Chúng tôi lại về thăm các anh

Leave a Comment

 Trong hơn một chục năm trở lại đây, cứ vào những ngày tháng Bảy, hầu như năm nào anh em cựu chiến binh Sư đoàn 324 chúng tôi cũng về thắp hương cho đồng đội ở các chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Tây nguyên…

Càng nhiều tuổi con người ta càng hoài niệm về quá khứ. Anh em cựu chiến binh chúng tôi cũng vậy. Tuổi thanh xuân hào hùng đã đi theo năm tháng của mỗi người. Không ai quên những ngày ấy. Những ngày đêm hành quân trong mưa rừng ăn cơm vắt! Những ngày đêm sốt rét ác tính ứ nước mắt thương nhau! Những ngày đêm trên chốt nóng bỏng bom đạn chỉ nhìn thấy đôi mắt đồng đội trên khuôn mặt lấm lem teo tóp! Những ngày đói quay đói quắt húp cháo măng rừng, ăn rau môn thục! Những chiến dịch ác liệt kéo dài thắt ruột vùi tạm hàng chục, hàng chục đồng đội hy sinh sau một trận đánh!...

Rời quân ngũ, phần lớn anh em cựu chiến binh phải vật lộn mưu sinh với cuộc sống thường ngày. Tấm cơm manh áo đã cuốn chúng tôi theo những cách thức khác nhau. Nhưng trong sâu thẳm, những kỷ niệm ngày xưa vẫn chập chờn trong giấc ngủ, vẫn hiện diện đêm đêm khi thời tiết thay đổi, và đặc biệt lại đau đáu mỗi khi tháng Bảy về. Thương lắm đồng đội ơi!

Chúng tôi không có điều kiện đi thăm được nhiều các nghĩa trang trên mảnh đất hình chữ S này nên có nhiều điều chưa hiểu hết. Nhưng trong số nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước, có lẽ các nghĩa trang ở Quảng Trị, Thừa Thiên là các nghĩa trang có nhiều ngôi mộ không tên nhất. Đây cũng là hai tỉnh mà phần lớn hơn 13.000 đồng đội thuộc Sư đoàn 324 của chúng tôi đã nằm xuống.

Thành cổ Quảng Trị là di tích quốc gia đặc biệt. Trong năm 1972, thành cổ Quảng Trị nổi tiếng qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. Khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, không hề có một chiến dịch nào mà mục tiêu chủ yếu đối phương chỉ đánh vào một tòa thành cổ khoảng 3km2. Đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông đảo và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ tương đương với 7 quả bom nguyên tử ném xuống khu vực này.

Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống. Trong số đó có các Anh hùng Liệt sỹ thuộc Sư đoàn 324 của chúng tôi đã đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Nơi đây được coi là nghĩa trang không mồ lớn nhất, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược của Mỹ nguỵ, nối liền từ Đông Hà đến biên giới Việt Lào. Dọc theo trục đường số 9, Mỹ ngụy đã cho xây dựng nhiều căn cứ quân sự, cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặt trận Ðường 9- Bắc Quảng trị, cuộc đối đầu lịch sử giữa đế quốc Mỹ và ý chí giải phóng dân tộc đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công oanh liệt. Và nơi đây quân và dân ta cũng đổ không biết bao nhiêu xương máu.

Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 nằm trên địa phận tỉnh Quảng trị, quy tụ gần 9.500 mộ liệt sỹ (có một số ngôi mộ chôn tập thể). Trong số đó chỉ có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành; còn hơn 6000 ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Đây là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ thuộc các sư đoàn 304, 308, 312, 320, 324, 325…

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Thừa Thiên-Huế nằm trên địa phận thành phố Huế. Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của gần 2000 Anh hùng Liệt sỹ nhưng chỉ có 314 liệt sỹ có danh tính. Nghĩa trang liệt sỹ huyện Phong Điền có 3600 ngôi mộ nhưng chỉ có 1050 ngôi mộ có danh tính. Nghĩa trang Hương Thủy, Hương Trà, Nam Đông, Quảng Điền…Những nghĩa trang mà đồng đội Sư đoàn 324 của chúng tôi nằm đó chưa xác định được danh tính. Không biết đến ngày nào các cơ quan chức năng và anh em chúng tôi mới trả lại danh tính, mới được gọi tên các anh như những ngày nào?

Nghĩa trang liệt sỹ ở huyện A Lưới là một trong những nghĩa trang của tỉnh Thừa Thiên có nhiều mộ liệt sỹ không tên nhất. Vì sao? Không phải vì trong chiến tranh các đơn vị không làm tốt công tác tử sĩ. Chỉ vì đó là một trong những địa bàn, một chiến trường ác liệt nhất. Các đơn vị không thể làm được gì hơn khi cả đơn vị hy sinh. Đơn vị ở đây có thể là một tiểu đội, một trung đội, một đại độ, còn lại bao người vì trúng bom B52, vì pháo bầy, vì bị bao vây, vì bị phục kích trong chiến trường? Thịt xương tan nát và nhiều chiến sĩ trong tay kẻ địch thì ai có thể xác định được danh tính?

Tôi được anh Lê Văn Chớ, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát Đặc công Trung đoàn 812 cho biết, số liệt sỹ hy sinh trên địa bàn Thung lũng A Sầu của Sư đoàn 325, Sư đoàn 324 từ năm 1965 đến đầu những năm 1970 được quân và dân trên địa bàn A Lưới quy tập về A So. Nhưng đến năm 1972, B52 Mỹ rải thảm khu nghĩa trang. Hầu như không còn một ngôi mộ nào còn. Các anh đã hy sinh đến lần thứ 2, lần thứ 3.

Một địa danh có rất nhiều liệt sỹ thuộc Sư đoàn 324 là ở khu vực xã A Đớt huyện A Lưới khi Trung đoàn 812 bị B52 đánh vào đội hình. Số tử sĩ chôn gần sông bị cơn lũ năm 1973 cuốn phăng đi không còn một dấu tích. Riêng 108 liệt sỹ ở A Bia mà quân đội Mỹ giữ được thi thể, chúng chôn tập thể ở dước hố chống tăng. Năm 2000 các cựu chiến binh Mỹ cho biết tọa độ, chúng ta tìm kiếm mãi nhưng không thấy. Năm 2004 một gia đình dân tộc Vân Kiều đào móng làm nhà đúng vị trí quân Mỹ chôn các liệt sỹ, chúng ta tổ chức quy tập được 108 thi hài đúng như các cựu chiến binh Mỹ đã mô tả. Tất cả số liệt sỹ trên đều được đem về chôn cất ở nghĩa trang Liệt sỹ huyện A Lưới… Vì tất cả những lý do đại loại như vậy, phần lớn các ngôi mộ ở huyện A Lưới đều là mộ không tên.

Mỗi chuyến đi đều để lại những kỷ niệm nghĩa tình tri ân đồng đội. Tôi còn nhớ Thủ trưởng Ma Vĩnh Lan, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 tiếp theo anh Võ Hạp, trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 3, có lần nói, “còn sức thì cố đi để ôn lại truyền thống trung đoàn, để tri ân các anh hùng liệt sỹ”. Thủ trưởng Hồ Hữu Lan, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 thời kỳ đầu những năm 1970, mặc dầu đã hơn 80 vẫn nhiều lần dẫn đầu anh em về thắp hương tại các chiến trường, tại nghĩa trang, tại các gia đình đồng đội. Tôi còn nhớ một lần trời mưa như trút nước, Thủ trưởng Lê Huy Mai, Thủ trưởng Hồ Hữu Lan cầm chiếc ô che bó hương đốt sẵn, mặc mưa gió bước lên đài hương án. Thủ trưởng Phan Đân, người cũng ngoài 80, nguyên Chính ủy Trung đoàn 3 thời kỳ làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, trong cái nắng 37, 38 độ vẫn trang nghiêm trong bộ quân phục cắm từng nén hương cho các chiến sĩ…

Và mấy ngày nay, đoàn cựu chiến binh chúng tôi, những người còn có thể đi được lại trở về thăm các anh, thắp nén tâm nhang để tri ân các anh. Cầu cho các anh bình yên bên kia thế giới! Mong các anh phù hộ cho quốc thái dân an! Mong các anh phù hộ cho chúng tôi!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.