Hai chiến dịch của Liên quân Mỹ Ngụy tại Thung lũng A Sầu trong năm 1968

Leave a Comment
Trước tết tôi có đọc một số bài trong Nghiên cứu Lịch sử và Nghiên cứu quốc tế. Tôi biết được một thông tin khá thú vị là giới nghiên cứu quốc tế đang đề nghị viết lại thời kỳ tiền sử lịch sử loài người, bởi khoa học đã có những bước phát triển nhảy vọt, nhất là về công nghệ gien, công nghệ phân tử. Không những vậy, với thời gian, nhiều góc khuất của lịch sử hiện đại của nhân loại cũng được vén mở. Việc viết lại lịch sử là chuyện cần thiết phải làm. 
Tôi nghĩ lịch sử Việt Nam cũng vậy. Đã có một số thay đổi. Nhưng vẫn còn những góc khuất cả trong quá khứ và hiện đại. Tôi lấy ví dụ ở miền tây Thừa Thiên, tại Thung lũng A Sầu, nơi xảy ra 12 chiến dịch do Liên quân Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến hành. Chiến dịch lớn thì có tới 3 sư đoàn, chiến dịch nhỏ cũng có tới một lữ đoàn. Vậy mà lịch sử chống Mỹ gần như không hề nhắc đến.
Nhân dịp năm mới tôi viết một vài bài để trao đổi với những người làm công tác nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội, các tướng lĩnh và bạn đọc để trao đổi về vấn đề này.
Hai chiến dịch lớn của Mỹ Ngụy ở Thung lũng A Sầu, A Lưới Thừa Thiên trong năm 1968
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ Ngụy tập trung lực lượng mở tới 20 chiến dịch có quy mô tấn công ở Thừa Thiên. Ngoài thành phố Huế và các khu vực lân cận, chiến sự xảy ra chủ yếu ở các vùng giáp ranh giữa đồng bằng và rừng núi. Khi các lực lượng của chúng ta rút lên căn cứ địa phía tây Thừa thiên để bảo toàn lực lượng, Mỹ Ngụy tiếp tục mở một số chiến dịch “tìm diệt” hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta. Riêng ở khu vực Thung lũng A Sầu, A Lưới có hai chiến dịch lớn đáng chú ý. Gần như không có tài liệu lịch sử nào nào của chúng ta đề cập đến hai chiến dịch này. Thật là buồn vì đây là hai chiến dịch lớn bị quên lãng! Chiến dịch thứ nhất là Chiến dịch Lam Sơn 216 hay Chiến dịch Delaware (xem Niên biểu những chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975, hinhanhlichsu.org; Category: Battles and operation of the Vietnam war in 1968). Chiến dịch thứ hai là Chiến dịch Lam Sơn 246 hay Chiến dịch Somerset Plain (tài liệu đã dẫn).
1. Chiến dịch Lam Sơn 216/Chiến dịch Delaware
Chiến dịch Lam Sơn/Chiến dịch Delaware là một chiến dịch quân sự chung do Quân đội Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa triển khai. Chiến dịch này diễn ra trong 28 ngày, bắt đầu từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 17 tháng 5 năm 1968. Lực lượng tham gia chiến dịch phía liên quân Mỹ Ngụy bao gồm: Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, Sư đoàn Dù 101, Lữ đoàn 3 Sư đoàn 82 Dù và Lữ đoàn 196 Bộ binh, Trung đoàn biệt phái của Sư đoàn bộ binh số 1 Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Về phía ta có 3 tiểu đoàn độc lập Quân khu Trị Thiên, Sư đoàn 324, Trung đoàn 9 chủ lực, một số đơn vị pháo phòng không cùng quân và dân huyện A Lưới. Địa điểm xảy ra cuộc giao chiến giữa hai bên là Thung lũng A Sầu thuộc huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên.
Bối cảnh chiến dịch
Thung lũng A Sầu là yết hầu trọng yếu trên địa bàn rừng núi miền tây Thừa Thiên, chiều dài khoảng gần 40 km, chiều rộng từ 3 đến 6km chạy dọc biên giới Việt Lào thuộc địa phận huyện A Lưới. Thung lũng là hành lang trọng yếu di chuyển người, quân trang, quân dụng, vũ khí khí tài và đạn dược trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận Trị Thiên. Từ nơi đây ta đã tổ chức nhiều cuộc tấn công xuống đồng bằng và các thành thị thuộc Vùng 1 Chiến thuật của Mỹ Ngụy. 
Nắm được vai trò vị trí chiến lược của Thung lũng A Sầu, ngay từ năm 1963 Mỹ Ngụy đã xây dựng ba căn cứ: A So (A Sầu), A Lưới, Tà Bạt với hỏa lực cực mạnh có pháo binh, thiết giáp và máy bay yểm trợ. Từ ba căn cứ này ngày đêm quân Mỹ Ngụy đã tổ chức nhiều cuộc tuần tra, do thám, càn quét nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Về phía chúng ta phải khai thông Đường dây 559 đi qua Thị Thiên nên các cấp đã giao cho Sư đoàn 325 B cùng với bộ đội dịa phương và dân quân du kích huyện A Lưới phối hợp bức rút quân lính ở hai doanh trại và tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch ở trại A Sầu vào tháng 3 năm 1966. Từ đó cho đến năm 1971, Thung lũng A Sầu trở thành địa danh “làm đông máu”, là thung lũng chết, là thung lũng tử thần đối với binh lính Mỹ thuộc ba sư đoàn Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Dù 101 (rất đáng tiếc trong các bộ sách giáo khoa lich sử Việt Nam, kể cả bộ Lịch sử chiến tranh chống Mỹ của Viện nghiên cứu lịch sử quân đội cũng không đề cập đến hai chiến dịch này).
Vào tháng 1 năm 1968, Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở Việt Nam đã ra lệnh cho Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 di chuyển từ Quảng Ngãi, Bình định về Thừa Thiên để hỗ trợ cho Sư đoàn Thủy quân lục chiến ở Mặt trận Trị Thiên. Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 là sư đoàn không vận có 23.000 quân, sư đoàn đầu tiên phát triển chiến thuật “Trực thăng vận”, có khoảng gần 500 máy bay trực thăng các loại, là sư đoàn cơ động cao nhất, có hỏa lực mạnh nhất và thiện chiến nhất ở miền Nam (xem Operation Delaware, Wikipedia; Chương 5 Trở lại A Sầu, Hamburger Hill, Samuel Zaffiri). Tướng John Tolson và Bộ Tư lệnh Sư đoàn Kỵ binh bay được lệnh chuẩn bị kế hoạch cho chiến dịch theo yêu cầu của Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền nam Việt Nam William Wesmoreland.
Sau trận đánh vào Trại A Sầu tháng 3 năm 1966, Quân Giải phóng hoàn toàn kiểm soát Thung lũng A Sầu. Tại đây, ngoài lực lượng bộ binh, chúng ta bố trí một số trận địa pháo phòng không 37mm, pháo nòng đôi 23mm và nhiều súng máy hạng nặng 12,7mm. Theo tài liệu đã dẫn, Thung lũng A Sầu trong gần hai năm đã phát triển thành một kho hậu cần chính đi các chiến trường và xuống đồng bằng, thành phố, vùng ven biển Thừa Thiên. Tấn công vào Thung lũng A Sầu quân địch nhằm thực hiện chiến dịch “Tìm diệt” các lực lượng vũ trang của ta, cắt đứt tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam qua địa phận Thừa Thiên và giành lại quyền kiểm soát vùng rừng núi chiến lược.
Diễn biến
Mở màn chiến dịch, không quân Mỹ đã tiến hành do thám và sử dụng rất nhiều cuộc oanh kích chiến thuật ác liệt, tập trung vào Thung lũng A Sầu nhằm hủy diệt lực lượng phòng không của ta và để dọn bãi an toàn cho các tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 3, Trung đoàn 7, Trung đoàn bộ binh 327 đổ bộ xuống các địa điểm. Nhiều trọng điểm trong Thung lũng A Sầu rung chuyển trong cơn bão lửa bom phá, bom cháy và các loại tên lửa. Các lực lượng phòng không của ta đánh trả quyết liệt. Trong cuộc tấn công ngày đầu tiên, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 đã bị các lực lượng của ta bắn cháy 10 chiếc trực thăng và 23 chiếc bị hư hại nặng
Keith W. Nolan, tác giả cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây (Screaming Eagles under siege) nhận xét trong lời nói đầu cuốn sách: “Sau năm ngày liên tục các cuộc không kích và B52 rải thảm tàn phá được biết đến với chiến dịch Vòng cung Ánh sáng, hai tiểu đoàn tấn công hàng đầu của Sư đoàn Kỵ binh đã đổ bộ xuống cuối phía tây bắc thung lũng vào ngày 19 thàng Tư, 1968… Đợt đầu tiên đổ bộ xuống không gặp mấy khó khăn, nhưng những chiếc trực thăng tiếp theo bay xuyên qua những đám mây thấp, bao gồm cả những chiếc Chinook CH-47 chuyên chở các bộ phận pháo các loại treo bên dưới, đã phải chịu hỏa lực nặng nề của súng máy và pháo cỡ nòng 37mm, 23mm từ những ngọn núi. Mười chiếc trực thăng bị bắn rơi, hai mươi ba chiếc khác bị hư hỏng nặng. Không có một chiến dịch nào trước đó người Mỹ phải trải qua lưới lửa phòng không của đối phương mạnh như vậy, và Tướng năm sao Wesmoreland vội vàng áp đặt tình trạng không thông tin về Chiến dịch Delaware”.
Samuel Zaffizi, tác giả cuốn Đồi Thịt Băm viết: “Quân đội Bắc Việt đã có được gần như tất cả các quả núi và bố trí súng phòng không bảo vệ hai bên dọc thung lũng. Hầu hết là những khẩu súng máy hạng nặng 12,7mm, ngoài ra họ cũng có một số lượng lớn pháo phòng không 37mm. Trên mâm pháo, với bảy người lính, súng phòng không 37mm có khả năng làm nổ tung một máy bay trực thăng hoặc một chiếc phản lực trên bầu trời ở độ cao hai mươi lăm ngàn feet. Khi những khẩu đội súng trên trực thăng yêu cầu hạ thấp xuống thung lũng, họ đã phải tháo chạy giữa hai hàng hỏa lực súng máy và pháo phòng không hai bên sườn núi. Họ không có khó khăn gì khi tìm các mục tiêu vì chúng ở khắp mọi nơi. Việc đánh trúng mục tiêu gặp nhiều khó khăn. Trong sáu ngày, họ liên tục gọi các cuộc tấn công bằng B52, máy bay ném bom phản lực và trực thăng vũ trang đánh vào các vị trí của địch. Thung lũng rung chuyển dưới cơn bão lửa bom phân mảnh, bom cháy và tên lửa. Trong cả đợt, B52 xuất kích tới 200 phi vụ, lực lượng không quân và các máy bay ném bom phản lực khác của lực lượng Thủy quân lục chiến thực hiện 300 phi vụ. Tất cả những việc làm đó đều vô nghĩa. Hầu hết các vị trí của địch được đào sâu vào trong lòng núi nên bom và tên lửa ít có tác dụng. Kẻ địch sau đó nhanh chóng thay thế một số trang thiết bị đã bị đánh bật ra ngoài”.
Khi Lữ đoàn 3 Kỵ binh bay, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 7 thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay và Tiểu đoàn 6 của quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ cánh xuống thung lũng, các đơn vị thuộc sư đoàn 324, các tiểu đoàn độc lập thuộc Quân khu Trị Thiên cùng với nhân dân và du kích huyện A Lưới phối hợp nhịp nhàng, đánh trả quyết liệt theo tinh thần “bám lấy thắt lưng địch mà đánh”. Trên đường tiến quân vào A Lưới chúng phải đi qua những cơn mưa, bùn lầy ngập đến mắt cá chân. Để di chuyển 6 km binh lính thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay đã phải “di chuyển mất 4 ngày” (sách đã dẫn).
Tác giả Zaffiri viết: “Trong buổi sáng, cả hai tiểu đoàn, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 7 tiếp tục cuộc tấn công, Tiểu đoàn 1 hướng về phía đông nam sân bay A Lưới, Tiểu đoàn 5 xuống đường cao tốc hướng về phía Lào. Tiểu đoàn 1 vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Mỗi bước chân trên con đường qua thung lũng, họ phải đối phó với các nhóm quân địch ít người tấn công, những kẻ đánh theo đội hình hàng dọc bằng súng trường, súng máy rồi biến mất vào trong rừng.
Và giống như những trận đánh khác, có nhiều tay súng bắn tỉa. Ngồi ở trên ngọn cây cao hàng trăm feet hay nấp trong các hang động hoặc ở phía sau những tảng đá lớn, chúng bắn điểm xạ vào lính Mỹ, từng người, từng người một gục xuống sau những loạt đạn chính xác, sau đó họ biến mất trong rừng hoặc trong các hang động sâu. Để giải quyết vấn đề người bị thương và hy sinh, trực thăng thuộc đơn vị cứu hộ nối tiếp nhau bay đến và bay đi khỏi thung lũng. Nhiều trực thăng chuyên chở thương binh bị trục trặc do bị đạn bắn trên đường bay hoặc trúng đạn lỗ chỗ buộc phải vội vàng hạ cánh”.
Khi quân kỵ binh bắt đầu lùng sục khắp thung lũng với hai lữ đoàn, cùng với một trung đoàn biệt phái từ Sư đoàn bộ binh số 1 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH), thêm vào đó là một lữ đoàn từ Sư đoàn Dù số 101 bảo vệ những ngọn núi phía đông, Quân ta vẫn chủ động tấn công. Sau đó rút lui về phía Tà Bạt và sang bên kia biên giới Lào. Cuộc tấn công thọc sâu của Liên quân Mỹ Ngụy, cuộc tấn công này chấm dứt sau hai mươi tám ngày. Ngày 15 tháng 5 sau một ngày mưa tiếp theo những cơn mưa hàng tuần trước, Tướng Tolson quyết định dừng lại tất cả những hoạt động trong thung lũng và ra lệnh rút quân.
Kết quả
Chiến dịch Lam Sơn/Delaware với một lực lượng hùng hậu từ 3 sư đoàn, với chiến thuật trực thăng vận, cơ động chiếm một khu vực trong Thung lũng A Sầu và nhằm mục tiêu tiêu diệt các lực lượng vũ trang của ta, phá hủy hệ thống kho hậu cần, chiếm lại địa bàn và cắt đứt tuyến vận chuyển của ta trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh có thể nói đã thất bại. Tướng Wesmoreland công bố trong bộ chỉ huy là chiến dịch “không thành công lắm”. Y có ý định mở tiếp một cuộc tấn công khác vào Thung lũng A Sầu nhưng ngày 11/6/1968 Wesmoreland rời khỏi miền Nam Việt Nam nhận nhiệm vụ mới làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ. Thay thế y là Tướng Creighton Abrams.
Phía Mỹ công bố một máy bay C130, một máy bay CH54, Hai máy bay CH47 Chinook, hai chục chiếc UH-1 Hueys bị bắn hạ. Khoảng vài chục chiếc trực thăng các loại khác bị bắn hư hại và bị tai nạn. 660 binh lính Mỹ cùng hàng trăm binh lính Ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu. Thành tích mà chiến dịch thu được từ phía BắcViệt” là 70 chiếc xe tải, 2 máy ủi và một xe tăng PT-76 bị hư hỏng (các tài liệu đã dẫn). 
Keith W. Nolan đã thừa nhận sự thất bại của Mỹ trong chiến dịch Lam Sơn 216/Delaware: “Trên tất cả, quân đồng minh chưa bao giờ thực sự nắm được quyền kiểm soát thung lũng. Hỏa lực phòng không của đối phương rất hiệu quả, thời tiết lại quá xấu… Rõ ràng về cuối chiến dịch nhiều thứ đã bị bỏ lỡ hơn là tìm diệt, và đối phương nhanh chóng xuất hiện từ trong các hang động hoặc lặng lẽ di chuyển từ bên kia biên giới Lào về để giành lại Thung lũng A Sầu”.
2. Chiến dịch Lam Sơn 246/ Chiến dịch Somerset Plain 
Đây là chiến dịch chung do Liên quân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành. Chiến dịch diễn ra trong 15 ngày, từ ngày 4 tháng 8 đến ngày 20 tháng 8 năm 1968. Lực lượng tham gia là Sư đoàn Dù 101 và Trung đoàn 1 QLVNCH. Phía chúng ta có Tiểu đoàn 816, Tiểu đoàn 818 thuộc Trung đoàn 9 cùng với một số đơn vị thuộc Quân khu Trị Thiên và dân quân du kích huyện A Lưới. Địa điểm diễn ra cuộc giao chiến giữa hai bên là Thung lũng A Sầu.
Bối cảnh
Tin tức tình báo Hoa kỳ cho Bộ chỉ huy Quân sự của Mỹ ở miền Nam biết nguồn cung cấp quân sự của “Bắc Việt trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh” tăng lên một cách chóng mặt. Có ngày lên tới một ngàn chiếc xe tải. Đặc biệt là nhiều hàng hóa từ miền Bắc được lưu giữ trong các kho tàng theo dọc biên giới Việt Lào. Phía Mỹ gọi là các “Khu căn cứ”, những khu căn cứ này là thánh địa cho các lực lượng của ta nghỉ dưỡng và tái trang bị sau khi thực hiện các hoạt động quân sự ở miền Nam Việt Nam (Wikipedia- Đường dây 559). Một trong những khu căn cứ đó là Thung lũng A Sầu. Việc ngăn chặn hệ thống đường mòn tiến tới cắt đứt tuyến đường này trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ. 
Số phi vụ ném bom từ 20 đã lên đến trên 1000 phi vụ trong một tháng. Chiến dịch Sấm rền đánh phá miền Bắc và Chiến dịch Tiger Hound tăng cường đánh phá vào các tỉnh giáp biên giới Lào được Mỹ đặc biệt Lưu ý. Thung lũng A Sầu trở thành túi bom đạn của Mỹ Ngụy. Trong năm 1968 không quân Mỹ còn thực hiện những thí nghiệm tạo mây mưa, nhằm kéo dài vô thời hạn mùa mưa trên đường Trường Sơn để hạn chế việc vận chuyển hàng của ta. Vì vậy ba tháng sau khi kết thúc Chiến dịch Lam Sơn 216/Delaware Trung tướng Richard G. Stiwell, Phó chỉ huy Quân đoàn đổ bộ số 3 Quân đội Hoa Kỳ thuộc Vùng 1 chiến thuật đã quyết định một chiến dịch khác đánh vào Thung lũng A Sầu để phá vỡ mạng lưới hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam và ngăn chặn mọi cuộc tấn công của đối phương vào Vùng 1 chiến thuật (Wikipedia- Operation Somerset Plain).
Diễn biến
Trước khi tấn công vào Thung lũng A Sầu, hai trận địa pháo, máy bay B52, máy bay ném bom phản lực trút hàng ngàn tấn bom đạn, trong đó có cả bom hóa học đánh phá xuống khắp ba tuyến đường đi vào Thung lũng A Sầu từ phía Lào. Kẻ địch định triệt phá đường rút lui của quân ta sang bên kia biên giới. 
Ngày 4/8 Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 327 Mỹ đổ bộ tấn công vào một bãi đáp gần đường băng Tà bạt. Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 502 đổ bộ tấn công vào gần Trại A Lưới bị bỏ hoang. Lực lượng phòng không của ta đã nhanh chóng bắn hạ 6 máy bay trực thăng vũ trang Cobra, một máy bay trực thăng trinh sát và một máy bay phản lực Planton (Hamburger Hill, Zaffiri). Khi hai tiểu đoàn vượt ra khỏi bãi đổ bộ, chúng ta chia nhỏ các đơn vị liên tục tấn công vào đội hình quân Mỹ. Trong ngày đầu 19 binh lính Mỹ bị bắn chết, hơn một trăm binh lính bị thương, một số mất tích.
Ngày 5/8 các đơn vị thuộc Trung đoàn 1 QLVNCH cũng triển khai lực lượng ở thung lũng theo kế hoạch. Quân ta nhanh chóng bao vây rồi tấn công vào đội hình địch. Tám mươi binh lính của địch bị bắn chết. Ngày 18 và ngày 19/8 bốn tiểu đoàn cơ động của Liên quân Mỹ Ngụy buộc phải rút khỏi Thung lũng A Sầu.
Kết quả
Mỹ ngụy không đạt được mục tiêu chiến dịch mà Tướng Stiwel đề ra. Không những việc tìm diệt Trung đoàn 9 và các lực lượng vũ trang của ta ở A Lưới bất thành kẻ địch còn bị tổn thất nặng nề. Thành công duy nhất của Chiến dịch Lam Sơn 246/Somerset Plain là “phát hiện ra một kho hàng duy nhất của đối phương”. Trên thực tế, “toàn bộ mẻ lưới mười lăm ngày đầy thất vọng liên quân chỉ thu được vài khẩu súng AK47 và ba quả mìn người Pháp để lại từ mười lăm năm trước”. 
3. Như vậy là năm 1968 khép lại với hai thất bại của hai chiến dịch do những sư đoàn tinh nhuệ nhất của Mỹ tại Thung lũng A Sầu tiến hành. Nhiều sỹ quan tham mưu trong Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở miền Nam “thất vọng, kinh ngạc, tự hỏi không biết phải làm gì để giải quyết bài toán Thung lũng A Sầu. Đó là một câu hỏi dường như không một ai có thể trả lời… Mặc dầu Tướng Abrams không bị ám ảnh về Thung lũng A Sầu như Tướng Wesmoreland” nhưng y và Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ vẫn xem xét Thung lũng A Sầu là một trong những ưu tiên chính trong cuộc chiến tranh Việt Nam (tài liệu đã dẫn). Thung lũng A Sầu chính là một trong những điểm khác biệt trong cách nhìn nhận của hai phía chiến tuyến. Chúng ta không hề nhắc đến Thung lũng A Sầu trong các bộ sách lịch sử; còn kẻ địch thì cực kỳ coi trọng giá trị chiến lược của Thung lũng A Sầu. Vì vậy nhiều kế hoach với nhiều chiến dịch đã được Liên quân Mỹ Ngụy hoạch định để giải quyết bằng được bài toán Thung lũng A Sầu. Cũng chính vì thế trong năm 1969, trong số 17 chiến dịch Liên quân Mỹ Ngụy tiến hành ở Thừa Thiên, thì có tới 8 chiến dịch diễn ra ở Thung lũng A Sầu. Lần này chúng quyết tâm giành thắng lợi và tin tưởng chắc chắn rằng quân và dân ta sẽ bị “hạ gục” ở A Sầu. Tôi sẽ trình bày 8 chiến dịch của Liên quân Mỹ Ngụy ở A Sầu trong năm 1969 mà đỉnh cao là trận A Bia (trận Đồi Thịt băm) trong bài viết tới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.