Trở lại Trung đoàn 3

Leave a Comment

 Hôm nay chúng tôi trở về thăm Trung đoàn bộ Trung đoàn 3, thắp hương tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ Quốc tế ở Lào, giao lưu với cán bộ chiến sỹ trung đoàn, các tiểu đoàn 7, 8, 9, C 17…, những cái tên thân thương gắn liền với máu thịt chúng tôi bao nhiêu năm qua.

Thật là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Được sống lại đời quân ngũ. Được ăn ngủ trong doanh trại. Được sinh hoạt như người lính. Những kỷ niệm năm nào lại ùa về.

Từ ngày rời khỏi quân ngũ hôm nay là lần thứ hai chúng tôi có dịp thăm lại Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, nơi anh em đồng đội chúng tôi được biên chế vào giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1970. Chúng tôi bồi hồi xúc động nhớ lại lịch sử trung đoàn. Chúng tôi biết đến tên ban đầu của trung đoàn là Trung đoàn 29 (còn gọi là Trung đoàn Thuận Hoá, Đoàn 8 sông Lô, Đoàn Bạch Đằng, Trung đoàn 3).

Trung đoàn được thành lập ngày 13/5/1965 gồm Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9. Sau khi thành lập một tuần, trung đoàn nhận lệnh hành quân sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Anh Võ Hạp là Trung đoàn Trưởng. Anh Trần Văn Ân là Chính ủy đầu tiên của trung đoàn. Trong thời gian một năm ở Lào, có thể nói đó là thời kỳ vô cùng gian nan, hiểm nguy. Gần 200 chiến sỹ đã hy sinh vì sốt rét (chưa kể số hy sinh trong chiến đấu). Mặc dầu vậy trung đoàn đã cùng với quân đội Pathet Lào giải phóng hai tỉnh Xaphanakhet và Khăm Muộn. Lịch sử vẻ vang của trung đoàn bắt đầu từ ngày đó...

Vừa chân ướt chân ráo từ Lào về trung đoàn đã ra quân đánh Mỹ năm 1967 ở hai hướng đông và tây Quảng trị lập nhiều chiến công vang dội ở tây nam Cồn Tiên, Dốc Miếu, bắc Đường 9. Trung đoàn cùng với Sư đoàn 324 là những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam ra quân đánh Mỹ. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Sư đoàn 324 đã thực hiện được ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương” trong việc kéo quân Mỹ ra vùng rừng núi Quảng trị để tiêu diệt, nhằm hỗ trợ cho các chiến trường phía trong.

Trong cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn 3 đã tấn công vào tất cả những vị trí quan trọng nhất của Mỹ ngụy ở Huế như Đại Nội, Đài phát thanh, Đồn mang cá, sở chỉ huy các đơn vị quân đội Mỹ ngụy và giữ vững Huế trong suốt 25 ngày đêm, thời gian kéo dài nhất, đạt kết quả lớn nhất so với tất cả các cuộc tấn công và nổi dậy vào hơn 40 tỉnh thành và thị xã ở miền Nam Việt Nam.

Tiếp theo hơn một năm sau, Trung đoàn 3 đã làm nên một huyền thoại A Bia vào mùa hè năm 1969, theo số liệu của Mỹ, Trong suốt 10 ngày Trung đoàn 3 phải đương đầu với 1800 binh lính Mỹ, 10 tiểu đoàn pháo binh với 19.213 đạn pháo các loại, 272 phi vị ném bom với gần 1.000 tấn bom các loại. Trung đoàn 3 đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 lính Dù thuộc Lữ đoàn Dù số 3 trên một quả đồi, một trận đánh mà người Mỹ cho là “khó khăn nhất, dữ dội nhất, đẫm máu nhất, khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam”. Trận chiến trên đồi A Bia đã làm thay đổi cục diện chiến trường, làm rung chuyển Lầu Năm góc, dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh của hàng triệu người Mỹ, tạo ra một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ…

Cũng chỉ một năm sau, Trung đoàn 3 cùng với Trung đoàn 1 Sư 324 đã giành chiến thắng trong trận đánh lớn cuối cùng với Quân đội Mỹ ở điểm cao 935-Cốc Bai mà người Mỹ gọi là Ripcord và O’Reilli, quét sạch quân Mỹ ngụy ra khỏi tây Thừa Thiên, một chiến công vang dội, tạo thế và lực mới trên chiến trường Trị Thiên, lập lại thế ba vùng chiến lược. Và Quân đội Mỹ lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam đã phải tháo chạy khỏi 935-Cốc Bai trước khi “nó trở thành một trận Điện Biên Phủ với nước Mỹ”, và nó trở thành “một ẩn dụ bi thảm cho toàn bộ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”. Ngày 2/8/1970 Quân ủy Trung ương đã điện “Nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 đã giành thắng lợi to lớn ở khu vực 935 và miền tây Thừa thiên”, trong đó Trung đoàn 1 cùng với trung đoàn 3 đóng vai trò quyết định.

Và còn biết bao chiến công đi cùng năm tháng với Lich sử Quân đội Nhân dân Việt Nam và Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là những chiến công trong chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971, Chiến dịch Trị Thiên năm 1972, Chiến dịch Thừa Thiên-Huế năm 1973, Chiến dịch Đắc Pét tháng 5 năm 1974, Chiến dịch Thượng Đức tháng 7 năm 1974 (đặc biệt là trận Thượng Đức, tôi đã phân tích trong bài Đôi điều cảm nghĩ khi đọc cuốn hồi ký Trung đoàn một thời chiến trận của Đại tá Hồ Hữu Lạn), và cuộc Tổng Tấn công năm 1975. Nhưng chưa hết, bắt đầu từ tháng 12 năm 1977, gần 10 năm Trung đoàn 3 lại làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào xử lý, giải quyết những điểm nóng do bọn phản động và phỉ Vàng Pao gây ra.

55 năm đã trôi qua, từ nhiều nguồn tài liệu của phía bên kia chiến tuyến, theo cá nhân tôi, Trung đoàn 3 xứng đáng là một trong những trung đoàn xuất sắc nhất của quân đội, xứng đáng hơn với danh hiệu hai lần trung đoàn anh hùng. Minh chứng là Trung đoàn 3 cùng với Sư đoàn 324 đã đánh bại Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Dù, 3 sư đoàn thiện chiến nhất của Quân đội Mỹ trong các chiến dịch. Trung đoàn 3 cùng với Sư đoàn 324 đã đánh bại sư đoàn 1, Sư đoàn Dù, hai sư đoàn mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Công hòa trong các chiến dịch. Người Mỹ đã viết ít nhất tới 6 cuốn sách chuyên đề cập đến các chiến dịch của quân đội Mỹ với Trung đoàn 3 và Sư 324. Tôi nghĩ nếu trưng bày trong phòng truyền thống trung đoàn, có lẽ đó sẽ là niềm mơ ước của tất cả các trung đoàn thuộc Quân đội ta (Cái chết ở Thung lung A Sầu của Larry Chamber, Những chiến dịch của Mỹ ở Thung lũng tử thần của Thomas R.Yarborough, Đồi Thịt băm của Samuel Zaffiri, Đại bàng gào thét trong vòng vây của Keith Noland, Huế năm 1968 và Địa ngục trên đỉnh đồi của Bel Harrison).

Chuyến đi trở về cội nguồn lần trước và lần này có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ năm xưa. Mỗi người đều có những kỷ niệm riêng của mình với trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội. Tựu trung lại là chúng tôi trở về nơi mình đã từng sống và chiến đấu trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Với nhiều người, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tất cả chúng tôi đều không bao giờ quên được Trung đoàn 3, bởi vì trung đoàn là niềm tự hào của tất cả chúng tôi trong những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Hàng ngàn đồng đội đã hy sinh tại trung đoàn trên tổng số hơn 13.000 cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 đã hy sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hàng ngàn thương bệnh binh đã rời quân ngũ tại trung đoàn này. Tất cả, lớp lớp đồng đội từ ngày thành lập cho đến ngày hôm nay đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để tô thắm nên truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 3 anh hùng thuộc Sư đoàn 324 anh hùng.

Ngày ra đi 18 đôi mươi. Ngày trở về người ít tuổi cũng 65, người nhiều tuổi nay đã hơn 80. Tôi bỗng nhớ lại câu thơ Đường: "Khi đi trẻ lúc về già, giọng thì không đổi tóc đà khác sao". Nhiều anh em trước chuyến đi rưng rưng nước mắt nói với chúng tôi: “ nhớ lắm Trung đoàn 3, thương lắm Trung đoàn 3, muốn về cội nguồn lắm nhưng già yếu không đi được”. Phần lớn anh em chúng tôi đều vất vả trong cuộc sống, nhiều cựu chiến binh đã ra đi vì tuổi già sức yếu, vì thương tật, nhưng dẫu sao chúng tôi còn quá may mắn so với các anh em đã nằm xuống. Cầu mong các anh phù hộ cho Tổ quốc, cho người thân và cho anh em chúng tôi.

Xin cảm ơn cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 3 đã đón tiếp chúng tôi nồng hậu như những người thân đi xa trở về nhà, xin cảm ơn Trung đoàn 29, Doan Thuận Hoa, Đoàn 8 sông Lô, Đoàn Bạch Đằng, Trung đoàn 3 yêu dấu của tất cả các cựu chiến binh chúng tôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.