Quan hệ Trung Mỹ sẽ đi về đâu

Leave a Comment

 

Bài này tôi viết từ tám năm trước. Cách đây 4 năm khi Donald Trump trúng cử tổng thống Hoa Kỳ tôi đã sửa lại và bổ sung đăng trên blog cá nhân. Năm nay khi Joe Biden đắc cử tôi tiếp tục viết lại. Bài viết khá dài, dựa trên nhiều nguồn tài liệu. Tôi chia làm 3 phần, xin được chia sẻ cùng bạn đọc.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại, quan hệ Mỹ-Trung có tầm quan trọng đặc biệt. Quan hệ giữa hai nước đã tác động và ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia khu vực châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trải qua gần 70 năm, từ một nước đông dân nhất thế giới, một nước đói nghèo thuộc thế giới thứ 3, giờ đây Trung Quốc nổi lên trở thành một cường quốc lớn nhất về kinh tế sau Mỹ. Có thể nói sau cuộc Chiến tranh Lạnh, khi siêu cường Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc hiện tại đang đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ. Mâu thuẫn Mỹ-Trung không chỉ là mâu thuẫn về ý thức hệ mà còn là mâu thuẫn nằm trong hệ thống quan hệ quốc tế. Liệu lãnh đạo hai nước có thể điều hòa những mâu thuẫn này bằng biện pháp hòa bình? Liệu Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ có chịu chia sẻ vị thế siêu cường và quyền lợi với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa? Liệu một cuộc chiến tranh nóng hay một phiên bản chiến tranh Lạnh 2.0 giữa một quốc gia đã và đang là “bá chủ” và một quốc gia đầy tham vọng muốn thay thế vị trí số 1 có thể xảy ra?
Theo một số nhà nghiên cứu, hai đối thủ Mỹ-Trung đã bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh từ mười năm trước, năm 2010. Theo cuốn Hồi ký của Barack Obama (Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ từ tháng 1/2009 đến tháng 1/2017), nếu không xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới vào năm 2007-2008, cuộc chiến có lẽ xảy ra sớm hơn vài năm. Để trả lời cho những câu hỏi dự đoán trên, chúng ta cùng tìm hiểu mối quan hệ Mỹ -Trung từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời đến nay.
Quan hệ Mỹ-Trung từ năm 1949 đến năm 2010:
Quan hệ Mỹ-Trung trong thời gia này đã trải qua nhiều thăng trầm. Từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến năm 1972, hơn hai mươi năm Mỹ-Trung là kẻ thù không đội trời chung. Quan hệ hai nước trong bối cảnh cuộc chiến tranh Lạnh luôn ở bên bờ vực chiến tranh, thậm chí Mỹ đã tính đến sử dụng lực lượng hạt nhân chiến thuật sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nhưng bắt đầu từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, do gặp nhiều khó khăn, giới cầm quyền hai nước đã đến với nhau và cả hai đều điều chỉnh chính sách của mình.
Về phía Mỹ, họ phải hy sinh Đài Loan, nhượng bộ Trung Quốc ngồi vào ghế uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm mục đích giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sử dụng ảnh hưởng của Mỹ với Trung Quốc như là đòn bẩy chống lại Liên Xô. Đồng thời Mỹ cũng mong muốn có được các mối quan hệ kinh tế có lợi đối với Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, họ chuyển từ chính sách mang nặng ý thức hệ sang chính sách thực dụng “mèo trắng cũng như mèo đen”, sát cánh với Mỹ chống Liên Xô, lợi dụng mâu thuẫn giữa hai siêu cường để tìm kiếm lợi ích quốc gia. Nhân tố Mỹ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc chuyển dần từ kẻ thù trực tiếp sang một dạng đồng minh đôi bên cùng có lợi. Điều quan trọng là cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ giúp Trung Quốc đặt nền móng và phát triển quan hệ với thế giới phương Tây. Từ chỗ bị cô lập, Trung Quốc có cơ hội vươn rộng ra cộng đồng quốc tế. Chính điều này đặt nền móng cho công cuộc cải cách kinh tế thần kỳ mà Đặng Tiểu Bình khởi xướng ở giai đoạn sau. Mâu thuẫn lớn nhất giữa hai nước về ý thức hệ tạm thời được gác lại.
Nhìn vào mối quan hệ Mỹ-Trung trong thời kỳ này, chúng ta thấy Mỹ là bên chủ động. Mỹ chính là đột phá khẩu cho chiến lược hướng ra bên ngoài của Trung Quốc. Với tư cách là một thị trường, Mỹ trở thành một đối tác cần thiết có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển về mọi mặt, cụ thể là Bốn hiện đại hóa (Four Modernization) trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc hiện đại.
Từ những năm 1980 trở đi, quan hệ Mỹ-Trung vẫn là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau, họ tập hợp lực lượng để tạo thế so sánh trong quan hệ với Liên Xô. Khi quan hệ Mỹ-Xô đi vào thế hòa hoãn cuối những năm 80, đặc biệt là vào năm 1989, sau sự kiện Thiên An Môn, Bắc kinh dùng xe tăng nghiền chết sinh viên biểu tình, vị trí của Trung Quốc trong chiến lược của Mỹ bị hạ thấp. Và sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ ra sức thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình. Trung Quốc lẳng lặng phát triển kinh tế, ổn định nội bộ. Họ khôn ngoan không thành lập mặt trận chống Mỹ như trong giai đoạn đầu. Mặc dù có nhiều sóng gió trong quan hệ hai nước, nhưng Trung Quốc đã thành công phát triển kinh tế và thực hiện chính sách “giấu mình chờ thời” của chiến lược gia Đặng Tiểu Bình (trong khoảng thời gian này, được sự đồng ý và làm ngơ của Mỹ, Trung Quốc đã phát động hai cuộc chiến tranh với Việt Nam: Cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 và cuộc chiến tranh xâm chiếm 7 đảo Trường Sa năm 1988).
Sự kiện 11 tháng Chín năm 2001, sự kiện khủng bố đánh vào tòa tháp đôi, biểu tượng kinh tế của nước Mỹ, giết hại gần ba nghìn người là cơ hội “trời cho” đối với Trung Quốc. Cả đất nước Trung Quốc ăn mừng sự kiện này. Mỹ lao vào cuộc chiến chống khủng bố và sa lầy trong hai cuộc chiến ở Afganistan và Iraq, tiêu tốn hàng ngàn tỉ đô la cùng với rất nhiều nguồn lực con người trong mớ bùng nhùng Trung Đông. Lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố, tận dụng xu thế toàn cầu hóa với vốn, khoa học và công nghệ của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã biến mình thành công xưởng của thế giới, có nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới và vươn lên trở thành một cường quốc ở châu Á, đồng thời bước lên sân khấu toàn cầu. Đáng chú ý hơn là dựa vào tiềm lực kinh tế ngày một lớn của mình, Trung Quốc không ngừng đầu tư cho quốc phòng và hiện đại hóa quân đội. Mức độ chi tiêu cho quốc phòng liên tục tăng trong nhiều năm, chỉ đứng sau Mỹ.
Bước sang thiên kỷ mới sau mười năm, mặc dầu bắt đầu bộc lộ nhiều mâu thuẫn, quan hệ Mỹ-Trung vẫn phụ thuộc vào nhau về chính trị, kinh tế, ngoại giao. Họ là đối thủ của nhau nhưng đồng thời cũng là đối tác của nhau. Điều này khác hẳn với quan hệ Mỹ-Xô trong thời gian chiến tranh lạnh. Hai siêu cường kéo theo hai phe đối lập nhau trên tất cả các mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự.
Quan hệ Mỹ-Trung vào năm 2010 phức tạp hơn nhiều. Mỹ không còn là một siêu cường trong thời hoàng kim. Trung Quốc cũng không chỉ đơn thuần là một cường quốc “Cộng sản độc đoán”. Chính sách của Trung Quốc cũng không chỉ là mèo đen hay là mèo trắng. Họ đang tối đa tầm ảnh hưởng ở khu vực Tây Thái Bình Dương; xây dựng các mối quan hệ kinh tế với các nước, phát huy lợi thế với các nước trong khu vực xung quanh, đồng thời tìm kiếm vai trò lớn hơn tại các thể chế đa phương quốc tế; tìm mọi cách thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan và khẳng định yêu sách chủ quyền một Trung Quốc với các nước còn quan hệ chính trị với Đài Loan; tăng cường sức mạnh quốc phòng và phạm vi hoạt động quân sự, đặc biệt là xây dựng phát triển sức mạnh biển; duy trì quan hệ tích cực và có lợi với Mỹ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cạnh tranh đối đầu chiến lược Mỹ-Trung ở châu Á-Thái Bình Dương.
Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là hoàn thành việc xây dựng một xã hội “khá giả” trên mọi lĩnh vực vào năm 2021 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập; xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, vững mạnh, dân chủ, nâng cao đời sống văn hóa và hài hòa vào năm 2049 khi nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa đánh dấu chặng đường 100 năm ngày thành lập. Nhiệm vụ nòng cốt để thực hiện mục tiêu họ đề ra là gia tăng sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự để bảo vệ đất nước, mở rộng quyền lực ra phía đông Thái Bình Dương (nên họ càng thể hiện hành động cơ bắp ở Biển Đông), củng cố sức mạnh tiến vào Ấn Độ Dương; thực hiện Sáng kiến Vành đai Con đường, Vành đai kinh tế “Con đường tơ lụa” trên đất liền và Đường hàng hải “con đường tơ lụa mới” trên biển lấy Trung Quốc là trung tâm.
Nhìn lại quan hệ Mỹ-Trung từ 1949 đến 2010, các nhà quan sát quốc tế nhận thấy mối quan hệ này chứa đựng đầy đủ hai mặt hợp tác và cạnh tranh. Trong đó cạnh tranh là đặc điểm xuyên suốt qua mọi thời kì. Trong sự hợp tác lợi dụng lẫn nhau, cả hai bên đều thiếu sự tin tưởng. Trung Quốc luôn cảnh giác với chiến lược diễn biến hòa bình, can thiệp nội bộ, thay đổi chế độ của Mỹ. Và cũng vì sự khác biệt về hệ thống chính trị, Mỹ luôn tấn công Trung Quốc về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, vấn đề dân tộc, nạn ăn cắp bản quyền, gián điệp mạng, thao túng thị trường… còn Trung Quốc thì không hài lòng với trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây lãnh đạo. Trung Quốc chắc chắn sẽ không từ bỏ cạnh tranh với Mỹ và Mỹ cũng là đối thủ mà Trung Quốc muốn vượt qua

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.