Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đến Việt Nam

Leave a Comment
   Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam vào dịp dự Hội nghị APEC Đà Nẵng là hai sự kiện có tầm quan trọng. Nó thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông, các nhà quan sát trong cũng như ngoài nước.
   Chuyến thăm của Tổng thống Trump, một tổng thống khó đoán định đang định hình chính sách Ấn độ- Thái Bình Dương, trong đó VN là một mắt xích, không chỉ VN mà cả khu vực và thế giới đều rất quan tâm. Bời vì sau chuyến thăm, người ta sẽ thấy được chính sách của Mỹ đối với VN  và khu vực trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và an ninh. Tiếp theo đó là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia đầy quyền lực sau Đại hội ĐCS TQ cuối tháng 10 vừa qua, người được cho là sẽ cứng rắn trong chính sách ngoại giao, quốc phòng và lấy kinh tế làm áp lực đối với các vấn đề về chủ quyền, càng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng để VN và các nhà hoạch định chính sách ở một số nước có liên quan định hình những quyết sách ứng phó trong thời gian tới.
   Có lẽ nhiều người đã hình dung ra bức tranh tổng thể qua lời phát biểu, nhận xét của Đại sứ quán Hoa Kỳ và Đại sứ quán TQ trước chuyến thăm. Nhưng những đường nét xa gần và mầu mảng của nó thì người ta vẫn phải chờ đợi sau tuyên bố chung của VN với hai nước nói trên. Người ta thường nói tới chính sách cân bằng quyền lực uyển chuyển của VN trước một đối tác chiến lược và một đối tác toàn diện, giữa một siêu cường trong gần suốt thế kỷ qua và một cường quốc đang lên có tham vọng trở thành siêu cường trong thời gian tới. Chính sách này có lẽ sẽ không thay đổi sau chuyến thăm của “hai ông lớn”. Một số nhà bình luận băn khoăn liệu hai “ông lớn” Mỹ-Trung có thỏa hiệp, ảnh hưởng đến chính sách cân bằng của VN? Người Việt hiểu nước Mỹ và rất hiểu về TQ. Họ là hai đối thủ hợp tác và cạnh tranh, chứ không phải là những đối thủ thỏa hiệp về nguyên tắc. Người VN cũng hiểu mình bị “bán” không ít hơn một vài lần bởi những “ông lớn” vì quyền lợi của họ. Nghi ngại rằng Mỹ và TQ sẽ mặc cả vấn đề Triều Tiên để đổi lấy vấn đề Biển Đông là không có cơ sở. Tôi không tin Chính quyền Mỹ yếu thế đến mức hy sinh Đông Nam Á để tìm kiếm sự ổn định tại Đông Bắc Á.
   Đối với TQ, sự cảnh giác và mất lòng tin của người Việt không chỉ có trong ký ức nghìn năm Bắc thuộc mà nó còn diễn ra trong suốt thiên kỷ thứ nhất và đầu thiên kỷ thứ hai với tất cả các triều đại, các chính thể của TQ. Giới cầm quyền TQ luôn luôn tìm mọi cách đô hộ và xâm lược VN, buộc VN phải nằm trong quỹ đạo của họ. Gần đây nhất là cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979, cuộc Chiến tranh trên biển năm 1988 và cuộc xâm chiếm lãnh hải bằng giàn khoan Hải dương 981  năm 2014. Đó là quá trình đối đầu liên tục, không ngừng nghỉ trong quá khứ và hiện tại. Liệu tương lai sẽ ra sao khi TQ kiên quyết phủ nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, trắng trợn tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ. Đường lưỡi bò là vùng biển lịch sử và là lợi ích cốt lõi của họ, xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế của VN? Nên nhớ TQ đã xâm chiếm, quân sự hóa các đảo đá trên Biển Đông. Bao giờ thì họ sẽ sử dụng vũ lực?
   Người Việt đã mất lòng tin với TQ. Nó bắt nguồn từ sự bất nhất giữa lời nói và việc làm của những người cầm quyền. Họ tuyên bố trỗi dậy hòa bình, không làm tổn hại đến bất cứ nước nào. Những điều họ nói đều rất tốt đẹp. Nào là tình hữu nghị gắn bó như keo sơn, nào là khúc ruột núi liền núi sông liền sông, nào là môi hở răng lạnh, nào là 4 tốt cùng mười sáu chữ vàng, nào là nhìn về đại cục… nhưng hành động thực tế của họ đã chứng minh hoàn toàn trái ngược lại.
   Lần thứ 3 ông Tập sang VN sẽ nói cái gì, nói như thế nào, mong muốn VN ra sao và rồi có hành động đẹp để người Việt bớt mất niềm tin? Chúng ta hãy chờ xem sao. Tôi nghĩ dù sao đi chăng nữa thì người Việt vẫn phải sống chung với lũ như ông cha ta đã từng sống từ hàng ngàn năm trước. TQ là nước láng giềng lớn đầy tham vọng bá quyền và VN không thể di chuyển được lãnh thổ đi nơi khác. Biết rằng mối quan hệ này là đồng sàng dị mộng nhưng vẫn phải giữ cho mối quan hệ đầy tình hữu hảo. Phải tăng cường quan hệ với họ về mọi mặt, đưa kim ngạch thương mại sắp tới lên đến 100 tỷ đô la, mặc dầu VN thâm hụt thương mại hàng chục năm nay ở mức 20 đến 30 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, giới quan sát đều nhận ra, trò chơi được mất của Tập trên Biển Đông cũng như mỗi bước đi của TQ làm tổn hại đến lợi ích của VN thì là một bước VN xích lại gần hơn với Mỹ.
   Đối lập với thái độ của người Việt với TQ, người Mỹ được người Việt tin tưởng hơn (84%  người Việt tin người Mỹ theo điều tra vào tháng 7/2017) dù người Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến vô cùng tàn bạo suốt hai mươi năm trong thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, hiện tại và tương lai người Mỹ không có lý do gì để xâm chiếm VN. Một mối quan hệ Mỹ- Việt toàn diện, mạnh mẽ, sâu sắc là cần thiết để cân bằng với một TQ đang trỗi dậy đầy cơ bắp. Điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5/2017 (Xin xem bài viết của tôi trong blogchiasett: Về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ). Mối quan hệ Đối tác toàn diện này cùng với mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc,  với các nước trong khu vực và trên thế giới chắc chắn sẽ giúp VN ứng phó với những thách thức xấu nhất trong thế kỷ 21.
 Tôi nghĩ mối quan hệ Việt-Mỹ không phải là mối quan hệ một chiều. Cả hai nước đều có chung lợi ích là hòa bình, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ còn có nhiều lợi ích trong quan hệ với VN. Mối quan hệ song phương giữa hai nước có tiềm năng tăng cường thúc đẩy sự thịnh vương của cả hai nước, củng cố vị thế sức mạnh của Mỹ ở khu vực, ngăn ngừa những hành vi bành trướng của TQ, góp phần định hình cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ và các cường quốc trong khu vực, góp phần duy trì hòa bình và trật tự đã từng có ở Biển Đông.
 Khi VN tìm kiếm sự cân bằng mối quan hệ giữa TQ và Mỹ, vấn đề còn lại sẽ tùy thuộc vào phía TQ và Mỹ. Nếu TQ còn tiếp tục xâm phạm chủ quyền của VN,  tôi cho rằng phía VN có thể xem xét lại chính sách 3 không (không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không sử dụng lãnh thổ làm phương hại đến lợi ích của nước khác) hoặc có thể VN tìm kiếm một hình thức liên minh không chính thức nào đó với Mỹ. Phía VN đã nhấn các nút cần thiết của mình để làm sâu sắc mối quan hệ với Mỹ trong chuyến thăm của Thủ tướng VN đến Mỹ. VN đã ký nhiều hợp đồng trị giá 15 tỷ đô la cho các doanh nghiệp Mỹ. VN đã đồng ý thương lượng một hiệp định đầu tư thương mại với Mỹ. VN cũng đồng ý chấp thuận cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư Mỹ. VN cũng đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Thậm chí VN cho phép tàu sân bay Mỹ cập cảng Cam Ranh. Vấn đề còn lại thái độ của Chính quyền Tổng thống Trump như thế nào? Liệu họ có ủng hộ VN?

   Dù tình hình có như thế nào thì tôi vẫn tin các nhà lãnh đạo VN sẽ ghi nhớ đối sách của cụ Hồ nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi Người đi Pháp năm 1946: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. .  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.