Thung lũng A Sầu nơi chôn vùi tham vọng kiểm soát vùng rừng núi của Mỹ -Ngụy.

Leave a Comment
Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trị Thiên luôn là một mặt trận nóng bỏng. Do vị trí địa lý và lịch sử, đây là nơi đối đầu một mất một còn giữa các lực lượng vũ trang của ta với Quân đội Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Nhiều chiến dịch lớn, nhiều trận đánh lớn làm thay đổi cục diện chiến trường diễn ra ở khu vực này như Cồn Tiên, đường 9, Làng Vây, Tà Cơn, Đầu Mầu, Khe Sanh... Và một trận đánh rất đáng được chú ý thuộc địa bàn vùng rừng núi huyện A Lưới, một trong ba địa bàn chiến lược, đó là trận đánh trên đồi A Bia mà người Mỹ gọi là Đồi Thịt băm.
A lưới là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên, là quê hương của một số dân tộc thiểu số Cơ Tu, Tà Ôi Vân Kiều…, là căn cứ địa cách mạng của tỉnh và của cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vùng rừng núi hiểm trở này phía Bắc giáp tỉnh Quảng trị, phía Tây giáp với nước cộng hòa nhân dân Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông qua một huyện ra đến biển Đông. Vì vậy A Lưới có một vị trí đặc biệt quan trọng, là huyết mạch vận chuyển người, quân trang quân dụng trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại qua Trị Thiên vào phía Nam.
Tại A Lưới trong những năm 1960 chúng ta đã xây dựng được các lực lượng vũ trang bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích lớn mạnh, có đủ điều kiện để tiêu diệt một bộ phận lớn quân chủ lực địch, có thể duy trì được các cuộc chiến đấu lâu dài trong những hoàn cảnh diễn biến khó khăn; đồng thời A Lưới còn là nơi xây dựng, phát triển lực lượng và mở rộng căn cứ địa của ta ra các địa bàn khác. Khi có thời cơ chúng ta lấy đây là địa bàn xuất phát những cuộc tấn công lớn xuống đồng bằng, lên phía bắc và xuống phía Nam, thậm chí sang đất bạn Lào.
Với kẻ địch, A Lưới là một mắt xích yếu, rất khó để chúng kiểm soát khu vực rừng núi rậm rạp, hiểm trở, hạn chế nhiều mặt trong việc sử dụng vũ khí khí tài, kể cả máy bay các loại. Nhận thức được vai trò vị trí quan trọng của A Lưới ngay từ đầu những năm 1960, Mỹ-Ngụy đã xây dựng tại thung lũng A Sầu ba căn cứ ở Tà Bạt, A Sầu, A Lưới thành 3 cụm liên hoàn với hàng nghìn quân thuộc lực lượng biệt động đặc biệt của Quân đội Việt Nam Cộng hòa; có pháo binh, thiết giáp, máy bay hỗ trợ, do cố vẫn Mỹ chỉ huy và một đơn vị đặc biệt mũ nồi xanh của Mỹ (từ năm 1965 có sự phối hợp của cả Thủy quân lục chiến Mỹ). Từ ba căn cứ này, Mỹ -Ngụy suốt ngày đêm đánh phá, thường xuyên tổ chức tuần tra, do thám quanh khu vực đường mòn Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn, chặt đứt tuyến vận tải chi viện từ miền Bắc vào miền Nam và ngăn chặn dòng hàng hóa, quân trang quân dụng từ miền núi xuống vùng đồng bằng, ven biển.
Hình ảnh trại A Sầu và binh lính Mỹ ở trại A Sầu.
Theo tác giả cuốn sách Thung lũng Chết (Valley of Death), thung lũng A Sầu và A Lưới là địa bàn chiến lược rừng núi quan trọng nhất ở miền Nam Việt Nam. Tại nơi này trong 9 năm, từ năm 1963 đến năm 1971 Quân đội Mỹ và Quân “Bắc Việt” liên tục diễn ra các cuộc giao tranh đẫm máu, quyết liệt, khủng khiếp nhất trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam để tranh giành quyền kiểm soát khu vực này. Ông ta còn so sánh những trận chiến kinh điển đó khốc liệt như những trận chiến đẫm máu nhất của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Vào đầu những năm 1960, về phía chúng ta, vấn đề đặt ra là phải khai thông đường 559 mà yết hầu là thung lũng A Sầu, A Lưới qua Thừa Thiên để bảo vệ địa bàn vùng rừng núi. Trọng trách to lớn này được giao cho bộ đội địa phương, dân quân du kích các dân tộc thiểu số miền tây Trị Thiên và Sư đoàn 325 B. Thực hiện mệnh lệnh của các cấp, trong năm 1965 lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích các xã thuộc thung lũng A Sầu đã tiến hành nhiều trận phục kích, đánh nhỏ nhằm vào những cuộc lùng sục, càn quét mỗi khi Mỹ- Ngụy nống ra từ các căn cứ. Sau đó, chúng ta tiến tới bao vây, bức rút các đồn bốt căn cứ của địch…
Mệt mỏi vì những cuộc tấn công liên tục của ta và nhận ra dễ dàng bị tiêu diệt, quân lính ở hai doanh trại A Lưới và Tà Bạt bỏ doanh trại trốn khỏi thung lũng. Chỉ còn lại quân Mỹ và lực lương đặc biệt của Quân đội Việt Nam cộng hòa ở lại trại A Sầu, một căn cứ quân sự hình tam giác, với gần 500 quân được trang bị vũ khí tối tân như tiểu liên, cối, súng phun lửa và sự hỗ trợ của máy bay trực thăng, máy bay ném bom. Căn cứ quân sự này còn được bao quanh bằng nhiều hàng rào dây kẽm gai và nhiều bãi mìn để phòng thủ.
Trận đánh vào A Sầu là một trận đánh có ý nghĩa quan trọng. 5 giờ sáng 10/3/1966, một số đơn vị thuộc trung đoàn 95, 101 Sư 325B được trang bị cối 120, DKZ, 82... phối hợp với cùng quân dân địa phương các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hương Lâm... đã đồng loạt nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go ác liệt. Sau khi mở cửa, chọc thủng hàng rào kẽm gai, một đơn vị của ta tiến vào doanh trại. Ta và địch giành nhau từng tấc đất. Cho đến 10 giờ ngày 11/3, chúng ta làm chủ trận địa. Gần 400 binh lính Mỹ-ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hơn một chục máy bay của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, trong đó có chiếc máy bay vận tải C130 bị bắn cháy. Sân bay A Sầu gần như bị phá hủy.
Trận A Sầu đã kết thúc tham vọng kiểm soát địa bàn rừng núi của Mỹ- Ngụy bằng bộ binh trên địa bàn huyện A Lưới. Về cỏ bản chúng không còn kiểm soát được thung lũng A Sầu nữa. Chúng lén lút tung biệt kích, thám báo xâm nhập khu vực thu thập tin tức. Chúng điên cuồng sử dụng tất cả máy bay các loại, trong đó có nhiều đợt sử dụng máy bay B52. Ngày cũng như đêm, chúng ném hàng vạn tấn bom các loại, rải thảm chất độc màu da cam, bắn hàng vạn quả đạn pháo xuống thung lũng A Sầu để ngăn chặn dòng vận chuyển của ta.
Trận A Sầu thất bại còn để lại một vết thương sâu trong tâm lý Bộ Tư lệnh liên quân Mỹ. Nhà cử học Chiến tranh Việt Nam Sheby Stantan của Mỹ viết: “Nó không chỉ ảnh hưởng lớn tới quá trình sau này của cuộc chiến mà còn dẫn tới cuộc chiến khủng khiếp ở động A Bia”. Đại tướng Wesmoreland, Tư lệnh các lực lượng quân đội ở miền Nam Việt Nam đã theo dõi sát sao trận đánh A Sầu. Vị chỉ huy sân khấu chiến trường của Mỹ ở miền Nam đã để tâm đến sự thất bại của quân đồng minh trong trận chiến. Ông ta tin tưởng rằng các đô thị và vùng đồng bằng ven biển đã nằm trong tầm kiểm soát bởi các chiến dịch “tìm diệt và bình định”. Ông ta bắt đầu âm thầm chuẩn bị mở chiến dịch đánh vào các thành trì của chúng ta ở vùng rừng núi A Sầu thì cuộc Tổng tấn công và nổi dậy nổ ra mà cơ sở hậu cần đánh vào Huế và các vùng lân cận chính là căn cứ địa vùng rừng núi A Sầu, A Lưới.
Bản đồ cuộc tấn công của Sư đoàn Kỵ binh bay và hình ảnh lính Mỹ tai A Sầu.
Sau tết Mậu Thân, Wesmoreland chỉ đạo tấn công vào A Sầu để trả thù cho những thất bại mùa xuân Mậu Thân 1968. Nhiệm vụ của quân Mỹ vẫn là bước đầu kiểm soát vùng rừng núi, phá hủy các căn cứ hậu cần quan trọng của quân giải phóng, đẩy lực lượng quân giải phóng sang bên kia biên giới Lào, ngăn chặn từ xa việc quân giải phóng có thể mở một cuộc tấn công tương lai vào Huế như năm 1968. Nhiệm vụ này được giao cho Sư đoàn kỵ binh bay số 1, Sư đoàn thiện chiến nhất, sư đoàn sở hữu hơn 450 trực thăng các loại.
Các lực lượng tác chiến của Sư đoàn Kỵ binh bay Mỹ bắt đầu vào chiến dịch với năm ngày liên tục không kích, kể cả việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52. Hai tiểu đoàn tấn công hàng đầu của Sư đoàn Kỵ binh bay đã đổ bộ xuống khu vực A Sầu vào ngày 19 tháng Tư năm 1968. Cuộc tấn công này mang mật danh Chiến dịch Delaware.
Quân Mỹ gặp rất nhiều khó khăn khi đổ bộ xuống vùng đất này. Khi máy bay trực thăng bay xuyên qua những đám mây thấp, súng máy các loại, đặc biệt là 12,7 ly, kể cả súng phòng không 37 của quân giải phóng bắn trả dữ dội. Mười chiếc trực thăng bị bắn rơi, hai mươi ba chiếc bị hư hỏng nặng. Quân khu trị Thiên cùng với dân quân du kích huyện A Lưới, các đơn vị chủ lực, đặc biệt là Sư đoàn 324 dũng cảm, kiên cường đã phối hợp nhịp nhàng, khôn khéo bẻ gãy chiến dịch có quy mô lớn lên vùng rừng núi Thừa Thiên. Người Mỹ phải thừa nhận “Không có một chiến dịch nào trước đó mà quân đội Mỹ phải bay qua lưới lửa phòng không của đối phương mạnh như vậy, và gặp nhiều cản trở về địa hình như vậy”. Tướng năm sao Wesmoreland phải vội vàng áp đặt tình trạng phong tỏa thông tin về chiến dịch Delaware để che dấu thất bại.
Mặc dầu lùng sục khắp thung lũng A Sầu với hai lữ đoàn và một trung đoàn biệt phái từ Sư đoàn bộ binh số 1 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhưng chiến dịch thọc sâu với những cuộc tấn công của Sư đoàn kỵ binh bay và quân đội Ngụy quyền Sài Gòn đã chấm dứt sau 28 ngày mà không thu được kết quả. Thực tế đó là một thất bại cay đắng. Quân Mỹ, ngụy không thể nắm được quyền kiểm soát Thung lũng A Sầu, không thể đứng chân được trên địa bàn rừng núi huyện A Lưới. Chúng phải thừa nhận quyền kiểm soát A Sầu thuộc về quân đối phương.
Không rút ra được bài học từ người từ người đi trước, Đại tướng Creighton Abrams, người thay thế Tướng Wesmoreland được cử làm Tư lệnh quân đội Viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Y là tác giả của chiến thuật quân sự “Quét và giữ” thay thế cho chiến thuật quân sự “Tìm và diệt” của người tiền nhiệm, Y quyết định tấn công lên địa bàn rừng núi A Lưới, trọng tâm là thung lũng A Sầu và động A Bia.
Bản đồ tấn công của Sư đoàn Dù 101 và hình ảnh máy bay trực thăng đổ quân tai A Sầu
Hình ảnh lính Sư đoàn Dù trong trận chiến A Bia
Abram đã điều động thêm Sư đoàn Dù 101 Mỹ tiến hành cuộc tấn công hòng tiêu diệt “quân Bắc Việt” sau chiến dịch Delaware. Lần này Tướng Stilwell, Tư lệnh quân đoàn 24 (Quân đoàn Mỹ phụ trách Vùng 1 chiến thuật) đã xây dựng một kế hoạch đầy tham vọng bao gồm 4 chiến dịch (Dewey Canyon, Masachusetts Striker, Apatche Snow, Montgomery Rendezvours), huy động các đơn vị thuộc 4 sư đoàn, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 3, Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Dù, Sư đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa. Trong đó chiến dịch then chốt là Tuyết rơi trên đỉnh Apatche (Apatche Snow) đánh lên Động A Bia nhằm tiêu diệt lực lượng của ta tại A Sầu, đứng chân trên địa bàn rừng núi nhằm thực hiện các kế hoạch đã đề ra từ trước đó.
Quân đội Mỹ đã xây dựng một con đường từ hậu cứ của chúng tới chân những ngọn đồi trong thung lũng A Sầu. Tướng Stilwell đã tung vào khu vực hầu hết lực lượng của 2 sư đoàn, Sư đoàn Thủy quân lục chiến và Sư đoàn Dù cùng với nhiều đơn vị bộ binh của Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa, các đơn vị không quân, pháo binh với sự hỗ trợ trên quy mô lớn nhất về hỏa lực, kể cả sử dụng nhiều máy bay ném bom chiến lược B52.
Quân khu Trị Thiên đã giao nhiêm vụ cho bộ đội địa phương, dân quân du kích các huyện miền tây Thừa Thiên và hai sư đoàn chủ lực, chủ yếu là Sư đoàn 324 đương đầu với các chiến dịch đầy tham vọng của Tướng Abrams. Chiến dịch này dự định kéo dài từ đầu năm 1969 cho đến đầu năm 1970. Triển khai nhiệm vụ mặt trận Trị Thiên giao, Sư đoàn 324 chỉ thị cho Trung đoàn 3 chốt giữ trên động A Bia và các vùng lân cận.
Trong chiến dịch then chốt Tuyết rơi trên đỉnh Apatche, hai tiểu đoàn Mỹ, một tiểu đoàn Ngụy trực tiếp tấn công lên Động A Bia với sự huy động tối đa về hỏa lực. Chỉ tính từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5 năm 1969, tức có 4 ngày, chi viện riêng cho một tiểu đoàn, Tiểu đoàn 3 Dù Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ ngày đêm của hai máy bay trinh sát thường trực, hàng chục máy bay phản lực, trực thăng vũ trang, sự hỗ trợ của 4 trận địa pháo: Một trận địa pháo 105mm, một trận địa pháo 155mm, một trận địa pháo 175, một trận địa pháo kích 8 inch với hàng vạn quả đạn, 271 cuộc không kích. Tổng cộng hàng ngàn tấn bom quân Mỹ giội xuống Đồi A Bia. Quân Mỹ cho rằng sẽ không thể có một sinh vật nào còn sống sót trên quả đồi và xung quanh quả đồi. Đất đá tơi vụn như bột tới gần nửa mét, thế nhưng quân Mỹ vẫn không thể nào “tiến lên được ngọn núi”.
Quan trọng hơn, Chiến dich Tuyết rơi trên đỉnh núi thất bại kéo theo toàn bộ các chiến dich nối tiếp của Mỹ-Ngụy thất bại. Một lần nữa âm mưu kiểm soát địa bàn rừng núi tại chiến trường Trị Thiên của Mỹ-Ngụy hoàn toàn thất bại. Trận A Bia chính là dấu mốc son của thung lũng A Sầu, huyện A Lưới và miền tây Trị Thiên. Tất cả đã kiên cường trụ vững và trở thành nơi chôn vùi tham vọng kiểm soát vùng rừng núi của Mỹ-Ngụy, một địa bàn chiến lược quan trọng của ta.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, địa bàn vùng rừng núi đóng một vai trò rất quan trọng, có thể nói là then chốt. Chẳng hạn như trận Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, trận Biên giới năm 1950, trận Điện Biên Phủ trên vùng rừng núi Tây Bắc, trận Khe Sanh trên vùng rừng núi Quảng Trị, Trận A Bia trên địa bàn rừng núi Thừa Thiên, trận Thượng Đức trên địa bàn rừng núi Quảng Nam, Trận Buôn Ma Thuột trên địa bàn Tây Nguyên… Khi địa bàn chiến lược vùng rừng núi được củng cố, giữ vững và phát triển. Nó tạo thời cơ và khi thời cơ đến từ những bàn đạp này quân và dân ta tiến hành những chiến dịch lớn giải phóng hoàn toàn đất nước. Thực tế từ đầu những năm 1946 đến năm 1975 đã chứng minh điều đó.
Năm mươi năm đã trôi qua, qua nhiều nguồn tài liệu từ hai phía, chúng ta có thể khẳng định các trận đánh tại thung lũng A Sầu là quá trình giành giật địa bàn chiến lược giữa hai bên. Và trận đánh A Bia chính là dấu chấm hết cho tham vọng kiểm soát địa bàn rừng núi trên mặt trận Trị Thiên. Nó không chỉ góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước trong sự nghiêp chống Mỹ cứu nước mà còn đóng góp những giá trị to lớn vào kho tàng lý luận và nghệ thuật chỉ đạo quân sự của Đảng ta.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.