Bao giờ nền giáo dục Việt Nam hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới

Leave a Comment

  Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời gian tại nhiệm có phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc: “Chương trình chống đói nghèo tốt nhất chính là một nền giáo dục đẳng cấp thế giới” (The best anti-poverty program is a world-class education). Có lẽ ông nói đúng. Những nước phát triển hàng đầu (G7), những nước phát triển mới nổi (G20) đương nhiên họ có một nền giáo dục ưu việt. Nhưng còn hơn một trăm quốc gia đang phát triển, những nước thuộc thế giới thứ 3, trong đó có Việt Nam, những nước còn nghèo nàn, lạc hậu thì lấy đâu ra một nền giáo dục ở đẳng cấp thế giới. Mà đói nghèo thì lại là vấn đề của các nước thuộc thế giới thứ 3.

Liệu Việt Nam trong thời gian tới có thể vươn lên sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn sau cải cách giáo dục lần này?
Tôi không nói đến vấn đề vĩ mô. Không nói đến mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy. Chỉ mong học sinh trên dải đất hình chữ S này sắp tới sẽ được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà chế độ dành cho các em, và ngành giáo dục không để trẻ em nào bị tụt lại phía sau (cụm từ xuất hiện từ khi Chính quyền Tổng thống George W. Bush ký Dự luật No Child Left behind, tạm dịch là không trẻ em nào bị tụt lại phía sau vào năm 2001) do chính những khiếm khuyết của nền giáo dục chúng ta để lại.
Tôi xin chia sẻ ngắn gọn một số câu chuyện vui buồn mình trực tiếp trải nghiệm để các bạn đồng nghiệp, anh em bạn bè cùng suy ngẫm về kết quả của hai trình độ giáo dục phương Tây và Việt Nam với chính học sinh Việt Nam. Trong các câu chuyện tôi không nêu tên thật của các nhân vật. Và nếu có bạn đọc nào nhận thấy bóng dáng con em mình trong câu chuyện thì xin được lượng thứ, vì đây không chỉ là chuyện cá nhân. Chuyện giáo dục là chuyện của đất nước, chuyện của nhân loại.
Câu chuyện thứ nhất.
Cách đây khoảng 10 năm tôi thường có những chuyến đi dài ngày sang thăm các bang của Mỹ. Nơi đầu tiên tôi đến là khu ký túc xá dành cho các sinh viên nước ngoài theo học thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ của Trường Đại học Missouri thuộc bang Missouri. Ở khu ký túc xá đó có hơn một chục gia đình sinh viên Việt Nam trong tổng số 70 sinh viên theo học tại trường này.
Các gia đình mang theo con cái sang xứ cờ hoa phải xin cho con học ở các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Columbia. Chỉ sau một hai năm, tất cả các cháu hội nhập với giáo dục nước sở tại. Tôi được biết phần lớn các cháu đều học giỏi. Trong số đó có cháu Nguyễn Vân Anh, cháu đạt giải Nhì trong cuộc thi toán toàn bang.
Sang nhà chúc mừng bố mẹ và đặc biệt là chúc mừng cháu Vân Anh, tôi đinh ninh ở Việt Nam Vân Anh được xếp loại học lực giỏi và chắc cũng đã được đi thi học sinh giỏi ở trong nước. Cháu cười nói “ Ai cũng nghĩ như thế, nhưng ở Việt Nam cháu chỉ được xếp loại trung bình môn toán thôi. Từ lớp 1 đến lớp 5, cháu chưa bao giờ được đi thi học sinh giỏi. Cháu mới học tiếng Anh năm lớp 6 ở Việt Nam. Tổng kết môn tiếng Anh của cháu 5,3”.
Tôi rất ngạc nhiên. Học tiếng Anh ở Việt Nam một năm thì chưa chắc học sinh đã thuộc và phát âm đúng bảng chữ cái. Vậy mà sang Mỹ chỉ có sau hơn một năm, làm thế nào cháu theo học được, chứ chưa nói đến là đi thi và còn đi thi được giải nữa. Quan trọng hơn cái danh hiệu học sinh giỏi cấp bang là tư thế, phong thái và cách cháu Vân Anh nói chuyện với mọi người. Đó là sự tự tin, hoạt bát, mạnh dạn và tế nhị trong ứng xử, cái mà học sinh của ta cực yếu.
Sau buổi hôm đó Vân Anh dẫn tôi đi thăm trường lớp, gặp gỡ các thầy cô giáo nơi cháu đang theo học, dự giờ tiếng Anh dành cho các học sinh mới đến Mỹ… Một trải nghiệm giáo dục hết sức thú vị.
Về nước, hàng ngày tiếp xúc với học sinh của mình, đôi lúc tôi thầm nghĩ, nếu cháu Vân Anh học ở Việt Nam và nếu gặp tôi không biết cháu Vân Anh sẽ nói chuyện với tôi như thế nào? Liệu sau này cháu có vào được đại học không? Và nếu được vào đại học thì học ở trường nào? Nhiều sinh viên học xong ở Mỹ không muốn về vì họ sợ con không theo được “trình độ” ở trong nước. Chỉ biết học trường phổ thông Mỹ hiện cháu Vân Anh được học bổng toàn phần và đang theo học năm cuối của một trong những trường đại học danh giá nhất của Hoa Kỳ.
Câu chuyện thứ hai.
Vợ tôi có một người bạn tên Triệu Thị Lan, người bạn nối khố từ thủa ấu thơ, đi sang Đức theo chương trình hợp tác lao động. Lan định cư không về nước. Sau khi nhập quốc tịch, vì nhiều lý do cá nhân Lan đã li dị với chồng ở Việt Nam và lấy chồng người Việt ở bên Đức.
Cách đây khoảng mười lăm năm, Lan bảo lãnh cho con, cháu Hải sang bên Đức. Cháu học ở Việt Nam chỉ được xếp loại trung bình. Lan có nhờ tôi lo hộ quyển học bạ của con cho “sáng giá hơn một chút”. Có nghĩa là nhờ anh bạn hiệu trưởng tôi quen biết đánh bóng học bạ của cháu từ trung bình lên tiên tiến.
Bẵng đi một thời gian dài, Lan đưa cháu Hải trở về thăm quê, thăm vợ chồng tôi. Lan cho biết cháu đã tốt nghiệp ở Trường Đại học Hambug, trường đứng ở top đầu của thế giới. Mấy năm học ở trung học phổ thông cháu đều có thành tích xuất sắc và ở đại học cháu còn được nhận học bổng của nhà trường. Nói chuyện với cháu tôi chợt nhận ra nhiều kỹ năng mà học sinh của mình còn quá thiếu.
Tôi rất mừng cho Lan vì nếu cháu cứ tiếp tục theo học ở cái trường làng mà tôi biết, với cái sức học trung bình thì chưa chắc cháu đã thi đỗ vào trung học phổ thông, chứ chưa nói đến vào đại học, lại còn nhận được học bổng nữa. Lúc đó tôi phân vân suy nghĩ có lẽ cũng giống như trường hợp cháu Vân Anh đó chỉ là trường hợp cá biệt.
Câu chuyện thứ ba.
Tôi có một đồng nghiệp tên là Nguyễn Thị Hoa. Cô là giáo viên dạy giỏi, có giọng hát hay và từng đoạt giải hoa hậu ngành giáo dục địa phương. Thế nhưng cuộc sống gia đình riêng của Hoa rất lận đận. Hai vợ chồng Hoa sớm chia tay nhau sau hơn một chục năm chung sống.
Một thân một mình nuôi con. Bao nhiêu tình cảm dồn cả vào con. Nhưng bất hạnh cho Hoa là cháu Thịnh học hành rất chểnh mảng. Không tháng nào là tháng Hoa không phải lên văn phòng gặp giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu. Có lần nước mắt lưng tròng Hoa nói với tôi: “Thầy bảo em phải làm gì cho con em bây giờ?”
Thật ái ngại, nhưng tôi chỉ biết động viên Hoa hãy cố gắng hiểu con hơn nữa, chịu khó dành thời gian cho con hơn nữa. Năm đó cháu không thi được vào trung học phổ thông. Hoa phải xin cho vào học tại một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên. Mọi người đều ái ngại cho Hoa. Con vào học ở một “trường bổ túc” thì phía trước là một tương lai xám xịt.
Thật may mắn, Hoa quen một giáo sư Mỹ sang Việt Nam dạy ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Họ tìm hiểu nhau và tổ chức lễ cưới ở Hà Nội. Sau đó hai người về Mỹ đem cả cháu Thịnh đi cùng.
Năm đó Hoa xin tôi nâng học bạ môn toán và một số môn học khác từ tổng kết 4,5 lên 7. Tôi cứ nghĩ rằng cháu Thịnh khó có thể theo học được ở bên Mỹ. Chỗ đồng nghiệp và tình nghĩa thầy trò nên tôi đã nâng điểm để cháu dễ dàng được theo học ở bên kia bán cầu. Trong thâm tâm tôi vẫn áy náy. Làm sao có thể qua mặt người ta. Họ sẽ nghĩ gì về nền giáo dục của mình. Vậy mà không ngờ cháu Thịnh theo học hết phổ thông trung học ở bang Texas. Không những theo học, cháu Thịnh còn được nhận vào học Trường Đại học Texas, một trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Điều tôi ngỡ ngàng là khi về Việt Nam, cháu Thịnh gặp lại tôi và các thầy cô thì không còn là một cậu bé chỉ biết cúi đầu trơ lì, im lặng. Đó là một thanh niên cao lớn đầy sức sống, một thanh niên hoạt bát, tự tin. Cháu kể lại quá trình học tập của mình bên Mỹ như thế nào, quá trình hòa nhập với trường lớp, các bạn ra sao… Đặc biệt cháu còn trình bày dự định của mình sau khi tốt nghiệp đại học, sẽ trở về Việt Nam thành lập một doanh nghiệp. Lần về nước này, cháu bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu thị trường để năm sau có thể bắt tay ngay vào công việc.
Tôi không thể tin nếu không một vài lần được đến thăm mô hình trường công, trường tư ở Texas. Chia vui và chúc mừng Hoa, chúc mừng cháu Thịnh, nhưng tôi cảm thấy mình đã có lỗi với cháu. Sau bốn năm dưới mái trường trung học cơ sở, tôi và tập thể giáo viên đã thất bại. Điều gì đã làm thay đổi một học sinh tưởng như không còn hy vọng trở thành một con người mà bất cứ một người mẹ, một nhà trường nào cũng lấy làm tự hào. Chẳng lẽ đây cũng lại là một trường hợp cá biệt?
Câu chuyện thứ tư.
Tôi có một người bạn, hiện gia đình anh định cư ở một nước Bắc Âu. Năm nào anh cũng trở về Việt Nam thăm người thân và dự hội lớp đầu xuân. Lý do anh định cư ở Bắc Âu không phải vì cuộc sống túng bấn. Có lần anh tâm sự với tôi: “Anh là nhà giáo nên dễ thông cảm với vấn đề của tôi. Con đầu tôi không đỗ đại học. Con thứ hai không thi được vào trung học phổ thông. Con thứ ba đi họp phụ huynh cuối năm, cô giáo cho biết thuộc nhóm đội sổ. Thật buồn! Bao ngày đêm trăn trở. Tương lai của gia đình tôi sẽ ra sao đây? Con cháu tôi rồi sẽ ra sao đây? Tôi buộc phải ra đi anh ạ…”
Tôi biết hai cháu đầu của anh đã tốt nghiệp đại học, đều là kĩ sư đi làm ổn định với mức lương trên bảy ngàn Euro. Cháu thứ ba đang theo học sau đại học. Với tư cách là một nhà quản lý giáo dục, tôi không biết phải lý giải trường hợp này thế nào. Chẳng lẽ đây cũng lại là một trường hợp cá biệt nữa?
Câu chuyện thứ năm.
Ở làng tôi, làng Triều khúc, nhiều người đều biết hai anh em nhà ông Phạm Xuân Lưỡng. Hai ông “chạy” để con cái sang hết Canada trong tình trạng cháu thì không vào được đại học, cháu thì không vào được phổ thông trung học. Ông chú tôi là bạn của hai người có lần đã nói với tôi “Không hiểu chúng nó sang bên ấy sẽ làm cái gì”?
Tôi được biết các cháu sang Canada nương nhờ vào một người bạn của hai ông. Nhưng các cháu vừa học, vừa phải đi làm, làm đủ các công việc kể cả đi đào giun ở cái xứ xa lạ, không có cha mẹ chăm sóc. Thấm thoắt hơn chục năm sau bốn cháu đều đã tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ. Các cháu vừa bảo lãnh cho mấy đứa em họ không thi được vào trường PTTH sang Canada. Các cụ nhà ta thường nói đầu xuôi đuôi lọt, tôi tin trong tương lai các cháu đó sẽ đều vào đại học.
Tôi không biết giải thích trường hợp này như thế nào theo tư duy của giáo dục Việt Nam. Chắc chắn đây không phải là một hiện tượng đơn lẻ nữa.
Câu chuyện thứ sáu
Mùa hè năm trước tôi có sang bang California hơn một tháng. Tôi có dịp thăm một số tập đoàn lớn tại thung lũng silicon (Xin xem bài Thăm Thung lũng silicon trong trang Facebook này cách đây hơn một năm). Tình cờ tôi gặp vợ chồng cô bạn sang thăm con. Tôi biết cháu Chí từ thời còn học phổ thông trung học. Chí là người có cá tính, thông minh, nhưng các trường đại học ở Việt Nam không chấp nhận cháu. Cháu quyết tâm theo học tiếng Anh và xin sang học ở một trường đại học Mỹ. Cháu theo học khoa học máy tính. Tốt nghiệp đại học Chí tiếp tục xin học tiến sĩ khoa học máy tính. Nhà trường không cho học bổng theo học đúng chuyên ngành, nhưng khuyến khích cho học bổng theo học công nghệ sinh học. Sau 5 năm Chí đã xuất sắc hoàn thành luận án tiến sĩ. Hiện cháu đang làm cho một trong những tập đoàn danh giá nhất ở Thung lũng Silicon.
Cũng ở Thung lũng Silicon, tôi có dịp gặp một số thanh niên Việt đang làm việc ở tập đoàn Facebook, Google, Yahoo… Hàng nghìn sinh viên Việt đang làm việc tại thung lũng này. Họ đều là những kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ vừa tốt nghiệp các trường đại học Mỹ. Tôi được biết không ít người trong số họ không đủ điểm để vào học đại học ở Việt Nam. Thậm chí một số cháu còn phải sang bên Mỹ học tiếng Anh trước khi xin vào học các trường đại học Mỹ. Nhưng tại sao những học sinh thất bại ở Việt Nam lại thành công ở xứ người. Họ trở thành những con người xuất sắc làm việc ở “ bộ não khoa học kỹ thuật” của nước Mỹ và của cả nhân loại?
Câu chuyện thứ bẩy.
Tôi có người bạn đồng ngũ. Anh xây dựng gia đình muộn hơn bạn bè. Bù lại con đường công danh sự nghiệp của anh khá suôn sẻ. Anh được nhà nước cử sang làm đại sứ quán ở một nước phương Tây. Theo tiêu chuẩn anh được phép mang gia đình đi theo. Trong nhiệm kỳ công tác, hai cháu theo anh sang học ở một nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới.
Hết nhiệm kỳ cháu lớn ở lại nước ngoài học đại học. Cháu thứ hai trở về nước. Một hôm anh đến nhà tôi, chưa kịp ngồi xuống anh đã thốt lên: “Tôi chết dở rồi anh ạ. Đứa thứ hai nhà tôi không thể học được ở Việt Nam. Toàn bị điểm kém. Xin chuyển trường mấy lần rồi vẫn không ổn. Nó cứ nằng nặc đòi sang bên kia học. Không khéo tôi phải bán nhà lấy tiền cho nó sang học bên kia mất”. Tôi trả lời anh: “Làm gì đến nỗi ấy. Cứ bình tĩnh. Tôi biết cháu được điểm A tất cả các môn học ở trường Tây mà”.
Hết năm học đó anh gọi điện báo cho tôi biết đã bán ngôi nhà trong nội thành để mua một ngôi nhà ở ngoại thành. Và con anh đã được gửi sang bên kia học. Tôi bắt đầu tin vào tác giả cuốn sách “Cú sốc tương lai” của Mỹ nói về hậu quả giáo dục con em những gia đình phải di chuyển khỏi nơi cư trú.
Câu chuyện thứ tám (bởi bài viết đã quá dài tôi xin gộp bốn năm câu chuyện trong một câu chuyện cuối này).
Ba mươi năm làm cán bộ quản lý ở trường công tôi thấy đã quá đủ. Tôi xin về hưu sớm để làm cán bộ quản lý cho một, hai trường tư thục bán quốc tế. Trải nghiệm đau lòng và cay đắng nhất trong thời gian đó là tôi phải chia tay với một số học sinh Việt Nam theo học ở những nước tiên tiến chuyển về trường tôi. Các em phải bỏ học vì bị sốc “văn hóa học đường” và vì không chịu nổi các loại áp lực của trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông ở Việt Nam, mặc dù các em là học sinh giỏi của các nước tiên tiến hàng đầu thế giới.
Tiêu biểu trong số những em học sinh đó là em Đinh Thị Thảo My. Em là một học sinh gái thông minh, có khả năng về toán học, hội họa và thích viết văn. Điều tôi trân trọng nhất ở em là khả năng tự học qua các sách giáo khoa toán học, khoa học của Anh, Singaporo bằng tiếng Anh. Đặc biệt là khả năng tự học qua các trang mạng nổi tiếng như Khan Academy. Com. Ở trường tôi, các bài kiểm tra môn khoa học tự nhiên em thường được điểm 8, 9. Bố mẹ em đều là những trí thức dạy ở những trường đại học của Anh, Singapore và Việt Nam.
Em Thảo My học ở nước ngoài cho đến hết lớp 6. Về nước, mới đầu em học ở trường công, trường công thứ nhất, trường công thứ hai, rồi trường công thứ ba. Với cả ba trường công ở một quận, em đều không thể tạo ra được mối quan hệ với trường lớp mới, thầy cô mới, bạn bè mới. Mỗi ngày đi học em đều cảm thấy rất nặng nề. Giờ học nào, ngày nào cũng phải nghe thầy cô giảng giải và ghi chép đến rụng rời tay, rồi lại còn phải làm một đống bài tập.
Em luôn cảm thấy căng thẳng, căng thẳng đến không thể chịu đựng được. Có lần em hét lên trong lớp. Em còn có cảm giác bị bỏ rơi. Em chỉ mong chóng được về nhà, đóng cửa đi nằm, sống với thế giới riêng của mình. Dần dần em xin nghỉ học một buổi trong tuần, rồi hai buổi, rồi nghỉ học hẳn. Em muốn bố mẹ dạy em ở nhà, cắt đứt mối quan hệ với ngôi trường công thứ nhất, ngôi trường thứ hai, rồi đến ngôi trường thứ ba.
Em nói với bố mẹ, thầy cô ở các trường đó đều không thân thiện, không công bằng như ở nước ngoài. Thậm chí dạy tiếng Anh còn dở òm. Bố mẹ em rất lo lắng, xin cho Thảo My vào học ở trường tôi đang công tác, ngôi trường tiệm cận quốc tế song ngữ với hi vọng môi trường tư thục mới sẽ khiến em thích đến trường. Nhưng học ở trường tôi, em cũng chỉ chịu được ba tháng.
Em không chịu đeo khăn quàng đỏ. Em không chịu kí vào tờ cam kết thực hiện an toàn giao thông. Em không chịu kí vào tờ cam kết không sử dụng và tàng trữ ma túy. Em không tham gia vào bất kì cuộc thi nào do ngành giáo dục phát động. Em nói với cô chủ nhiệm em không thích, nên không phải kí hay tham gia những điều em không thích. Em còn xin không học một số môn học mà em không phải học ở nước ngoài... Nói tóm lại là, em không thích ứng được với môi trường giáo dục Việt Nam.
Dù là trường áp dụng chương trình tiệm cận quốc tế, nhưng trường tôi vẫn là trường của Việt Nam. Chúng tôi vẫn phải tuân thủ theo chương trình, nội dung giáo dục của Việt Nam. Tôi khuyên bố mẹ Thảo My, bố mẹ mấy em học sinh học ở Anh, ở Đức và ở Singapore nên cho các em trở lại ngôi trường cũ ở nước ngoài, hoặc xin vào học ở một trường quốc tế hoàn toàn theo khung chương trình quốc tế. Nhưng phần lớn các bậc phụ huynh đều lắc đầu, không có điều kiện kinh tế để theo hướng đó. Tôi không biết bây giờ các em ra sao nữa.
Qua những trải nghiệm như trên tôi không biết kết luận giáo dục của người ta đi đúng hướng hay giáo dục của mình đi đúng hướng. Vấn đề không phải hoàn toàn vì chúng ta nghèo nên cánh cửa vào PTTH chỉ tiếp nhận khoảng 70% học sinh THCS, còn cánh cửa đại học, cao đẳng chỉ tiếp nhận được khoảng 30-40 % thí sinh thi có điểm cao mà thôi. Ba môn thi bình quân mỗi môn 8 điểm vẫn trượt đại học…
Vấn đề là con em chúng ta học ở các trường nước ngoài đều ổn. Nhưng con em người nước ngoài không học được trường của Việt Nam. Con em các nước phương Tây sống ở Việt Nam đều học tại trường của Liên hợp quốc (ở phố Liễu Giai, Hà Nội). Người Nhật sang Việt nam con em họ học ở trường Việt-Nhật (học sinh Việt Nam cũng xin theo học ở trường này). Người Hàn sang Việt Nam con em họ học ở trường Hàn Quốc (người Việt cũng xin theo học ở trường Hàn Quốc)… Không một học sinh nước ngoài nào học ở trường phổ thông của Việt Nam.
Vấn đề là giáo dục của chúng ta không phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh. Những sản phẩm giáo dục “không có chất lượng cao”, thậm chí những sản phẩm bị lỗi, bị loại ở Việt Nam tại sao lại tỏa sáng ở xứ người? Và những sản phẩm có chất lượng ở các nước tiên tiến lại tàn lụi trong nền giáo dục của chúng ta? Vậy hệ thống đánh giá giáo dục thuần dựa trên thi cử, thuần dựa trên điểm số của ta là đúng hay không ổn? Liệu nền giáo dục còn lạc hậu của chúng ta có đánh mất một nguồn lực trí tuệ của hàng vạn, hàng triệu học sinh Việt Nam trong mấy chục năm qua?
Tôi không dám nói là nền giáo dục của chúng ta đã đi chệch hướng như một số giáo sư đã nhận định. Nhưng tôi chắc chắn rằng ông Obama đã đúng. Chương trình chống đói nghèo tốt nhất chính là một nền giáo dục đẳng cấp thế giới. Giáo dục không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn thay đổi số phận của con người, thay đổi số phận của một dân tộc. Hy vọng rằng lần cải cách giáo dục này chúng ta sẽ không lỡ nhịp với dòng chảy giáo dục tiên tiến của thời đại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.