Có lẽ Việt nam là một trong số rất, rất ít quốc gia mà phụ huynh học sinh xô đẩy đổ cổng trường với mục đích mua được một đơn xin vào một trường tiểu học nổi tiếng. Có lẽ Việt Nam cũng là một trong số rất, rất, rất ít quốc gia mà mỗi kỳ thi tốt nghiệp trung học và thi đại học đều là những cơn địa chấn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ lực lượng trị an, dân phòng đến công an các cấp, từ phụ huynh học sinh cho đến chính quyền nhà nước các cấp, từ học sinh cấp trung học đến sinh viên cấp đại học, từ ngành giáo dục đến Bộ Giao thông Vận tải, từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, đó là chưa kể đến các bộ phận phục vụ khác, tất cả đều vào cuộc, hừng hực đầy khí thế như đi ra chiến trận mà chỉ để cho thí sinh làm bài và đảm bảo an toàn cho một kỳ thi vài ngày. Để rồi bao hiện tượng tiêu cực trong các kì thi tốt nghiệp giống như ở điểm thi Đồi Ngô, Bắc Giang, thầy giải bài rồi pho to cho trò chép, trò đưa bài cho trò chép. Điều đáng ngạc nhiên là ai nấy trong ngành giáo dục đều biết mười mươi các hiện tượng tiêu cực, nhưng tất cả xã hội vẫn cứ xôn xao như chưa hề biết.
Chẳng cứ ở các tỉnh xa xôi hẻo lánh, ngay ở thủ đô Hà Nội, các hiện tượng tiêu cực trong các kì thi là chuyện thường tình. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi học lớp 7( Lớp cuối cấp hai ngày trước), tôi đã được cô giáo chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy toán giỏi, một cô giáo nhiệt tình, thương yêu học sinh hết mực, cô bảo chúng tôi khi làm bài thi, viết vào tờ giấy thi từ “ Bài giải” thay cho từ “ Bài làm” để cô biết dấu hiệu học sinh lớp mình, học sinh trường mình. Lần thứ hai trong đời đi thi năm đó (Lần thứ nhất là thi hết lớp bốn, tốt nghiệp cấp một), tôi còn được một học sinh bên cạnh xin ra ngoài, khi học sinh đó vào, đưa cho một tờ giấy nháp có lời giải bài toán lập phương trình và bảo: “ Các thầy cô bảo cứ thế mà chép”... Đến khi trở thành giáo viên, lần đầu tiên được đi coi thi, thầy hiệu trưởng, các thầy cô lớn tuổi trong trường nói với tôi: “ Coi thi cứ phiên phiến thôi. Đừng quá khắt khe”. Việc học sinh trao đổi, nhìn bài nhau có giáo viên nào nỡ lập biên bản. Từ năm 1980 đến năm 2008 năm nào tôi cũng là Phó chủ tịch, Chủ tịch các hội đồng thi tốt nghiệp THCS. Sự gian dối trong các kì thi được ngầm hiểu từ chính quyền cấp cơ sở, từ lãnh đạo hội đồng thi cho tới các giám thị. Chúng tôi thường nói bên ngoài các cuộc họp tổng kết sau các kì thi rằng, nếu coi thi thật nghiêm túc không biết các nhà trường có đỗ đến 65% không. Vậy mà tổng kết chung toàn huyện, toàn thành phố năm nào cũng tốt nghiệp từ 95 đến 98%. Tôi tin giáo dục của chúng ta còn dựa vào thành tích thi cử để đánh giá chất lượng thì còn gian dối. Đương nhiên chất lượng nhân lực của Việt Nam vì thế cũng đã bắt đầu lung lay, lung lay ngay từ cấp tiểu học, cấp THCS và cấp THPT từ mấy chục năm qua rồi.
Gia đình, nhà trường, xã hội đều quan tâm tới chuyện học hành. Nhưng sự quan tâm không đúng cũng để lại những hệ lụy nhất định. Tất cả các gia đình đều muốn con em mình thi đỗ vào đại học, không ai muốn học trường nghề, dù đó là trung cấp hay cao đẳng rất thiết thực. Học trường nghề bị coi là thấp kém, là bất đắc dĩ. Trong thâm tâm các bậc phụ huynh, học đại học là con đường đảm bảo cho tương lai thoát khỏi cảnh lao động nhọc nhằn trên đồng ruộng, trong nhà máy. Kiếm được tấm bằng đại học coi như sự thoát ly khỏi khung cảnh lao động, hoàn cảnh lao động của gia đình, đảm bảo cho một viễn cảnh ngồi mát ăn bát vàng.
Nhà trường, các thầy cô cũng chỉ tuyên truyền về thành tích cũng như tỉ lệ phần trăm được vào đại học của trường mình, lớp mình. Gần như không có trường nào liệt kê danh sách học sinh vào học trường nghề. Nói tới học nghề, trong một cuộc hội thảo quốc tế về giáo dục tổ chức tại Hà Nội năm 2010, người thuyết trình, người đứng đầu ngành dạy nghề của Cộng hòa Liên bang Đức có phát biểu: “ Sự phát triển bền vững của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào công tác giáo dục và dạy nghề”. Rất đáng tiếc là ngày hôm đó không có một hiệu trưởng trường trung học phổ thông nào của thành phố ngoài anh Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng đến dự, mặc dầu tất cả các hiệu trưởng đều được mời. Họ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề, cố tình bỏ qua và coi thường cái hội thảo quốc tế về việc dạy nghề.
Với một quan niệm và tâm lý của cả xã hội, nhà nhà và người người phải vào đại học, phải có bằng cấp đại học, không cần biết sau này sẽ ra sao, lợi ích của bản thân sau này thế nào, tình trạng thừa thầy thiếu thợ ngày càng nghiêm trọng. Và như vậy bao giờ đất nước mới có một  đội ngũ hùng hậu lao động lành nghề, nền tảng nhân lực cho các ngành công nghiệp để phát triển đất nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc.
Rất nguy hiểm khi sinh viên ra trường không xin được việc làm, phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, khi mà thực tế, trình độ kinh tế của đất nước sẽ cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu học tại các trường nghề. Cần phải khuyến khích học sinh, kể cả học sinh có năng lực học tập theo học nghề. Cần phải thay đổi quan niệm của phụ huynh, phải thực tế thực dụng, không phải đứa trẻ nào cũng trở thành chủ tịch nước hay thủ tướng hoặc bộ trưởng, không phải đứa trẻ nào cũng trở thành nhà văn, nghệ sỹ, nhà khoa học, luật sư, bác sỹ. Chính cái quan niệm thày thợ trong tâm thức người Việt, trong văn hóa việt đã góp một phần không nhỏ làm thui chột, làm méo mó hình ảnh người thợ. Những người thợ chuyên sâu như điện dân dụng hay công nghiệp hoặc điện lạnh điện nước, những người thợ hàn tiện nguội tay nghề cao, những người thợ lắp ráp máy tính chuyên nghiệp, những người thợ sửa chữa ô tô tài giỏi, những người công nhân xây dựng thuần thục… tất cả mọi người đều có thể có một cuộc sống hạnh phúc và có giá trị cao. Nhưng thật đáng tiếc, các trường nghề ở trung ương và địa phương, kể cả những trường nghề trọng điểm có sự đầu tư của nước ngoài vẫn hoàn toàn vắng bóng học sinh khá giỏi.
Không vào được đại học thì cay cú, xấu hổ cho rằng không bằng anh bằng em. Vào đại học rồi thì sao, chất lượng của thầy trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài thì thật ảm đạm. Sau 4 năm, 5 năm miệt mài trên ghế nhà trường, hàng trăm cử nhân khoa học kỹ thuật mới có vài người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đáng buồn hơn là đa số thầy được nhà đầu tư tuyển vào làm việc đều phải đi đào tạo lại. Có xí nghiệp liên doanh gần 100% cán bộ, kỹ sư người Việt thay nhau tu nghiệp ở nước đầu tư. Rõ ràng giáo dục đại học ngày càng bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Nhìn vào bảng xếp loại các trường đại học của Việt Nam thì chỉ có duy nhất Trường Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ hạng gần 1.000. Trường Đại học Ngoại thương, Y, Dược, Bách Khoa Hà Nội... đều bị xếp loại ở hạng áp 2.000 đến 10.000. Một số trường có tiếng còn bị xếp vào hàng chạm đáy của thế giới. Khách quan mà nói giáo dục đại học Việt Nam nếu không nhanh chóng thay đổi sẽ ngày càng lạc hậu, ngày càng mất niềm tin. Mất niềm tin đến nỗi chỉ còn thiểu số học sinh học các trường chuyên nổi tiếng việt Nam, gia đình có tiền, ở lại học đại học trong nước. Xem ra bài toán nhân lực tiếp tục vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.
Đúng là thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn khiêm tốn nếu so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác trong khu vực. Nhưng nguyên nhân không hẳn là do doanh nghiệp nhà nước ngáng trở như David nhận xét. Trung Quốc là một nước theo chế độ Xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo, làm nòng cốt định hướng phát triển cho toàn bộ nền kinh tế, và ngay cả Ấn Độ, dù theo chế độ Tư bản chủ nghĩa, họ vẫn rất coi trọng doanh nghiệp nhà nước, tại sao người ta vẫn thu hút được hầu hết các công ty xuyên quốc gia lớn để đất nước họ trở thành công xưởng sản xuất của cả thế giới.
Trong số 500 công ty xuyên quốc gia lớn nhất thế giới, Mỹ có 175, Nhật có 112, Đức 42, Anh 35, Pháp 38, Ý 13, Canađa 8. Việt Nam mới chỉ thu hút được một số công ty xuyên quốc gia của Mỹ, Nhật, còn các nước Tây Âu gần như vắng bóng. Có lẽ dưới con mắt của các công ty xuyên quốc gia Tây Âu thì Việt Nam chỉ được coi là thị trường tiềm năng. Quan hệ kinh tế giữa Tây Âu với Việt Nam chỉ dừng lại ở quan hệ song phương bình thường, chưa phát triển tới quan hệ đối tác chiến lược. Tình trạng đó ít nhiều ảnh hưởng tới dòng đầu tư vào Việt Nam. Nhưng nguyên nhân chính là môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, mức độ hấp dẫn của chính sách đầu tư thấp, thị trường và sức mua còn hạn chế. Còn sự e ngại các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam chỉ là sự e ngại của các công ty chi nhánh của Mỹ hoặc các công ty xuyên quốc gia Đông Á và Đông Nam Á mà thôi.
Thực ra doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức hợp tác xã hay doanh nghiệp tư nhân thì cũng đều là hình thức tổ chức kinh tế, là sản phẩm lịch sử quá trình phát triển kinh tế của nhân loại. Gán cho nó mang đặc trưng của một thể chế chính trị cũng không hoàn toàn đúng. Ở Việt Nam, quan điểm phổ biến cho rằng cứ doanh nghiệp nhà nước thì làm ăn không có hiệu quả và chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới có cơ sở phát triển được. Quan điểm này không có cơ sở vì rất nhiều doanh nghiệp nhà nước ở khắp nơi trên thế giới người ta thành đạt và cũng có vô số doanh nghiệp tư nhân ở nước ta cũng như ở khắp nơi trên thế giới đổ bể hàng năm.
Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, Ấn Độ và ngay ở các nước ASEAN không những làm ăn có lãi, đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân mà còn có năng lực cạnh tranh rất cao trên đấu trường quốc tế. Ví dụ, tổng lợi nhuận hai doanh nghiệp nhà nước Sinopee và China Mobile vào năm 2010 còn lớn hơn lợi nhuận của 500 công ty tư nhân lớn của Trung Quốc cộng lại. Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc không những là xương sống chủ đạo trong ngành năng lượng quốc gia trong nước mà còn có khả năng cạnh tranh quyết liệt với những tập đoàn dầu khí xuyên quốc gia hàng đầu của các nước Tây Âu. Công ty Bombay Transport Authority của nhà nước ẤN Độ được coi là công ty kinh doanh hiệu quả kiểu mẫu của thế giới. Hãng hàng không nhà nước Singapore Airlines là một tập đoàn do Bộ Tài chính nước này sở hữu 100% vốn được bầu chọn là hãng hàng không tốt nhất thế giới. Nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, hàn Quốc, Na Uy, Brazil đều có doanh nghiệp nhà nước rất lớn như EMBRAER, Renault, POSC…
Ngay ở Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước thường được nhìn nhận như điển hình thành công trong số các doanh nghiệp nhà nước. Tất cả không những thành công mà còn là những doanh nghiệp nhà nước thường dẫn đầu trong nỗ lực hiện đại hóa khu vực công nghiệp. Thậm chí các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc còn đóng góp rất nhiều vào việc đầu tư ở trong nước, ở ngoài nước, điều đã làm cho nền kinh tế nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mặc dầu  hiện nay chúng ta chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng khối doanh nghiệp nhà nước vẫn được coi là con đẻ, được ưu tiên ưu đãi nhiều mặt. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp cơ sở hạ tầng vật chất cơ bản, cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho xã hội và an ninh, quốc phòng, làm nòng cốt kinh tế quốc gia, thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy mà thực tế sau hơn 25 năm đổi mới, khối doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 50% nguồn lực nhà nước nhưng chỉ chiếm 31,5% tổng doanh thu doanh nghiệp toàn quốc, thuế thu nhập chỉ chiếm 7% tổng thu ngân sách Nhà nước và cũng chỉ tạo ra 4,5% việc làm toàn xã hội, hiệu quả sử dụng đồng vốn chỉ bằng nửa so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tình hình trên dẫn tới  một sân chơi không công bằng đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt với các doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng tới dòng đầu tư nước ngoài. Vì vậy yêu cầu  khách quan là không thể chậm trễ hơn nữa trong cải cách triệt để khối doanh nghiệp nhà nước.
Vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước gần đây được thể hiện trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đề án đã nhận được sự đánh giá cao của nhiều chuyên gia. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, nếu muốn tạo đột phá trong tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, cần sớm luật hóa các giải pháp trong đề án, đồng thời phải kiên quyết trong thực hiện. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những trụ cột quan trọng của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đề án, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện đồng thời 3 nội dung, bao gồm sắp xếp phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư ngành nghề kinh doanh; cổ phần hóa, đa dạng hóa doanh nghiệp nhà nước; áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thay đổi các điều kiện kinh doanh, hạn chế độc quyền, tự chủ, buộc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo đúng cơ chế thị trường.
Tôi nghĩ một số chuyên gia còn băn khoăn  là đúng khi cho rằng mục tiêu buộc doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh theo cơ chế thị trường sẽ trở nên không khả thi nếu chức năng làm nhiệm vụ công ích và kinh doanh lẫn lộn, không được phân định rạch ròi như hiện nay. Thực tế này dẫn đến khi làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp nhà nước dễ lấy nhiệm vụ công ích ra làm bia đỡ đạn, chứ không thừa nhận do trình độ năng lực kinh doanh yếu kém, thậm chí cố tình làm thất thoát để tư túi tham ô. Sự nhập nhèm này khiến khó quy trách nhiệm cho ban quản lý doanh nghiệp nhà nước khi xảy ra thất thoát, lãng phí tiền của, tài sản của dân của Nhà nước. Để khắc phục cơ chế nửa vời trên trên cần phải minh bạch hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của nhà nước, minh bạch hóa kết quả sản xuất kinh doanh và đặc biệt phải minh bạch hóa kết quả kiểm toán, giám sát của các tổ chức cá nhân trong, ngoài nhà nước. Không để tình trạng mất đến hàng ngàn tỷ đồng mới bắt bớ tù đày các cán bộ của tập đoàn này, tập đoàn nọ.
Về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước còn có nhiều ý kiến khác nhau, tôi xin được trích dẫn bài trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) với Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của chương trình Fulbright, để làm sáng tỏ thêm một góc nhìn về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN):
-       TBKTSG: Việt Nam đã đưa ra chương trình cải cách DNNN rất tham vọng trong những năm tới. Đánh giá ban đầu của ông là gì?
-       Jonathan Pincus: Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong chương trình cải cách DNNN lần này. Bài học mấy năm vừa qua đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng DNNN đã không đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Muốn tăng trưởng kinh tế chất lượng hơn trong dài hạn, Việt Nam phải cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách DNNN. Đây là một sự thay đổi. Năm năm trước, tôi không nghĩ điều này là sự thật. Lúc đó rất nhiều người cho rằng các DNNN là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ có thể tạo ra những tổng công ty, những tập đoàn là đầu tàu kinh tế. Giờ thì tôi nghĩ không còn nhiều chuyên gia suy nghĩ như vậy nữa. Chính phủ đã nhìn nhận rõ là các DNNN không có tính cạnh tranh. Để có tăng trưởng kinh tế cao hơn Việt Nam cần có các công ty có sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhận thức này giờ đây đã trở nên phổ biến.
-       TBKTSG: Ông quan tâm điều gì nhất trong trương trình cải cách DNNN?
-       Theo tôi, chương trình cải cách DNNN của Việt Nam dựa quá nhiều vào cổ phần hóa. Điều này không đủ để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, và cũng không đủ để đảm bảo các doanh nghiệp này có thể chuyển giao cách thức quản trị tốt hơn. Theo tôi, có sự khác biệt rất rõ giữa các DNNN quy mô lớn ở Việt Nam và Trung Quốc. Thứ nhất các DNNN ở Trung Quốc luôn phải cạnh tranh với các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Họ không được phép độc quyền. Thứ hai, Trung Quốc áp dụng rất hiệu quả các tiêu chuẩn quản trị quốc tế vào các DNNN lớn. Họ làm điều này một phần bằng cách bán cổ phần trên các sàn chứng khoán ở Hồng Kông, Singapore, hay New York. Phần nữa là bằng cách thuê giám đốc, nhà quản lý bên ngoài, những người đem đến kỹ năng quản trị để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với quốc tế. Không cách nào như trên được Việt Nam áp dụng. Vì thế, tôi nghĩ cổ phần hóa chỉ là một phần của câu trả lời. Việt Nam cần cải cách DNNN bằng hai việc: cạnh tranh trong nước và chuyển giao kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp.
-       TBSG: Các DNNN vẫn được xác định là đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, song lại là đối tượng cải cách mạnh mẽ. Theo ông điều này có ổn không?
-        Người ta ngày càng nhận thức rõ là không thể thực hiện các chính sách xã hội thông qua DNNN. Ý tưởng này được coi là không ổn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam phải thay đổi ngay lập tức. Rất nhiều vấn đề khác cần được giải quyết trước. Người ta cũng biết một trong những lý do các DNNN không thể cạnh tranh quốc tế là họ bị yêu cầu làm rất nhiều việc. Phải kiếm tiền, phải hỗ trợ người nghèo… một danh sách dài các đầu việc yêu cầu họ phải làm. Họ không thể làm tất cả các việc đó mà vẫn cạnh tranh. Một phần của công cuộc đổi mới DNNN phải thay đổi điều này. Nhưng tôi nghĩ sẽ mất thời gian vì thực tế đã tồn tại quá lâu và không dễ dàng xử lý. Hơn nữa, Chính phủ cũng chịu sức ép không làm cho các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh. Ví dụ như phải duy trì công ăn việc làm. Nhiều doanh nghiệp dư thừa nhân viên không đáp ứng được yêu cầu, chuyển những người này ra khỏi các DNNN là rất khó về mặt kinh tế và xã hội.
-        TBKTSG: Gần đây, một số DNNN lớn đã công bố cắt giảm chi tiêu như một biện pháp cải cách. Ông nhìn hiện tượng này như thế nào?
-       Thực tế họ làm điều đó vì các mệnh lệnh hành chính, điều đó không đủ. Vấn đề là các doanh nghiệp cần quyết định việc này dựa trên mong muốn sẽ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường. Trong khi đó, họ vẫn hoạt động một cách quan liêu, chứ không phải như một doanh nghiệp. Hoạt động như một doanh nghiệp nghĩa là họ phải giảm chi phí để tạo ra lợi nhuận. Kể cả hiện nay họ cũng chẳng có động lực gì để tạo ra lợi nhuận. Các DNNN vẫn mở rộng đầu tư, tăng cường nhân sự, gia nhập thị trường mới và kéo dài các danh mục dự án, nhưng họ chẳng có hứng thú cạnh tranh. Đó là vấn đề lớn. Nếu họ buộc phải cạnh tranh, người ta sẽ thấy họ lập tức cắt giảm chi phí để tạo lợi nhuận, chứ không phải để hưởng ứng một yêu cầu  hành chính nào đó.
-       TBKTSG: Từng là trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của UNDP , ông chứng kiến quá trình cải cách DNNN ở Việt Nam chẳng mấy thành công trong thập kỷ qua. Vì sao ông nghĩ lần này có sự khác biệt?
-       Như tôi đã nói, tôi tin Việt Nam ngày nay đã nhận thức sâu sắc là cải cách DNNN là nhiệp vụ trung tâm nếu muốn tăng trưởng cao hơn trong thập kỷ tới. 10 năm trước thì không. Lúc đó, rất nhiều nhà hoạch định chính sách còn đinh ninh rằng, DNNN sẽ là khu vực chủ đạo vĩnh viễn ở Việt Nam. Ngày nay hầu hết các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng, để các DNNN cạnh tranh và chuyển bớt sang khu vực tư nhân rõ ràng là tốt hơn cho nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Đây là thay đổi quan trọng.
-       TBKTSG: Nhưng giờ đây, có nhiều doanh nghiệp đã trở nên quá to lớn và phức tạp để cải cách?
-       Chẳng khó gì. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một ví dụ. Tập đoàn này sản xuất và phân phối điện, phát triển mạng lưới điện. Họ không hề có động lực rõ ràng để kết thúc khủng hoảng điện, vì họ chẳng phải cạnh tranh với ai. Bán điện rẻ như kiểu chính sách xã hội như những năm qua thì rất khó phát triển lưới điện. Điều này vừa tạo ra chi phí nợ khổng lồ cho doanh nghiệp, vừa tạo ra vấn đề nghiêm trọng về quản trị. Tốt hơn hết là áp dụng giá trị thị trường và biến doanh nghiệp thành nhà điều phối hơn là nhà cung cấp điện. Điều này đòi hỏi những bước đi mạnh mẽ, song rất phức tạp cả về kinh tế lẫn chính trị. Giải pháp cho vấn đề này không phải là tạo ra một tập đoàn điện lực thật lớn có thể làm mọi việc, mà là tạo ra một tập đoàn có nhiệm vụ là chủ thể và là nhà phát triển lưới điện trong khi cho phép các công ty khác bán điện cho họ. Các công ty sản xuất điện sẽ phải cạnh tranh nhau bán điện cho tập đoàn. Như vậy ta thấy sẽ có nhiều động lực hơn để phát triển điện, cũng như khả năng nắm được chi phí  sản xuất điện thực sự ở Việt Nam. Như vậy ta thấy sẽ không gặp phải những vấn đề như phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện, trong khi ít quan tâm đến các loại hình khác như hiện nay.
-       TBKTSG: Cứ cho là chương trình cải cách DNNN sẽ hoàn thành sau năm 2015. Lúc đó, Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách xã hội như thế nào?
-       Cách chính phủ can thiệp sẽ không phải là ấn định giá. Mà là áp dụng một hệ thống các công cụ khác như thuế chẳng hạn. Đồng thời chính phủ cần đưa  DNNN vào cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ về điện, Chính phủ không cần bán điện giá rẻ theo cách hỗ trợ người nghèo. Như thế chỉ khuyến khích người ta dùng nhiều điện hơn. Nếu bạn là hộ nghèo, thì bạn thích điện giá rẻ hơn hay giáo dục miễn phí hơn? Với tôi sự lựa chọn là giáo dục miễn phí. Đó là cách giúp đỡ người nghèo hiệu quả hơn.

Tôi nghĩ những nhận xét và ý kiến trên của Jonathan thật đáng để những nhà hoạch định chính sách Việt Nam xem xét.
Vấn đề thứ ba David nói với tôi là vấn đề tham nhũng, vấn đề ông cho là nguy hiểm nhất. Ở Việt Nam khái niệm tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Theo đó, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì mục đích vụ lợi. Như vậy chủ thể tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn từ cấp trung ương tới cấp cơ sở trong khu vực công. Những biểu hiện của tham nhũng ai nấy đều rõ như tham ô tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi vụ chức quyền trong thi hành nhiệm vụ…Tham nhũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Nó gây thiệt hại cho ngân sách ước chừng 30% trong đầu tư hạ tầng. Những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận định tham nhũng là do cơ chế, do con người. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/6/ 2012 đã nhận định: “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có, song phải có cái nhìn khách quan, biện chứng để không mất phương hướng”. Những vụ tham nhũng lớn vỡ lở như vụ ECO – Minh Phụng, vụ PMU 18,  vụ Đại lộ Đông Tây, vụ tham nhũng PCI, vụ tham nhũng Đề án 112, vụ Công ty Nexus Tecnologies Mỹ hối lộ quan chức Việt Nam, vụ Công ty Australia Securency hối lộ in tiền Việt Nam, vụ Vinashin, vụ Vinalines… Tham nhũng ban đầu từ cơ quan hành pháp đến tư pháp, ở lĩnh vực kinh tế rồi đến địa chính, nhà đất, hải quan, cảnh sát giao thông và lan đến văn hóa, y tế, giáo dục.
Mới gần đây nhất, công luận đang nói đến việc thực thi Dự án Thủy điện sông Tranh 2. Dự án này có thể sẽ đi vào lịch sử đáng buồn của ngành năng lượng Việt Nam, một công trình có vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng với hồ chứa nước dung tích 730 triệu m3. Thủy điện sông Tranh có hiện tượng nứt, rò rỉ đập, nước nhiều chỗ tuôn chảy mà nguyên do bị nghi là rút ruột công trình. Khoảng 40 tỷ đồng của nhà đầu tư được tung ra để vá víu thân đập. Có người đã viết 40 tỷ đồng không biết có đủ vá víu sự rách toạc của lương tâm không ít những kẻ chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Trong khi hàng ngàn hộ nghèo đói không đủ ăn ở chính dọc con sông Tranh đang trông chờ xã hội cứu trợ. Tham nhũng hay chỉ đích danh đồng tiền luôn là thủ phạm của hàng trăm vụ tai tiếng hổ thẹn có thể đồng nghĩa với tội ác đối với dân tộc. Không biết danh sách những vụ tham nhũng còn kéo dài bao nhiêu nữa trong tương lai. Bài học tham nhũng, lãng phí, thiếu hiệu quả ở Liên Xô là một trong những nguyên nhân làm sụp đổ cả một chế độ tươi đẹp; Bài học tham nhũng, quản lý nhập nhằng ở Nhật Bản là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế thần kỳ của nhân loại suy sụp và trì trệ; Bài học tham nhũng ở một số nước Đông Nam Á là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế và chính trị của cả một khu vực chao đảo. Nếu Việt Nam không ngăn chặn được tham nhũng thì hậu quả sẽ ra sao?
Tham nhũng ngoài việc vi phạm pháp luật, gây tác hại về  kinh tế làm thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân, còn gây tác hại về chính trị, xã hội. Nó là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với chính quyền, làm đảo lộn những chuẩn mực xã hội, tha hóa đội ngũ công chức. Còn đối với nhà đầu tư, tham nhũng làm tăng chi phí giao dịch, làm tăng tính chất bất ổn định đối với các doanh nghiệp. Tình trạng bất ổn đó sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng. Vì các nhà đầu tư đưa ra những quyết định của họ dựa trên cơ sở tính toán hiệu quả đầu tư. Họ không muốn đầu tư nếu hiệu quả đầu tư giảm đi. Điều đó đặc biệt đúng với các nhà đầu tư nước ngoài. Họ luôn luôn so sánh hiệu quả đầu tư, tốc độ quay vòng vốn đầu tư ở nhiều nước khác nhau và sẽ quyết định thực hiện đầu tư vốn vào quốc gia có hiệu quả lợi nhuận cao nhất. Chính vì tham nhũng làm giảm hiệu quả đầu tư nên quốc gia tham nhũng ít thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Do đó tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó sẽ thấp. Rõ ràng là Việt Nam đang nằm trong tình trạng có nguy cơ không thu hút được sự đầu tư nước ngoài một phần vì tham nhũng.
 Năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế căn cứ vào 13 nguồn khảo sát, căn cứ vào đánh giá các quốc gia do 10 tổ chức độc lập thực hiện, kết hợp với khảo sát các doanh nghiệp trong ngoài nước đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam nằm trong nhóm các nước tham nhũng cao: 116/ 178 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu tính theo thang điểm 10, điểm số 9 và 10 là trong sạch nhất, Việt Nam chỉ được có 2,7 điểm. Tôi băn khoăn không biết đến bao giờ Việt Nam chúng ta  mới phấn đấu nằm được trong tốp 5 hay 6 điểm. Còn điểm 9, điểm 10 thì mục tiêu đó quả là xa vời vợi. Và nếu vậy thì làm  sao chúng ta là một điểm đến, một điểm đầu tư đáng tin cậy của các doanh nhân nước ngoài. Tăng trưởng trong thời gian tới sẽ ra sao? Sự phát triển bền vững sẽ như thế nào? Suy cho cùng thì vẫn là yếu tố con người quyết định tất cả. Bức tranh chung của Việt Nam hiện nay là giáo dục thì tụt hậu, yếu kém. Doanh nghiệp nhà nước thì phần lớn làm ăn thua lỗ, đổ bể. Tham nhũng thì tràn lan. Xem ra bài toán về vấn đề phát triển của Việt Nam vẫn thực sự chưa có lời giải.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.