Chuyện về K8

Leave a Comment

Trong chuyến đi trở lại chiến trường và thắp hương đồng đội tại các nghĩa trang có hai thân nhân gia đình liệt sỹ. Cũng như các chuyến đi trước, theo bước chân những người lính năm xưa, các thân nhân muốn tìm hiểu thêm về cha anh mình, những địa danh cha anh mình đã sống, chiến đấu và hy sinh; thay mặt gia đình thắp nén tâm nhang thành kính . Và không nói ra nhưng tôi biết các anh, các chị còn một hy vọng thầm kín mong manh, biết đâu có thể tìm thấy ngôi mộ của cha anh mình.

Chúng tôi rất trân trọng được đón hai chị em chị Tống Lương trong chuyến đi này. Bố chị là Tống Văn Thăng, người ở xã Đông Phong huyện Đông Hưng Thái Bình. Ông nhập ngũ từ tháng 5 năm 1959; xuất ngũ tháng 5 năm 1964. Đến tháng 5 năm 1968, theo tiếng gọi của Tổ quốc ông tái ngũ vào Nam chiến đấu.
Anh Huỳnh Công trưởng đoàn, cũng là người cùng đơn vị cho chúng tôi biết, ông Thăng người nhỏ nhắn, tuổi cao nhất trong số anh em đồng hương Thái Bình. Ông là người gương mẫu, luôn nhiệt tình và chu đáo giúp đỡ các chiến sỹ như người anh cả trong gia đình. Trong chiến đấu ông là một chiến sỹ gan dạ, dũng cảm.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, Đế quốc Mỹ và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa điên cuồng mở chiến dịch Purple Martin từ ngày 26/2/1969 đến ngày 8/5/1969 ở Quảng trị. Quân đội Mỹ huy động các đơn vị thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 4 cùng với các đơn vị thuộc Sư đoàn 3, Sư đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa nhằm mục đích tìm diệt lực lượng ta, đẩy lực lượng quân giải phóng sang bên kia bien giới Việt Lào, cắt đứt tuyến vận chuyển từ miền Bắc vào miền Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh và bình định địa bàn Quảng Trị.
Ở phía tây Quảng Trị, một số đơn vị Mỹ đổ bộ chiếm động Cô Ác, đánh phá khu vực Tam Tanh, A Dơi thuộc huyện Hướng hóa, một huyện miền núi giáp biên giới Lào. Cuối tháng 3 năm 1969, Trung đoàn 3 Sư 324 hành quân đến vị trí trú chân tại A Túc, Hướng Hóa, Quảng Trị bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu. Đêm 31 tháng 3, Tiểu đoàn 7 được lệnh tập kích một đại đội Mỹ ở Tam Tanh thuộc xã A Dơi, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội Mỹ. Trận này ta hy sinh bốn chiến sỹ. Thừa thắng, những ngày tiếp theo, các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 7 tiếp tục đánh chiếm một số điểm cao. Đêm ngày mồng 3 rạng sáng ngày mồng 4, Trung đội phó Tống Văn Thăng cùng trung đội và Đại đội 1 Tiểu đoàn 7 tiếp tục đánh chiếm cứ điểm 325. Kẻ địch được sự hỗ trợ của trực thăng tấn công, cố thủ quyết liệt. Ông và một số chiến sỹ bị trúng đạn cối cá nhân hy sinh trên trận địa.
Sau gần nửa tháng chiến đấu với kẻ địch, Trung đoàn 3 cùng với Đại đội 20 Đặc công Trung đoàn 3 và các đơn vị bạn loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên lính Mỹ và bắn cháy 7 xe tăng ở Kô Ka Va, Tam Tanh, A Dơi. Phía Mỹ tuyến bố trong cả chiến dịch Purple Martin tại Quảng Trị chúng đã tiêu diệt được hơn 300 Việt Cộng.
Sau đó trung đoàn tiếp tục hành quân vào A Lưới, Thừa Thiên để chuẩn bị cho chiến dịch đánh Lữ đoàn Dù số 3 thuộc Sư đoàn Dù 101 tấn công lên động A Bia. Chiến dịch này người Mỹ gọi là Tuyết rơi trên đỉnh A Pát. Bộ phận chính sách của trung đoàn lập danh sách bàn giao phần mộ các liệt sỹ cho lực lượng địa phương. Rất tiếc vì những lý do như tôi đã viết trong các bài viết trước, nhiều mộ liệt sỹ, trong đó có mộ của ông Tống Văn Thăng không thể xác định được danh tính. Hoặc ông nằm ở Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Hướng Hóa hoặc ở một nơi nào đó trên mảnh đất thuộc xã A Dơi, Hướng hóa, Quảng trị.
Chuyến đi của chúng tôi gần như lần theo bước chân trên các địa bàn rừng núi của những người lính thuộc Trung đoàn 3 năm xưa: Từ Nghĩa trang Đường 9, qua những địa danh tại Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng trị, qua Đakrông đến A Lưới, theo đường Hồ Chí Minh đến Thượng Đức, rồi đến Đăk Grey Kon Tum. Chúng tôi đã thắp hương cho đồng đội ở 4 nghĩa trang như mục tiêu kế hoạch đặt ra nhân ngày 27/7 năm nay.
Trên đường về, đoàn chúng tôi dừng lại thăm gia đình chị Bốn ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Chị Bốn là con của liệt sỹ Tống Văn Thăng. Trên xe, chị Tống Lương nói với tôi năm nào vào ngày 4/4 gia đình chị cũng về giỗ bố. Riêng năm nay vướng Covid-19 nên không về được. Anh em chúng tôi rất vui được đi dến tận cùng của nghĩa tình đồng đội. Khi anh Công giới thiệu chi Bốn đến Thái Bình theo Chương trình K8 tôi mới bắt đầu hiểu chi tiết sự việc.
Nhiều người đều biết trong cuộc kháng chiến chống Pháp người dân có chương trình “tản cư”. Trong chống Mỹ cứu nước có chương trình “sơ tán”, nhưng nhiều người, ngay cả người đương thời cũng không biết đến chương trình K8. Chương trình K8 hay Chiến dịch K8 là một chiến dịch trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc. Chương trình này kéo dài từ tháng 8 năm 1966 cho đến cuối năm 1967.
Có thể nói Chương trình K8 là một cuộc trường chinh sơ tán bằng đường bộ của hơn 30.000 học sinh từ 5 đến 15 tuổi ở một số huyện thuộc Quảng Bình, Quảng Trị (các vùng Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ) ra sinh sống và học tập ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình. Chương trình này do Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương di chuyển các cháu thiếu nhi ra khỏi vùng đánh phá hủy diệt của máy bay Mỹ từ tháng 8 năm 1966 đến đầu năm 1973, nhằm bảo vệ sự sống, nhằm giữ gìn lực lượng và nòi giống tương lai cho người dân ở tuyến lửa.
Trong hành trình đi sơ tán, các em học sinh phải đi bộ hàng chục km, đi phà, thuyền và ô tô; vượt rừng vào ban đêm nhiều ngày. Gần 70 học sinh bị chết vì trúng bom Mỹ. Khi đến địa điểm theo kế hoạch, mỗi gia đình ở các địa phương miền Bắc sẽ đón một hoặc hai em học sinh về nhà, chăm sóc và cho các em ăn học như chính con cái trong gia đình.
Chiến dịch K8 đã lùi vào lịch sử, hàng ngàn thiếu niên, nhi đồng năm xưa giờ đây đã trưởng thành, trở thành lực lượng nòng cốt ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực. Có người đã trở thành lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, trở thành những nhà doanh nghiệp, tướng lĩnh, nhà khoa học. Những “Hạt giống đỏ” của một thời máu lửa vẫn giữ liên hệ với quê hương thứ hai của mình. Nhiều người hàng năm vẫn trở về thăm cha mẹ nuôi, thầy cô, bạn bè. Nhiều người đã lên ông lên bà nhưng họ vẫn trở lại cùng nhau ôn những kỷ niệm nơi cây đa bến nước sân đình, những kỷ niệm của một thời đầy ân nghĩa. Và nhiều người đã thực sự trở thành con cái ở quê hương thứ hai của mình.
Tôi cũng được biết bao nhiêu năm trời các địa phương từ cấp xã tới cấp huyện ở các địa phương có liên quan đến chương trình K8 vẫn tổ chức những buổi gặp mặt. Họ khẳng định dù trong thời kỳ chiến tranh ác liệt hay trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đổi mới quê hương thì chính quyền và nhân dân các địa phương luôn hướng về nhau bằng tình cảm bền chặt, sâu nặng, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn để cùng nhau giành được những thành tựu trong công cuộc kiến thiết và đổi mới của quê hương.
Chị Bốn theo Chương trình K8 ra Thái Bình vào tháng 8 năm 1967. Ông Tống Văn Thăng đã đón chị về nhà và nhận là con. Cả nhà coi chị là con gái lớn trong gia đình. Khi về nhà ông Thăng, chị Bốn mới đang học lớp 4. Chị là người rất ngoan, chăm chỉ, chịu khó trong mọi công viêc. Chính chị mới là người giữ nhiều kỷ niệm đẹp đẽ về bố Thăng trước khi ông lên đường vào Nam chiến đấu. Tháng 8/năm 1971 chị Bốn học xong trung học cơ sở, chị xung phong về quê tham gia vào đội dân quân xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Lúc đó, chị hy vọng một ngày nào đó vào sâu nơi chiến tuyến chị sẽ gặp được bố mình.
Khi đoàn chúng tôi bước vào nhà, khuôn mặt chị Bốn rạng ngời. Rồi bỗng dưng hai hàng nước mắt chị tuôn chảy. Không biết chị xúc động về hai đứa em đang ôm chị sau một thời gian xa cách, hay chị xúc động về những người đồng đội vừa đi thắp hương cho bố đến thăm nhà, hay là chị nhớ đến hình ảnh của bố và tuổi thơ của mình năm nào. Tôi không biết những gì đang diễn ra trong con người chị. Nhưng tôi biết chắc một điều là người thân, đồng đội không bao giờ quên chị và bố Thăng!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.