Vĩnh biệt một con người

1 comment

 Vào cuối thu, gần năm năm trước tôi có may mắn được gặp và tiếp xúc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trò chuyện với ông mới biết ông là người giản dị, quần chúng, dễ gần. Sau buổi hôm đó tôi có tìm hiểu đôi chút về ông qua một số tướng tá, qua mạng. Hôm qua đọc báo biết tin ông đã từ trần. Tôi thật sự xúc động.

Tôi kính trọng ông trước hết vì ông xuất thân từ một người lính, từ một binh nhì trưởng thành được Đảng, Nhà nước phong tặng quân hàm Thượng tướng và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội tháng 9 năm 1991. Và tháng 12 năm 1997 ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Cuộc đời ông gắn liền với quân ngũ với sự nghiệp giải phóng đất nước. Có thể nói phần lớn cuộc đời, ông lăn lộn theo chiều dài hai cuộc kháng chiến; liên tục tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu ở các chiến trường Bắc, Trung, Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia.
Mọi người còn nhớ, Trung đoàn 9 do ông làm Chính ủy là một trong những trung đoàn đánh vào Huế và giữ Huế trong 25 ngày đêm. Sau khi đơn vị rút khỏi Huế, cơ sở bị vỡ, kẻ địch đánh lên hậu cứ, lúc đó ông đang bị sốt rét, đơn vị chỉ còn 1kg gạo định dành nấu cháo cho thủ trưởng. Ông không đồng ý, bắt nhà bếp phải nấu cho anh em thương bệnh binh ăn cùng… Khi ông ở cương vị Tổng Bí thư, người ta thấy ông xắn quần đi vào vùng lũ miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long năm 1999 để thị sát và thăm hỏi nhân dân. Ông sống với dân, sống với cựu chiến binh từng là cán bộ chiến sỹ quân đội bình dị như bản chất của chính mình.
Mấy ngày hôm nay báo chí đã viết về cuộc đời binh nghiệp và sự nghiệp chính trị của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tôi không muốn nhắc lại nữa. Theo cá nhân tôi, ông là một con người đặc biệt, một vị tướng duy nhất cho đến nay giữ cương vị tối cao của Đảng, người đặt nền móng cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Ông đã ra đi, trở về nơi mà bao cán bộ chiến sỹ, đồng chí của ông đã yên nghỉ. Tôi tin rằng tất cả đều tự hào về ông, cũng như ông luôn tự hào về họ. Vĩnh biệt ông tôi xin trích lại một trận đánh mà người Mỹ viết về Tiểu đoàn 816, hay Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 9 của ông. Qua đó để bạn đọc và đồng đội hiểu thêm một chút về đơn vị ông đã vào sinh ra tử trong một trận đánh như thế nào. Trận đánh diễn ra ở Động A Tây, A Lưới, Thừa Thiên. Người Mỹ gọi trận đánh này bằng biệt danh “Sườn núi đẫm máu”. Tác giả của bài viết là một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam:
“Động A Tây cao khoảng tám trăm mét trên mực nước biển. Đó là một ngọn núi khum tròn với sườn rộng, sống nhọn trải xuống phía bắc. Ngay dưới đỉnh núi và trên sườn núi, quân đội Bắc Việt đã xây dựng một hệ thống hầm rộng và sâu. Tất cả được kết nối bằng những đường hầm, đường giao thông hào và trông xuống các trận địa hỏa lực giao nhau một cách cẩn trọng. Trong các căn hầm, có khoảng ba trăm binh lính Tiểu đoàn 816 đang chăm chú theo dõi và chờ đợi Tiểu đoàn 1/ 502 của Mỹ đến.
Trung tá Davis đã nghi ngờ có sự hiện diện của quân địch trên Động A Tây, nhưng không nắm được quân số là bao nhiêu. Ông giao cho đại đội Alpha phải tìm ra một điều gì đó. Cho rằng sẽ chạm trán với một số binh lính bắn tỉa và có thể là một nhóm hoặc hai nhóm binh lính địch, Đại đội Alpha bắt đầu tiến lên sườn núi vào buổi sáng sớm ngày 17 tháng Tư. Lẽ ra phải quan sát con đường mòn, nhưng họ lại đâm đầu vào cơn dông đạn súng trường và súng máy của kẻ địch. Trong một vài phút đầu, trung đội dẫn đầu của Đại đội Alpha mười hai người bỏ mạng cùng với số người tương tự như vậy bị thương. Quân Mỹ choáng váng phải quay trở lại xuống núi. Họ gọi không kích cùng với phi pháo đánh vào các vị trí của đối phương trong hơn một giờ. Sau đó một trung đội tấn công trực diện lên sườn núi. Lần tấn công này trung đội cố gắng tiến đến lưng chừng núi, nhưng cuối cùng đối phương đã phản kích đánh bật họ xuống.
Nhận thấy hiện tại phải chống lại một lực lượng lớn, Trung tá Davis đã ra lệnh cho Đại đội Charlie thành lập một vị trí phong tỏa về phía nam của ngọn đồi chính và Đại đội Bravo tiến hành một cuộc tấn công khác phía bên đối diện sườn núi. Không may cho họ những gì diễn ra và tình cảnh của Đại đội Bravo cũng nghiệt ngã như Đại đội Alpha. Sau khi tiến quân lên được vài mét từ vị trí tấn công, họ đã bị mất mười người và phải vội vàng rút lui.
Bom và đạn pháo tiếp tục trút xuống ngọn đồi hai tiếng liền sau đó, nhưng cuộc tấn công tiếp theo của Đại đội Alpha và Đại đội Bravo vẫn nhanh chóng bị đẩy lùi. Cả ba đại đội phải đào hào quanh ngọn đồi. Ngày hôm đó và cả đêm hôm đó, những khẩu pháo ngắn nòng 105mm và 155mm từ bốn trận địa hỏa lực gần đó đã không thể loại bỏ được bất kì chiếc hầm nào của kẻ địch, chúng đã mở lối về phía khu rừng và để lộ lực lượng.
Trong buổi sáng, với trang bị bổ sung súng không giật 90mm được chở đến bằng máy bay từ ban đêm, cả hai đại đội Alpha và Charlie tấn công lên phía bên đối diện sườn núi chính. Với trận đánh sắc bén này, hai đại đội đã tiến tới điểm cuối phía bắc sườn núi, tại đó những nhóm lính trang bị súng 90mm đã loại bỏ được bốn hoặc năm căn hầm chốt của quân địch. Khi hai đại đội củng cố trên sườn núi và chuẩn bị sẵn sàng cuộc tấn công vào phần chính của ngọn núi, lực lượng quân đội Bắc Việt đã tiến hành một cuộc phản công và đẩy lùi họ xuống núi.
Cả hai đại đội di chuyển binh lính thương vong. Tiếp đó họ đào công sự ở dưới chân núi. Các đơn vị Bắc Việt liên tục mở những cuộc tập kích vào vị trí quân Mỹ trong đêm, sau đó rút lui ngay khi trời sáng.
Sáng ra binh lính Đại đội Alpha và Bravo đã phát hiện ra hai mươi xác chết quân địch xung quanh khu vực, nhưng điều đó không đủ để an ủi những mất mát của họ. Kể từ khi trận chiến bắt đầu ba ngày trước, cả hai đại đội đã bị loại khỏi vòng chiến đấu gần 50%, và kẻ địch vẫn cố thủ vững chắc trên Động A Tây- địa danh bây giờ được những người lính Mỹ gọi là sườn núi đẫm máu.
Trong buổi sáng, nhận ra bom đạn cho đến thời điểm hiện tại dường như rất ít ảnh hưởng tới các căn hầm đối phương trên cả hai sườn núi, lực lượng không quân Mỹ đã quyết định thử nghiệm một loại bom mới mẻ- những quả bom 1000 pound với ngòi nổ chậm. Họ nghi ngờ có một đường hầm dài chạy dọc sườn núi và tất cả các căn hầm đã được kết nối với nó. Họ lập luận rằng nếu làm sập đường hầm này, những căn hầm giống như nó sẽ sập xuống theo. Đánh đúng vào sống núi của sườn núi là một công việc khó khăn, nhưng cuối cùng lực lượng không quân đã tìm ra cách ném khoảng hai mươi quả bom vào các vị trí đã định. Lập luận của họ đã được chứng minh là đúng. Bom 1000 pound khiến toàn bộ sườn núi sập xuống. Tại hai hoặc ba điểm, những tiếng nổ lớn thứ cấp đã xé toạc những lỗ hổng trên sườn núi.
Ngay khi quả bom cuối cùng phát nổ, binh lính Đại đội Alpha và Bravo đã di chuyển theo hướng trực diện và bắt đầu lại tiến lên núi. Người ta tin rằng, với các căn hầm bị loại bỏ, quân đội Bắc Việt sẽ rời bỏ vị trí chạy về phía A Sầu, và một số lượng quân địch đã làm như vậy. Nhưng hơn một trăm binh lính Bắc Việt quyết định ở lại và chiến đấu cho đến khi kết thúc trận đánh.
Raymond Harshberger, người đã lên ngọn núi đẫm máu ngày hôm đó như một số binh lính trong Đại đội Alpha, sau này mô tả những gì tiếp diễn sau là một “trải nghiệm thực sự đáng sợ. Ngay cả bây giờ khi nghĩ về nó mười bẩy năm sau, tôi vẫn cảm thấy nổi da gà trên cánh tay, và tóc sau gáy dựng đứng lên.”
Điều xảy ra tiếp theo là một trong những ngày chiến đấu duy nhất, khó khăn nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử của Sư đoàn dù 101. Quân địch ở khắp mọi nơi trên sườn núi- từ trên cây đổ xuống, từ phía sau tảng đá, trong hang đá và trong đống đổ nát của đường hầm, đến các căn hầm bị sập, họ xuất hiện chiến đấu với tinh thần quyết tử, không chịu rời bỏ ngọn núi. Ba lần trong buổi sáng hôm đó, Đại đội Alpha và Bravo chiến đấu theo cách của họ để tiến lên sườn núi nhưng đều bị đẩy lùi xuống. Cuối cùng vào đầu giờ chiều, sau một giờ sườn núi bị nghiền nát bởi một khối lượng đạn khổng lồ của bốn trận địa pháo, cả hai đại đội xoay sở tìm cách chiếm được một chỗ trú chân ở cuối phía bắc sườn núi và bắt đầu chà sát trực diện về hướng ngọn núi chính. Bị kèm ở hai bên vị trí, giờ đây không thể trụ vững được, binh lính Bắc Việt còn sống sót vẫn không chịu rút lui. Thay vào đó, giống như đội quân bảo vệ Iwo Jima Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2, họ ở lại tất cả các vị trí của mình cho đến khi bị hi sinh…
Đánh chiếm được sườn núi đẫm máu, người Mỹ đã mất đi ba mươi nhăm người và hơn một trăm người bị thương, một con số đáng kinh ngạc cho một mảnh đất không có nhiều giá trị như vậy. Tổn thất nhiều, những chiến thuật mới mà quân đội Bắc Việt sử dụng trên Động A Tây đã gửi tới chỉ huy Lữ đoàn 2 một cơn sóng chấn động. Các nhân viên tình báo đã ghi chép đặc biệt cẩn thận về cuộc chiến đấu này trong sư đoàn sau báo cáo trận đánh và tìm cách phân tích chi tiết ý nghĩa của việc quân Bắc Việt quyết tử bảo vệ ngọn núi. Mặc dù không nêu cụ thể, nhưng những câu hỏi điều tra của họ để tìm kiếm câu trả lời chỉ đơn giản: Liệu Động A Tây là một trường hợp riêng biệt, hay điềm báo trước những điều tồi tệ sẽ đến? Trả lời câu hỏi này là thời gian chưa đến một tháng sau đó…
Cuộc đánh chiếm sắp tới vào bắc A Sầu được gọi là Chiến dịch Tuyết rơi trên đỉnh Apache (Chiến dịch đánh lên Động A Bia). Chiến dịch được tiến hành thăm dò trinh sát với những phương tiện và số lượng lớn mà quâm đội Mỹ có được. Trong thực tế, nó bắt đầu như một sự thách thức trực tiếp đối với quân đội Bắc Việt đóng quân tại khu vực đó. Lời thách thức này rất đơn giản: Quân đội Bắc Việt hoặc có thể từ bỏ những kho tàng vũ khí, những con đường, những doanh trại cơ sở hậu cứ và lánh sang đất Lào, hoặc họ có thể tự bảo vệ và đương đầu với sự hủy diệt sắp tới. Quyết định của Bắc Việt là ở lại chiến đấu bảo vệ phía bắc thung lũng. Quyết định này đã đưa đến hoàn cảnh tác chiến với những gì mà nhiều người trong quân đội Mỹ gọi là cuộc chiến duy nhất, khó khăn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam.”

1 nhận xét:

  1. Câu chuyện buồn :(

    Đi xe máy điện Yadea G5 nên đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho bản thân

    Trả lờiXóa

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.