Liệu ASEAN và Trung Quốc sớm có thể thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Leave a Comment
Cuối cùng thì các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc cũng đã thông qua Dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 50 tại Manila, Philippines (The code of conduct for the South China Sea- viết tắt theo tiếng Việt là COC). Sự kiện này được xem là việc khởi đầu tích cực của tiến trình thương lượng COC thực chất và hiệu quả trong tương lại giữa ASEAN và TQ. 
Bộ Quy tắc ứng xử ở BĐ hy vọng sẽ giúp làm giảm căng thẳng và tránh xảy ra xung đột giữa các bên. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Vương Nghị phát biểu trước báo giới: “Thỏa thuận giữa ASEAN và TQ thể hiện cam kết mạnh mẽ giữa hai bên để duy trì hòa bình tại khu vực Biển Đông”. Ông Nghị cũng cho biết các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ bắt đầu vào năm nay và các nước sẽ phải tuân thủ khi COC được hoàn thành. Ông Nghị cũng khẳng định đang có những bước tiến thực sự trong việc giải quyết những bất đồng ở BĐ.
Tôi không mấy lạc quan vào những lời nói của ông Nghị, bởi vì TQ luôn nói một đằng làm một nẻo. Và vì vào đầu những năm 70 đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, TQ đã chiếm các đảo Hoàng Sa từ Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cũng như một số đảo trong Quần đảo Trường Sa của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giao tranh ác liệt đã xảy ra khiến cho tình hình BĐ trở nên căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.
Từ tháng 3 năm 2000 ASEAN và TQ đã khởi động thương lượng về Dự thảo COC. Hai bên đã tiến hành nhiều cuộc họp nhưng không có kết quả. TQ khăng khăng không bàn về Hoàng Sa (TQ đã chiếm 130 thực thể thuộc Quần đảo Hoàng Sa từ năm 1956 đến 1974), không chịu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm độc chiếm BĐ, không giải quyết đa phương các vấn đề tranh chấp. Để thúc đẩy môi trường hòa bình, thân thiện và hòa hợp giữa các bên, thay thế cho COC, ngày 4/11/2002 tại Phom Penh, Campuchia, ASEAN và TQ ra Tuyên bố về việc ứng xử của các bên ở BĐ (Declaration on Conduct of the Parties in the South Chia Sea- viết tắt là DOC). Có thể nói mặc dù DOC ra đời, nhưng nó là kết quả không như mong muốn của ASEAN trước TQ.
Hệ quả sau đó là TQ chiếm bãi Cỏ Dong của Philippines năm 2012, đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải VN, cải tạo 6 thực thể thành các đảo và xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo như cầu cảng, sân bay, trận địa tên lửa… ASEAN và nhiều nước trên thế giới thực sự lo ngại. Philippine đã kiện TQ ra Tòa Trọng tài Quốc tế. Kết quả Tòa Trọng tài đã bác bỏ Đường lưỡi bò phi lý, bác bỏ quy chế đảo mà TQ chiếm đóng (đó chỉ là những bãi đá, rặng san hô nửa chìm nửa nổi, không được hưởng quy chế lãnh hải). Quan trọng hơn là Mỹ và phương Tây bắt đầu can thiệp vào khu vực vì những toan tính của TQ.
Để xoa dịu, TQ buộc phải cùng ASEAN thông qua Dự thảo COC. Con đường chông gai của ASEAN trong đàm phán với TQ thật quá gập ghềnh. Khó khăn lớn nhất là phạm vi điều chỉnh của COC có bao gồm Quần đảo Hoàng Sa không? Khó khăn tiếp theo là TQ có từ bỏ Đường lưỡi bò sau khi Chính quyền Bắc Kinh phủ nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế? Và cuối cùng là Bắc Kinh có chấp nhận những điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý mà họ cho rằng sẽ trói tay trói chân họ hành động trong tương lai?
TQ không thể không ngồi vào bàn đàm phán nếu họ muốn triển khai Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, một sáng kiến hội nhập, thể hiện sức mạnh của TQ, đưa TQ trở thành trung tâm của thế giới. Vành đai và con đường này sẽ vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ, thương mại của TQ với thế giới bên ngoài và ngược lại. TQ muốn mở tuyến đường trên bộ và trên biển nhằm làm sống lại quá khứ Con đường tơ lụa thời oanh liệt xa xưa. Họ không thể không cần đến các nước láng giềng.
Ở cấp khu vực, con đường sẽ đi qua Singapore, Jacarta, Kualalumpur quay về Hà Nội rồi kết nối các khu vực phía nam TQ với điểm cuối cùng là Thượng Hải. Lãnh đạo TQ còn gọi nó với cái tên mỹ miều là “Một trục hai cánh”. Một trục là hành lang kinh tế Nam Ninh đi đến Singapore. Hiện TQ đang xây dựng cơ sở hạ tầng, đường cao tốc cùng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Đông Nam Á. Còn hai cánh là cánh phải và cánh trái. Cánh phải là hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng nối hầu hết các nước Đông Nam Á với các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, Hồng Kông... Cánh trái là là hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma với các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây TQ mà nó đã được bắt đầu xây dưng từ năm 2004.
Nếu ASEAN không ủng hộ và tham gia thì Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, kế hoạch đầy tham vọng của TQ sẽ hoàn toàn thất bại. Giấc mộng Trung Hoa theo đó cũng tiêu tan. Nhưng với nhiều nước trong ASEAN, nếu TQ thâu tóm BĐ, thâu tóm con đường trên bộ, trên biển thì Bắc kinh sẽ có lợi thế rất lớn về chiến lược trong tương lai. Bắc Kinh sẽ hoàn toàn giữ vai trò chi phối chính trị, kinh tế, an ninh trong khu vực. Chắc không nước nào muốn cam chịu lệ thuộc vào TQ với chế độ Thiên triều hà khắc thủa nào. Về phía TQ, có lẽ vì đại cục, họ có thể tạm thời thỏa hiệp ASEAN mà bàn đến COC. Ít nhất họ cũng đã có được những điều họ muốn ở BĐ như đã trình bày ở phần trên.
Tôi nghĩ VN không thể không ủng hộ TQ, càng không thể không ngả theo ASEAN. Con đường phía trước có nhiều thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Thuận lợi là sẽ hội nhập sâu vào khu vực và thế giới để mà vươn lên không lệ thuộc vào TQ. Thách thức có thể sẽ bị lệ thuộc, thậm chí mất một phần chủ quyền nếu không biết cân bằng lợi ích giữa các cường quốc. Hy vọng với bản lĩnh của ĐCSVN, bản lĩnh của dân tộc, trong tương lai, VN sẽ bước lên “đài vinh quang sánh vai cùng với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong đợi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.