Cảm nghĩ về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong những ngày đại dịch Covid-19

Leave a Comment

 Cảm nghĩ về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong những ngày đại dịch

Ngày 27 tháng Tám Bộ Giáo dục công bố điểm thi tốt nghiêp THPT năm 2020. Với Việt Nam đây là kỳ thi rất quan trọng, một sự kiện lớn của ngành giáo dục, được cả xã hội quan tâm. Nhiều người gọi đây là kỳ thi 2 trong 1, được gộp Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng nhằm giảm tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch cũng như giảm bớt chi phí đã diễn ra trong bao nhiêu năm qua.
Để tham dự kỳ thi này, thí sinh phải thi ít nhất 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD).
Cũng như mọi năm, cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, ngành giáo dục, chính quyền địa phương, công an, y tế đến các bậc phụ huynh và 900.000 thí sinh đều vào cuộc với tinh thần nghiêm túc (chưa kể đợt 2 với một số khu vực thuộc các tỉnh thành như Đà Nẵng, Đắc Lắc/Đắk Lắk, Quảng Nam thi vào ngày 3,4 tháng Chín sắp tới). Mùa thi năm nay phải lùi lại do đại dịch và phải chịu một áp lực rất lớn trước dư luận, trước nhiều ý kiến nên bỏ thi tốt nghiệp để đảm bảo tính mạng con người.
Tôi nghĩ chúng ta có thể khống chế được Covid-19. Nhưng kể cả không khống chế được thì kiểu gì người ta cũng tổ chức thi. Vì đa số các quan chức trong ngành giáo dục đều nghĩ đã học thì phải thi. Như một quán tính, không thi thì không hoàn thành công việc và mất phương hướng. Xét tốt nghiệp THPT thì có thể, nhưng tuyển sinh đại học và cao đẳng thì thế nào?
Nhân đây tôi muốn nói lại chuyện cũ. May mà người ta đã bỏ Kỳ thi tốt nghiệp TH và Kỳ thi tốt nghiệp THCS. Nếu không trong những ngày dịch diễn biến phức tạp này, kết hợp với Kỳ thi vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nó chẳng khác gì một cuộc “tổng động viên”, có lẽ quân đội cũng phải tham gia. Tôi lẩn thẩn nghĩ nếu không bỏ thi tốt nghiệp TH và THCS (thời điểm đó người ta lo ngại chất lượng giáo dục sẽ đi xuống) trong tình hình đại dịch Covid-19 như hiện nay thì không biết ngành giáo dục sẽ phải giải quyết như thế nào?
Trong bối cảnh đại dịch này tôi càng nhận thấy căn bệnh trầm kha, thâm căn cố đế của giáo dục Việt Nam: Học để đi thi. Trên lý thuyết, mục tiêu của Giáo dục phổ thông là nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân… Nhưng trên thực tế, người ta không quan tâm đến cái mục tiêu đó. Nhà trường và phụ huynh chỉ quan tâm đến cái trước mắt, cái quyền lợi sát sườn. Nhà trường có bao nhiêu học sinh giỏi trong các kỳ thi cấp quận huyện, cấp thành phố, cấp quốc gia. Thi được bao nhiêu phần trăm vào lớp 10. Bao nhiêu phần trăm vào đại học cao đẳng. Đó là tiêu chí bất thành văn để đánh giá nhà trường, để đánh giá năng lực quản lý. Và đó cũng là niềm tự hào của những hiệu trưởng bút lông (tiêu biểu cho nền văn minh nông nghiệp), bút sắt (tiêu biểu cho cuộc cách mạng 1.0 và 2.0 trong thời đại cách mạng 4.0.
Cái bệnh thành tích trong thi cử đã khiến hầu hết các trường gần như trên quy mô toàn quốc quay cuồng trong ma trận điểm số thi vào lớp 10, thi vào trường chuyên, thi tốt nghiệp THPT và vào đại học cao đẳng (trong tháng Bảy tôi có dịp đến thăm một trường dân tộc nội trú ở vùng sâu Tây nguyên, học sinh cuối cấp vẫn phải ở lại trường để thầy cô luyện thi). Học sinh phải học để đi thi. Đó là mục đích. Đó là mục tiêu tối thượng. Kỷ luật, Thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng, tính năng động, sáng tạo… Tất cả đều là thứ viển vông nếu không đạt được mục đích, mục tiêu tối thượng là điểm số.
Chúng ta đạt được rất nhiều giải quốc tế trong các kỳ thi về lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, sinh học. Đó là điều rất đáng tự hào và thực sự là niềm tự hào của chúng ta. Nếu tôi không nhầm thì tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều không có được thành tích như vậy. Thậm chí xếp thứ hạng trong các kỳ thi PISA chúng ta còn xếp trên một chục bậc so nhiều nước phương Tây, kể cả Mỹ).
Có lý do để người ta ngộ nhận về chất lượng của ngành giáo dục. Trong khi đó giới chuyên gia trong nước và thế giới đều thừa nhận một thực tế đáng buồn là nền giáo dục của chúng ta còn lạc hậu, còn một khoảng cách dài so với các nước ASEAN chứ chưa nói đến các nước phương Tây. Và rất dễ lý giải thành tích của chúng ta vì học sinh chúng ta Học là để Đi Thi. Và học để đi thi thì đương nhiên chúng ta có thành tích. Học sinh chúng ta không phải học theo mục tiêu của giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục đề ra, càng không phải học theo phương châm của Liên Hợp Quốc đề ra: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để tự khẳng định mình”.
Cái đích thi cử là điểm số. Căn cứ vào điểm số để đánh giá năng lực, chất lượng con người: Đỗ tốt nghiệp hay không; vào đại học hay trượt. Điểm càng cao thì càng có cơ hội vào các trường đaị học tốp đầu (và sau này được vào công chức, ngoại trừ trường hợp chạy công chức). Điểm số cũng là niềm tự hào của các nhà trường, của phụ huynh từ PHỔ THÔNG đến ĐẠI HỌC, là thước đo giá trị của cá nhân đến tập thể? Vậy điểm số có đúng giá trị như vậy không?
Tôi xin kể một câu chuyện cách đây hai mươi năm, tôi đón một nhóm chuyên gia giáo dục thuộc UNESCO đến làm việc với học sinh. Tôi bố trí cho họ tiếp xúc và làm việc với một lớp chọn (vì danh dự quốc gia). Họ làm việc cả buổi sáng ở trường. Chiều theo học sinh về nhà để tìm hiểu. Họ khen học sinh của nhà trường rất giỏi. Họ nói nhiều bài tập ngay cả họ là chuyên gia giáo dục cũng không làm được. Tôi như được đi trên mây. Họ hỏi tôi về việc đánh giá học sinh như thế nào. Tôi say sưa nói về thành tích của lớp học. Đại loại là 100 phần trăm khá và giỏi, vân vân và vân vân… Tôi đưa cho họ xem quyển sổ điểm, điểm số đẹp như trong mơ. Tất cả các chuyên gia xúm lại chụp từng trang sổ điểm. Quyển sổ điểm tổng kết học kỳ một với tất cả các bộ môn. Môn văn 12 đầu điểm. Môn toán 10 đầu điểm... Môn ít nhất cũng bốn đầu điểm. Cả cuốn sổ điểm dày đặc những con số đẹp. Họ tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Một người thốt lên: Điển hình của nền giáo dục dựa trên điểm số (This is typical of a score-based education). Lúc đó tôi không hiểu nên hỏi lại, “Thế theo ông thì phải dựa trên cái gì?” Ông mỉm cười nói lại với tôi, “Nếu có dịp chúng ta sẽ trao đổi lại về vấn đề ông hỏi tôi. Rất tiếc bây giờ chúng tôi phải ra sân bay. Tôi muốn nói với ông một điều, các nước phương Tây có nền giáo dục tiên tiến người ta đã bỏ cái điều các ông đang làm từ mấy chục năm nay rồi.”
Cho đến bây giờ tôi thật sự xấu hổ vì đã chót “khoe khoang” với họ cái thành tích toàn những điểm 7, 8, 9, 10 của một nền giáo dục lạc hậu. Theo thống kê của Tổng cục Tống kê Việt Nam (xin xem bài viết năng xuất lao động của người Việt của tôi trên trang Facebook cách đây hơn một năm), năng xuất lao động của người Việt chỉ bằng một phần mười đến một phần hai mươi so với Thái Lan, Malaisia, Singapore. Và các nước trên so sánh với năng xuất lao động của các nước phương Tây lại như ta so sánh với họ. Nhìn ra xa hơn nữa chúng ta có bao nhiêu sinh viên ra trường ở Việt Nam được tuyển chọn vào làm cho các tập đoàn lớn như Apple, Google, Microsoft và 500 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới? Bao nhiêu người được tuyển chọn làm ở các tổ chức quốc tế và Liên hợp Quốc? Và rồi bao giờ học sinh chúng ta có tên trong các tập đoàn lớn trên thế giới? Bao giờ chúng ta có giải thưởng Nobel? Tôi không dám so sánh GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với một số nước trong khối ASEAN, càng không dám so sánh với các nước phương Tây. Bởi mọi sự so sánh về vấn đề này quá khập khiễng.
Thống kê về kết quả thi mấy năm trở lại đây, hai môn “thảm họa”, có nhiều điểm liệt nhất là môn sử và ngoại ngữ. Năm trước trung bình môn sử toàn quốc là 4,3, ngoại ngữ cũng 4,3. Năm nay có tiến bộ hơn một chút là 4,5 (vì đề thi năm nay có ưu ái thí sinh hơn). Tôi dùng từ “thảm họa” là vì nó phản ánh một thực tế đáng lo ngại. Học sinh của chúng ta đã quên quá khứ, đánh mất quá khứ (Lịch sử) và không cần đến tương lai (Ngoại ngữ- công cụ để hội nhập, học tập và làm việc trong thời đại toàn cầu hóa). Đó là một trong những hệ quả của việc hoc để đi thi (do sức ép của Quốc hội nên Bộ Giáo dục mới quyết định đưa môn tiếng Anh vào thi tốt nghiệp quốc gia mấy năm nay).
Một hệ quả của việc học để đi thi nữa là, các nhà trường chỉ chú trọng đến “bắt ép” học sinh học thuộc máy móc, tập trung tối đa để học sinh thông hiểu và tăng cường tối đa làm bài tập vận dụng. Tức là chỉ chú ý tới tư duy cơ sở, tư duy bậc thấp, thứ tư duy chỉ để đào tạo ra lớp người thừa hành, lớp người làm thợ, lớp người đi làm thuê. Tư duy phân tích, tổng hợp, sáng tạo, thứ tư duy bậc cao (Higher-order Thinking)cùng với khả năng làm việc nhóm không được chú trọng. Những cái đó cực kỳ cần thiết cho học sinh trong thời đại 4.0 hiện nay thì bị bỏ qua.
Chắc một số bạn sẽ hỏi tôi học không thi thì đánh giá và tuyển học sinh vào đại học cao đẳng như thế nào?
Tôi xin không được trả lời trực tiếp. Chỉ nêu một ví dụ về giáo dục Mỹ.
Chắc nhiều người từng đoc những bài báo nói rằng chương trình phổ thông của Mỹ “dễ ợt”, học sinh Mỹ học kém về toán, điểm thi PISA thấp. Không thi tốt nghiệp tiểu học. Không thi vào lớp 6. Không thi tốt nghiệp THCS. Không thi vào lớp 10. Không thi tốt nghiệp THPT và cũng không thi Đại học ... Thậm chí chương trình chứng chỉ GRE, Chứng chỉ toán và logich để theo học tiến sỹ các môn khoa học xã hội, học sinh lớp 8,9,10 khá giỏi ở Việt Nam cũng làm được hết.
Nhưng có một nghịch lý là bất chấp những “yếu kém” bề mặt đó, nước Mỹ vẫn là siêu cường số một của thế giới, đứng đầu về tiềm lực kinh tế, đứng đầu về khoa học kỹ thuật, đứng đầu về sức mạnh quân sự từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến nay. Dĩ nhiên là họ đứng đầu về giáo dục đại học. Sinh viên từ xa mạc Xahara lạc hậu đến các nước Bắc Âu có nền giáo dục tiên tiến đều mơ ước được đặt chân vào những trường danh tiếng tốp 100 của Mỹ. Và ngay cả những trường nằm trong tốp 500 cũng có vài ba giáo sư được giải thưởng Nobel giảng dạy ở trường. Trường trong tốp đầu, có trường từ ngày thành lập đến nay có tới 98 giáo sư được giải thưởng Nobel. Chẳng trách sinh viên cả thế giới đổ xô đến Mỹ học đại học.
Cách tuyển sinh của các đại học Mỹ có thể là một trong nhiều câu trả lời học không phải để đi thi, học không phải dựa trên điểm số (họ chỉ xếp loại A, B, C, D từ tiểu học đến đại học). Họ chú ý đến năng lực cá nhân từng lĩnh vực, và đặc biệt là khả năng lãnh đạo, khả năng làm việc nhóm, sự đam mê, sự sáng tạo của học sinh từ rất sớm. Họ cho thấy không phải điểm học, điểm thi mà các hoạt động xã hội, ngoại khóa và bài luận mới là nơi người ta tìm thấy tố chất của những chủ nhân tương lai.
Tôi không nghĩ giáo dục Mỹ là hoàn hảo nhưng việc họ không tổ chức thi cử và phương thức tuyển sinh của các trường đại học Mỹ đã góp phần tạo ra một hệ thống giáo dục đại học đẳng cấp hàng đầu thế giới và một nước Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới (một trăm trường đại học nổi tiếng nhất thế giới thì nước Mỹ có tới hơn 70 trường. Trong khi đó, một tỉ tư người Trung Quốc mới chỉ có một trường. Riêng sinh viên Học viện Massachuset Mỹ (Học viện chỉ đào tạo từ thạc sỹ và tiến sỹ trở lên) sau khi ra trường làm việc trong các công ty đa quốc đã gia, trong mười năm trở lại đây đã tạo ra số tiền xấp xỉ 1000 tỷ đô la).
Trường đại học Mỹ tuyển sinh như thế nào?
Nước Mỹ có hơn năm nghìn trường đại học, cao đẳng thì có xấp xỉ ngần đó cách tuyển sinh với các tiêu chí, cách thức tuyển chọn rất khác nhau. Tuy nhiên người ta vẫn có thể tìm ra một số điểm chung.
1. Các trường đại học Mỹ tuyển sinh nhiều đợt trong năm (tối thiểu là hai đợt tuyển sinh, mủa thu và mùa xuân)
Điều đó có nghĩa thí sinh học hết THPT được quyền đăng ký học bất cứ trường đại học nào ở Hoa Kỳ, bao nhiêu trường cũng được (không khống chế số lượng như ở Việt Nam). Thí sinh thoải mái chọn trường và nộp hồ sơ vào nhiều đại học khác nhau phù hợp với học phí, học lực bản thân.
2. Nhiều trường chấp nhận cho thí sinh đăng ký nhập học sớm
Nếu thí sinh thích một trường đại học và đặt trường ấy vào vị trí đầu trong danh sách thì việc đăng ký học sớm cho thí sinh cơ hội được nhận vào học sớm hơn so với hạn tuyển sinh thông thường. Cơ hội được nhận vào trường nhờ đăng ký học sớm cũng cao hơn so với hồ sơ nộp đúng hạn.
3. Hồ sơ xin vào trường đại học Mỹ
Trong hồ sơ xin học đại học Mỹ thì quan trọng nhất là bảng điểm cấp THPT (người Mỹ hoàn toàn toàn tin tưởng vào việc xếp loại của nhà trường. Không giống Việt Nam chỉ tin vào thi cử). Bảng điểm càng đẹp thì càng có khả năng được nhận vào học tại những trường danh giá. Nhà trường đại học khuyến khích học sinh và giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý trường THPT cung cấp thứ hạng của học sinh trong lớp, trong toàn khối càng tốt. Nếu nằm trong top 10 đứng đầu lớp thì đó là điều kiện quan trọng để vào các trường đại học nghiên cứu (người Mỹ cũng hoàn toàn tin tưởng vào giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý nhà trường. Không giống Việt Nam, không những chỉ tin vào thi mà còn không tin giáo viên, không tin nhà trường, dẫn đến việc hoán đổi giáo viên các quận huyện, các cấp để giám sát).
Bảng điểm đẹp là bảng điểm học tốt toàn diện, Chẳng hạn họ tuyển học chuyên ngành hóa sinh, ứng viên không chỉ học tốt môn hóa, môn sinh mà còn phải học tốt các môn khác. Cùng thành tích môn học như nhau nhưng họ sẽ chọn những thí sinh học có thành tích học tốt hơn về lịch sử hay chính trị.
(Tôi xin nhấn mạnh, cách tuyển sinh qua hồ sơ như của Mỹ, các trường đại học ở việt Nam đã thực hiện từ sau năm 1954, tức sau hòa bình lập lại ở miền Bắc đến năm học 1969-1970. Thời kỳ đó không phải năm nào cũng thi đại học. Việc xét tuyển chủ yếu qua hồ sơ theo nguyện vọng của học sinh và sự tư vấn của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm. Nếu có thi cử thì đó là công việc của nội bộ nhà trường. Nó hoàn toàn không nặng nề, không có áp lực. Nó không phải là một “trận đánh lớn”, không phải là một cuộc tổng động viên sức người và sức của như từ đầu những năm 1980 trở lại đây! Tại sao thời kỳ đó lại đẻ ra rất nhiều nhà khoa học đầu ngành? Tại sao ngành giáo dục thời kỳ đó lại tạo ra một “thế hệ vàng” hoàn thành xuất sắc, cực kỳ xuất sắc nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miềm Bắc và tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam?)
Các loại giấy tờ kèm theo khác như giấy chứng nhận hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa
Các hoạt động xã hội, ngoại khóa học sinh có thể rất đa dạng, từ thể thao, nghệ thuật đến hoạt động chính trị, xã hội. Học sinh sẽ phải mô tả tỉ mỉ các hoạt động của mình, thời lượng dành cho ngoại khóa và thành tích nếu có, đặc biệt là huy chương vàng, bạc thể dục, thể thao, văn nghệ, hội họa. Qua các loại giấy tờ này nhà tuyển sinh trường đại học sẽ đánh giá thêm về khả năng mọi mặt của ứng viên, tính sáng tạo và năng lực lãnh đạo của học sinh trong các hoạt động.
Học lực tốt nhưng ngoại khóa nghèo nàn chứng tỏ học sinh đó lười biếng hoặc chỉ vùi đầu vào học mà không quan tâm đến bên ngoài. Đây có thể là điểm liệt khiến hồ sơ bị loại dù điểm trên lớp và điểm thi tốt. Các nhà tuyển sinh quan tâm nhiều đến hoạt động ngoại khóa vì họ muốn cộng đồng học sinh của họ không chỉ học giỏi mà còn năng động, sáng tạo và có tố chất lãnh đạo. Những thí sinh đó thành công trong cuộc sống sau này sẽ làm tăng danh tiếng của nhà trường và thu hút thêm học sinh tài năng vào trường.
Một số tiêu chí khác chọn vào trường bên cạnh bảng điểm bao gồm: điểm SAT hoặc ACT, TOEFL, thư giới thiệu, và bài tự luận. Trong đó bài luận cá nhân là nơi bạn thể hiện các khía cạnh khác của bản thân ngoài điểm số, là cơ hội làm nổi bật hồ sơ nhập học.
Những tiêu chí trên khiến việc xét tuyển vào các trường đại học Mỹ khó khăn hơn, nhưng cũng dễ dàng hơn. Có thể bạn không xuất sắc trong học tập nhưng thể hiện được sự đam mê và khả năng lãnh đạo qua các hoạt động xã hội, ngoại khóa, cơ hội vào học ở một đại học danh giá vẫn rộng mở.
Có một tiêu chí thí sinh phải viết một bài luận trong hồ sơ. Mục đích của bài luận không chỉ chứng tỏ khả năng viết của thí sinh mà còn cho thấy thí sinh đó thế hiện mình như thế nào về tính cách, sự tinh tế, mức độ chín chắn, tầm suy nghĩ... Nhiều trường đại học của Mỹ coi bài luận quan trọng hơn cả điểm thi và điểm học vì họ cho rằng khả năng viết, biết cách kể một câu chuyện, biết cách thuyết phục người khác thông qua bài luận là tố chất quan trọng của sinh viên sau này.
4. Không cần chọn ngành ngay lập tức
Một điều thú vị ở các trường đại học Hoa Kỳ là sinh viên được theo học các môn đại cương tới cuối năm 2 mới phải quyết định chuyên ngành mình học. Không giống như ở Việt Nam, thí sinh phải đăng ký chuyên ngành ngay từ kỳ thi đầu vào. Có một loạt các chuyên ngành và khóa học cho thí sinh chọn lựa. Có thể ban đầu thí sinh học chuyên ngành toán hay khoa học nhưng khi được tự do khám phá nhiều lĩnh vực để tìm ra điều mình muốn, sinh viên có thể chuyển sang các chuyên ngành kỹ thuật hoặc xã hội. Sinh viên được hoàn toàn tự do. Với Việt Nam chúng ta đó là điều kỳ quặc không thể chấp nhận.
Kỳ quặc hơn, tôi có một cô bạn có con học đại học, theo học khoa học máy tính ở Mỹ. Kết thúc khóa con xin học tiến sỹ khoa học máy tính. Nhà trường không cho học bổng theo học đúng chuyên ngành, nhưng lại khuyến khích cho học bổng theo học công nghệ sinh học. Và em đó đã xuất sắc hoàn thành luận án tiến sỹ công nghệ sinh học (em không được học ở đại học Việt Nam. Nhưng lại được học và trưởng thành ở Mỹ. Hiện giờ đang làm việc cho một tập đoàn công nghệ cao danh giá nhất ở Thung lũng silicon). Kỳ quặc hơn nữa, sinh viên Mỹ tốt nghiệp chuyên ngành thể dục, âm nhạc, tâm lý… nếu muốn xin học trở thành bác sỹ, kể cả học đến thạc sỹ, tiến sỹ đều được các nhà trường khuyến khích. Người Mỹ quan niệm những sinh viên đó mới là những bác sỹ điều trị giỏi trong lĩnh vực thể thao, những bác sỹ giỏi điều trị tâm lý bệnh nhân, bác sỹ giỏi dùng âm nhạc điều trị những căn bệnh nan y, trầm cảm...
Nhân kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học cao đẳng trong những ngày đại dịch vừa được Bộ giáo dục công bố, xin có đôi điều cảm nghĩ trái chiều, một góc nhìn khác trong việc đối sánh với một nền giáo dục” kém thành tích thi cử” hơn ta để mọi người cùng suy ngẫm (PISA là chương trình thi đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức hợp tác các nước phát triển, đánh giá khả năng của học sinh về toán, khoa học và đọc hiểu. Chúng ta liên tục được xếp thứ 15, 16, 17, cao hơn mười bậc so với các nước phát triển Anh, Đức, Pháp, Mỹ. Mỹ liên tục đứng ở bậc 30 đến 36. Một số người trong Bộ Giáo dục Mỹ đề xuất cho học sinh các cấp ở Mỹ thi cử để cải thiện thành tích, nhưng sau nhiều cuộc hội thảo và do các bang, các nhà trường kiên quyết phản đối không quay trở lại chế độ thi cử, “không học tập” các nước kém phát triển và đang phát triển).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.