Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Hwasong 15

Leave a Comment
Sau hơn hai tháng Triều tiên không thử hạt nhân và tên lửa, một số người đã nghĩ đến kịch bản Bình Nhưỡng có dấu hiệu xuống thang, nếu không thì họ gặp trục trặc gì đó về mặt kỹ thuật. Có những lý do tin cậy để người ta nghĩ như vậy. Và rồi vẫn bất ngờ như các lần trước, họ lại tiến hành thử tên lửa xuyên lục địa Hwasong 15. 
Giới quan sát cho rằng từ năm 2003 đến nay, Triều Tiên đã thử 6 lần bom nguyên tử và hơn 20 lần phóng thử tên lửa các loại. Không còn ai nghi ngờ về năng lực hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nữa. Lần thử này họ đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ: Nước Mỹ đã bị đặt trong tầm ngắm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, kể cả thủ đô Wasington.
Ngay lập tức chính giới Mỹ đã có phản ứng quyết liệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ “xử lý vấn đề Triều Tiên”. Thượng nghị sỹ Graham cho rằng “phải chuẩn bị bất cứ hành động gì để bảo vệ nước Mỹ”. Ông ta cho rằng nếu cần thiết thì “hủy diệt chính thể” họ Kim, hy vọng Trung Quốc “sẽ hiểu điều này”. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quôc Nikki Halley kêu gọi tất cả các nước cắt toàn bộ quan hệ với Triều Tiên, hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ rút quyền bỏ phiếu của Triều Tiên tại LHQ và cắt toàn bộ nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên…
Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc và hầu hết các nước trên thế gới đều lên án hành động khiêu khích, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, gây tổn hại hòa bình cho khu vực cũng như trên thế giới. Chắc chắn các biện pháp trừng phạt cao nhất sẽ được áp đặt. Sẽ có thêm nhiều nước hạn chế quan hệ ngoại giao và ngừng giao dịch kinh tế với Bình Nhưỡng. Triều Tiên sẽ càng bị cô lập. 
Bình Nhưỡng vốn biết thử tên lửa là vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Họ biết sẽ tiếp tục hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế, kể cả bị cắt quan hệ kinh tế và ngoại giao, nhưng họ vẫn hành động. Vì sao vậy? Tôi đã viết một số chuyên luận về vấn đề này (xin xem trong Blogchiasett). Có hai nguyên nhân dẫn đến hành động của Bình Nhưỡng. Một là quyết tâm sở hữu năng lực hạt nhân và tên lửa bằng mọi giá của Bình Nhưỡng. Hai là phản ứng của Bình Nhưỡng trước sức ép tập trận, tập trung vũ khí, khí tài của Mỹ và đồng minh. 
Phía Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa không đe dọa hòa bình khu vực và thế giới mà là để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Triều Tiên trước sự đe dọa của Mỹ và đồng minh. Họ tuyên bố vụ thử lần này đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Họ cam đoan sẽ là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. 
Suy cho cùng mục đích của Bình Nhưỡng là đàm phán với Mỹ và các nước trên thế mạnh theo quan điểm của họ. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ cả Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước đều không chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân. Quan điểm chung về bán đảo Triều tiên là phải phi hạt nhân hóa. Nếu không sẽ kéo theo Nhật Bản và Hàn Quốc cũng theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. Kịch bản này xảy ra sẽ vô cùng nguy hiểm cho khu vực và thế giới cũng như cho chính Mỹ lẫn Nga và Trung Quốc.
Hành động và lời nói của hai bên trong thời gian qua đã chạm đến giới hạn đỏ. Sự kiên nhẫn của hai bên cũng đã cạn kiệt. Ba khả năng có thể xảy ra: Chiến tranh, hòa bình hoặc nửa chiến tranh nửa hòa bình. Chiến tranh đương nhiên là thảm họa không bên nào mong muốn. Hòa bình thì hết sức khó khăn vì lập trường cứng rắn của cả hai phía. Còn kéo dài tình trạng nửa chiến tranh nửa hòa bình thì mọi khó khăn, đau khổ hoàn toàn nghiêng về người dân Bắc Triều Tiên. Nạn đói trong thập niên 90 của thế kỷ trước cướp đi sinh mệnh của gần một triệu người có thể lặp lại trong thời gian sắp tới. Tất cả mọi khả năng không chỉ phụ thuộc vào Chính quyền Kim Jong-ul mà còn tùy thuộc vào ba ông lớn Mỹ, Nga và Trung Quốc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.