Suy nghĩ về Trung Quốc nhân kỷ niệm 40 năm chiến tranh Việt-Trung tháng 2 năm năm 1979

Leave a Comment
5h ngày 17 tháng 2 năm 1979 Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta. Hành động “truyền thống” này của tập đoàn bành trướng Bắc Kinh đã hoàn thiện quá trình trong lịch sử quan hệ hai nước là không một triều đại nào, không một chính thể nào của Trung Quốc không xâm lược Việt Nam. Có thể nói đó là một hằng số để người Việt Nam mãi mãi sau này khắc cốt ghi tâm.
Cuộc chiến tranh đã qua đi 40 năm. Tôi nghĩ không còn có khía cạnh nào phải úp mở, che đậy. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật để khách quan xem xét liệu có thể có con đường nào để tránh một cuộc chiến tranh như vậy không? 
Rất nhiều người vẫn còn nhớ sự kiện Hoa quân nhập Việt vào năm 1946 theo thỏa thuận Posdam để giải giáp quân đội Nhật từ biên giới phía bắc vào đến vỹ tuyến 16. Trung Quốc Tưởng Giới Thạch đã tính tới việc “Diệt Cộng cầm Hồ”, tức tiêu diệt Cộng sản, bắt giam Hồ Chí Minh. Tình thế ngàn cân treo trên sợi tóc. Hai mươi vạn quân Tưởng chiếm đóng miền Bắc cùng với nhiều tổ chức chống phá cách mạng theo chân quân Tưởng. Ở miền Nam sáu vạn quân Nhật được quân Anh sử dụng. Và nấp bóng sau quân Anh là quân Pháp quay trở lại tấn công hòng chiếm đóng nước ta một lần nữa. Quốc khố lúc đó thì trống rỗng. Mùa màng thì thất bát. Nạn đói thì tràn lan… Vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chèo lái vượt qua cơn sóng gió.
Liệu chúng ta có thể áp dụng bài học tư tưởng Hồ Chí Minh năm 1946 vào trước năm 1979 không? Tất nhiên lịch sử không thể có chữ nếu, nhưng nếu có một con đường nào khác để tránh xảy ra chiến tranh thì chúng ta vẫn phải xem xét để dự tính và chuẩn bị cho tương lai. Đặc biệt chúng ta phải xem xét kỹ càng tình hình Trung Quốc hiện tại và tương lai, những tính toán chiến lược ngắn hạn dài hạn của Chính quyền Trung Quốc để chuẩn bị cho Tổ quốc khỏi bất ngờ. 
Kể từ năm 221 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc trở thành đế quốc phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đến nay, người ta thấy văn minh “Hoa Hạ” mang một đặc điểm theo chu kỳ nối tiếp: thành lập, hưng thịnh, suy vong và hỗn loạn. Chắc chắn đế quốc Xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình hiện nay cũng đang ở trong cái chu kỳ đó. Nhưng nó đang ở giai đoạn nào? Đỉnh điểm của quá trình hưng thịnh chuyển sang suy vong hay vẫn đang trong quá trình hưng thịnh? 
Theo học giả Nga Aleksandr Samsonov ngày 9/12/2019 trên báo Bình luận Quân sự Nga, Trung Quốc đang chuyển sang chu kỳ mới suy vong. Theo ông nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc và xuất hiện tình trạng đình trệ, chưa kể đến mâu thuẫn thương mại Mỹ Trung ngày một gay gắt. Đầu tư quân sự nóng từ đầu những năm 1990 để cạnh tranh với Mỹ, kéo theo cả khu vực Đông Nam Á tham gia cuộc chạy đua vũ trang đầy nguy hiểm. Sự gia tăng bất mãn của các tầng lớp nghèo trong xã hội Trung Quốc (theo thống kê của phương Tây mỗi năm có tới hàng nghìn cuộc biểu tình).
Nhà cầm quyền Bắc Kinh chắc thấu hiểu cái quy luật nghiệt ngã trong lịch sử dân tộc của họ. Liệu họ sẽ tìm ra lối thoát nào? Trỗi dậy hòa bình hay bành trướng ra bên ngoài? 
Đặng Tiểu Bình nhà kiến trúc sư cải cách mở cửa Trung Quốc, đồng thời cũng là thủ phạm chính trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, người theo đuổi chính sách “giấu mình chờ thời”. Thực ra nội hàm “giấu mình chờ thời” vẫn bao hàm cái tư tưởng bành trướng “Đại Hán”. Chỉ có điều là chưa đến lúc mà thôi. Sau mấy chục năm khi Trung Quốc đã đủ lông đủ cánh trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, Tập Cận Bình đã vứt bỏ cái khẩu hiệu “giấu mình chờ thời”. Trung Quốc bắt đầu khẳng định mình.
Để kéo dài cái thời kỳ hưng thịnh, về kinh tế, Tập Cận Bình muốn biến Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất công nghệ cao “Made in China” vào năm 2025 và bành trướng ra bên ngoài với kế hoạch đầu tư sáng kiến “Vành đai và con đường” mà theo Thủ tướng Malaixia Mahathir Mohamad là biến tướng của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Và theo các nhà quan sát quốc tế là ngoại giao bẫy nợ để trói buộc các nước lệ thuộc vào Trung Quốc.
Học giả Nga Aleksandr Samsonov viết, theo học thuyết địa chính trị Trung Hoa Trung đại thì Trung Quốc là “trung tâm của thế giới”, còn xung quanh Thiên Triều là các nước “man di” và “mọi rợ” cần phải thần phục và cống nạp cho Thiên Triều. Đến thời Trung Quốc hiện đại, Mao Trạch Đông nói: “Chúng ta dứt khoát phải có được Đông Nam Á, bao gồm cả Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaixia, Singapore... Khu vực Đông Nam Á, rất giàu có, ở đó có rất nhiều khoáng sản, nó hoàn toàn xứng đáng với những phí tổn mà chúng ta phải bỏ ra để có được nó. Trong tương lai, Đông nam Á sẽ rất có ích cho sự nghiệp phát triển công nghiệp Trung Quốc. Như vậy, lợi ích có được có thể trang trải hoàn toàn cho các chi phí. Sau khi chúng ta đã sáp nhập được Đông Nam Á vào Trung Quốc, chúng ta sẽ tăng cường được sức mạnh tại khu vực này... Chúng ta cần phải chính phục cả địa cầu”.
Học giả Nga còn cho biết danh sách cái gọi là “khu vực lãnh thổ Trung Quốc bị tước đoạt” rất dài: Myanma, Lào, Việt Nam, Nepal, Butan, Bắc Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia, Singapore, Triều Tiên, các đảo Ryukyu (Nhật Bản), hơn 300 hòn đảo ở Biển Đông, biển Nam Trung Hoa, và biển Hoàng Hải, một phần của Tajikistan, Nam Kazakhstan, tỉnh Badakh- shan của Afganistan, Mông Cổ, Ngoại Baikal và phía nam vùng Viễn Đông kéo dài đến thành phố Okhotsk của Nga. Tổng diện tích các “vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất” là hơn 10 triệu km2. Nó còn lớn hơn diện tích Trung Quốc hiện đại 9,6 triệu km2. 
Sau Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có “nguội đi” chút ít và không công khai đưa ra những yêu sách tương tự nữa, nhưng trước sau họ vẫn trung thành với học thuyết lịch sử này. Và tuyệt đối không nên nghĩ rằng Trung Quốc quên những gì mà họ cho là của mình. Trung Quốc đã lấy lại Hồng Kông (đến trước năm 1997 thuộc Anh), Ma Cao (đến trước năm 1999 là của Bồ Đào Nha), đã “tước” một phần lãnh thổ của Nga (năm 2005- 337 km2), 1.000km2 của Tajikistan (tháng 1/2011), còn đang đòi thêm 28.000km2 (của Tajikistan). Trung Quốc càng mạnh, “yêu sách lãnh thổ” của Trung Quốc càng nhiều.
Trung Quốc đã không chỉ một lần, ngay từ thời kỳ còn chưa trở thành cường quốc, Trung Quốc đã phát động nhiều cuộc xung đột vũ trang với các nước láng giềng. Hai cuộc xung đột quân sự với Ấn Độ vào năm 1962 và năm 1967; xung đột biên giới với Liên Xô năm 1969; chiến tranh với Việt Nam năm 1979; hai cuộc xung đột biên giới trên biển với Việt Nam vào các năm 1974 và năm 1988 và ba cuộc khủng hoảng tại Eo biển Đài Loan.
Trung Quốc đã “nuốt” ba khu vực lãnh thổ rộng lớn, trong khi những khu vực này tuyệt đối không có chút gì liên quan đến nền văn minh Trung Hoa. Đó là Đông Turkestan (chiếm đoạt trong thế kỷ XVIII), Nội Mông (chiếm hoàn toàn sau hai cuộc chiến tranh thế giới) và Tây Tạng (trong những năm 50 của thế kỷ XX).
Trích dẫn những sự kiện trên tôi muốn nói cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2 năm 1979, Việt Nam là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Chắc chắn Việt Nam không phải là nước đầu tiên và cũng không phải là nước cuối cùng trong con mắt của Bắc Kinh. Và đối với Việt Nam sự kiện Trung Quốc xâm chiếm một số đảo Hoàng Sa trong đó có đảo Phú Lâm từ tay Cộng hòa Việt Nam năm 1974 và năm đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 cũng chưa phải là lần cuối cùng.
Nếu những dự đoán của học giả Nga Aleksandr Samsonov là đúng, Trung Quốc bắt đầu chuyển sang giai đoạn “suy vong” (ta phải hiểu diệt giai đoạn suy vong trong lịch sử là một khoảng thời gian rất dài) thì đó là một nguy cơ hiện hữu đối với Việt Nam. Kinh nghiệm lịch sử suốt hàng ngàn năm đã chỉ ra rằng, khi nội bộ Trung Quốc có vấn đề, họ thường đẩy những mâu thuẫn đó ra bên ngoài, những cuộc chiến tranh kinh tế và bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc cũng bắt nguồn từ đó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.