Tuyên bố chung Việt-Trung và tuyên bố chung Việt-Mỹ

Leave a Comment
   Một số bạn hỏi tôi quan hệ Việt-Trung quan trọng hay quan hệ Việt-Mỹ quan trọng hơn. Câu hỏi thật khó trả lời. Tôi luôn tin trong quan hệ quốc tế không có bạn bè vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn. Vì thế, tôi chưa bao giờ cân đong nặng nhẹ, cao thấp hai mối quan hệ đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Mối quan hệ với hai ông lớn này còn tùy thuộc vào diễn biến của nó trong thực tế đang diễn biến và trong viễn cảnh sắp tới.
   Hai cuộc họp với hai nguyên thủ quốc gia kết thúc bằng hai tuyên bố chung. Giới phân tích có thể qua đó mà đưa ra những nhận xét riêng của mình. Tôi muốn chia sẻ với các bạn đôi điều tổng thể, không đi sâu vào chi tiết.
   Trong cuộc họp ngày 12/11, hai nhà lãnh đạo cao nhất của VN và TQ có đề cập đến việc tránh gây hấn vì Biển Đông chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ lời sẵn sàng làm trung gian hòa giải các tranh chấp hàng hải. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ khi trả lời phỏng vấn báo chí đã trả lời quan hệ giữa hai bên sẽ do hai bên giải quyết không qua bên thứ ba. Như vậy là quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh khá căng thẳng khi hai bên có va chạm trên bãi Tư Chính. Đặc biệt từ tháng 7, Trung Quốc gây áp lực lên Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha tại vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Tiếp đó, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương TQ Phạm Trường Long bỏ dở chuyến thăm tới Hà nội, một dấu hiệu cơm chẳng ngọt, canh chẳng lành nữa… Tuy nhiên, hai bên đã quản lý, kiểm soát một cách chin chắn. Tranh chấp và bất đồng cũng dần được hạ nhiệt trước Đại hội ĐCS TQ.
   Tập Cận Bình sang Việt Nam lần này muốn làm sâu sắc thêm mối quạn hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là mối quan hệ về chính trị và kinh tế để phục vụ cho chiến lược của TQ. Qua Tuyên bố chung, người ta thấy quan điểm của TQ vẫn muốn cùng VN gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác, cố tình lờ đi vấn đề chủ quyền, chỉ nhất trí chung chung về việc đảm bảo hòa bình trong vùng biển có tranh chấp. Xem xét thật kỹ, tôi không thấy có bước đột phá nào trong quan hệ giữa hai nước. Tuyên bố chung giữa hai nước bao gồm 10 điểm, vẫn na ná như các tuyên bố chung trước đó. Nặng về hình thức, không thực sự có điểm gì biến chuyển.
   Tuyên bố chung Việt-Trung lần này, kể cả những tuyên bố chung trước đó, trừ Tuyên bố chung năm 1991, người ta còn thấy một điều lạ là quan hệ giữa hai nước cũng như việc giải quyết bất đồng trên biển, hai bên chỉ dựa vào nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chứ không dựa vào luật pháp quốc tế, nếu có đề cập đến luật pháp quốc tế chỉ là chung chung, mập mờ. Vì vậy, sau những sóng gió trong quan hệ hai nước, người ta lại thấy một quan chức cấp cao của đảng thuộc hai bên sang nhau để dàn xếp.
   Donald Trump sang Việt Nam cũng muốn làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện với mục tiêu nước Mỹ là trên hết. Tuy vậy, trong Tuyên bố chung Việt-Mỹ, cũng như tuyên bố chung Việt-Mỹ trước đó, hai nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Như vậy là so với quan hệ Việt-Mỹ, quan hệ Việt-Trung có vấn đề, mà là vấn đề còn rất nghiêm trọng, cho nên cả hai bên đều không đưa ra cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau (TQ đã thể hiện thái độ không tôn trọng đó từ năm 1979 đến nay). Theo tôi, những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước dù là Đảng hay Nhà nước là quan trọng, nhưng không thể thay thế luật pháp quốc tế. Dù cùng một hệ thống chính trị, dù cùng đi theo một con đường chung do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng một khi vì lợi ích dân tộc, người ta có thể sẵn sàng hủy bỏ nó bất cứ lúc nào. Vậy thì cái lâu đài hữu nghị truyền thống, lâu dài với 4 tốt và 16 chữ vàng hai bên xây dựng trên cái nền móng gì?
   Về vấn đề thương mại, hai nước Việt-Trung là bạn hàng lớn của nhau. Kim ngạch hai chiều lên tới gần 100 tỷ đô la. Nhưng kim ngạch buôn bán càng tăng thì thâm hụt thương mại của Việt Nam càng lớn. Điều này diễn ra từ năm 1995 đến nay. Thâm hụt từ một vài tỷ đến nay trở thành một vài chục tỷ mỗi năm (28 tỷ đô la năm 2016). Trong khi đó, Tuyên bố chung Việt-Trung tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh thương mại. Chắc chắn thương mại giữa hai nước sẽ còn tăng chóng mặt. Và dĩ nhiên, trong những năm tới, thâm hụt của VN sẽ lên đến 40 tỷ, 50 tỷ, thậm chí đến hàng trăm tỷ. Vậy mà tuyệt nhiên trong tuyên bố chung không có một câu chữ nào đề cập đến biện pháp giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước để đảm bảo quyền lợi của VN. Có nghĩa là trong quan hệ hai nước Việt-Trung chỉ có TQ mới được hưởng phần lợi, phần thiệt thòi luôn thuộc về  phía Việt Nam. Đây phải chăng là quan hệ đặc sắc kiểu TQ?
   Cũng về lĩnh vực này, hai nước Việt-Mỹ là bạn hàng tương đối lớn của nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 50 tỷ đô la, nhưng thâm hụt thương mại lại luôn thuộc về phía Mỹ (29,4 năm 2016). So với TQ, Rõ ràng một đứa trẻ lên ba cũng hiểu làm ăn buôn bán với Mỹ có lợi hơn. Trong khi đó, Tuyên bố chung Việt Mỹ vẫn kêu gọi thúc đẩy thương mại song phương, triển khai Hiệp định khung về thương mại và đầu tư… Rõ ràng Chính quyền mới của Mỹ tiếp tục chính sách xích gần hơn nữa với VN. Tôi cho rằng các doanh nghiệp VN nên nhìn thẳng vào sự thật này, chớ ham của rẻ, chớ nên tham bát bỏ mâm.
   Trong Tuyên bố chung Việt-Mỹ, ngoài lợi ích chung là tiếp cận tự do và mở rộng ở Biển Đông, tôn trọng các hình thức sử dụng biển một cách hợp pháp, tránh hành động leo thang căng thẳng, quân sự hóa Biển Đông, hai bên còn nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo, một lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Nó chứng tỏ độ tin cậy giữa hai nước bắt đầu đi vào chiều sâu.
   Người ta còn phải đi sâu để nghiên cứu giải mã về hai chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam. Người ta cũng còn phải theo dõi trên thực tế qua một thời gian nữa để có những nhận xét chính xác, nhưng những gì được thể hiện qua hai bản tuyên bố chung, người ta đã thấy khá rõ bản chất, thấy rõ những mảng sáng tối, những nét xa gần trong quan hệ của Việt Nam với hai ông lớn hết sức quan trọng này.

  
     

    

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.