Nhật ký chuyến đi

Leave a Comment

 Từ nghĩa trang liệt sỹ huyện A Lưới, chiếc xe tiếp tục đưa chúng tôi theo con đường Hồ Chí Minh tới Kon Tum, điểm đến cuối của chuyến đi thăm đồng đội hy sinh trong trận đánh Đắk Pét. Con đường đi dọc thung lũng A Lưới, người Mỹ những năm 60, 70 của thế kỷ trước gọi là Thung lũng A Sầu. Hai bên đường vẫn mây phủ trắng núi rừng trùng trùng điệp điệp. Ai nấy đều bồi hồi nhớ lại cuộc hành quân trên con đường này vào chiến trường theo mệnh lệnh của Bộ bốn mươi sáu năm trước. Thời điểm đó, anh em chiến sỹ chỉ được biết mình hành quân vào chiến trường B3, chưa được biết tham gia chiến dịch đánh Đắk Pét.

Đắk Pét là một cum cứ điểm liên hoàn, kiên cố ở Đắk Glei, Kon Tum. Vào đầu những năm 1970 chúng ta đã tổ chức một vài trận đánh vào chi khu quân sự này nhưng đều không thành công. Mỹ ngụy đã rút kinh nghiệm xây dựng, củng cố cụm cứ điểm này trên những ngọn đồi trong thung lũng có chiều dài gần 10km, chiều rộng khoảng 2km. Hai mươi hai cứ điểm thuộc chi khu quân sự Đắk Pét gần như được nối liền với nhau bằng hệ thống hầm hào xây bằng gạch và bê tông. Các cứ điểm chính có hai tầng. Tầng trên là công sự chiến đấu, phía trên xếp các bao cát dày hàng mét. Tầng dưới là nơi nghỉ ngơi của sỹ quan và binh lính ngụy. Chi khu quân sự này cắm sâu vào hậu phương của chúng ta từ nhiều năm nhằm mục đích do thám tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, phát hiện lực lượng chủ lực của ta từ xa. Nó có giá trị đặc biệt như cửa ngõ đi vào bắc Tây Nguyên.
Nhiệm vụ Trung đoàn 3 Sư 324 và Trung đoàn 66 Sư đoàn 10 là phải tiêu diệt toàn bộ chi khu quân sự Đắk Pét; tiêu diệt và làm tan rã hệ thống ngụy quân ngụy quyền; giải phóng hơn ba ngàn dân; khai thông tuyến đường 14 để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn sắp tới. Chiến dịch Đắk Pét đã để lại những ấn tương không thể phai mờ cho cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3.
Thứ nhất vì trong lịch sử quân đội, đây là lần đầu tiên trong chiến trường, cán bộ chiến sỹ hành quân bằng xe cơ giới, một cuộc hành quân quy mô cấp trung đoàn rầm rầm đi vào mặt trận. Một trăm sáu mươi chiến xe Zil ba cầu chuyên chở toàn bộ Trung đoàn 3 trên đường 14, qua đèo Bò Lạch sang đất Quảng Nam, theo đường Khâm Đức đến Đắk Glei.
Lúc đó, ngồi trên xe, anh em chiến sỹ cảm nhận tình hình chiến sự đang diễn ra một điều gì đó khác trước rất nhiều, thậm chí có cảm giác dường như miền Nam sắp được giải phóng đến nơi rồi. Những năm trước đó, người lính ba lô súng đạn hành quân bằng chân, đi bằng ý chí, đi hàng nghìn km theo trạm giao liên bí mật, luồn rừng, lội suối, trèo đèo với phương châm đi không dấu, nấu không khói để tránh máy bay, phi pháo, thám báo địch. Bao gian lao, hiểm nguy! Ngồi trên xe cơ giới chạy giữa ban ngày, ai nấy đều thấy thế và lực của chúng ta đã lớn mạnh. Tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu phó quân đội đã nhận xét đó là một cuộc hành quân cơ giới đầu tiên, là sự tập dượt, thí điểm để đưa các binh đoàn chủ lực cơ động của ta vào chiến trường sau này.
Thứ hai là mặc dù thời gian chuẩn bị cho chiến dịch chưa đầy ba tuần nhưng đó là thời gian chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, kĩ lưỡng nhất mà anh em cán bộ chiến sĩ được biết. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể trên sa bàn, được bàn bạc góp ý về cách tiếp cận mang vác gỗ, bao cát, cách đào hầm áp sát mục tiêu, được bàn bạc cách đánh vào các mục tiêu rất cụ thể…
Thứ ba, chiến dịch Đắk Pét là một chiến dịch hợp đồng binh chủng hết sức nhịp nhàng, ăn ý. Pháo phòng không 57 mm, 37mm, 23mm của ta án ngữ trên những ngọn đồi bắn chặn không cho máy bay trực thăng, A-37, C-130 của kẻ địch đến ném bom bắn phá các mục tiêu. Hỏa lực pháo 122mm, 105mm, 85mm, hỏa lực cối 160mm, 120mm, 81mm, 60mm, hỏa lực ĐKZ, 12,7mm của chiến dịch, của cấp trung đoàn, cấp tiểu đoàn phối hợp nhịp nhàng, cấp tập bắn nát các lô cốt, hầm ngầm; cày xới phá hủy hầm hào công sự buộc quân địch phải chúi xuống hầm ngầm, tạo điều kiện cho các mũi công binh mở cửa bằng mìn ba giá, đánh bay hệ thống hàng rào kẽm gai có chiều sâu đến 70 mét. Và sau hai giờ giội bão lửa, xe tăng và bộ binh các hướng chủ yếu, thứ yếu đồng loạt tấn công chiếm lĩnh trận địa. Kẻ địch gần như bị áp đảo, không thể ứng cứu cho nhau.
Thứ tư là trận đánh diễn ra trong một thời gian ngắn kỷ lục, từ 6h đến 10 giờ ngày 16/5/1974. Gần 600 tên địch đã bị tiêu diệt và bị bắt sống. Một số lớn vũ khí đạn dược của Mỹ ngụy bị ta thu giữ.
Thứ năm là tổn thất của trung đoàn trong một trận đánh lớn ở mức thấp. Hai mươi mốt cán bộ chiến sỹ hy sinh trước và trong trận đánh.
Cuối cùng là ngay sau trận đánh, tất cả cán bộ chiến sỹ phải làm nhà cửa ổn định và chăm lo cuộc sống cho hàng trăm gia đình, phần lớn là người dân tộc, thậm chí quân y còn đỡ đẻ cho đồng bào, một nhiệm vụ mà cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 chưa bao giờ phải làm…
Một chặng đường đi rất dài. Đến 9h tối xe chúng tôi mới đến huyện lỵ Đắk Glei. Thật ngỡ ngàng! Sau gần mười năm mới quay trở lại, Thị trấn nay đã vươn mình thức dậy, mang dáng dấp của một vùng độ thị hóa. Chưa có nhiều nhà cao tầng nhưng cơ sở hạ tầng đường xá, trường trạm không thua kém các thị trấn miền xuôi. Xe chúng tôi đi chầm chậm qua một cây cầu bắc qua con sông Đắk Mek. Vẻ đẹp hiện đại và sự duyên dáng của nó trong ánh đèn hoa rực rỡ chẳng kém gì những cây cầu nổi tiếng. Bóng cả phố núi lung linh lấp lóa trên dòng sông…
Đăk Glei là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Kon Tum, là huyện vùng cao biên giới và là cửa ngõ phía bắc của vùng Tây Nguyên. Phía bắc Đắk Glei giáp tỉnh Quảng Nam. Phía Nam giáp huyện Ngọc Hồi, Kon Tum. Phía Đông giáp huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Phía Tây giáp Lào. Đắk Glei có diện tích gần 1.500 km2, hơn 50.000 dân với bốn dân tộc chủ yếu: Kinh, Gia Rai, Ê đê, Giẻ Triêng.
Nhắc đến mảnh đất Đắk Glei người ta không thể quên được những năm tháng lịch sử hào hùng trong hai cuộc kháng chiến, cùng với những địa điểm nổi tiếng như làng kháng chiến Xốp Dùi, đèo Lò Xo, ngục Tố Hữu, cụm căn cứ Đắk Pék và núi Ngọc Linh, ngọn núi cao ở Tây Nguyên với chiều cao hơn 2600m so với mặt nước biển, cùng với đặc sản quốc bảo sâm Ngọc Linh, một loại sâm tốt nhất trên thế giới hiện nay.
Sau một đêm ngủ đặc trưng trong không gian rừng núi tĩnh mịch ở một trường dân tộc nội trú, đoàn chúng tôi lên xe đến nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắk Glei. Nghĩa trang liệt sỹ nằm trên đỉnh đồi khá cao, bên cạnh chi khu quân sự Đắk Pét ngày trước. Chúng tôi leo 171 bậc lên khu đất bằng trải dài những ngôi mộ ốp đá, nơi nằm yên nghỉ của các liệt sỹ bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã hy sinh tại huyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cũng giống như các nghĩa trang khác, rất nhiều ngôi mộ không tên. Hai mươi mốt đồng đội của trung đoàn chúng tôi được quy tập về đây cũng không biết nằm ở chỗ nào. Ngay cả cái tên của Trung đoàn 3 cũng không được ghi lại, vì vào chiến trường Trung đoàn 3 mang mật danh đoàn Bạch Đằng.
Vẫn như những lần trước, anh Thắng thay mặt anh em đọc điếu văn. Giọng anh nghẹn ngào, “ Bốn mươi sáu năm đã qua, đồng đội, anh em bạn bè chúng tôi đã trở về trong vòng tay yêu thương của người thân, còn các anh vẫn mãi mãi nằm lại đây, giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Các anh nằm đây trong những hàng bia mộ, không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Chỉ có gió nắng bình yên trên ngôi mộ. Chỉ có hương hoa phảng phất hồn thiêng của các anh tự năm nào! Thời gian đã đi vào dĩ vãng nhưng còn để lại bao tiếc thương cho gia đình, người thân và đồng đội chúng tôi”! Giọng anh trầm xuống. Tôi biết nước mắt của người lính già đã thấm đẫm trang giấy. Tất cả anh em chúng tôi cũng không cầm được nước mắt! Bao hình ảnh sống động về trận đánh lại ùa về.
Tôi nhớ nhất anh Lê Xuân Huynh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 của tôi cùng phân đội trinh sát đi trinh sát lần cuối căn cứ đồi H. Trên đưởng trở về, một chiến sỹ vướng mìn ở suối Đăk Pét. Pháo, cối địch theo tọa độ bắn dữ dội chặn đường. Đồng thời kẻ địch cho một trung đội địch càn quét dọc theo con suối. Anh Huynh cùng sáu trinh sát bị thương không thể rút ra khỏi đó. Các anh đã chiến đấu hy sinh anh dũng trước khi trận đánh bắt đầu. Năm 2015 anh Hồ Hữu Lạn cùng anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 đến thăm gia đình anh Huynh. Người mẹ 93 tuổi của anh, đôi mắt mù lòa vì khóc thương nhớ con. Mẹ cầm tay từng người. Nước mắt chan chứa gọi “Huynh ơi, Đồng đội con lại về”! Không biết mẹ bây giờ ra sao? Còn hay mất? Anh Huynh là con trai duy nhất trong gia đình, dưới anh là ba cô em gái.
Chuyến đi này đoàn chúng tôi chỉ làm được một việc là trao lại danh sách 21 cán bộ chiến sỹ với đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, chức vụ, cấp bậc cho Ban chỉ huy quân sự huyện. Hy vọng Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các ban ngành huyện Đắk Glei cho khắc tên đồng đội chúng tôi trên tấm bia đá còn để trống, để thân nhân gia đình liệt sỹ và anh em đồng đội chúng tôi đến thắp hương được an ủi đôi phần.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.