Liệu cải cách giáo dục có đáp ứng được yêu cầu

1 comment

 Liệu cải cách giáo dục có đáp ứng được yêu cầu

Năm học 2020-2021 mới bắt đầu. Đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục thực hiện cải cách giáo dục. Mặc dù rút kinh nghiệm khá nghiêm túc những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được về mục tiêu, nội dung chương trình, sách giáo khoa, hình thức thi cử… nhưng cuộc cải cách lần này vẫn khiến người ta băn khoăn, hoài nghi về kết quả của nó.
Cũng chính từ những băn khoăn, hoài nghi, thậm chí tranh cãi từ cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội đến dư luận xã hội và các cơ sở giáo dục mà chương trình cải cách giáo dục được ban hành từ năm 2018, định áp dụng từ năm 2019, đến năm học này mới chính thức bắt đầu ở lớp 1; năm 2021-2022 mới áp dụng cho lớp 2 và lớp 6; năm 2022-2023 mới áp dụng cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10; để rồi tiếp sau hai năm nữa, hết năm học 2024-2025 mới cuốn chiếu hoàn thành.
Theo như tôi được biết, điểm mới nhất của cải cách lần này (tôi gọi là lần cải cách thứ 4) là: i, các nhà hoạch định chính sách đã xem xét lại mục tiêu phù hợp với Luật giáo dục mới năm 2019; ii, xây dựng một chương trình áp dụng cho toàn quốc nhưng có nhiều bộ sách; iii, giáo dục hướng tới phát huy phẩm chất, năng lực cho học sinh; iiii, giảm tải kiến thức hàn lâm (có môn tới 30-40%); iiiii tăng cường vận dụng kiến thức kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống qua các bài học có hệ thống…
Mặc dầu công việc chuẩn bị và triển khai khá chu đáo và thận trọng nhưng tôi không quá kì vọng vào cuộc cải cách lần này. Người ta đã làm cho xã hội thất vọng hai lần rồi. Những nhà hoạch định chính sách, những nhà giáo dục, những nhà quản lí, sản phẩm của một nền giáo dục bút lông và bút sắt, sản phẩm của một xã hội nông nghiệp mới bước vào xã hội công nghiệp đã để lại đậm dấu ấn của một nền giáo dục cũ và lạc hậu trong hai đợt cải cách vừa qua. Còn thế hệ mới, trên cơ sở của nền giáo dục hiện thời đã tham khảo các nền giáo dục tiên tiến và mới bắt đầu đi bước đầu tiên ở lớp 1. Hãy chờ xem ngành giáo dục sẽ làm được gì trong thời gian một năm tới (đương nhiên là còn phải chỉnh sửa)
Dự kiến kinh phí ban đầu cho đợt cải cách giáo dục lần thứ 4 này là trên 70 nghìn tỉ. Thậm chí đến hàng trăm ngàn tỷ mà vực dậy được nền giáo dục vốn lạc hậu và xuống cấp như hiện tại thì thật quá tốt. Vấn đề là nó không phụ thuộc nhiều vào kinh phí, phụ thuộc vào việc học cái gì mà phụ thuộc vào cơ chế giáo dục, phụ thuộc vào con người giáo dục, phụ thuộc vào cách thức học như thế nào và học để làm gì.
Có thể tôi đã quá thận trọng vì những sai lầm trong cải cách giáo dục trước đây. Lần cải cách đầu tiên, cải cách lần thứ nhất vào năm 1956, sự nghiệp giáo dục phổ thông của đất nước chúng ta, theo tôi đánh giá là khá thành công với hệ thống giáo dục 10 năm. Cấp 1 bốn năm, từ lớp 1 đến lớp 4. Cấp 2 ba năm, từ lớp 5 đến lớp 7. Cấp 3 ba năm, từ lớp 8 đến lớp 10.
Mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục, nội dung giáo dục và sách giáo khoa trong đợt cải cách lần thứ nhất sau khi miền Bắc vừa được giải phóng, lẽ đương nhiên mang dấu ấn của nền giáo dục Xô Viết, thiên về lý thuyết hàn lâm, nhưng với sự sáng tạo cùng với kinh nghiệm của nền giáo dục thời thuộc địa, các nhà hoạch định chính sách, những người tổ chức thực hiện cùng với đội ngũ nhà giáo trong thời gian đó đã “đảm bảo yêu cầu giáo dục, yêu cầu khoa học, dân tộc và đại chúng”. Họ đã góp phần xứng đáng tạo nên một thế hệ, thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh của dân tộc giao cho, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa hoàn thành thắng lợi công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam.
Năm 1975 đất nước thống nhất. Hai miềm Nam, Bắc có hai hệ thống giáo dục khác nhau. Sau nhiều lần sửa đổi chắp vá, chúng ta đã quá vội vàng với cải cách lần thứ 2 và lần thứ 3 . Hai lần cải cách sau, tôi được chứng kiến và trực tiếp tham gia. Cả hai cuộc cải cách đều mang tính chủ quan, duy ý chí; áp đặt từ trên xuống tới cấp cơ sở với tư duy nóng vội, đi tắt đón đầu để bắt kịp các nước tiến tiến về khoa học kỹ thuật (một ảo tưởng).
Cuộc cải cách lần thứ 2 bắt đầu vào những năm 80 của thế kỉ trước. Cuộc cải cách bắt đầu trong bối cảnh đất nước bắt đầu lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế và xã hội. Lương hiệu phó của tôi không mua nổi 10kg gạo ngoài thị trường. Hàng hóa, lương thực thực phẩm thiếu trầm trọng. Nhiều gia đình nông dân sáng ăn tạm củ khoai, củ sắn. Trưa đi làm về, thời gian giáp hạt phải ăn cháo. Đời sống giáo viên lúc đó cùng cực nhất. Nhiều giáo viên phải bỏ nghề. Vậy mà người ta vẫn cứ quyết định cải cách.
Nghe các cấp phổ biến cải cách giáo dục ai cũng lo lắng. Mục tiêu giáo dục đặt ra cao vòi vọi. Phải giúp học phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ; phải có tri thức tiên tiến về khoa học tự nhiên, về xã hội, về con người; phải có các kĩ năng cơ bản nhằm hình thành con người Việt Nam Xã hội chủ nghĩa... Trong khi đó, điều kiện cơ sơ vật chất không có cái gì để thực hiện cải cách giáo dục. Trường không ra trường, lớp không ra lớp. Không đủ giáo viên bộ môn. Không có giáo viên chuyên thể dục, âm nhạc, mỹ thuật. Chương trình và sách giáo khoa thì như để đào tạo ra những nhà khoa học…
Hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm kéo dài thêm, chuyển sang hệ thống giáo dục 12 năm giống như hệ thống giáo dục miền Nam cũ. Cấp 1 sáp nhập với cấp 2 thành cấp phổ thông cơ sở từ lớp 1 đến lớp 9. Cấp 3 chuyển thành cấp phổ thông trung học từ lớp 10 đến lớp 12.
Cuộc cải cách này được bắt đầu từ lớp 1. Người ta xóa bỏ phương pháp giáo dục của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người đã đưa ra giải pháp khoa học về học thuật lẫn thực tiễn, gọi tên chữ theo âm. Phương pháp này đã sử dụng trong ”Phong trào bình dân học vụ” để xóa bỏ nạn mù chữ của 95% dân số Việt Nam sau năm 1945. Những người làm cải cách giáo dục đã sáng tạo ra cách đánh vần mới: đánh vần âm giữa và cuối trước, sau đó mới ghép phụ âm đầu vào thành tiếng. Họ đưa cả khái niệm nguyên âm và phụ âm vào cho đứa trẻ 6 tuổi học. Đồng thời họ chủ trương bỏ tất cả các nét phụ của hệ thống chữ cái và lần đầu tiên đưa các khái niệm toán học phức tạp vào lớp 1.
Kết quả sau năm học đầu triển khai cải cách đã có vài trăm ngàn học sinh lưu ban lớp 1 và một thế hệ chữ viết như que củi nguệch ngoạc ra đời. Cứ thế, họ cuốn chiếu chương trình cải cách vội vàng, duy ý chí và nhiều sai lầm cho đến hết lớp 12 với bao hệ lụy đáng buồn đến ngày nay cho ngành giáo dục.
Sai lầm đầu tiên là người ta quá tham vọng về mục tiêu giáo dục trong điều kiện không có cơ sở vật chất. Từ tham vọng mục tiêu đã dẫn đến chương trình và sách giáo khoa quá nặng, quá tải, quá sâu. Tiếp đến là sai lầm trong việc đánh giá kết quả giáo dục học sinh dựa trên điểm số và thi cử. Chế độ kiểm tra và thi cử hết sức nặng nề diễn ra từ lớp 1 đến lớp 12. Đầu điểm lớp 5 hàng tháng lên tới 20 đầu điểm; lớp 9 và lớp 12 có môn tính theo hệ số, một học kì có tới 15 đầu điểm. Rồi thi tốt nghiệp lớp 5, thi tốt nghiệp lớp 9, thi tốt nghiệp lớp 12, thi đầu vào lớp 6, thi tuyển vào lớp 10, thi đại học cao đẳng…
Ở các thành phố lớn, với trình độ sư phạm hạn chế, cán bộ quản lí từ trên xuống cấp trường đua nhau cổ vũ tổ chức cho học sinh học và thi vào trường chuyên, lớp chọn. Chế độ đánh giá dựa trên điểm số, chế độ kiểm tra thi cử nặng nề với sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt, cùng với những sáng tạo tự biên tự diễn thiếu hiểu biết đầy đủ trong giáo dục, trên thế giới có lẽ chỉ có ở Việt Nam.
Người ta đã sửa đổi nhiều khuyết tật của cách cách giáo dục lần thứ hai. Tuy nhiên những cái sai không thể sửa được cũng vẫn còn tồn tại. Và rồi như để bào chữa cho sự nóng vội, có thể nói là sự thất bại của cải cách giáo dục lần thứ 2, bắt đầu từ năm học 2001- 2002, người ta bắt đầu cải cách giáo dục lần thứ 3.
Cải cách lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội. Yêu cầu đặt ra cần phải cải cách giáo dục là đúng. Điều kiện tiền đề để cải cách giáo dục có thể nói là có cơ sở. Nhưng vẫn những con người cũ với lối tư duy của một thời gian dài ảnh hưởng của nền giáo dục Xô Viết, vẫn tập thể tác giả ấy, vẫn hội đồng thẩm định ấy, họ triển khai đồng loạt cải cách giáo dục với một tham vọng to lớn hơn, hoành tráng hơn cả về mục tiêu lẫn nội dung chương trình so với lần cải cách thứ 2 để “cho ngang tầm với thời đại”.
Nghe thì có vẻ hợp lí. Nội dung có vẻ khoa học lắm. Thầy cô phấn khởi lắm. Nhưng kết quả thật đáng buồn. Có địa phương buổi sáng học sinh học lớp 2, buổi chiều học lại lớp 1 vì chưa biết đọc biết viết. Chương trình toán học, văn tiếng việt từ lớp 1 đến lớp 12 đều quá nặng, quá tải, quá sâu. Có chuyên gia giáo dục nước ngoài nhận xét bộ sách giáo khoa toán cấp trung học “rất khoa học, rất logic, nhưng rất đáng tiếc đó là giáo trình đại học thu gọn lại”. Chương trình vật lí, hóa học, sinh học, ở các cấp đều nặng tính hàn lâm, cổ điển.
Chương trình học phân ban 90% học sinh không hưởng ứng. Hay nói chính xác là 90% học sinh chỉ học ban cơ bản, chỉ có 3% học sinh chọn ban xã hội. Có thể nói cuộc cải cách lần thứ 3 là sự thất bại thảm hại. Hậu quả việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan từ thành thị tới nông thôn. Chủ nghĩa điểm số, hình thức thi cử ngày càng nặng nề. Bệnh thành tích kèm theo sự giả dối trong thi cử đi song hành với các trường học (với mục tiêu, nội dung chương trình như quy định dù học thêm cả ngày lẫn đêm, từ lò luyện trường, lò luyện thi các trung tâm đến các lò luyện thi ở hang cùng ngõ hẻm, chất lượng đại trà giỏi lắm cũng chỉ đạt 50%, nhưng chúng ta đã “phù phép” để có được thành tích từ 85 đến 100% thi đỗ tốt nghiệp các cấp).
Những năm 1960, 1970 giáo dục Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu với các nước bạn bè, với các nước xung quanh, còn từ những năm 1980 đến bây giờ thì sao? Trong bảng xếp hạng của thế giới càng những năm về sau, Việt Nam ngày càng tụt hạng, chỉ trừ thành tích thi cử gà nòi (Theo bảng xếp hạng mới nhất của thế giới, top 10 theo thứ tự từ 1-10 gồm có Anh, Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Úc, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hà Lan. Ở khu vực Đông Nam Á: Singapore xếp thứ 20, Malaysia (44), Thái Lan (53), Philippines (55), Indonesia (56), Việt Nam (65/80). Có nghĩa là chúng ta ở vị trí áp chót bảng xếp hạng. Xếp trên Lào và Cămpuchia hiện tại. Trong tương lai thì chưa chắc vì năng lực ngoại ngữ của học sinh chúng ta còn kém họ). Sao giáo dục Việt Nam lại đến nông nỗi này? Kết quả 15, 16 năm dưới mái trường, không biết bao nhiêu học sinh, sinh viên trình độ thầy không ra thầy, thợ không ra thợ?
Tôi không trích dẫn những nhận xét về cải cách giáo dục của nhiều giáo sư có tên tuổi vì lời lẽ quá gay gắt, nặng nề. Chỉ xin được trích dẫn lời của Giáo sư Hoàng Tụy, một trong hai người khai sinh ra nền toán học Việt Nam, cha đẻ của toán tối ưu hóa toàn cục trong toán ứng dụng của thế giới:
"Giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và vận hành như một hệ thống phức tạp mới có hy vọng tránh khỏi sai lầm, thất bại. Lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu một tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, "đổi mới" liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, thiếu sinh khí, thường xuyên trục trặc... Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học thuật đã thiếu vắng đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua không những không có tác dụng mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như thế mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên."
Cải cách giáo dục lần thứ 4 bắt đầu vận hành. Người ta đã có sự tham khảo sâu rộng các nền giáo dục tiên tiến và theo hướng phát huy phẩm chất năng lực người học. Điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên dù còn phải bàn nhưng có thể nói là tạm đáp ứng được. Trên hết là yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0 đang đặt ra một cách cấp thiết cần phải cải cách giáo dục. Liệu cải cách giáo dục lần này chúng ta có bỏ lỡ cơ hội? Tôi nghĩ không chỉ có ngành giáo dục vào cuộc mà toàn đảng, toàn dân đều phải vào cuộc một cách quyết liệt.
Trước mắt, theo tôi cần thay đổi nhận thức, đổi mới phương pháp giáo dục, xóa bỏ được quan niệm học để đi thi. Chấm dứt tình trạng học nhồi nhét, tình trạng thày trò từ lớp 1 đến lớp 12 hết năm này sang năm khác gồng mình lên, học trong trường, học ngoài trường, học ngày học đêm, học thêm đủ hình thức theo khối lượng tri thức để đi thi. Học sinh học để đi thi, ngoài ra không biết học để làm việc gì khác. Ngành giáo dục cũng như toàn xã hội phải thật sự thấm nhuần phương châm của Bác dạy học phải đi đôi với hành, phương châm của Liên Hợp Quốc đề ra: Học để biết, học để làm việc, học để hòa nhập, học để tự khẳng định mình.
(Kết thúc bài viết tôi vừa nhận được một thông tin, học sinh lớp 1 năm nay phải cõng tới 23 đầu sách với giá hơn 800.000 đồng một bộ. Tôi nghĩ đây là một cảnh báo nguy hiểm. Cần phải xem xét lại cái nào đúng cái nào sai. Nếu không, cứ cái đà thì lại nhồi nhét sách giáo khoa, nhồi nhét kiến thức, lại làm mất đi tuổi thơ, làm mất đi khả năng tự học, khả năng sáng tạo của học sinh; lại biến các em thành những người thụ động trong khi tuổi của các em cần nhiều thời gian để chơi).
Nguyen Thi Kieu Van, Phan Thế và 79 người khác
73 bình luận
23 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

1 nhận xét:

  1. Khi nào nên thực hiện siêu âm buồng trứng?
    Trên thực tế, rất nhiều người chủ quan về tình trạng sức khỏe sinh sản dù cơ thể xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Họ thường có tâm lý mặc kệ hay khi nào đau nhiều quá mới đi khám. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng điều trị và phục hồi các bệnh lý phụ khoa.

    Siêu âm với các phương pháp hiện đại tại đa khoa Phương Nam

    Trả lờiXóa

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.